Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Hồ sơ thuế của Trump: Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế (Phần 3)

 

Hồ sơ thuế của Trump: Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế (Phần 3)

New York Times

Tác Giả: Russ Buettner, Susanne Craig và Mike McIntire

Dịch Giả: T.Vấn

27-9-2020

Tiếp theo phần 1 và phần 2

Phần 3: Tấm bản đồ của đế chế doanh nghiệp Trump

Nội dung của hàng ngàn tài liệu thuế kinh doanh và cá nhân có chứa đựng nhiều chi tiết về tài chính đã bị che giấu trong nhiều năm.

Năm 2014, khi được hỏi liệu ông có bằng lòng bạch hóa các hồ sơ khai thuế của mình nếu ra tranh cử tổng thống hay không, Trump đã trả lời: “Tôi sẵn sàng làm việc đó”. Từ bấy đến nay, lập trường của ông về việc này đã đảo ngược hoàn toàn.

Trong lúc vận động tranh cử, Trump tuyên bố ông ta sẽ bạch hóa các hồ sơ thuế của mình, nếu bà Hillary Clinton (ứng cử viên của đảng Dân chủ năm 2016) công khai nội dung các bức điện thư (e-mails) mà bà đã xóa đi trong máy chủ cá nhân của bà – na ná giống như luận điệu ông ta đã dùng để chỉ trích cựu tổng thống Obama về câu chuyện bịa đặt vị cựu tổng thống này không phải sinh ra tại nước Mỹ, rằng: Ông ta sẽ bạch hóa hồ sơ thuế của mình nếu tổng thống Obama cho mọi người xem tận mắt tờ giấy khai sinh của ông.

Đã có lúc Trump huyên hoang rằng, hồ sơ khai thuế của mình “dầy lắm” và “hết sẩy”. Nhưng trình làng cho mọi người xem ư? “Phức tạp lắm, khó hiểu lắm!”. Ông ta thường viện dẫn đến việc hồ sơ thuế của mình đang bị sở thuế truy vấn (audit) nên không thể công bố chúng được. Nhưng viên giám đốc sở thuế đã xác nhận, việc hồ sơ thuế bị truy vấn không cản trở chủ nhân của nó công bố ra cho mọi người. Khi các công tố viên, các ủy ban điều tra của quốc hội, công bố trát đòi ông ta phải nộp các hồ sơ thuế của mình, thì Trump đã dùng đến không chỉ các luật sư riêng mà còn lôi kéo cả Bộ Tư pháp trong chính phủ vào cuộc, gây trì hoãn lê thê cho đến khi phải giao cho Tối cao Pháp viện phán quyết.

Thái độ thách thức và việc sử dụng những chướng ngại đầy tính toán của Trump trong việc tìm cách để không phải bạch hóa hồ sơ thuế của mình, chỉ gây thêm nhiều nghi hoặc rằng, hẳn ông ta có điều bí mật cần được giấu giếm. Liệu trong đó có một đầu mối tiền bạc gì dính líu đến việc ông ta có vẻ như tỏ ra chiều lòng nước Nga và vị tổng thống Nga Vladimir V. Putin? Trump có khấu trừ khoản tiền đấm mõm (hush payment) trả cho cô đào đóng phim người lớn Stormy Daniels như là một chi phí kinh doanh trong hồ sơ khai thuế vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử 2016? Liệu có một nguồn tài chính nào ở trong bóng tối tài trợ cho những họat động thu mua cơ sở thương mại một cách điên cuồng ầm ĩ của Trump hồi giữa những năm 2000?

Báo New York Times đã xem xét, phân tích những dữ liệu từ hàng ngàn hồ sơ thuế cá nhân và doanh nghiệp từ năm 2000 cho đến năm 2017, cùng với một số dữ liệu về thuế khác thuộc về những năm trước đó. Tập hồ sơ này bao gồm dữ liệu về số tiền lương trả cho nhân viên trong nhiều năm và ghi chép về các khoản thanh toán bằng tiền mặt giữa Trump và các doanh nghiệp, cũng như những chi tiết liên quan đến các cuộc truy vấn (audits) của sở thuế hiện đang diễn ra. Ngoài ra, bản điều tra này cũng căn cứ vào hàng chục cuộc phỏng vấn, những dữ liệu có từ trước, nhưng chưa được công bố từ nhiều nguồn khác nhau, cả công khai lẫn bí mật.

