Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 41)

 

Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 41)

Hồ Bạch Thảo

20-10-2020

41. Trần Nhân Tông: Chống Nguyên Mông xâm lăng lần thứ hai

Bản chất của đế quốc Nguyên – Mông là liên tục xâm lược, vó ngựa trường chinh của chúng vươn sang đến tận châu Âu; nhưng lúc hoãn lúc gấp, tùy theo tình hình chung.

Về phía nam, năm 1253 diệt xong nước Đại Lý tại Vân Nam; năm 1257 theo đường Vân Nam xâm lăng nước ta, nhưng bị đẩy lui. Năm 1259 lịch sử Nguyên – Mông trải qua bước ngoặt quan trọng, Đại hãn Mông Kha tấn công thành Điếu Ngư tại Tứ Xuyên, bị thương rồi mất; người em là Hốt Tất liệt phải tạm hòa với nhà Tống và nước ta; để trở về phương Bắc tranh quyền lãnh đạo.

Sau khi dành được ngôi cao xưng là Nguyên Thế Tổ vào năm 1260, bèn quay gót trở lại phương nam đánh quân Tống tại phòng tuyến Tương Dương [Hồ Bắc]. Năm 1279, đúng vào năm Vua Trần Nhân Tông mới lên ngôi; quân Nguyên đánh úp quân Tống tại Nhai Sơn, tỉnh Quảng Đông; Tống thua, Tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết.

Sau khi nước Tống sụp đổ, tình hình Đại Việt ta lâm vào cảnh “Môi hở răng lạnh”; lúc này nhà Nguyên cử Sứ thần qua lại nước ta, hạch sách đủ điều. Muốn làm dịu tình hình, vua nhà Trần bèn cử chú là Trần Di Ái sang triều Nguyên thông hiếu. Năm1281 Nguyên Thế tổ dùng Di Ái làm con bài chính trị, đưa về nước làm Quốc vương bù nhìn; nhằm thôn tính nước ta mà không cần dùng binh lực, nhưng đã thất bại. Cuối năm 1284, Vua Nguyên sai con là Thái tử Thoát Hoan mang đại binh xâm lăng nước ta, dưới danh nghĩa lừa dối là mượn đường sang đánh nước Chiêm Thành.

Giai đoạn quân dân ta chống Nguyên là sự kiện trọng đại, cần góp nhặt càng nhiều sử liệu càng tốt; nhưng sau khi đọc sử nước ta và sử Trung Quốc; nhận thấy những chỗ gây cảm xúc bất lợi, các Sử gia cố tình nói bớt đi. Ví dụ như việc thành Thăng Long bị quân Nguyên chiếm; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép “chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn”; vị trí Đông Bộ Đầu tại dốc Hàng Than, gần cầu Long Biên, như vậy treo cờ tại Đông Bộ Đầu phải hiểu rằng giặc đã treo cờ tại thành Thăng Long; riêng Nguyên Sử thì chép sự kiện chiếm thành Đại La khá kỹ.

Ngược lại các trận Hàm Tử tại Hưng Yên, hoặc Chương Dương tại Hà Bắc là những trận chuyển bại thành thắng, làm nên khúc quẹo lịch sử [turning point]; thì Nguyên Sử lờ đi chỉ chép tổng quát rằng: “Quan quân tụ tập các tướng lại bàn: ‘Giao Chỉ chống lại quan quân, tuy mấy lần tan bại, nhưng tăng quân thêm nhiều. Quan quân ta mệt mỏi, chết lại nhiều; quân kỵ của Mông Cổ lại không thi thố được kỹ năng’. Bèn bỏ kinh thành, qua sông lên phía bắc”.

