Đạo đức bị đánh tráo từ đâu?
Xã hội băng hoại và mọi trật tự đảo lộn trong tư thế lộng giả thành chân thì không thể nói khác đi ngoài vấn đề đạo đức đã băng hoại. Nhưng đạo đức băng hoại đến từ hai hướng, tự thân vận động của xã hội trong giới hạn bản năng/dân tộc tính và một hướng nữa, đó là tác động chính trị.
Và có vẻ như mọi sự băng hoại đạo đức xã hội đều đến từ hướng thứ hai. Xã hội Việt Nam hiện tại, khi các ngành nghề lấy đạo đức làm nền tảng bỗng dưng trở nên băng hoại và vô phương cứu chữa như vậy là do đạo đức bị đánh tráo. Một xã hội đạo đức bị đánh tráo bởi tác động chính trị là một xã hội mà ở đó, người ta có quyền hi vọng rất lớn vào sực phục sinh và tương lai tươi sáng. Bởi căn tính con người vẫn không bị lấy mất.
Đến đây, câu hỏi sẽ được đặt ra: Ai đã đánh tráo đạo đức của Việt Nam? Một câu hỏi dài và không thể trả lời thẳng vào vấn đề rằng Cộng sản đã lấy mất cái hay, cái đẹp hoặc giả Cộng sản đã đánh tráo đạo đức của người Việt. Bởi xét cho cùng, chính người Cộng sản cũng là nạn nhân của sự đánh tráo này.
Lý Tưởng, đây là một thứ tiền thân của quyền lực mà đã đụng chạm đến quyền lực thì vô hình trung, đó là một loại ma túy khiến cho người ta lún sâu vào nó, khó thoát ra được. Ban đầu, Lý Tưởng chỉ là một khái niệm hết sức mơ hồ với giới trẻ. Nhưng nó được đặt trong vấn tâm: Tuổi trẻ không có lý tưởng thì sẽ ra sao? Chính vì kiểu vấn tâm này mà hầu hết thanh niên, tuổi trẻ đều gắn mình với một lý tưởng xây dựng tương lai. Trong xã hội có dân chủ, có tự do và đa nguyên, đa chiều, đa đảng, việc lựa chọn lý tưởng sẽ dễ dàng và phong phú. Ngược lại, trong xã hội Cộng sản xã hội chủ nghĩa với cung cách quản lý hà khắc, độc tài, thì lý tưởng duy nhất tuổi trẻ có thể lựa chọn mà không bị sờ gáy vào tương lai chính là lý tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Lý tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã ăn mòn não trạng của thanh niên Việt Nam miền Bắc từ năm 1932 đến nay và miền Nam chí ít cũng từ 1975 đến nay. Việc đánh tráo khởi sự từ môi trường giáo dục, từ lớp học vỡ lòng cho đến đại học và trên đại học. Bài ca lý tưởng xã hội chủ nghĩa gắn vào não trạng non nớt của trẻ em bằng hoat động, công tác đội. Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, sau đó là hàng loạt công tác sao đỏ, cờ đỏ… Mà với đầu óc trẻ nít, chúng tin chắc rằng bảo vệ trật tự trong nhà trường, bảo vệ nội qui nhà trường và nội qui đội thiếu niên chính là đạo đức, là chuẩn mực mà chúng phải nỗ lực, phấn đấu để có được. Lớn hơn một chút, lý tưởng được gắn với hoạt động đoàn và khi vào đại học, lý tưởng được gắn với hoạt động đảng, với tiêu chí học giỏi, điểm cao, phấn đấu được kết nạp đảng. Dường như đây là một qui ước chung để đạt được chén cơm manh áo, để đỡ vất vả và có cơ hội thăng tiến trong tương lai. Chính vì thứ lý tưởng này, con người, trong đó người trí thức trở nên bé mọn trước sân khấu chính trị nếu không kịp phản tỉnh và bứt thoát ra khỏi chốn ấy.
