Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Dân lo chạy lũ, đảng lo hội họp

 

Dân lo chạy lũ, đảng lo hội họp

BTV Tiếng Dân

Tổng quan thiệt hại nhân mạng sau gần 10 ngày mưa lũ ở miền Trung, báo Ngày Nay thống kê: 154 người chết và mất tích do mưa lũ miền Trung. Đó là số liệu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai tính đến 18h hôm nay 19/10. “Mưa lũ khiến 13 tuyến Quốc lộ, 30.050m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị)”.

Hôm nay, từ khóa được nhắc đến nhiều nhất chuyển từ “Quảng Trị” sang “Hà Tĩnh”, do diễn biến mưa lũ ở đây đã phức tạp, dồn dập hơn. Nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy viết: Cập nhật tình hình mưa và ứng phó ở Hà Tĩnh. Ông Huy cho biết: “Tổng lượng mưa tại trạm Kỳ Thượng là 1.685 mm trong vòng 3 ngày. Trong đó riêng ngày hôm nay có trạm mưa đến 800mm, bằng với 1/3 tổng lượng mưa trung bình cả năm của Hà Tĩnh. Nghĩa là trời dội nước vài ngày để nghỉ cả năm”.

Lượng mưa đo được tại các trạm ở Hà Tĩnh từ ngày 17 đến sáng 19/10. Ảnh: FB Huy Nguyễn

Các báo “lề đảng” xác nhận thông tin tương tự. VnExpress đưa tin: Miền Trung tiếp tục mưa lớn. Báo Pháp Luật TP HCM viết: Lũ đặc biệt lớn, Hà Tĩnh ra lệnh di dời 46.000 dân. Báo Tiền Phong có bài: Đại hồng thuỷ nuốt chửng Quảng Bình trong đêm, khắp nơi người dân kêu cứu.

Tình hình người dân ở Quảng Bình: Người dân vùng lũ lên nóc nhà ‘hét’ xin cứu trợ mì tôm, nước uống, báo Thanh Niên đưa tin. Chiều nay, hàng ngàn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy đã chìm trong biển nước, nhiều ngôi nhà ngập tới nóc. Nước lũ lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay, đành phải lên nóc nhà ở tạm chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Mưa lũ kéo dài nhiều ngày khiến thực phẩm, nước uống của người dân đã cạn kiệt, nên thấy ghe của đoàn cứu hộ nhiều người dân đã xin cứu trợ, mì tôm và nước uống.

Nước ngập sâu, người dân tỉnh Quảng Bình chỉ biết leo lên nóc nhà để trốn. Ảnh: Mạnh Cường/TN

Trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, dồn dập ở Hà Tĩnh, trang Kiểm Tin cho biết: Hồ Kẻ Gỗ có phương án phá tràn sự cố. Cụ thể, “Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh Hà Tỉnh vừa có công văn khẩn cảnh báo có thể phải dùng thuốc nổ phá tràn sự cố tại hồ Kẻ Gỗ để bảo vệ an toàn hồ chứa… hiện tại nước đang ở cao trình 33,6 mét và đang xả tràn với lưu lượng 1’100 m3/giây, theo dự báo với lượng mưa 350-400 mm thì trong 8 giờ nữa nước sẽ dâng lên đỉnh tràn sự cố, buộc phải xả tràn khẩn cấp với lưu lượng 4’000 m3/giây”.

Công văn về tình hình khẩn cấp ở hồ thủy điện Kẻ Gỗ. Ảnh: FB Kiểm Tin

Báo Thanh Niên có clip: Lũ lụt tại Hà Tĩnh, hồ Kẻ Gỗ đang trong tình trạng ‘nguy hiểm nhất’.