Tất cả những tài liệu mà báo New York Times có được đều có nguồn gốc từ những chủ sở hữu hợp pháp. Trong khi phần lớn những dữ liệu thuế trước đây chưa hề được công bố, tuy nhiên, tờ báo cũng có thể kiểm chứng tính chính xác của chúng một phần nhờ vào những nguồn cung cấp mà công chúng có thể tham khảo và một phần nhờ vào những tài liệu riêng mà trước đây tờ báo đã thu thập được.

Nghiên cứu sâu vào những hồ sơ thuế tồn trữ qua nhiều năm sẽ nhìn được kỹ hơn cấu trúc phức tạp của những họat động kinh doanh của tổ hợp Trump – và tất nhiên, chiều sâu của những vướng mắc mà Trump đã tự đưa mình vào. Nhiều người biết tới cái gọi là Tổ Hợp Trump (Trump Foundation), thực ra đó là một tổng hợp của hơn 500 doanh nghiệp, tất cả đều do Trump làm chủ, một số mang tên của Trump. Chẳng hạn như, có 105 cơ sở trong số này lấy tên từ “Trump marks” (nhãn hiệu Trump). Ông ta cũng dùng các “Trump marks” này để thu lợi tức bản quyền tên Trump.

Trước đây, một phần rời rạc trong các hồ sơ khai thuế của Trump, đã từng bị tiết lộ.

Năm 2019, New York Times đã sở hữu được bản sao chính thức từ sở thuế (transcript) của mẫu thuế liên bang 1040 cho những năm 1985 đến 1994. Nội dung những hồ sơ thuế này cho thấy, Trump đã bị lỗ lã tiền bạc nhiều hơn bất cứ một người Mỹ bình thường nào.

Hồi chiến dịch tranh cử năm 2016 còn đang diễn ra, New York Times đã nhận được qua hệ thống bưu điện từ một người gửi nặc danh 3 trang đầu của mẫu thuế 1040 của Trump cho năm thuế 1995, trong đó, Trump khai đã bị lỗ 915.7 triệu đô la. Con số này cho phép Trump được khấu trừ vào lợi tức trong vòng hai mươi năm tới, có nghĩa là ông ta sẽ không phải đóng một xu tiền thuế lợi tức liên bang nào.

Năm tháng sau, ký giả David Cay Johnson có được hai trang đầu của hồ sơ khai thuế Trump gởi cho sở thuế năm 2005. Năm đó (2005), những kinh doanh của Trump đã hồi phục đến mức có được lợi tức để trả thuế.

Năm 1995 là năm Trump đặt nhát cuốc đầu tiên xây khách sạn Trump International và Tòa tháp Trump Tower ở New York, ông ta khai lỗ 915.7 triệu đô la – một con số rất lớn, nó giúp ông ta trải dài sự khấu trừ vào lợi tức trong nhiều năm sau để không phải trả một xu thuế lợi tức nào. Nguồn: Francis Specker/New York Post Archives/ NYP Holdings, Inc./ Getty Images
Đến năm 2005, vận may đã quay trở lại với Trump và ông ta đã bắt đầu đóng thuế: Khoản lỗ gần 1 tỉ từ 10 năm trước ông ta đã sử dụng hết sạch sự khấu trừ của nó; vừa đúng lúc Trump có thể kiếm được tiền nhờ vào vai trò ngôi sao sau khi chương trình “The Apprentice” phát sóng lần đầu tiên. Nguồn: Michael Nagle/ Getty Images

Một khối lượng khổng lồ những dữ liệu thuế của Trump mà New York Times có trong tay, sau khi phân tích, đã giúp nhóm phóng viên điều tra có được một kết luận đầy đủ về những chu kỳ thăng-trầm/ thành công-thất bại trong sự nghiệp của Trump. Dù vậy, vẫn còn có những giới hạn không thể vượt qua.

Chẳng hạn như, các hồ sơ thuế không bắt buộc phải báo cáo giá trị ròng (net worth) của doanh nghiệp – trong trường hợp của Trump, điểm này khó mà xác định vì không có những cơ sở chính xác mà không gây tranh cãi. Các văn kiện liệt kê một lọat những món tiền khổng lồ, nhưng bản khai thuế chỉ ghi nhận những món nợ mà không đòi hỏi phải để tên người cho vay.

