Chưa thiết thực
25-11-2019
Thành uỷ TP.HCM vừa thông báo sẽ thực hiện “khảo sát, tiếp nhận ý kiến nhân dân nhằm góp phần xây dựng TP sáng tạo, đi đầu cùng cả nước, vì cả nước”. Tôi coi đây là một cách làm tích cực. Ví dụ điểm tích cực cụ thể là mạng xã hội cũng là một kênh để tiếp thu ý kiến.
Ông Lê Văn Minh – thành ủy viên, phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết: “Người dân có thể góp ý tập trung vào 6 chủ đề chính: Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế TP; Thực hiện các chương trình đột phá, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, khắc phục những bất cập, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân…; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa, con người, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội; Công tác giữ vững ổn định chính trị, an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; Công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền TP hiệu lực hiệu quả và các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế.”
Có thể coi đây là điểm sáng tích cực trong việc củng cố quyền lực cai trị của hệ thống chính trị cấp thành phố. Nhìn rộng ra, cả nước cũng nên học tập xu thế này bởi sẽ có rất nhiều vấn đề về thể chế trì trệ hiện hữu phải thay đổi. Khá ít người nhìn thấy tầm quan trọng của việc xuất hiện công đoàn độc lập (được Quốc hội thông qua) bởi nó xác tín hệ thống chính trị Việt Nam phải thay đổi nếu ký EVFTA. Chính xác hơn là “đội tiên phong” theo điều 4 Hiến pháp buộc phải thay đổi để giữ vai trò cai trị của mình.
Tp.HCM hay cả nước cũng như nhau thôi!
Nhưng theo tôi, đấy chỉ mới là cách làm thử nghiệm mang tính hình thức. Sâu hơn nữa, hiệu quả hơn nữa lại nằm ở nội dung của các thay đổi thể chế mang tính “màng lọc” ngăn chặn sự duy ý chí của hệ thống lãnh đạo. Hội đồng Nhân dân đã ở đâu khi UBND Tp.HCM “quyết tâm” dồn dân Thủ Thiêm vào thế đường cùng để lấy đất và rồi bây giờ sai phạm đầy rẫy? Đại biểu Quốc hội ở đâu khi đơn thư của dân mấy chục năm dồn ứ?
Phải có ai đó chịu trách nhiệm khi khoác chiếc áo dân cử, xài tiền thuế dân nhưng lại bỏ mặc nhân dân chứ!
Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự bất cập của hơi đóng góp 82% ngân sách cho trung ương. Đóng góp nhiều mà quyền lợi ít, sai phạm nhiều mà xử lý nghiêm ít; như vậy thì nhân dân liệu có muốn đóng góp ý kiến một cách hào hứng và hiệu quả hay không? Tôi thấy chưa có dấu hiệu đó! Không phải cứ lên tuyên bố trên một vài tờ báo lớn là xong việc.
Muốn cải cách thể chế thực sự thì hãy làm điều cụ thể hơn nữa. Ví dụ như Đảng viên vi phạm pháp luật phải chờ kỷ luật đảng rồi mới bắt là một sự khôi hài. Đảng sẽ không sạch hơn khi loại một đảng viên và nhân dân sẽ vô cùng ấm ức khi thứ ung nhọt bị thải loại thành dân. Nhân dân không có nhu cầu ngang hàng hay chứa chấp những biến dị nhân cách như vậy khi đảng thanh lọc nội bộ. Nơi xứng đáng tiếp nhận những cán bộ thoái hoá, đảng viên biến chất chính là cơ quan điều tra và nhà tù.
Nên công dân Mai Quốc Ấn xin góp ý rằng Tp.HCM nên chính thức đề nghị trung ương loại bỏ ngay chỉ thị 15 của đảng và giảm ngay mức thu 82% ngân sách hàng năm của trung tâm kinh tế lớn nhất quốc gia như hiện nay.
Chứ làm nhiều hưởng ít, sai phạm nặng kỷ luật nhẹ thì cả nước chứ không chỉ Tp.HCM lại tiếp tục xin khảo sát, lấy ý kiến nhân dân một cách vô bổ mà thôi!
Thành uỷ nên tự hỏi để bảo vệ lôi xềnh xệch người dân Thủ Thiêm ngay trước cửa, ngay trước mặt người nước ngoài và đồng bào cả nước có phải là một loại xin ý kiến hay không? (Tôi không đưa clip ấy lên vì nó quá phản cảm!)
P/s: Tôi tự hỏi cũng là bí thư mà sao ông Nguyễn Thiện Nhân không bày một quán cafe bình dân như ông Lê Minh Hoan ở Đồng Tháp đã làm để nhận ý kiến đầy rẫy của nhân dân? Xin ý kiến mà mang tâm thế cao hơn nhân dân không có đặng đâu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.