Cũng liên quan đến sự kiện trên, báo Người Lao Động đưa tin: Hồ Kẻ Gỗ xả lũ, Hà Tĩnh sơ tán khẩn cấp gần 15.000 hộ dân. Một người dân ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh cho biết: “Từ chiều hôm qua tới giờ mưa to không ngớt, cộng với hồ Kẻ Gỗ liên tục xả lũ đã khiến nước dâng lên rất nhanh. Hiện nhà tôi và các ở trong khu vực nước đã vào nhà ngập gần 1m rồi. Tôi cùng chồng sau khi di chuyển đồ đạc lên chỗ cao để tránh nước thì đưa con sang nhà bác ở khu vực cao hơn để ở. Từ nhỏ tới giờ, tôi mới chứng kiến cảnh nước lên nhanh như thế này, đến như trận lũ lịch sử năm 2010 cũng không bằng lúc này.

Nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy cho biết: Ở các nước “giãy chết” như Mỹ hoặc Nhật Bản, khi có thiên tai thì chính quyền sẽ “cắt sóng chương trình hàng ngày và chèn sóng phát trực tiếp về diễn biến và cảnh báo thiên tai ngay tắp lự. 

– Phóng viên hiện trường kết nối với đài TW, đài quốc tế đưa tin tắp lự. 

– Đường dây nóng chạy nóng màn hình. 

– Nhà khoa học và chuyên gia đưa ra kịch bản. 

– Đại diện chính quyền hướng dẫn về phương án sơ tán..”

Ở VN thì hiện nay mấy chương trình liên quan đến hội họp, bầu bán vẫn đang chiếm sóng. 

Trước đó cũng theo ông Huy, phía chính quyền Hà Tĩnh và Công ty Thủy lợi Nam Hà đã quyết định tăng lượng xả tràn hồ chứa nước Kẻ Gỗ, góp phần khiến lũ ở tỉnh này tiếp tục dâng cao, trước khi trở nên phức tạp đến mức các bên hữu trách phải tính đến phương án “phá tràn sự cố” nói trên.

Thông báo về việc tăng lưu lượng xả tràn hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Ảnh: FB Huy Nguyễn

Nhà báo Hoàng Hải Vân nhận định: Thiên nhiên nổi giận hại nhầm người! Quan chức phá rừng, người dân lãnh đủ: “Không nghi ngờ gì nữa, mức độ trầm trọng của lũ lụt ngày càng gia tăng là do rừng bị phá để lấy gỗ, để làm thủy điện và để chiếm giữ phục vụ cho lợi ích thiển cận của một bộ phận những kẻ tham lam có thế lực và quan chức. Thiên nhiên đang trả đũa, nhưng trả đũa nhầm vào dân nghèo, vào những người lính và những người lương thiện. Người lương thiện lại bị trừng phạt thay cho bọn bất lương, thiên đạo có công bằng không? Các vị bồ tát đang ở nơi nào?”

Vụ Thanh Ngân, Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng hát mừng thành công Đại hội Đảng, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đặt câu hỏi: Lúc này, đồng bào tang thương thế mà các ông “hát mừng” được ư? Ông Vũ đặt vấn đề, nếu các “ca sĩ” đã nhận show, không hủy được thì vẫn có thể “thư thư thời gian chút để người miền Trung hết cảnh tang tóc chết người hại của; thư thư thời gian chút vì 13 liệt sĩ Rào Trăng mới truy điệu hôm qua, hôm nay việc kiếm tìm thi thể bộ đội còn tiếp diễn đấy ạ. Hoặc là các ông biến buổi biểu diễn ấy gây quỹ cho miền Trung. Đồng bào của các ông cả đấy. Đồng loại của các ông cả đấy”.

Sự kiện “hát mừng thành công Đại hội Đảng” diễn ra vào tối qua 18/10 ở Trung tâm Ca nhạc nhẹ và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM nhằm chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành Hồ lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã “kết thúc thành công”. Cùng thời điểm đó, mưa lũ ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập úng từ Thanh Hóa đến Bình Định

Ngày 18/10, lãnh đạo thành Hồ tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình “hát mừng thành công Đại hội Đảng”. Ảnh: Duyên Phan/TT

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận tình hình “ở một quốc gia”:

“- Nhà tướng lĩnh biên phòng, cán bộ kiểm lâm nhiều gỗ là bình thường. 

