Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Phòng chống dịch và gieo thêm khổ nạn

 

Phòng chống dịch và gieo thêm khổ nạn

Bên ngoài bệnh viện dã chiến Covid-19 đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh ngày 29/1. Ảnh: Bộ Y tế.

Hải Dương vẫn còn là điểm nóng về dịch COVID-19 tại Việt Nam (1). Trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn là đại họa toàn cầu, so với những gì đã biết, đợt dịch mới bùng phát tại Việt Nam hồi hạ tuần tháng 1 không có yếu tố nào đáng chú ý ngoại trừ cách thức ngăn chặn – phòng ngừa dịch COVID-19 càng ngày càng giống như gieo thêm khổ nạn và Hải Dương chính là dẫn chứng!

***

Đợt dịch thứ ba tại Việt Nam bùng phát trước Tết âm lịch khoảng hai tuần – thời điểm vốn là cao điểm trong sinh kế cả năm của nhiều giới, đặc biệt là nông dân. Bởi ổ dịch đầu tiên dường như từ Hải Dương, phản ứng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp từ trung ương tới địa phương làm thiên hạ kinh ngạc…

Chủ trương cũng như phương thức “chống dịch như chống giặc” vô hình chung đã biến những nạn dân, chẳng may… cư trú ở Hải Dương trở thành những cá nhân… ngủ với… kẻ thù! Khoảng ba tuần sau khi đợt dịch thứ ba bùng phát, các tỉnh lân cận Hải Dương vẫn… chặn xe chở hàng hóa từ Hải Dương, không cho phép băng ngang địa phận của họ, kể cả khi chính quyền tỉnh Hải Dương đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cho phương tiện chở hàng hóa được phép ra, vào Hải Dương nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa (2)…

Chừng đó dường như chưa đủ, theo tường thuật của báo chí Việt Nam, có ít nhất ba tỉnh là Bắc Ninh, Thái Bình và Hưng Yên ra lệnh cho các doanh nghiệp tại địa phương của mình không được tiếp nhận những nhân viên, công nhân cư trú ở Hải Dương quay trở lại làm việc sau Tết. Đến từ Hải Dương đồng nghĩa với việc sẽ bị… tố giác, săn lùng (3)!

Đáng ngạc nhiên là chính phủ Việt Nam ngậm tăm, án binh bất động, không những không yêu cầu điều chỉnh mà còn không đề ra bất kỳ giải pháp hỗ trợ nào, bất kể một số cơ quan truyền thông chính thức gióng chuông, cảnh báo, dân chúng, đặc biệt là nông dân ở Hải Dương đang bị đẩy đến cùng đường vì cách hành xử đối với nạn dân chẳng may cư trú ở những nơi không may trở thành ổ dịch, giống như… kẻ thù: Rau, củ, trái cây, thịt, cá, trứng,… thối rữa, hư hỏng bởi bị cô lập theo cách thức hết sức cực đoan (4).

Trên mạng xã hội, một số facebooker ngụ ở Hải Dương vừa tuyệt vọng vì giá nông sản rẻ như cho: Cải muối dưa 2.000/ ký, súp lơ 2.000/cái, su hào 2.000/củ, cà chua 4.000/ký, bắp cải 4.000/cái, khoai tây 7.000/ký, bắp 7.000/ký, trứng gà 1.500/trái…, vừa uất ức vì chẳng lẽ… chúng tôi không phải là đồng bào của các bạn sao (5)?

***

Các đặc điểm của COVID-19 đã khiến cô lập, buộc cách ly, hạn chế giao tiếp,… trở thành những giải pháp cần thực thi để hạn chế lây nhiễm. Tuy nhiên do những giải pháp dẫu cực đoan song cần thiết này gây tổn thương nghiêm trọng cho cả nền kinh tế lẫn nhiều giới, đặc biệt là các thành phần yếu thế trong xã hội, tại nhiều quốc gia, việc thực thi liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình thế, kèm theo đó là hàng loạt giải pháp hỗ trợ các giới, đặc biệt là những thành phần yếu thế trong xã hội.

Cùng ở châu Á, đầu năm ngoái từng là một trong những điểm nóng nhất toàn cầu về COVID-19, sau Tết âm lịch, số ca nhiễm COVID – 19 tăng gấp đôi so với trước Tết âm lịch (từ 300 ca/ngày lên khoảng 600 ca/ngày) nhưng tuần trước, chính quyền Nam Hàn vẫn tuyên bố sẽ hạn chế áp đặt các biện pháp cưỡng ép vào đầu tháng tới (1 tháng 3).

Tổng thống Nam Hàn loan báo, hệ thống công quyền Nam Hàn sẽ chuyển sang khuyến khích dân chúng tự giác phòng ngừa bằng ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng vì chống dịch bền vững là một cuộc chiến trường kỳ. Song song với khuyến khích, Nam Hàn sẽ nâng mức phạt những cá nhân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trong phòng ngừa lây nhiễm (không mang khẩu trang, không giữ khoảng cách, không tự giác khai báo y tế, vi phạm yêu cầu cách ly tại gia…).

Ngoài yếu tố thời tiết sẽ ấm hơn, một trong những lý do khiến chính quyền Nam Hàn quyết định hạn chế việc áp đặt các biện pháp phòng ngừa cực đoan còn vì nhận ra rằng, áp đặt các biện pháp cực đoan sẽ tăng thêm gánh nặng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, tiểu thương, những thành phần yếu thế trong xã hội… Nam Hàn hy vọng hạn chế áp đặt các biện pháp cực đoan sẽ vừa giúp kinh tế mau hồi phục, vừa sớm giảm gánh nặng cho các thành phần yếu thế.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chính quyền Nam Hàn cam kết sẽ sớm tổ chức chích ngừa trên diện rộng, thực thi các biện pháp giúp doanh giới giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng để đến hết tháng tới sẽ đạt mục tiêu tái tạo 900.000 việc làm vốn đã mất trong đại dịch.

Ngoài việc chi 110 ngàn tỉ Won (tương đương 91 tỉ Mỹ kim) để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ hồi phục, trong tháng này, chính quyền Nam Hàn sẽ công bố thể thức để những cá nhân, gia đình bị tổn thương do việc áp đặt những biện pháp cực đoan sớm nhận hỗ trợ khẩn cấp lần thứ tư (6).

Giống như Việt Nam, Nam Hàn được cộng đồng quốc tế xem là một trong những quốc gia thành công trong ngăn chặn – phòng ngừa COVID-19 lây lan. Song khác với Việt Nam, những lời khen của cộng đồng quốc tế dường như không thể vùi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Nam Hàn chìm sâu bên dưới sự tự hào. Thành tích ngăn chặn – phòng ngừa dịch không quan trọng bằng làm sao vừa bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, vừa không biến ngăn chặn – phòng ngừa dịch thành gieo thêm khổ nạn!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/sang-22-2-viet-nam-chua-co-ca-mac-covid-19-moi-chi-con-hai-duong-dang-co-dich-20210222061607766.htm

(2) https://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-tiep-nhan-hang-hoa-tu-hai-duong-sao-lai-the-3427757/

(3) https://zingnews.vn/3-tinh-khong-su-dung-nguoi-lao-dong-hai-duong-post1184988.html

(4) https://vnexpress.net/nong-dan-hai-duong-khon-don-trong-tam-dich-4236945.html

(5) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/permalink/1626065141116584/

(6) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=48976

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.