Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Đồng Tâm hôm qua: Khi niềm tin cạn kiệt

Đồng Tâm hôm qua: Khi niềm tin cạn kiệt

26-11-2019
Buổi thông báo của Thanh tra Chính phủ lên TV trông như một buổi đối thoại. Ảnh: Vnews
Hôm qua 25/11 có hai sự việc đáng chú ý đối với Đồng Tâm.
Một là chính quyền mời cụ Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm lên UBND huyện Mỹ Đức nghe thông báo kết quả rà soát của Thanh tra Chính Phủ đối với kết luận trước đó của Thanh tra Hà Nội.
Cụ Kình quyết định không đi, bởi lẽ việc Thanh tra Chính phủ hoàn toàn đồng tình với Thanh tra Hà Nội đã được thông báo suốt 3 tháng vừa qua, giờ đi nghe thêm lần nữa có ích gì. Chưa kể, hiện cụ rất ngại rời khỏi làng, khi mà hai năm trước đây cũng một lần nghe lời cán bộ ra đồng kiểm tra mốc giới, cụ đã bị đạp lén gãy chân đau đến tận bây giờ.
Giấy mời cụ Kình lên huyện nghe thông báo. Ảnh: internet
Buổi đọc thông báo không có cụ Kình, song lại được ‘make-up’ như một buổi đối thoại, xuất hiện rất đẹp trên mặt báo nhà nước. Cụ Kình bỗng trông như một người không dám đối thoại.
Việc thứ hai là đúng lúc cụ Kình được mời lên huyện, bỗng dưng ở đâu có xe quân đội chở lính kiểm soát quân sự vào làng. Dân Đồng Tâm cảnh giác liền giữ xe lại trong sân bóng của xã, yêu cầu sĩ quan phụ trách giải trình lý do.
Mặc dù anh sĩ quan nhất mực rằng xe bị lạc đường, đi nhầm vào làng nhưng bà con vẫn không tin, và phải mất vài giờ đồng hồ trước khi cho xe rời khỏi làng.
Nhiều người cho rằng hành động này hơi quá và xe quân đội cũng có thể lạc đường. Không sai, lẽ thường thì chuyện này là không thể chấp nhận được. Song hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của một làng từng bị cưỡng chế kiểu đánh úp, vào người thân của một cụ già bị lừa ra đồng để lính đánh gãy chân để thấy phản ứng lần này của người dân đáng được thông cảm.
Dân làng giữ xe quân đội. Ảnh: internet
Cuối cùng, vẫn hi vọng dân làng và chính quyền có thể tìm được tiếng nói chung dựa trên công lý và sự thật. Muốn thế phải thông qua đối thoại, mà là đối thoại thực tâm, cụ thể:
– Bất đồng ở Đồng Tâm thì Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo Hà Nội cứ về làng mà đối thoại, không nên vời lên huyện khi mà dân làng đã như ‘chim sợ cành cong’ sau lần cưỡng chế;
– Phải báo trước để dân làng mời luật sư về bàn bạc chuẩn bị cho buổi đối thoại;
– Buổi đối thoại rộng cửa cho báo chí, livestream trên Internet cho người dân cả nước theo dõi để cùng đánh giá lập luận của mỗi bên;
– Đừng ngăn cản báo chí về làng, dân làng cũng có quyền cất tiếng trên báo chí để thuyết phục cả nước rằng lẽ phải thuộc về họ, chứ không chỉ chính quyền Hà Nội và Thanh tra Chính phủ. Từ sau khi Hà Nội phá bỏ lời hứa, quyết định khởi tố vụ án bắt giữ người ở Đồng Tâm đã không có báo nhà nước nào về làng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.