– Quan chức khoe dinh thự gỗ, nhà vườn gỗ là bình thường. 

– Những ông sư trọc đầu ngồi nói chuyện nhân quả trước một chiếc bàn làm từ cây cổ thụ là bình thường. 

– Liên hoan văn nghệ song trùng với nỗi đau đồng bào là bình thường”.

Theo ông Tường, “đó là một quốc gia khủng hoảng đạo đức trầm trọng!”

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết“Trong mắt tôi, quan nhân vỗ tay chúc tụng nhau trên truyền thông lúc này đều là người không tốt. Bởi nếu tốt họ phải hiểu, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Chứ làm sao có chuyện, ai đau cứ đau, ai ăn cứ ăn?!” Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh đặt câu hỏi“Chi phí cho đại hội đảng ước tính 40,000 tỷ trong khi cả miền trung chìm trong chết chóc và bão lụt. Đảng này có vì dân?”

Nhà báo Nguyễn Trung Bảo so sánh hai tấm hình: “Tấm hình ‘tỷ phú’ Mai Vũ Minh trong một căn phòng với bộ bàn ghế khổng lồ bằng gỗ và hình dưới là thành phố Đông Hà trong nước lụt sáng 18/10. Hai tấm hình ngỡ là không liên quan nhưng chính những món đồ gỗ trong ngôi nhà của những trọc phú – quan chức Việt Nam đã đem nước lũ về nhà dân nghèo”.

Căn phòng ngập trong gỗ quý của tỷ phú Mai Vũ Minh, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn SAPA Thale. Ảnh: FB Nguyễn Trung Bảo
TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ngập trong nước lụt sáng 18/10. Ảnh: FB Nguyễn Trung Bảo

Nhà thơ Đỗ Trung Quân bình luận“Cái cần nên dừng lại là những đại hội không của dân nhưng xa hoa tốn kém tiền dân giữa cơn đại nạn của dân. Cái cần biết xấu hổ là những trò ca múa tụng ca công ơn ‘thiên tử’ không thua gì thời vua chúa tưởng đã lụi tàn. Mọi quốc gia khi thiên tai hoạn nạn chính phủ có lương tri trách nhiệm đều dừng mọi vui chơi, lễ hội mà hướng tới dân. Ở đây Dân cứu Dân rõ hơn cả. Từ lâu rồi!”

LS Nguyễn Danh Huế phân tích “quy trình” khiến thủy điện ngày càng nhiều, rừng ngày càng ít, mưa lũ ngày càng khốc liệt: “Sản xuất ra điện không phải lo bán hàng đã thích, việc khi được phê duyệt dự án rồi thì chặt rừng bán gỗ cũng thích không kém, có khi bán gỗ và khai thác khoáng sản đã thu gần hết vốn. Luật quy định khi chặt rừng làm thuỷ điện thì phải trồng rừng bù đắp cho phần chặt đi nhưng thực tế chẳng mấy DN trồng bởi đơn giản, không có ai giám sát hoặc lấy đất đâu mà trồng?”

Nhà báo Võ Văn Tạo lưu ý“Ảnh vệ tinh vùng 3 biên giới Đông Dương cho thấy mật độ rừng hiện trạng. Lào và Campuchia quá nghèo nàn lạc hậu, cây rựa, cái rìu cũng chưa làm nổi, cái máy cưa cũng không có tiền mua, cho nên, rừng của họ còn nguyên”. Đối lập với những cánh rừng còn nguyên của Lào, Campuchia là các khu rừng bị tàn phá nặng nề ở VN.

