Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

“Cam vi nhũ tử ngưu”

 

“Cam vi nhũ tử ngưu”

Nguyễn Khắc Mai

15-2-2021

Từ hôm tiễn ông Táo vừa qua, tôi bụng bảo dạ năm nay phải có bài khai bút đầu Xuân Tân Sửu. Nói về khai bút đầu năm, tôi đã thuộc lòng bài thơ tứ tuyệt, mà cha mẹ dạy cho từ hồi còn lớp enfantin, tiếng Pháp đọc là ăng phăng tanh, lớp một tiểu học, mà cụ giáo Nguyễn Công Hoan bảo trẻ con lớp một đầu đầy trốc ghẻ nên gọi chúng là ăng phăng tanh, quả thật đầu chúng tôi hồi đó rất tanh. Bài thơ như vầy:

Minh niên khai bút, bút khai hoa,

Vạn sự giai thành phước hạnh đa.

Đa tử, đa tôn, đa phú quý,

Đắc tài, đắc lộc, đắc vinh hoa.

Dịch là:

Đầu năm khai bút, bút khai hoa,

Vạn sự đều thành phước hạnh đa (nhiều)

Nhiều cháu, nhiều con, nhiều giàu có.

Có tiền, có lộc, có vinh hoa.

Đó là những mong đợi bình thường của xã hội, của một thời vang bóng, mà nay vẫn không ít người vẫn còn mộng tưởng!

Đã lâu tôi muốn kể về một kỷ niệm mà tôi đã chứng kiến, cũng là cái Tết, cái Xuân đầu tiên mà Văn Cao nói đến. Rồi tự nhiên tôi nghĩ đến hình tượng con trâu trong văn học khuynh tả. Hình tượng con trâu trong hai câu thơ của Lỗ Tấn.

I. Cam vi nhũ tử ngưu

Lỗ Tấn từng có hai câu thơ nổi tiếng, nói về thái độ của người cách mạng yêu nước, chân chính đối với kẻ cường quyền và đối với nhân dân:

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ,

Thủ phủ cam vi nhũ tử ngưu.

Hồ chí Minh từng dịch khá đạt: “Trừng mắt coi khinh ngàn lục sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng”.

Bấy giờ vừa giải phóng được các tỉnh biên giới phía bắc, đánh thông được với nước Tàu. Hồ chí Minh và những người lãnh đạo Cộng sản bèn khôi phục đảng Cộng sản Đông Dương, mở Đại hội II tại Việt bắc, đổi tên là đảng Lao động. Tại Đại hội ấy, có ba điều quan trọng được nêu lên. Một là, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Hai là, lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Ba là, lấy tác phong Hồ Chí Minh làm phương châm chỉ đạo hành động.

Hai điều quan trọng này đã được ghi thành Điều lệ của Đảng. Sau khi bế mạc Đại hội, giữa rừng Việt Bắc, Hồ Chí Minh họp mít tinh công bố Đại hội. Trong cuộc mít tinh ấy, Hồ Chí Minh đưa ra hai câu thơ của Lỗ Tấn để giải thích thái độ của đảng Lao Động đối với Dân với Nước. Ông nói, thiên phu chỉ là bọn đế quốc thực dân, địa chủ phong kiến bóc lột dân ta, thì phải dũng cảm, kiên quyết đấu tranh.

Nhũ tử ngưu, chính là nhân dân hiền lành thì “cam vi nhũ tử ngưu” nghĩa là cúi đầu cam chịu làm người phục vụ. Ý nghĩa hai câu ấy thật sâu sắc, thâm thúy, đầy tình cảm cao thương. Nó là tinh thần thái độ, tình cảm chân thành của nhiều người trong cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cái thời kỳ dấn thân làm “Chiến sĩ Việt Nam, ra đi để giành Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, Lập quyền dân, lập nền Dân chủ Cộng hòa.

Đẹp đẻ và cao thượng biết bao cái tư tưởng ấy: Cam vi nhũ tử ngưu!

Có lần, khi đi làm Hội thảo về tư tưởng Hồ Chí Minh cùng Đặng Xuân Kỳ, trưởng nam của ông Trường Chinh, tôi bảo với Kỳ: Anh gần Trung ương nên đem hai câu thơ của Lỗ Tấn mà Hồ Chí Minh đã nêu ra ở Đại hội II, như một phương châm hành xử với Dân. Kỳ cười, bảo ông nhầm rồi, giờ đây người ta chi muốn cưỡi lên lưng dân, đè đầu cưỡi cổ họ, chứ có ai muốn làm trâu ngựa cho dân nữa đâu!

Bước vào năm con Trâu vàng Tân Sửu này, anh Thái Sơn trong hội đồng Francophonie ở Paris có gởi cho tôi bài xướng:

Tân Sửu mong thoát ách

Sửu tới vươn vai tháo ách cày,

Hầu mong thoát được kiếp trâu đây.

Dương sừng dẹp hết phường đầu nậu,

Vùng dậy phá tan tù ngục đày,

Ác nghiệp đã gieo giờ phải trả

Thiện duyên có gặp cũng không vay,

Năm nay Xuân đến điều may mắn,

Hy vọng dân nam mãn hạn cày

Tôi cũng mạo muội có bài họa để đáp:

Tân Sửu Trâu vàng sắp tới đây,

Cớ chi Đất Nước cứ lưu đày.

