Chuyện xin phép ở Việt Nam
21-11-2019
Hôm qua tôi đọc báo mạng, thấy anh trung tá cảnh sát giao thông kể lại với báo rằng, khi phát hiện một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn của mình – 1 xe ô tô đâm và kéo lê 3 xe máy rồi bốc cháy, anh đã xin phép chỉ huy rồi tiếp cận hiện trường ngay để thực hiện hành động cứu người.
Đọc xong, tôi nghĩ, nếu chỉ huy đi vắng, phải gọi điện cũng phải mất mấy phút. Rồi đã có xin phép, thì có thể cho phép hay không cho phép (đó là theo logic). Hoặc nếu tại nạn xảy ra không phải trên địa bàn quản lý của mình, mà ở giáp ranh địa bàn mình, chỉ huy bảo để đơn vị bạn lo thì phải làm sao? Nên nhớ hiệp sĩ săn bắt cướp đuổi theo bọn cướp sang địa bàn khác, còn bị khiển trách đó thôi.
Sống lâu dưới chế độ này, người dân đâm ra quen với tư duy phải xin phép, quen với kiểu bị đám đầy tớ dạy dỗ, rằng tự do cũng phải trong khuôn khổ chúng nó cho phép. Đến quyền biểu tình bị cấm, cũng không nghĩ rằng đó là quyền cơ bản nhất của con người, mà chẳng hiến pháp nước nào có thể cấm. Luật biểu tình có đặt ra chỉ để chính quyền phối hợp, điều tiết giao thông, tạo điều kiện và đảm bảo người dân được biểu tình an toàn. Biểu tình dẫn đến quá khích, cũng là do chính phủ không chịu lắng nghe và giải quyết những bức xúc của dân, vì chẳng phải vô cớ mà người dân biểu tình.
Rồi cái chuyện đảng viên không muốn ở lại trong đảng, cũng phải làm đơn xin phép cho ra. Đúng là cho vào là quyền của đảng, nhưng bỏ đảng là quyền của đảng viên chứ. Người ta ko yêu mình nữa là có lý do. Giữ họ lại là vô duyên và là điều không thể. Không biết đã có trường hợp nào đảng chấp nhận đơn xin ra khỏi đảng của đảng viên chưa, hay thấy họ xin ra thì giở trò khai trừ? Nghĩ ngộ thật, họ đã quyết tâm ra, thì khai trừ có ý nghĩa gì đối với họ nữa? Dùng đủ mọi thủ đoạn để bôi nhọ những người bỏ đảng, chỉ chứng tỏ sự cay cú tiểu nhân của đảng thôi.
Đất nước này có đủ mọi loại rào chắn từ hữu hình đến vô hình. Đến cái vỉa hè trước mặt nhà lãnh đạo ở đường Phan Đình Phùng, Hà Nội, người dân cũng bị cấm quay phim, chụp ảnh dù chỉ lấy cảnh đẹp của con đường. Tôi và dăm người bạn đứng ở vườn hoa cầm biểu ngữ chừng 15 phút, nói yêu nước không có tội, mà công an còn dí cho cái giấy phạt hành chính. Ai đó cứ thử cầm biểu ngữ ra đứng trước trụ sở các cơ quan công quyền chụp ảnh xem, công an đến đuổi, an đến bắt liền, chẳng cần lý lẽ gì hết. Mồm chúng nói gây rối trật tự công cộng, tức là mình gây rối trật tự công cộng, dù mình chỉ đứng yên trên vỉa hè. Chúng cãi lý không được thì cho xe tới bốc mình lên xe, chở về đồn.
Bây giờ nhiều người Việt Nam không sợ nói công khai những suy nghĩ của họ nữa. Đâu đâu cũng thấy dân chửi công an là chó vàng, chửi lãnh đạo cộng sản bán nước, hại dân … Họ chỉ chưa hành động đòi tự do, dân chủ như người Hongkong thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.