Những số liệu hiện có không cho biết một chi tiết nào về khoản tiền đấm mõm (hush-money) 130,000 đô la trả cho Stephanie Clifford, tên thật của cô đào đóng phim người lớn qua nghệ danh Stormy Daniels. Đây cũng là mục đích chính của công tố viên khu Manhattan, New York, khi gởi trát đòi Trump phải nộp bản khai thuế hàng năm và các văn kiện tài chính khác. Trump đã xác nhận có hoàn trả số tiền nói trên cho cựu luật sư riêng là Michael Cohen, là người đã thay mặt Trump thực hiện vụ giao dịch, nhưng trong các văn kiện mà New York Times hiện có, không thấy liệt kê số tiền mà Trump đã hoàn lại cho Cohen. Tuy nhiên, rất có thể số tiền nói trên đã được bao gồm (bất hợp pháp) trong các khoản chi phí pháp lý được dùng để khấu trừ trong lợi tức kinh doanh của Trump. Hồ sơ thuế không bắt buộc người khai phải liệt kê chi tiết từng khoản tiền trong chi phí này.

Không một đề tài nào gợi sự chăm chú soi mói về tình hình tài chính của Trump hơn đề tài về mối quan hệ mà ông ta duy trì với người Nga. Trong lúc các hồ sơ thuế vụ không cho thấy mối quan hệ tiền bạc nào của Trump với người Nga mà trước đây, cũng như bây giờ, không được biết tới; và chính xác hơn, thiếu những yếu tố quan thiết để bị bắt buộc phải được ghi trong hồ sơ; tuy nhiên, qua phân tích các hồ sơ thuế của Trump, người ta thấy một chút ánh sáng chiếu vào số tiền ở phía sau cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013, diễn ra ở Moscow, một đề tài ngấm ngầm mà dai dẳng vì những cuộc điều tra liên tiếp về sự can thiệp của người Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Những dữ liệu cho thấy, cuộc thi năm 2013 là cuộc thi hoa hậu hoàn vũ đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong suốt thời gian Trump là một trong những chủ sở hữu, nó đã đem lại số tiền 2.3 triệu đô la cho mỗi người chủ sở hữu; trong đó phải kể đến sự đóng góp – ít nhất là một phần – của gia đình Agalarov, là người mà sau này làm môi giới cho cuộc họp mặt năm 2016 kiếm tìm “bùn bẩn tát vào Hillary Clinton” đầy tai tiếng giữa các viên chức điều hành chiến dịch tranh cử của Trump và viên luật sư người Nga có những mối quan hệ mật thiết với điện Kremlin.

Hồi tháng 8 vừa qua, ủy ban tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ công bố một bản báo cáo có nội dung xoáy mạnh vào những sự kiện và hoàn cảnh chung quanh cuộc thi hoa hậu này, đã tiết lộ rằng, mới hồi tháng 2 năm nay, các điều tra viên đã gởi trát đòi đến ca sĩ người Nga Emin Agalarov, là người có liên quan đến việc tổ chức cuộc thi. Cha của Emin, ông Aras Agalarov, một tỉ phú đã từng khoe mình có những mối quan hệ mật thiết với Putin, cũng là đối tác chính của Trump trong cuộc thi hoa hậu nói trên.

Trái: Emin Agalarov, ca sĩ người Nga; gia đình Emin đã tham gia việc họach định tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2013 diễn ra tại Moscow. Cuộc thi này đã đem về cho Trump 2.3 triệu đô la. Nguồn: Irina Bujor/ Kommersant.ru/ AP

Ủy ban tình báo của thượng Viện Hoa Kỳ cũng đã phỏng vấn bà Paula Shugart, giám đốc điều hành cuộc thi hoa hậu. Bà này cho biết, gia đình Agalarov đã đề nghị bảo trợ cho cuộc thi; doanh nghiệp của họ, công ty Crocus Group, trả 6 triệu đô la tiền phí bản quyền và thêm 6 triệu đô la nữa cho những chi phí tổ chức. Trong lúc cuộc thi được xem như là một thất bại về tài chính cho gia đình Agalarov – họ chỉ lấy về được 2 triệu đô la – bà Shugart nói với các điều tra viên rằng, cuộc thi là “một trong những thương vụ béo bở nhất” mà những người tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ đã kiếm chác được, theo nội dung bản báo cáo của ủy ban tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ.

Hồ sơ thuế của Trump cũng đã xác định chi tiết này. Ban tổ chức cuộc thi báo cáo đã nhận được tổng thu là 31.6 triệu đô la – số thu cao nhất kể từ những năm 1990s – cho phép Trump và chủ đồng sở hữu là đài truyền hình NBC chia nhau khoản lời 4.7 triệu đô la. So sánh với năm trước đó (2012), Trump và NBC chia nhau khoản lỗ là 2 triệu đô la, và năm sau đó (2014) họ chia nhau khoản lỗ là 3.8 triệu đô la.

(Còn tiếp)

Kỳ sau: Kẻ thắng, người thua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.