Thành ngữ Âu Mỹ có câu “Một nửa ổ bánh mì tốt hơn là không có chút nào; nhưng nửa sự thật đôi khi lại muốn che giấu toàn bộ”. [Half a loaf is better than none, half the truth is often a whole lie]; bởi vậy, nhằm tìm hiểu rõ chân tướng, chúng tôi cẩn thận trình bày sử Việt trước, rồi trưng Nguyên Sử để bổ sung, cuối cùng trưng sử liệu trong An Nam Chí Lược để phối kiểm. Tác giả An Nam Chí Lược là người Việt Nam đời Trần, từng đích thân chứng kiến cuộc chiến; tư liệu trong bộ chí này có nhiều giá trị.

Hãy ôn lại việc Toàn Thư chép vào năm 1283, bọn Sứ thần Hoàng Ư Lệnh đi sứ về, tâu báo quân Nguyên tập hợp 50 vạn định sang xâm lăng nước ta. Vào tháng 10 nhà vua điều quân thủy bộ tập trận, cử Hưng Đạo Vương làm thống lãnh tiết chế:

Mùa thu, tháng 7, sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên, gặp Thái tử A Thai, Bình Chương A Lạt, ở Hồ Quảng [Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây] họp 50 vạn quân ở các xứ, định sang năm vào cướp nước ta. Mùa đông, tháng 10, vua thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận”.

Bấy giờ Hưng Đạo Vương có soạn ra quyển Binh Thư Yếu Lược rồi truyền hịch khuyên răn các tướng sĩ. Tờ hịch làm bằng Hán văn, dịch ra quốc âm như sau:

Ta thường nghe chuyện: Kỷ Tín liều thân chịu chết thay cho vua Cao đế; Do Vu lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu vương; Dư Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước; Kính Đức là một chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái Tông được thoát vòng vây; Kiểu Khanh là một bề tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc Sơn là quân nghịch tặc. Các bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở x nhà thì sao cho lưu danh sử sách đến nghìn muôn đời như thế được?

Nay các ngươi vốn dòng vũ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện cổ tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa; ta hãy đem chuyện đời Tống, Nguyên mới rồi mà nói: Vương công Kiên là người thế nào? Tỳ tướng của Vương công Kiên là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào, mà giữ một thành Điếu Ngư (1)nhỏ mọn, chống với quân Mông Kha (2) kể hàng trăm vạn, khiến cho dân sự nhà Tống, đến nay còn đội ơn sâu. Đường Ngột Ngại là người như thế nào? Tỳ tướng của Đường Ngột Ngại là Xích Tu Tư lại là người thế nào, mà xông vào chỗ lam chướng xa xôi, đánh được quân Nam Chiếu trong vài ba tuần, khiến cho quân trướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt. Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ (3), lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam vương (4) để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!

Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư xử so với Vương Công Kiên, Đường Ngột Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.

Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết; tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những gia quyến ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia thanh của các ngươi cũng không khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?

Nay ta bảo thật các ngươi: nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân sĩ, luyện tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông và Hậu Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công danh. Chẳng những thái ấp ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng lộc; chẳng những gia quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi cũng đều được vui với vợ con, chẳng những tiên nhân ta được vẻ vang, mà các ngươi cũng được phụng thờ tổ phụ, trăm năm vinh hiển; chẳng những một mình ta được sung sướng, mà các ngươi cũng được lưu truyền sử sách, nghìn đời thơm tho; đến bấy giờ các ngươi dầu không vui vẻ, cũng tự khắc được vui vẻ.

Nay ta soạn hết các binh pháp của các nhà danh gia hợp lại làm một quyển gọi là “Binh Thư Yếu Lược“. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo, thì mới phải đạo thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ nghịch thù. Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình Lỗ (5) mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa. Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta“. Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim

Nguyên văn:

Cũng vào tháng 10 năm Thiệu Bảo thứ 5 [1283] phong chức Tổng chỉ huy cho Hưng Đạo Vương:

“Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị”. Toàn Thư, quyển5, Bản Kỷ.

