Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Việt Nam lại có… vua như thời… Trung cổ?

 

Việt Nam lại có… vua như thời… Trung cổ?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các “tiên đế” tại Hoàng thành, Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang hối hả sửa chi tiết ông Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đế (1) thành dâng hưởng tưởng niệm các… bậc tiền nhân (2).

Về ngữ nghĩa, chỉ có Thiên tử của một triều đại mới gọi ông, cha của mình, vốn cũng từng làm… đế như mình là… tiên đế! Chuyện nhiều cơ quan truyền thông nhà nước loan báo ông Trọng dâng hương tưởng niệm… tiên đế không phải là lỗi kiến thức. Đó là vấn đề về nhận thức nên không có cá nhân nào trong hệ thống truyền thông chính thức dám tự tiện sửa hai từ… tiên đế khi loan tin về sự kiện ông Trọng dâng hương tưởng niệm, trồng cây lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu!

Việc hệ thống truyền thông sau đó sửa… tiên đế thành… các bậc tiền nhân chỉ là chuyện… chẳng đặng đừng sau khi dân chúng đồng loạt… chỉ trích và điều đó làm méo mó cả hình ảnh của… Hoàng thượng, lẫn… triều đình.

Trong một xã hội thật sự dân chủ, chắc chắn sẽ không có chuyện hệ thống truyền thông đưa tin giống nhau, sau đó được lệnh cùng sửa mà không xin lỗi, không giải thích vì sao lại thế! Hiện tượng này chỉ có thể xảy ra ở những quốc gia theo thể chế quân chủ.

Cần phải nói thêm, vào thời điểm này vẫn còn một số quốc gia có vua. Tuy nhiên vị trí, vai trò, hoạt động của những vị vua ở các xứ ấy phải theo Hiến pháp, pháp luật (quân chủ lập hiến). Chỉ có thời Trung cổ, vua mới đứng trên tất cả và trở thành cá nhân toàn quyền định đoạt đúng – sai, phải – trái (quân chủ chuyên chế). Về lý thuyết, Việt Nam đã từ bỏ chế độ quân chủ cách nay 76 năm sau khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị hồi 1945 nhưng trên thực tế, Việt Nam đang có vua và bản chất thể chế là một kiểu… quân chủ chuyên chế!

Đó là lý do không có bất kỳ đảng viên nào của đảng CSVN hay công dân nào của Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền tư nghị về phát biểu hay hành vi của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Phú Trọng. Đó cũng là lý do cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không dám can gián, điều chỉnh mà vừa phải răm rắp tuân theo, vừa phải tán dương tất cả các chỉ đạo, hành động của “đồng chí” Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước!

***

Cách nay ba năm, vào dịp Tết Mậu Tuất (2018), khi toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục thực hiện truyền thống… Tết trồng cây, ông Trọng từng phát biểu đại loại thế này:

… Chúng tôi nêu ý định năm nay là một cái Tết trồng cây bảo vệ rừng vì phá rừng nhiều quá nhưng phải làm sao cho thiết thực! Cứ cầm cái xẻng nghêu ngao. Cầm ra mút cán… người ta trông là biết ông này không trồng cây. Gảy gảy tí đất, chân thì đi giầy, xong lại đưa cái khăn với chậu nước… phản cảm quá! Rồi cây thì to đùng xây sẵn mấy vòng xung quanh rồi! Điều đó đã nói rồi nhưng dưới địa phương ‘nó’ không chịu chuyển. ‘Nó’ cứ chuẩn bị sẵn! Thậm chí cái cán xẻng – tôi nói nhiều lần lắm rồi – mà ‘nó’ cứ quấn xanh xanh, đỏ đỏ… rồi trồng cây phải đi găng tay này, xong rồi có người đưa cho cái khăn lau tay… Tôi bảo ‘không’, tớ nông dân quen rồi phủi cái là sạch rồi (3)

Năm nay – Tết Tân Sửu (2021) – đích thân ông Trọng thản nhiên làm đúng những gì ông đã lớn tiếng phê phán: Cũng… đi giày, cũng… cầm xẻng gảy gảy tí đất để trồng một… cái cây to đùng. Không có bất kỳ ai trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam dám gọi đó là… phản cảm và… không thiết thực. Tất cả cùng hoan hỉ xem việc ông Trọng dâng hương tưởng niệm các… tiên đếtrồng cây là… sự kiện chính trị quan trọng.

Ông Trọng trồng cây ngày Tết. Ảnh: VOV

Xét theo logic về nhận thức, nếu không tự xem mình là bề trên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, ông Trọng sẽ không phô bày sự trịch thượng, gọi những hệ thống này ở các địa phương là… “nó”. Càng không dễ dãi chỉ trích “nó” đã làm đúng những gì chính ông cũng làm!

Chỉ có tự xem mình như… vua, tự tin vì được trọng kính như… vua mới vừa lớn tiếng đề cao… đạo đức, buộc… nêu gương, tuyên bố tiến hành… tự chỉnh đốn, vừa chà đạp các qui định của Hiến pháp và pháp luật. Chẳng hạn, tuy thường xuyên tham dự các sự kiên qui tụ nhiều người song ông không mang khẩu trang dù hành vi này vi phạm các qui định phòng dịch hiện hành.

Bởi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức mặc định ông Trọng là… vua nên không ai dám nhắc, nói gì đến việc lập hay yêu cầu lập biên bản vi phạm hành chính, phạt ông bao nhiêu trong mức phạt từ một đến ba triệu đồng (4)!

***

Tiếng là một quốc gia theo thể chế cộng hòa nhưng việc rẽ theo hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra cho Việt Nam những ông vua như ông Trọng. Xã hội Việt Nam có khác gì xã hội trong “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” mà Andersen từng kể với thiếu nhi (5).

Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam tuyên bố thủ tiêu nhiều thứ, bao gồm cả… phong kiến nhưng khi công khai xác định, tự diễn biến, tự chuyển hóa – vốn là qui luật có tính nền tảng của tiến hóa, tiến bộ và văn minh thì làm sao Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể có hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, cũng như những công dân đúng nghĩa của một nền cộng hòa? Còn tin, còn chấp nhận kiểu tuyên truyền, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tự điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển chung của nhân loại là… thù địch và phản động, đồng nghĩa với đồng tình chấp nhận thân phận… thần dân! Chấp nhận đặt hiện tại và tương lai vào tay những… ông vua thời… Trung cổ.

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-trong-cay-tai-hoang-thanh-thang-long-713412.html

(2) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Phu-Trong-trong-cay-tai-Hoang-thanh-Thang-Long/423335.vgp

(3) https://www.youtube.com/watch?v=6bfs2JY8L1o&ab_channel=NguyenMinh

(4) https://tuoitre.vn/do-hoa-vi-pham-phong-chong-dich-covid-19-bi-phat-the-nao-20210217155739501.htm

(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_quần_áo_mới_của_hoàng_đế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.