Công cụ của thực dân
28-11-2019
Họ bảo chữ quốc ngữ là công cụ của thực dân đô hộ. Vậy thế vacxin người Pháp mang sang có phải là công cụ đô hộ không? Dân tộc mình làm cách nào để chống chọi lại những đại dịch bệnh lịch sử, khi không có những thứ gọi là “công cụ đô hộ” ấy? Có nên xoá luôn những tên đường Yersin hay Pasteur đi cho nhất quán không?
Sài Gòn chấp nhận những cái tên Pháp còn Đà Nẵng thì nhất định không. Lý giải thế nào để thoát chủ nghĩa cục bộ và đỡ bất nhất trong suy nghĩ? Nếu cứ để như thế thì Sài Gòn hay Đà Nẵng, ai yêu nước hơn ai? Cần phải có câu trả lời.
Qua nhiều sự việc liên quan tới văn hoá, lịch sử, danh nhân,… nổi cộm những năm gần đây và các phát ngôn muốn “té ghé” của một số tiến sĩ, có vẻ như khoa học xã hội đang truyền giảng tại Việt Nam ngày càng có xu hướng trở nên một thứ gì đó cực kỳ khó hiểu, khó định nghĩa, khó gọi tên, khó truyền đạt và khó hấp thu. Mà vốn dĩ, đã mệnh danh là khoa học thì phải tìm cách đơn giản hoá vấn đề một cách tối đa có thể.
Nhưng nó ngày càng ngoắt nghéo, ngoằn ngoèo, rối rắm, chồng chéo, phức tạp,… Hứng lên, nó có thể phức tạp tới mức người uyên bác nhất cũng chẳng có đường mà luận. Tụt mod, nó có thể ngẩn ngơ tới mức tiền hậu bất nhất, nay đúng, mai lại sai.
Thầy tâm huyết thì chẳng biết truyền giảng ra sao còn trò thì cố công cũng chẳng thể lý giải cách nào cho logic và phù hợp với thực tế. Thầy nhìn trò rồi trò lại nhìn thầy, thế là thống nhất chung một quan điểm mang màu sắc tư duy những năm 50 của thế kỷ trước để hoàn thành công việc cho phù hợp với hoàn cảnh và đảm bảo an toàn. Người không biết nhìn vào thì có vẻ khoa học, đạo mạo nhưng thực ra đó giống như một kiểu bảo nhau mất phương hướng và tụt hậu tự thân.
Cứ vậy nó chồng lên nhau, lợi ích gối lợi ích, quan hệ gối quan hệ, nể nang gối nể nang, thế hệ này chồng lên thế hệ khác với những lập luận nghe mà muốn giật mình. Thấy sai không dám phản biện, thấy đúng chẳng dám tôn vinh, thấy bình bình thì lại chê nhàn nhạt.
Hệ luỵ ấy rất đau khổ cho các thế hệ sau. Khoa học chẳng ra khoa học dẫn tới không thúc đẩy được sáng tạo. Chỉ thấy màu trắng mờ nhạt của một nền văn hoá khi đứng chung với bạn bè quốc tế. Chỉ thấy một màu xám khổ đau của sự chia rẽ, phân ly. Chỉ có nét đậm nhất là màu đen của lằn ranh giữa lý luận và thực tiễn là gần như không thể nào phá bỏ.
Đời sống phát triển thì xã hội ngày càng phức tạp. Nhưng đen đủi thay, sự nghiệp giảng dạy khoa học xã hội hiện tại không giải quyết được những vấn đề trong thời buổi mới mà vẫn loanh quanh tạo ra những xung đột về nhiều thứ đã cũ. Đào tạo cho ra những lớp người mới nhưng tư duy hệt những năm 45 giữa thời buổi công nghiệp 4.0 đang lao như vũ bão về phía trước. Nó tạo ra một khoảng hụt hẫng cho người Việt đối với thế giới tiến bộ. Khoảng hụt hẫng ấy hiển hiện rõ trên từng gương mặt, trong ánh mắt của người Việt khi nhìn những thiết bị, đồ dùng thường nhật của thế giới văn minh như những thứ thần kỳ, chẳng thể nào lý giải.
Rồi lớp sau lại vô thức chồng lên lối mòn của lớp trước. Lại vẫn coi những thứ như Facebook, Youtube hay Iphone là công cụ xâm lăng của thực dân. Lại phủ nhận đi những thành quả & công sức của nhân loại tiến bộ. Lại cũng với lý luận ấy mà tiếp tục bảo nhau lỗi thời ngay trong giảng đường đại học.
Không tìm cách thay đổi cật lực, logic hơn, tiệm cận thực tế hơn trong giảng dạy khoa học xã hội, chính nó sẽ tạo ra những lớp người đóng cánh của của Việt Nam với nhân loại tiến bộ. Không những vậy, nó còn tạo ra xung đột trong ý thức gây chia rẽ sâu sắc cộng đồng mà kẻ thiệt thòi duy nhất là hậu thế và tương lai sẽ trở nên một bộ lạc nhiều tuổi nhưng ngây thơ trong thời buổi số hoá toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.