Vào tháng 8, năm Thiệu Bảo thứ 6 [1284], Hưng Đạo Vương cho duyệt binh tại Đông Bộ Đầu rồi chia quân trấn giữ các nơi hiểm yếu. Tháng 11 triều đình nước ta sai Sứ giả sang nhà Nguyên tìm cách hoãn binh; tháng Chạp họp hội nghị Diên Hồng thống nhất ý chí toàn dân chống giặc:

Tháng 8, Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu [gần cầu Long Biên, Hà Nội], chia các quân đóng giữ Bình Than [huyện Chí Linh, Hải Dương] và những nơi xung yếu khác.

Mùa đông, tháng 11, sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ [Hồ Quảng], nước Nguyên xin hoãn binh.

Tháng 12, Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ.

Cũng vào tháng chạp [1284] Sứ giả Trần Phủ đi sứ Nguyên về tâu rằng, quân Nguyên do Trấn Nam vương Thoát Hoan chỉ huy, trên đường xâm lăng nước ta. Quân địch chia làm 2 cánh, ngày 26 cánh phía đông chiếm Nội Bàng, tức thị xã Chũ tại Bắc Giang; cánh phía tây chiếm ải Chi Lăng, phía nam Lạng Sơn; quân ta phải rút lui về trấn giữ phòng tuyến Lục Đầu Vạn Kiếp:

Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng quân Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.

Ngày 26, giặc đánh vào các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang], Thiết Lược, Chi Lăng [nam Lạng Sơn], Quan quân đánh bất lợi lui về đóng ở bến Vạn Kiếp [huyện Chí Linh, Hải Dương]”. Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Tuy phải lui binh nhưng Hưng Đạo Vương cùng các con phụ tá như Hưng Vũ vương Nghiễn đã kịp thời điều quân tăng cường cho phòng tuyến Lục Đầu Chí Linh, khiến nhà vua phấn khởi đề thơ tại đuôi thuyền để khuyến khích quân sĩ. Riêng Hưng Đạo Vương mãi lo việc quân nên rút sau; được các gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng hộ tống bằng đường thủy, có lẽ xuôi dòng sông Lục Nam, về phòng tuyến Lục Đầu Vạn Kiếp:

Lúc đó, vua ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông [Hải Dương, Hải Phòng], chiều rồi mà vẫn chưa ăn cơm sáng. Có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung, ban cho chức thượng phẩm, kiêm chức tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng [Quảng Ninh].

Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm [Hải Dương], chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào mà không tới tập hợp. Vua làm thơ đề ở đuôi thuyền rằng:

‘Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

(Cối Kê (6) chuyện cũ người lên nhớ,

Hoan Diễn (7) còn kia chục vạn quân)’

Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà [Hải Phòng], Na Sầm [Bắc Ninh], Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn [Bắc Ninh] đến hội ở Vạn Kiếp [Chí Linh, Hải Dương], theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên.

Trước đây, Hưng Đạo Vương có người nô là Dã Tượng và Yết Kiêu, đối xử rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng thì đi theo. Đến lúc quan quân thua trận, thuỷ quân tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:

‘Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền’.

Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói:

‘Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi’.

Nói xong cho chèo thuyền đi, Kỵ binh giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang”. Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Thời gian cuối tháng Chạp cho đến trung tuần tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ 7 [1285] quân ta trải qua giai đoạn cam go, phòng tuyến Lục Đầu bị vỡ, quân Nguyên đuổi dài chiếm mất thành Thăng Long; theo Nguyên Sử chiếm thành vào ngày 13 tháng Giêng [18/2/1285]:

 Năm Thiệu Bảo thứ 7 [1285]. Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 6, tướng Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại [Chí Linh, Hải Dương], quan quân vỡ chạy.

Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm [Hà Nội], Vũ Ninh [Quế Võ, Bắc Ninh], Đông Ngàn [Từ Sơn, Bắc Ninh], bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ “Sát Thát” (8) bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu [dốc Hàng Than gần cầu Long Biên], dựng một lá cờ lớn”.Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Sau khi kinh thành thất thủ, đất nước trải qua mấy tháng lao đao, Đỗ Khắc Chung tình nguyện đến dò xét ý định giặc; Toa Đô từ Chiêm Thành mang quân đánh kẹp ra phía bắc, bọn Trần Kiện và Trần Ích Tắc ra hàng. Trần Bình Trọng tuẫn tiết tại bãi Đà Mạc, xa giá nhà vua lao đao, Trần Hưng Đạo hộ giá Vua bèn vứt bỏ mũi nhọn trên đầu gậy, để chứng tỏ lòng trung thành:

Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng:

‘Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi’.

