Câu chuyện dân chủ Miến Điện
Nhã Duy
2-2-2021
Tin tức về vụ quân đội Miến Điện đảo chánh, cắt mạng internet và bắt giữ cấp lãnh đạo Miến Điện, là tiêu điểm thời sự thế giới vào cuối tuần qua. Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc là bà Jen Spaki đã lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu giới quân phiệt Miến Điện tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và luật pháp, trả tự do cho giới lãnh đạo dân sự nước này.
Tuyên bố này viết rằng, Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các định chế dân chủ của Miến Điện và phản đối bất kỳ nỗ lực thay đổi kết quả của cuộc bầu cử hợp pháp hoặc cản trở tiến trình dân chủ của Miến Điện, cũng như sẽ có biện pháp chế tài với những người chịu trách nhiệm nếu không đảo ngược quyết định.
Cuộc đảo chánh được giới bình luận quốc tế xem như sự lặp lại cáo buộc sai trái của tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nó xảy ra sau một tháng tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền Miến Điện hiện nay, đã gặp gỡ với Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Cộng. Cũng nói thêm, Miến Điện là quốc gia mà Trung Cộng nhắm vào quyền lợi dầu khí và khí đốt đáng kể tại đây.
Lộ trình dân chủ của Miến Điện đã được Hoa Kỳ tiếp sức khá mạnh mẽ và đưa đến thành công của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, là đảng giành thắng lợi và nắm quyền từ năm 2015 cho đến chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.
Tổng Thống Barack Obama và Ngoại Trưởng Hillary Clinton được xem có những đóng góp to lớn trong việc giúp Miến Điện đạt được thành công này, nhằm giúp Miến Điện đi theo con đường dân chủ, thoát Trung và thân Mỹ hơn, thông qua chiến lược chuyển trục châu Á của Hoa Kỳ.
Tổng Thống Obama đã đến Miến Điện vào năm 2012 và Ngoại Trưởng Clinton đã hai lần đến Miến Điện vào năm 2011 và năm 2015 để vận động cho tiến trình này. Hoa Kỳ cũng bỏ lịnh cấm vận vào cuối nhiệm kỳ TT Obama.
Sau chiến thắng áp đảo của đảng NLD, bà Clinton tuyên bố “Đây là sự khẳng định vai trò không thể nào thiếu vắng của Hoa Kỳ, trong tư cách nhà cổ vũ cho hòa bình và tiến bộ thế giới“. Bà đã dành nguyên một chương trong cuốn hồi ký “Những chọn lựa khó khăn” (Hard Choices) để kể chi tiết về vấn đề Miến Điện.
Cũng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có những sự việc dẫn đến một số bất đồng trong mối quan hệ song phương, qua hành động bị xem là phản dân chủ của chính phủ Miến Điện trong việc đàn áp sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya. Dù không là tổng thống vì các quy định công dân theo hiến pháp nhưng trên thực tế, bà Aung San Suu Kyi là người lãnh đạo Miến Điện qua vai trò cố vấn tối cao, kiêm Ngoại Trưởng tại quốc gia này và là người chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược cam kết khi ghi nhận những bước tích cực mà Miến Điện đã thực hiện và khuyến khích cuộc cải cách đi xa hơn nữa.
Nguyên tắc chủ đạo này nhằm giúp sự cải tổ nền chính trị và kinh tế của Miến Điện, thúc đẩy việc hòa giải dân tộc, xây dựng các định chế, trách nhiệm và sự minh mạch của chính phủ, trao quyền cho cộng đồng địa phương và xã hội dân sự, thúc đẩy mối can dự quốc tế đầy trách nhiệm, đồng thời tăng cường việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, quyền tự do tôn giáo. Từ năm 2012 cho đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Miến Điện khoảng 1.5 tỉ đô la (theo US Relations with Burma-US Department of State).
Trong khi Trung Cộng không đưa ra tuyên bố gì ngoài việc kêu gọi các bên “kiềm chế” đầy ngoại giao, cũng như một số quốc gia Á châu tuyên bố đó là “vấn đề nội bộ của Miến Điện” thì Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố trong ngày đầu tuần rằng:
“Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Miến Điện trong thập niên qua dựa trên tiến trình dân chủ tại đây. Việc đảo ngược tiến trình đó sẽ cần bị xem xét lại ngay lập tức bằng các hành động thích hợp qua thẩm quyền và lịnh cấm vận. Hoa Kỳ sẽ bảo vệ dân chủ ở bất cứ nơi nào mà nó bị tấn công“. Ông cũng kêu gọi thế giới đồng lên án và áp lực giới quân đội Miến Điện, phải lập tức trả lại quyền hành và tự do cho giới lãnh đạo Miến Điện.
Việc điều hành quốc gia và những trách nhiệm của bà Aung San Suu Kyi trong vấn đề phân biệt sắc tộc đã bị Hoa Kỳ cùng cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích, bà đã phải ra điều trần tại tòa án quốc tế Hague và phủ nhận những cáo buộc. Nó cho thấy tiến trình dân chủ một quốc gia chưa bao giờ suôn sẻ và các chính sách sắc tộc là vấn đề hiện diện tại nhiều quốc gia, không riêng với Miến Điện.
Tuy nhiên việc quân đội nước này sử dụng vũ lực để đảo chánh và cướp chính quyền, tấn công vào tiến trình dân chủ và hiến pháp quốc gia này lại là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt, liên quan đến những nền tảng và nguyên tắc dân chủ thế giới. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây khác đã lên tiếng.
Hồi tháng 7 năm 2019, trong cuộc gặp gỡ một số nạn nhân các quốc gia bị đàn áp tôn giáo từ phòng Bầu Dục, một người Miến Điện thuộc sắc dân Hồi Giáo Rohingya đã hỏi Donald Trump rằng ông sẽ làm gì trước nạn diệt chủng tại Myanmar. Trump đã hỏi ngược lại “Myanmar chính xác là ở đâu?” và một phụ tá của ông đã cứu nguy cho thượng cấp khi nhắc ông là nó nằm cạnh … Burma!
Trong khi Burma vốn là tên cũ của Myanmar và Hoa Kỳ, Anh vẫn đang tiếp tục sử dụng vì không muốn thừa nhận cái tên do giới quân phiệt Miến Điện đã đổi tên. Không lấy điều này để đại diện cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tuy nhiên nó cho thấy vấn đề Miến Điện không hề được Donald Trump biết đến.
Nhắc lại câu chuyện Donald Trump bên trên cùng một trong những khủng hoảng đối ngoại đầu tiên mà nội các tổng thống Joe Biden đối diện và phản ứng, người ta có thể nhìn nhận được vai trò, sự quan tâm và thái độ của Hoa Kỳ trước vấn đề dân chủ thế giới sẽ thay đổi theo từng lãnh đạo và nội các khác nhau. Điều này cho thấy, các phong trào dân chủ thế giới hay Việt Nam nói riêng cũng cần quan sát, theo dõi và nắm bắt theo từng chính sách ngoại giao và ưu tiên của mỗi đời tổng thống Hoa Kỳ, nếu thật sự muốn tìm kiếm sự hậu thuẫn và ủng hộ.
Nền dân chủ thế giới luôn bị thách thức và đối diện nguy hiểm, kể cả chính tại Hoa Kỳ, nơi từng được xem một thành trì dân chủ của thế giới. Câu chuyện Miến Điện là lời nhắc nhở về những nền dân chủ thiếu sức mạnh và nếu không được bảo vệ đúng mức, sẽ có nguy cơ xảy ra những gì như đang diễn ra trên đất nước chùa vàng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.