Ảnh vệ tinh ngã 3 Đông Dương. Ảnh: FB Võ Văn Tạo

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Bộ trưởng NN&PTNT: Mưa lũ ở miền Trung lớn chưa từng thấy. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và xử lý hỗ trợ khắc phục mưa lũ tại miền Trung chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xác nhận: “Mưa lũ lớn chưa từng thấy, vượt cao so với lịch sử, khiến toàn bộ lưu vực các sông mực nước đều vượt cao”. Cũng theo ông Cường, “mưa lớn đã gây sạt lở núi chưa từng thấy và không theo quy luật”, như vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 chôn vùi Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng 12 cán bộ, quan chức và vụ sạt lở ở các khu nhà của sư đoàn 337.

Thông Tấn Xã VN cập nhật vụ sạt lở ở Hướng Hóa: Tìm thấy toàn bộ 22 thi thể cán bộ, chiến sỹ. Tin cho biết, đến 14h30’ hôm nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy đủ 22 thi thể cán bộ, quân nhân Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất trước đó. Vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng hôm qua 18/10, với diện tích sạt lở rộng hơn một ha, các khối đất đá đã ập xuống các khu nhà của sư đoàn 337. 

Trước đó, Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng kêu gọi kiều bào giúp đỡ nạn nhân bị lũ lụt, RFA đưa tin. “Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân…” 

Dư luận trên mạng xã hội bình luận ông Trọng có tuổi nhưng không có tự trọng, đi ngửa tay xin tiền từ chính những người mà chính ông Trọng và thuộc hạ của ông đã gọi là “thế lực thù địch”. Cũng có ý kiến đặt câu hỏi rằng bình thường bộ máy tuyên truyền của chế độ luôn nói rằng mọi việc “có đảng và nhà nước lo”, nay chính là lúc đảng và nhà nước càng phải “lo” để dân còn có cái mà tin, sao phải xin “thế lực thù địch”?

VnExpress có bài tổng hợp lời bình của một số nhà nghiên cứu khí tượng: Việt Nam đang chịu ‘tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới’. Người phát ngôn Văn phòng Khí tượng Anh  Grahame Madge nhận định: “Theo đánh giá toàn cầu của chúng tôi về các điều kiện khí tượng hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới”. Còn ông Brian Eyler, GĐ Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu Stimson – Mỹ, cho rằng những trận mưa lụt tương tự sẽ trở thành hiện tượng “bình thường mới” ở khu vực ven biển miền Trung VN.

Mời đọc thêm: Nhìn miền Trung tang tóc, ông thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ, ông nghĩ gì về cái ghế gỗ đồ sộ từ việc phá rừng mà ông đã ngồi lên đó cười? (FB Hoàng Nguyên Vũ). – Nhiều hồ chứa ở miền Trung đang xả lũ (FB Kiểm Tin). – Hồ chứa ở Hà Tĩnh đồng loạt xả lũ(NNVN). – Nước lũ chia cắt quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh, Quảng Bình (VNE). – Cận cảnh Hà Tĩnh ngập nặng chưa từng có từ 50 năm trở lại (KTĐT). – [Video] Cảnh lũ lụt kỷ lục tại miền Trung nhìn từ trên cao (TTXVN). 

– “Nhà ngập tới nóc rồi, làm sao bây giờ…”– Nhói lòng những dòng tin kêu cứu từ rốn lũ (NLĐ). – Quảng Trị: Đoàn tìm kiếm có bảy người mất liên lạc, Trưởng CAX hy sinh, Chủ tịch xã bị gãy chân (ANTĐ). – Lời thiên nhiên nhắc nhở (TT). – Chúng ta đã làm gì khiến thiên nhiên nổi cơn cuồng nộ đến vậy? (PLTP). – Miền Trung sơ tán hơn 90.000 dân, 102 người chết (VNE). – Miền Trung Lào hứng chịu đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất trong 42 năm (TTXVN). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.