Vua mừng, nói rằng:

‘Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!’(9)

Rồi sai đem thư xin giảng hoà.

Ô Mã Nhi hỏi Chung:

“Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ “Sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”.

Khắc Chung đáp:

‘Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi,

Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?’.

Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói:

‘Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?’.

Khắc Chung nói:

‘Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên (10), đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người’.

Ô Mã Nhi nói:

‘Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát’.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:

“Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích (11),không nịnh ta lên là Nghiêu (12), mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”.

Sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp.

Ngày 13, giờ mão, Khắc Chung từ chỗ quân Nguyên trở về. Giặc đuổi đến, đánh nhau với quan quân.

Ngày 28, Hưng Đạo Vương bàn xin Thượng tướng thái sư Quang Khải chặn đánh cánh quân của Nguyên soái Toa Đô ở Nghệ An (13).

Tháng 2, ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân đầu hàng quân Nguyên.

Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh [Bắc Kinh]. Thổ hào Lạng Giang [Lạng Giang, Bắc Giang] là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập kích ở trại Ma Lục [Chi Lăng, Lạng Sơn]. Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Điạ Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện tại đó.

Sai người đưa công chúa An Tư em gái út của Thánh Tông đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy.

Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (14) là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, [bãi Mạn Trù, Hưng Yên] bị chết.

Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”.

Vương thét to: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc”, rồi bị giết.

Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên [huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh], sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn [gần Mông Cái, Quảng Ninh] để đánh lừa giặc.

Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương, nên có nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế.

Tháng 3, ngày Giáp Tuất, mồng 1, hai vua bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú [Quảng Ninh]. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu [huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng] vượt biển Đại Bàng [cửa Văn Úc, Hải Phòng] vào Thanh Hóa.

Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên.Nhà Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở Trung Quốc.

Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua [15], thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý [Quảng Trị, Thừa Thiên] rồi cướp châu Hoan [Nghệ Tĩnh], châu Ái [Thanh Hóa], tiến đóng ở Tây Kết [Khoái Châu, Hưng Yên], hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta.

Vua bàn với bầy tôi rằng: “Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng“. Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Vị trí Hồng Hà tại phía nam Hà Nội, đoạn sông giữa 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Bắc xưa gọi là sông Thiên Mạc; đoạn giữa các tỉnh Thái Bình, Nam Định gọi là Hoàng Giang; chiếm địa vị quan trọng trong 2 lần chiến thắng quân Nguyên. Trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông lần thứ nhất vào ngày 24 tháng Chạp năm Nguyên Phong thứ 7 [1257], vua Trần Thái Tông và Thái tử Thánh Tông từ sông Hoàng Giang ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu phía bắc cầu Long Biên đón đánh, phá được quân giặc. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần này, kể từ tháng 4 năm Thiệu Bảo thứ 7 [1285] các chiến thắng Tây Kết, Hàm Tử xảy ra tại tả ngạn sông Thiên Mạc, trận Chương Dương tại hữu ngạn, là những chiến công lớn tạo nên bước ngoặt lịch sử:

Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở bến Tây Kết.

Quan quân giao chiến với quân Nguyên ở Hàm Tử Quan [Khoái Châu, Hưng Yên]. Các quân đều có mặt. Riêng quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật có cả người Tống, mặc quần áo Tống, cầm cung tên chiến đấu. Thượng hoàng sợ các quân có thể không phân biệt được, sai người dụ rằng:”Đó là quân Thát (16)của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng”.

