Chúng ta sẽ học được gì?
18-10-2020
Người Việt ngàn đời đối mặt với thiên tai và ngoại xâm. Nhưng người Việt cũng cần nhìn nhận lại nhân hoạ.
Có hai thứ nhân hoạ trong nhận định của người viết:
1- Sự tha hoá của lực lượng thống trị sau khi giành chiến thắng chống ngoại xâm. Sự hưởng thụ hậu chiến tranh khiến giới cầm quyền sưu cao thuế nặng, bỏ mặc nhân dân và cướp đoạt tài sản và chà đạp nhân phẩm con người, vơ vét khoáng vật, tài nguyên của thiên nhiên.
2- Sự vô cảm của tầng lớp nhân dân. Ở đây có hai dạng: Một là vô cảm dù biết rõ, bởi cố tình vô cảm để thoả hiệp và kiếm chác quyền lợi từ giai cấp thống trị hay đơn thuần là cho rằng như vậy để yên ổn mưu sinh. Hai là vô cảm như là hiện thân kết quả quá trình ngu dân của lực lượng thống trị. Bị cai trị nhưng tôn sùng kẻ cai trị bằng tâm thức nô lệ ngu muội và thậm chí tấn công cả người đang bảo vệ mình.
Rừng bị tàn phá đến khánh kiệt do nhiều người dân sử dụng đồ gỗ. Thuỷ điện đặt giữa tim rừng. Năm nào cũng có lũ nhưng kèm thêm xả hồ cứu… thuỷ điện, nên năm nào cũng có người chết và bị thương, tài sản và hoa màu bị thiệt hại. Năm nào cũng có những tấm lòng chung tay chia sẻ nhưng vì thế mà năm nào tài lực quốc gia bị phân tán thay vì tập trung vào các mục đích tốt đẹp khác..v.v..
Sự phi lý tồn tại một cách đầy hợp lý vì nó được “cho phép” tồn tại. Nói một cách dễ hiểu hơn là nhân dân sẽ tiếp tục gánh chịu nhân hoạ nếu nhân dân còn đớn hèn im lặng. Các bi kịch về môi trường như bão lũ miền Trung sẽ vẫn tiếp tục nếu xã hội vẫn vận hành kiểu tập trung quyền lợi làm giàu cho kẻ có quyền cấp phép và kẻ được cấp phép để phá rừng. Trong đó có cả những người dân, vì mưu sinh trong quá trình bị ngu dân hoá của mình, đã tiếp tay cho phá rừng.
Có rất nhiều điều kỳ lạ đang diễn ra tại quốc gia này, ở nhiều dạng thức khác. Nên vẫn là một câu nhận định cũ kỹ của người viết: Trong chuỗi Nhân-Quả ấy, không có bất kỳ ai vô can! Chỉ khác nhau mức độ…
Số phận của chúng ta hôm nay có tệ là kết quả của chuỗi ngày thờ ơ, vô cảm hay thậm chí thoả hiệp, tiếp tay cho cái sai, điều ác trước đó. Nhưng số phận của chúng ta tương lai lại bắt đầu từ tâm thế, hành động của chúng ta hôm nay.
Tôi chọn không im lặng, lên tiếng và làm việc, vì tương lai bản thân và môi trường. Bởi người viết cho rằng im lặng không có nghĩa là vô can!
Bạn chọn gì thì vẫn được nhận sự tôn trọng của tôi, vì đó là quyết định của riêng bạn.
Tìm lối đi đến tương lai hay vẫn chọn “Đường về nô lệ”* là quyết định của mỗi người…
_____
Ghi chú: *: Một quyển sách của Friedrich von Hayek, dịch bởi Phạm Nguyên Trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.