Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Tình hình Biển Đông sẽ không đơn giản

 

Tình hình Biển Đông sẽ không đơn giản

Trương Nhân Tuấn

26-2-2021

Tình hình Biển Đông theo tôi sẽ không đơn giản như nhiều người đã suy nghĩ và phát biểu trên các mạng truyền thông trong và ngoài nước từ nhiều ngày qua. Cũng có thể cách suy nghĩ của mọi người đã bị “gò bó” theo nghị định của thủ tướng Phúc về các vấn đề “bí mật quốc gia”. Theo tôi VN sẽ “đứng một mình” trước TQ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển cũng như hải phận quốc gia của mình.

Luật mới của TQ về Hải cảnh trong chừng mực nhắm về VN hơn là đối với Nhật và Phi.

Ngay cả khi chính phủ Biden mới đây đã có những tuyên bố mạnh mẽ phản đối Luật Hải cảnh của TQ. Điều này không có ý nghĩa là Mỹ sẽ đứng về phía VN chống lại TQ trong các xung đột có liên quan tới lực lượng Hải cảnh TQ.

Tổ chức Hải cảnh của TQ, trên danh nghĩa tương tự như “United States Coast Guard – USCG” của Mỹ.

USCG là một lực lượng vũ trang, trước năm 2003 thuộc bộ Quốc phòng, có sứ mạng bảo vệ vùng “lãnh hải quốc gia”. Đến năm 2003 lực lượng USCG chuyển qua bộ Vận tải, sau đó được đặt dưới thẩm quyền của bộ An ninh nội bộ quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp với nước ngoài, lực lượng USCG sẽ được đặt dưới quyền của bộ Hải quân.

Như vậy trên phương diện pháp lý, USCG thuộc “dân sự” hay “quân sự”? Đây là “điểm mờ chiến lược” của lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ.

Về ý nghĩa, “lãnh hải quốc gia” theo UNCLOS là vùng nước 12 hải lý tính từ đường cơ sở bờ biển lục địa, hay từ đường cơ sở của đảo. Ta cũng có thể gộp các vùng nước gọi là “nội hải”, vùng biển quần đảo… vào danh mục “lãnh hải quốc gia”.

Trước 2013 lực lượng Hải cảnh của TQ đặt dưới quyền của bộ an ninh. Đến 2018 lực lượng này trực thuộc Quốc Vụ viện đặc trách vùng biển quốc gia. Hiện thời tổ chức Hải cảnh của TQ được đặt dưới sự kiểm soát của Quân ủy trung ương.

Như vậy tổ chức về Hải cảnh của TQ trong chừng mực khá tương đồng với tổ chức USCG của Mỹ. Lực lượng này có thẩm quyền khá giống với “quân cảnh”, tức “cánh sát quân đội”. Ta có thể xếp các hoạt động của lực lượng Hải cảnh TQ vô phần “hoạt động quân sự”.

Điều này cho thấy rằng việc kiện tụng liên quan tới các hoạt động của Hải cảnh là “con kiến kiện của khoai”. TQ bảo lưu mọi sự kiện tụng trước một trọng tài quốc tế liên quan các vấn đề “chủ quyền lãnh thổ”, “phân định vùng biển”, “hoạt động quân sự”…

Đối với Phi, nước này được bảo vệ hai lớp:

1/ Mỹ bảo vệ theo hiệp ước an ninh hỗ tương và

2/ Phán quyết của tòa PCA ngày 12 tháng Bẩy 2016.

Đối với Nhật, quần đảo Điếu ngư (Senkaku), trên quan điểm lịch sử và địa lý là một bộ phận dính liền với đảo Đài loan. Trên phương diện pháp lý thực tế là một “vùng xám”, vì không có gì xác định rõ rệt, từ việc Nhật tuyên bố chủ quyền 1892, hay sau đó Đài loan (và các đảo phụ thuộc gồm Điếu ngư) nhượng cho Nhật qua hiệp ước Shimonoseki 1895. Hòa ước San Francisco 1951 trả Đài loan lại cho Trung hoa (mà không xác định trả cho chính phủ cộng sản hay quốc dân đảng). Sau thời kỳ “quân quản”, Mỹ trả lại Senkaku cho Nhật năm 1972, mà việc này có nhiều tranh luận.

Nhưng Nhật được Mỹ bảo vệ thông qua khiệp ước an ninh hỗ tương. Mới đây Tổng thống Biden tái xác nhân Senkaku thuộc phạm vi hiệu lực của hiệp ước hỗ tương Nhật – Mỹ về an ninh.

Chỉ có VN là “đứng một mình”. Giả sử hải cảnh TQ tuyên bố “cấm vận” trong vòng 12 hải lý các đảo TS hiện do VN kiểm soát. Điều gì sẽ xảy ra?

