Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Thêm một câu chuyện về tuổi trẻ Hồng Kông

Thêm một câu chuyện về tuổi trẻ Hồng Kông

22-11-2019
Xem mấy bức tranh rải rác trên FB của các nhà báo và văn nghệ sĩ bạn bè trên FB, tôi tò mò chút, dù… nhà bao việc. Đọc một phóng sự của cô nhà báo trẻ Rachel Chung, mới biết, thì ra họ có một tập thể những designer trẻ tới khoảng 200 người, bám sát hoạt động người biểu tình và vẽ. Tranh ký họa sống, đẹp và… không cần nói gì thêm. Tôi tóm thật ngắn bài của Rachel và giới thiệu thêm mấy tranh nữa.
***
Trong mấy tháng qua, Y (tên do PV đặt) đã ngủ không quá bốn giờ một đêm. Cuối tuần luôn là 48 giờ marathon cho các bạn sinh viên đại học và nhóm designer của anh ấy, đến 200 người. Nhiều người trong số này, Y chưa bao giờ gặp. Y kể:
“Khi tất cả người Hồng Kông mặc quần áo đen, vải dày cứng, đeo mặt nạ, ba lô đen ra đường, thì tôi và nhóm bạn (mạng lưới họa sĩ và các nhà thiết kế) cũng bắt tay vào việc.
Chúng tôi biết là trận chiến hết sức khó khăn. Bộ máy đàn áp là cả một đội ngũ trang bị tận răng, súng ống, vũ khí, xe cộ, đủ các tài nguyên và sức mạnh. Chúng tôi chỉ có sự đoàn kết, tình yêu và sức sáng tạo.
Chúng tôi trò chuyện với người biểu tình và vẽ ngay trong những cuộc biểu tình.
Trước mỗi sự kiện, chúng tôi “sản xuất” các áp phích cung cấp thông tin cơ bản, gửi cho các quận và các ngành công nghiệp khác nhau. Chúng tôi phải “tiêu hóa” nhiều thông tin và cô đọng nó thành hình ảnh. Chúng tôi thậm chí còn nghiên cứu xem phương tiện truyền thông của chính phủ, họ bỏ trống khoảng nào và chúng tôi lấp đầy khoảng trống đó, rồi thông báo cho mọi người.
Các lực lượng thân chính phủ đã tạo ra các bộ phim hoạt hình, mô tả những người biểu tình là xấc xược và hiếu chiến, manh động, có cả trường hợp, họ bị đồng hóa với những con gián. Chúng tôi nói điều ngược lại.
Vào ngày 1 tháng 7, giới chức nhà nước kỷ niệm 22 năm ngày bàn giao, thì chỉ cách đó 200 m, một lá cờ đen với một cây bauhinia héo tàn, đẫm máu đã được vẫy lên, ngay bên ngoài văn phòng Hội đồng Lập pháp. Để tránh vi phạm Pháp lệnh về Cờ khu vực và Biểu tượng khu vực (cấm xúc phạm cờ) chúng tôi đã tìm tư vấn pháp lý để đảm bảo có sự khác biệt hoàn toàn với cờ chính thức của Hồng Kông.
Thiết kế đơn giản bắt đầu xuất hiện và dày công dần lên khắp đường phố. Theo mỗi bước đi của các đoàn biểu tình, tập thể (họa sĩ) nghệ thuật phản kháng không tên chúng tôi đã vẽ hàng loạt đề tài, dùng nhiều tiếng lóng tiếng Quảng Đông và cả những biểu tượng văn hóa, truyền thống đại lục để tiếp thêm cảm hứng.
Vào ngày 6 tháng 8, vài giờ sau khi cảnh sát bắt giữ Keith Fong Chung-yin, chủ tịch hội sinh viên trường đại học Baptist HK, chúng tôi vẽ các hình ảnh theo chủ đề Chiến tranh giữa các vì sao, lấp lánh các thanh đèn chiếu trên mạng.
Tại cuộc biểu tình ở sân bay, có một bạn gái trẻ bị cảnh sát đánh mù mắt và bị thương nặng, chúng tôi kể câu chuyện đó. Rồi ngày Lễ dành cho Ma đói, ngày 15.8, nhân cuộc biểu tình được tổ chức tại Sham Shui Po, chúng tôi thiết kế các tờ tiền giấy hàng mã có chân dung các quan chức (Bà Lam, cảnh sát trưởng, bộ trưởng tư pháp…) chế giễu họ, kèm thông điệp: Hãy cút đi!
Chúng tôi vẽ nhiều tranh trên bức tường John Lennon, ở nhiều quận từ Happy Valley đến Tai Po, và những người biểu tình share nhanh bằng iPhone qua Airdrop.
Làm thế nào để tranh vui, hài hước, khi đối mặt đàn áp, nghịch cảnh và cũng “giải oan” khi họ nói xấu người biểu tình.
Chính quyền Trung Quốc không quan tâm thiệt hại kinh tế nhưng chúng tôi đoán là họ rất ngại những thông điệp về dân chủ và tự do của chúng tôi đến với khách du lịch Trung Quốc, tác động hệ giá trị và tâm trí của họ khi họ trở lại Trung Quốc. Nhưng chúng tôi là nghệ sĩ, mục tiêu của chúng tôi không phải là thách thức họ mà chỉ là bảo vệ quyền sống, quyền tự chủ đúng luật pháp, đúng theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ” mà thôi.
Tham gia nhóm này, nhiều thành viên trong đội của tôi đã phải chịu đựng những cơn hoảng loạn và lo lắng cho công việc. Cũng có người phải rút lui. Nhưng đa số chúng tôi, càng lúc càng nung nấu điều mình tự nguyện cam kết với xã hội, với đồng bào ruột thịt nên chúng tôi vẫn ưu tiên thời gian, sức khỏe trong khi đi hoc hay đi làm. Thậm chí phải hi sinh cuộc sống nữa”.
Một số hình ảnh:
______
Clip “Tiểu Hoàng Chi Phong” trả lời phỏng vấn:
Cậu bé Hồng Kông, mới 11 tuổi, nói về tình hình biểu tình ở Hồng Kông, nhận xét về cảnh sát, cũng như sự bất đồng quan điểm giữa em và người mẹ.
Cậu bé ủng hộ các sinh viên và người dân xuống đường biểu tình, đòi dân chủ, nhân quyền, trong khi mẹ em ủng hộ chính quyền Trung Quốc và cảnh sát Hồng Kông.
Có thể nói, chỉ có nền giáo dục tự do, khai phóng, nhân bản như ở Hồng Kông mới có thể sinh ra một đứa trẻ có suy nghĩ độc lập như cậu bé này.
Nguồn: DKN.tv

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.