Vì người Tống và người Thát, tiếng nói và y phục giống nhau. Quân Nguyên trông thấy [quân Tống] đều rất kinh hãi, bảo nhau là người Tống sang giúp, vì thế thua chạy. Trước kia, nhà Tống mất, nhiều người Tống theo ta, Nhật Duật thu nạp họ, có Triệu Trung làm gia tướng. Cho nên chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả.

Tháng 5, ngày mồng 3, hai vua đánh bại giặc ở phủ Trường Yên [Ninh Bình], chém đầu cắt tai giặc nhiều không kể xiết.

Ngày mồng 7, thám tử báo tin: Toa Đô từ Thanh Hoá tới. Ngày mồng 10, có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh tâu báo:

Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương [huyện Thường Tín, Hà Tây].Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn thái tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô [sông Hồng ngày nay, khúc sông phía bắc Hà Nội]”.Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Quân Nguyên phần đông chết tại trận như bọn Toa Đô, số còn lại thua rút theo mấy ngả: Ngả phía tây rút theo hướng Phú Thọ để trở về Vân Nam; ngả phía đông từng thua trận tại Vạn Kiếp [Chí Linh, Hải Dương], phải rút lên Lạng Sơn, bị đánh quá gấp khiến chủ tướng Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn, tướng Lý Hằng giữ đoạn hậu bị bắn trọng thương chết:

Ngày 15, hai vua bái yết các lăng ở Long Hưng [huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình] (17).

Ngày 17, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn hội quân ở Kinh sư, để chi viện cho nhau.

Du binh giặc đến huyện Phù Ninh [Phú Thọ],viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên núi Trĩ Sơn cố thủ. Giặc đóng ở động Cự Đà [Phù Ninh, Phú Thọ]. Hà Đặc lấy tre đan thành những hình người to lớn, cho mặc áo, cứ đến chiều tối thì dẫn ra dẫn vào. Lại dùi thủng cây to, cắm tên người lớn vào giữa lỗ để giặc ngờ là sức bắn khoẻ xuyên suốt được. Giặc sợ không dám đánh nhau với Đặc. Quân ta hăng hái xông ra đánh bại được giặc. Đặc đuổi đánh đến A Lạp, bắc cầu phao qua sông, hăng đánh quá bị tử trận. Em là Chương bị giặc bắt, lấy trộm được cờ xí, y phục của giặc trốn về, đem dâng lên, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc, đến doanh trại giặc. Giặc không ngờ là quân ta, do vậy ta phá được chúng.

Ngày 20, hai vua tiến đóng ở Đại Mang Bộ. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng.

Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết [xã Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên], giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên Soái Toa Đô (18).

Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hoá, hai vua đuổi theo nhưng không kịp, bắt được hơn 5 vạn dư đảng giặc đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát.

Hưng Đạo Vương lại giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, đánh bại được, giặc chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một đồ đồng, chạy trốn về Bắc. Đến Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên tan vỡ lớn”. Toàn Thư, quyển 5, Bản Kỷ

Cuộc chiến kết thúc, nhà Vua xử sự một cách đức độ qua việc cởi áo ngự bào khoác trên thi thể Toa Đô, tha cho dân Chiêm Thành trở về nước, cùng kiểm tra dân số để biết được sự thiệt hại của dân:

Vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, thương hại nói: 

‘Người làm tôi phải nên như thế này’.

Rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng ngầm sai lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô mượn đường vào cướp nước ta đã ba năm vậy (19).

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương! Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm.

Tháng 6, ngày mồng 6, hai vua trở về kinh sư, Thượng tướng Quang Khải làm thơ rằng:

Đoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm hồ Hàm Tử quan.

Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san.

(Bến Chương Dương cướp giáo.

Cửa Hàm tử bắt thù.

Thái bình nên gắng sức,

Non nước cũ muôn thu).

Ngày hôm ấy nước to.

Sai Trung phẩm phụng ngự Đặng Du Chi đưa bọn tề thần của Chiêm Thành là Bà Lậu, Kê Na Liên 30 người về nước, vì đi theo Toa Đô nên bị bắt.