Mỹ và quốc tế sẽ không có lý do can thiệp. VN đã “im lặng” trước các công hàm của TQ tuyên bố “VN đã bị estopped” trong “cuộc chiến các công hàm” ở Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ. Tức là VN không thể kiện cáo, hay làm bất cứ điều gì để chống lại các biện pháp của TQ thể hiện ở các “vùng lãnh thổ” của TQ.

Cũng trong “cuộc chiến công hàm” các quốc gia Châu Âu như Anh, Đức, Pháp đều “không có ý kiến” về các yêu sách chủ quyền giữa các bên về quần đảo TS. Từ lâu Mỹ cũng không có quan điểm phe nào có chủ quyền ở các đảo HS và TS.

Tranh chấp giữa VN và TQ trong trường hợp này không còn thuộc phạm vi UNCLOS, tranh chấp “do diễn giải hay áp dụng sai Luật Biển”, mà là tranh chấp “chủ quyền” các đảo TS.

Việc “cấm vận” trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo TS của Hải cảnh TQ sẽ đặt các quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Pháp… vào tư thế “khó chịu”. Các bên này không có lý lẽ để binh vực VN. Công hàm 1958 của chính phủ VNDCCH là “con dao cắt cổ” con gà mái VN.

Nghĩ lại bây giờ mới thấy tiếc. Ngày 29 tháng Năm năm 2014 tôi có gởi “lá thư mở” đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân vụ giàn khoan HD 981. Nội dung tôi nhấn mạnh về “tư cách quốc gia chưa hoàn tất” của hai bên VNDCCH và VNCH như là nền tảng để hóa giải công hàm 1958. Tôi không nhận được bất kỳ một sự quan tâm nào của nhà nước CSVN về đề nghị này.

Đáng tiếc là vì nếu VN có những vận động về pháp lý, đặt trên nền tảng các đề nghị của tôi, thì vấn đề tranh chấp với TQ đã có thể giải quyết được một phần quan trọng.

Hai clip video do cô Song Chi thực hiện nhân kỹ niệm hải chiến Hoàng sa 17-19 tháng Giêng công bố vừa qua tôi đã phân tích khá rõ tư cách pháp nhân của “quốc gia chưa hoàn tất” và các phương pháp hóa giải công hàm 1958. Nguyên tắc nền tảng của luật pháp luôn là “không có tư cách pháp nhân, không phải là đối tượng của luật thì không thể áp dụng luật lệ”. “Quốc gia chưa hoàn tất” không phải (hay chưa phải) là “quốc gia”. Không phải (hay chưa phải) là quốc gia thì không chịu sự ràng buộc của “công pháp quốc tế”.

Đến bây gờ thì e là quá trễ, ngoài phương pháp “chiến tranh” thì VN không còn biện pháp “hòa bình” nào khác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và hải phận quốc gia. TQ từng bước chậm mà chắc, buộc VN vào cái thế “bất chiến tự nhiên thành”.

Có học giả bình luận rằng VN xây dựng và vũ trang các đảo TS là nhằm gây tổn thất lớn lao cho TQ, nếu TQ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Điều này có lẽ không còn đúng nữa. Ngoại trừ VN có hạm đội cỡ Nhật hay tệ lắm là Nam Hàn.

Nói là TQ chưa bao giờ thắng VN hết cả và TQ chưa bao giờ thắng trận hải chiến nào hết cả. Cũng đúng thôi. Mà điều này không phải là “lời nguyền”.

Chiến tranh sắp tới, nếu xảy ra, giữa VN và TQ sẽ là không chiến, hải chiến và chiến tranh không gian mạng. VN ngoài các kinh nghiệm trận địa chiến và du kích chiến, cũng chưa bao giờ thắng ai trên mặt trận biển và không gian hết cả.

Lại càng lo hơn là vũ khí VN, các loại hỏa tiễn tầm xa thì không có, tầm gần thì mua của Nga và Ấn độ. Tàu bè cái thứ đều mua, hoặc được viên trợ. Tàu TQ chạy vòng quanh “cấm vận”, VN bắn hết đạn thì thôi (rồi lượm!).

VN thua xa Đài loan trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Đài loan chế tạo được hỏa tiễn bắn tới Bắc kinh, chế tạo được tàu chiến, phi cơ chiến đấu và làm chủ các công nghệ bán dẫn cũng như nguyên tử. Đánh Đài loan TQ sẽ bị tổn thất không thể tính toán, tệ hại là có thể làm kiệt quệ lục địa.

Đánh Nhật thì cũng vậy. TQ chưa đủ “tầm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.