Tôi nghi ngờ
Nguyễn Đình Cống
28-9-2020
Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam vào ngày 20/9/2020. Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo ĐCSVN đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó có đoạn như sau: “Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Từ góc độ lý luận triết học, Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.
Đọc xong tôi nghi ngờ. Phải chăng những việc như ông Thưởng vừa nêu là nhiệm vụ của Triết học. Tôi bèn bỏ công ôn lại những khái niệm đã biết về triết học và tìm hiểu thêm thì thấy không phải như thế. Triết học có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề chung và cơ bản của con người, về thế giới quan. Tôi chưa tìm thấy chỗ nào các triết gia bàn về việc làm sáng tỏ tư tưởng chính trị, về đấu tranh phê phán quan điểm thù địch.
Những nhiệm vụ do ông Thưởng nêu ra phải chăng là của Hội đồng lý luận trung ương, của Ban Tuyên giáo, thuộc ĐCSVN.
Tôi biết nhiều trường phái triết học, nhưng chưa nghiên cứu được sâu, chưa phải là triết gia. Hình như mỗi trường phái triết học chỉ tập trung trình bày quan điểm của mình mà không vạch ra thế lực thù địch. Triết học nghiên cứu những vấn đề chung, những quy luật chi phối xã hội. Thế rồi các nhà chính trị thấy triết học nào thích hợp thì dùng. Như vậy triết học đứng ngoài chính trị, thậm chí có phần cao hơn chính trị.
Nhưng theo ông Thưởng thì phải chăng Hội Triết học cần phụ họa cho chính trị. Thế thì đó là Hội giả danh triết học. Chỉ có Tuyên giáo của ĐCS mới cần hội như thế chứ dân tộc Việt Nam không cần. Vì vậy không nên gọi là Hội Triết học VN, mà cần gọi cho đúng là ‘Hội giả danh triết học của ĐCSVN’.
Nếu cần tìm quan điểm đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đất nước thì nhiều dân tộc trên thế giới đã khẳng định và vứt bỏ, nhiều người ở Việt Nam đã tìm ra, đó là chế độ cộng sản đầy ảo tưởng, là chủ nghĩa Mác Lê (CNML) với chuyên chính vô sản và công hữu hóa toàn bộ nền sản xuất, với vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và độc quyền thống trị của đảng cộng sản. Tất nhiên là Ban Tuyên giáo của ĐCSVN, phần đông lãnh đạo của đảng cùng những trí thức của đảng kịch liệt phản đối quan điểm vừa nêu. Họ ra sức chứng minh rằng, chỉ có CNML là duy nhất đúng, là kim chỉ nam, là đuốc soi đường đưa nhân loại đến hạnh phúc toàn vẹn.
Để biết CNML đúng sai, hay dở như thế nào thì cần có đối thoại công khai để tìm chân lý. Năm 2017, đã có lần ông Thưởng nêu ra sự cần thiết phải đối thoại, nhưng hình như bị áp lực mạnh nào đó mà ông im luôn, không nghe nhắc lại.
Năm 2019, có một nhóm trí thức do tôi đại diện, gửi yêu cầu tổ chức đối thoại đến Ban Tuyên giáo và Hội đồng lý luận. Ban Tuyên giáo đã giữ quyền im lặng tuyệt đối còn Hội đồng lý luận có đồng ý đối thoại nhưng lại đưa ra những điều kiện mà chúng tôi không thể chấp nhận. Vì thế, đối thoại vẫn chưa được tổ chức.
Thật ra đối thoại cũng chỉ là một biện pháp chứ quan trọng hơn là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền này của Dân được ghi trong Hiến pháp, nhưng Nhà nước tìm mọi cách cản trở.
Bây giờ lập ra Hội Triết học. Xin hỏi, liệu Hội có dám đấu tranh cho tự do ngôn luận, có dám tổ chức đối thoại công khai về CNML? Trong khi chưa dám làm hai việc vừa nêu, thì liệu có dám tổ chức cho những hội viên Hội Triết học, những ủy viên của Hội đồng lý luận và Ban Tuyên giáo nghe những lập luận phản biện CNML?
Tổ chức công khai thì tốt, mà tổ chức kín trong nội bộ cũng được. Hãy mời những người như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Quang A đến thuyết trình. Riêng tôi, nếu được mời tôi xin sẵn sàng đến nói về những sai lầm của Mác, những độc hại của CNML và con đường dân chủ hóa đất nước. Thời gian từ 30 phút đến 30 giờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.