Mùa thu, tháng 8, sai Tả bộc xạ Lưu Cương Giới tuyên phong công thần theo thứ bậc khác nhau và trị tội những kẻ hàng giặc.

Tháng 9, đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ 1. Đại xá

Bia chùa Bảo Thiên gãy làm đôi. Núi Cảo Sơn lở.

Ngày 12, gia tôn huy hiệu cho các tiên đế và tiên hậu

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói: 

“Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt, điều tàn của dân ta hay sao?”. 

Quần thần đều khâm phục”. Toàn Thư, quyển5, Bản Kỷ

______

Chú thích:

1. Điếu Ngư là tên núi, thuộc phủ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên.

2. Mông Kha (Mungke) là Đại hãn Mông Cổ, anh Hốt Tất Liệt.

3. Tể phụ: quan Tể tướng phụ chính.

4. Khi quân Mông Cổ lấy được đất Vân Nam rồi, Hốt Tất Liệt phong cho con là Hốt Kha Kích làm Vân Nam Vương.

5. Bình Lỗ là tên thành, nhưng sử cũ không chép rõ ở đâu và ai xây lên. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép rằng theo bộ “Dư Địa Chí” của Nguyễn Trãi, thì đời nhà Lý có đào con sông Bình Lỗ để đi lên Thái Nguyên cho tiện. Vậy thành Bình Lỗ có lẽ ở vào hạt Thái Nguyên, Bắc Giang. Xem lời dặn của Hưng Đạo Vương thì thành Bình Lỗ này xây vào đời Đinh hay đời Tiền Lê, rồi Lý Thường Kiệt đời Lý đã đánh quân Tống ở đó.

6. Cối Kê”: là chuyện Câu Tiễn, vua nước Việt thời Chiến Quốc, đánh nhau với nước Ngô, chỉ còn một ngàn quân lui giữ Cối Kê, mà sau đánh bại Ngô Phù Sai, khôi phục được đất nước.

7. Hoan, Diễn: chỉ vùng Nghệ Tĩnh ngày nay.

8. Thát: tức là Thát Đát, phiên âm từ Ta-ta (Tatar hay Tarta) chỉ người Mông Cổ. Sát Thát nghĩa là giết giặc Thát Đát.

9. Ngựa kỳ, ngựa ký: chỉ những loại ngựa quý, ngựa tốt.

10. Hàn Tín: là tướng của Hán Cao Tổ, muốn đánh nước Yên, theo kế của Lý Tả Xa viết thư dụ trước, quả nhiên nước Yên đầu hàng.

11. Chích: Là một tên cướp sừng sỏ trong truyền thuyết Trung Quốc.

12. Nghiêu: Là vị hoàng đế lý tưởng trong truyền thuyết Trung Quốc.

13. Nghệ An: Cánh quân do Toa Đô chỉ huy, được lệnh từ Chiêm Thành, đánh chiếm các châu lộ phía nam của ta, rối tiến ra bắc qua Nghệ An, phối hợp với các đạo quân của Thoát Hoan bao vây tiêu diệt vua tôi và quân đội nhà Trần.

14. Trần Bình Trọng: Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thuỵ Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban họ Vua.

15. Các sử tịch Trung Quốc đều chép là Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu theo đường biển tiến đánh Chiêm Thành vào tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282), không đi qua Lão Qua.

16. Thát: Ở đây chỉ quân Tống tham gia hàng ngũ chiến đấu của Nhật Duật.

17. Long Hưng là đất huyện Tiên Hưng cũ, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi có lăng mộ của họ Trần

18. Có tài liệu như An Nam Chí Lược ghi là Toa Đô phóng ngựa rơi xuống nước chết.

19. Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu để đánh Chiêm Thành từ năm 1282, đến khi đánh bại, bị chém đầu ở trận Tây Kết năm 1285, tức là đã 3 năm.

Mời đọc lại các phần trước tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.