Và, dường như căn tính người Việt, một loại căn tính lương thiện nhưng thụ động và đầy ức chế bởi kinh qua hơn một ngàn năm nô lệ giặc tàu, hơn năm trăm năm vùi mình dưới lớp đất phong kiến và hơn trăm năm đô hộ phương Tây để rồi, chế độ Cộng sản mang dáng dấp của phong kiến hiện đại ghé đến, chiếm lấy phần đất màu mỡ mang tên Nhân Dân Việt Nam để tiếp tục phủ bóng. Người Việt đi từ phụ thuộc này sang lệ thuộc nọ, chưa bao giờ bứt thoát, số lượng bứt thoát hết sức hiếm hoi và hạn chế! Và hành trình đánh tráo khái niệm bắt đầu từ mấy chữ Lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Cái lý tưởng này là gì? Là tôn thờ đảng Cộng sản và bác Hồ, mặc nhiên xem Bác là Cha Già Dân Tộc, là tấm gương ngàn đời và mặc nhiên chấp nhận đảng Cộng sản là nhà lãnh đạo duy nhất, là ngọn đuốc soi đường mà mỗi thành tố trong xã hội phải nhất nhất noi gương, học tập và làm việc, nỗ lực để đạt được những chuẩn mực đạo đức do đảng Cộng sản đề xướng. Hệ quả của việc này là có những chồng chéo đạo đức hết sức khôi hài. Một ông Hiệu trưởng, một bà Hiệu trưởng, một cô giáo tiêu biểu được chọn vào đối tượng đảng, được kết nạp đảng phải sinh hoạt đảng và nhận sự chỉ đạo từ những Bí Thư chi bộ Đảng khối ngành nghề, khối thôn/ấp, phường/xã, cao hơn một chút là quận/huyện và thành phố/tỉnh… Tất cả đều phải tuân thủ qui luật nghiêm ngặt “còn đảng còn mình” và Bí thư là người quyền lực nhất, là người điều hợp và điều hành mọi mâu thuẫn cũng như quyền lực, quyền lợi. Chính tiếng nói của Bí thư quyết định sống còn của đảng viên.
Một khi mọi qui chiếu đều căn cứ trên lý tưởng đảng/tính đảng và quyền lực đảng thì đương nhiên các giá trị khác như tri thức, quyền tự do, quyền làm người, quyền phát biểu, quyền sáng tạo chỉ căn cứ xoay quanh trục quyền lực đảng với mỹ từ Lý tưởng đảng. Và đây cũng là lúc mà đạo đức bị đánh tráo thê thảm nhất. Một ông/bà Bí thư Đảng không có trình độ, nghèo tri thức nhưng lại có bề dày tuổi đảng sẽ không ngần ngại ra lệnh, điều phối và đưa ra những quyết sách đậm tính đảng nhưng thiếu vắng tri thức. Và đến một lúc nào đó, để hợp thức hóa quyền lực đảng, các ông/bà này lại tìm cách chạy chọt, thủ đoạn, léo hánh để có được những tấm bằng chuyên môn, bằng đại học, thậm chí trên đại học với lý do để củng cố quyền lực đảng và gương mẫu, chuẩn mực khi điều hành. Thực ra, trong sâu thẳm của việc này là tham quyền cố vị và sợ bị cấp dưới chê bai mình dốt nát nên phải bằng mọi giá chạy chọt cho có được các loại bằng cấp.
Một khi nắm các loại bằng cấp trên tay cộng với quyền lực đảng, các nhà “lãnh đạo” địa phương tha hồ tác loai tác quái, lộng quyền và chẳng coi các đảng viên cấp dưới ra gì mặc dù họ là những trí thức có thực học. Và cái giá phải trả là mọi qui chiếu đạo đức bị đảo lộn, bị đánh tráo, kẻ vô văn hóa làm chủ xướng cuộc chơi, những trò vô bổ, phản cảm và tục tĩu lên ngôi, được xem như trò chơi bổ ích trong các sinh hoạt ngoại vi. Điều này lý giải tại sao ngày càng nhiều video clip các trò vô bổ và lố lăng của các cán bộ đoàn, đảng xuất hiện. Và bên cạnh đó, sự biến mất của lòng tự trong do tác động chính trị đã khiến cho rất nhiều trí thức sa sút vào nghiện ngập quyền lực, chấp nhận bỏ qua tiếng nói của lương tri, xem các qui chuẩn lãnh đạo đưa ra là chuẩn mực đạo đức. Cuối cùng, đổi tình dục lấy quyền lực, trí thức đi phục vụ bia cho quan chức, trí thức luồn lách, chấp nhận làm nô lệ tình dục cho quan chức… Tất cả không nằm ngoài giấc mơ quyền lực, tiền bạc và đạo đức đã bị đánh tráo.
Đáng sợ nhất ở đây là đạo đức không đánh tráo từ hệ hình này sang hệ hình khác mà đánh tráo từ hệ qui chiếu con người sang hệ qui chiếu súc vật, phi nhân tính. Điều đó là một tiến trình thụ động của trí thức. Và chính sự thụ động này giúp người ta có quyền hi vọng về một sự phục sinh đạo đức dân tộc nếu đặt sự thụ động này vào một bệ phóng sinh động và có đầy đủ quyền con người. Hay nói khác đi, nếu như đục bỏ hệ qui chiếu cũ, thay vào đó hệ qui chiếu có nhân tính thì đạo đức dân tộc cũng trở về bản nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.