Đầu trâu một lũ đâm cho hết,

Mặt ngựa lôi ra cả một bầy.

                   Quân ác đã gieo bao kiếp nạn,

Tới ngày chúng phải trả lãi vay.

Xuân này Xuân nữa rồi Xuân mãi,

Trâu hết buổi cày thong thả nhai.

II. Ui chào họ tài hung!

Tôi kể kỷ niệm của tôi vào ngày mồng hai Tết Bính Thìn. Bấy giờ tôi đã về Huế làm việc hơn tám tháng. Sau khi tiếp quản giáo dục một thời gian, tôi được điều sang làm công tác thanh niên ở tỉnh đoàn Thừa Thiên. Đúng mồng hai tết Bính Thìn (năm 1976) tôi cùng 300 thanh niên huyện Hương Thủy đi làm công tác xã hội chủ nghĩa, nạo vét lòng con sông đào lấy nước cho dân làm vụ đông xuân. Xa xa là chiếc cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em theo với một đoàn cho vui”.

Giờ giải lao, tôi đi dọc bờ sông, thấy trước mặt có một túp lều. Hỏi lều của ai dựng đó? Anh em cho biết đó là một bà mẹ có 11 con gồm trai gái dâu rể, 9 anh chị đã hy sinh cho cách mạng. Vì có trách nhiệm hàng tuần đi giao ban với tướng Lê Tự Đồng, chủ tịch ủy ban quân quản. Tôi cũng muốn tìm hiểu tình hình cơ sở. Tôi đến bên túp lều thấy một bà mẹ tóc bạc, hom hem đang ngồi nhặt những con tép trong chậu bùn anh em bốc lên cho mẹ. Tôi ngồi xuống bên cạnh, chào hỏi. Tôi nghĩ mình cán bộ cấp tỉnh mà có hôm phải lắng nước tro để giặt áo, bà mẹ nghèo ở cơ sở làm sao có thể sướng được.

Tôi nói, còn khổ quá mẹ hỉ, may mà hết chiến tranh. Bà mẹ chỉ gật gật. Tôi hỏi tiếp, rứa các anh ở xã họ làm việc thế nào, tôi mong có được vài thông tin từ một người đàng mình, nơi một xã có chính quyền mới. Mẹ nói rứa các anh ở xã, họ làm việc thế nào. Mẹ im lặng một chặp rồi nói. Ui chao, họ giỏi hung.

Tôi mừng quá, sẽ có những thông tin nào sửa lại trường, lập nhà mẫu giáo, chăm sóc người thương tật, ổn định cuộc sống cho người hồi cư…Mẹ ơi, rứa họ giỏi hung là giỏi ra răng? Hai ba lần gặng hỏi, cuối cùng mẹ giơ hai tay ra phía trước, rồi quơ vào người ba cái và phán một câu làm tôi điếng cả người. “Tài hơn ngụy!”

Tôi không biết các bạn nghĩ về tình tiết này thế nào. Còn tôi sau đó khi đi giao ban, tôi đã báo cáo 300 thanh niên Hương Thủy đi nạo vét kênh mương ngay mồng hai Tết, giúp dân có nước làm mùa. Rồi tôi kể tiếp câu chuyện với bà mẹ quê. Tôi thưa với tướng Đồng, chỉ trong vòng sáu tháng Việt Cộng đã mất giá. Tôi chắc mẹ đã được phong Mẹ Anh Hùng, không biết mẹ còn hay đã mất, nhưng hình ảnh người mẹ quê hom hem ngồi nhặt từng con tép nhỏ trong cái chậu bùn với một động tác rất biểu cảm thâm thúy và phán một câu xanh rờn: “Tài hơn Ngụy”, vào sáng mồng hai tết Bính Thìn năm 1976, vẫn còn sống động trong tôi.

Bây giờ, cứ mỗi lần nghe bài hát Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, tôi lại nhớ về cái ngày Mùa Xuân đầu tiên ấy và hình ảnh bà mẹ quê, cử chỉ rất minh triết, với một đánh giá quá thật thà, nghe cứ quặn thắt trong ruột. Mơ tưởng và khát vọng cái giai điệu mượt mà với ca từ đầy hình tượng mỹ cảm và triết lý. Nào bầy chim én và đàn con đã trở về, nào làn khói và tiếng gà gáy bên sông. Nào triết lý giờ đây người biết yêu người. Cứ dậy lên trong tôi một tình cảm trái ngược.

Một bên là mỹ cảm đầy mộng mơ lãng mạn. Một bên là cái thực tế trần tục đến xót xa. Chả nhẽ cái dốt của kẻ có quyền thì nhất thiết dẫn tới cái tham, như là một cái cộng nghiệp của hệ thống.

Hay là đừng hát nữa, đừng đi tìm thông tin nữa.

Thế là tôi đã khai bút với hai chủ đề con Trâu và ngày mồng hai tết đầu tiên, một cái tết có tên là Rồng lại dúi tôi xuống tận đáy bùn của một thực tại mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.