Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Những tác động tiêu cực trong vụ ông Trump ân xá 3 tội phạm chiến tranh Mỹ

Những tác động tiêu cực trong vụ ông Trump ân xá 3 tội phạm chiến tranh Mỹ

Thạch Đạt Lang
22-11-2019
Ngày 15.12.2019, Stephanie Grisham, thư ký báo chí tòa Bạch Ốc thông báo một quyết định, theo đó, tổng thống Donald Trump đã ân xá cho một số tội phạm, kể cả vài sĩ quan, hạ sĩ quan trong quân đội với mục đích tạo cho họ cơ hội thứ hai trong đời họ. 
Stephanie Grisham nói: “Việc tổng thống dùng quyền hành của mình để ân xá cho các tội phạm này tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời hơn 200 năm của nước Mỹ”.
Những sĩ quan được ân xá là trung úy bộ binh Clint Lorance, đã ở tù từ năm 2013 sau khi bị kết án 19 năm vì 2 tội danh, cố sát mức độ 2 và cản trở công lý, sau khi ra lệnh cho lính dưới quyền của mình nổ súng vào 3 người đàn ông không vũ trang ở Afghanistan.
Sĩ quan thứ hai được tha tội là thiếu tá Matthew L. Golsteyn, thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của bộ binh. Ông Golsteyn tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan lục quân nổi tiếng của Mỹ West Point. Golsteyn đang chờ ra tòa vào năm 2020 với tội danh hạ sát một người Afghanistan bị nghi là kẻ chế tạo bom năm 2010.
Ông Donald Trump cũng đã khôi phục cấp bậc cho trung sĩ nhất Edward Gallagher, điều hành viên chiến tranh đặc biệt thuộc lực lượng SEAL (See and Land) của hải quân Mỹ, người bị kết án tạo dáng, chụp hình với xác chết một chiến binh địch ở Iraq. Edward Gallagher trước đó được tha bổng tội giết người và các tội danh nghiêm trọng khác hồi tháng 7.2019 nhưng bị giáng cấp.
Một số cựu viên chức cũng như đương chức, hiện đang làm việc trong bộ Quốc Phòng đã phản đối gay gắt hành động ân xá của ông Trump cho 3 quân nhân này. Họ lập luận rằng, việc ân xá của ông Trump dù là hợp pháp cũng làm suy yếu hệ thống tư pháp trong quân đội Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và bộ trưởng bộ Lục Quân Ryan McCarthy đã tranh luận căng thẳng với ông Trump về quyết định này. Esper và McCarthy cho rằng, việc xóa tội cho 3 quân nhân trên là một thí dụ tồi tệ cho các đơn vị khác trên chiến trường. Trong lúc đó Hải Quân cũng đang xem xét việc sa thải Edward Gallagher sau khi nhân vật này được ông Trump khôi phục cấp bậc.
Tuy nhiên, thư ký báo chí Stephanie Grisham nhấn mạnh rằng, tổng thống là tổng tư lệnh tối cao – Commander-in-Chief – là người có tiếng nói sau cùng về mọi quyết định trong quân đội.
Quyết định của ông Trump được báo Washington Post đưa tin đầu tiên. Tuần lễ trước đó họ đã được xem trên chương trình Fox & Friend, khi một trong những người dẫn chương trình của Fox News, ông Pete Hegseth – một cựu quân nhân Mỹ nói rằng, ông ta đã nói chuyện với tổng thống Trump, mô tả ông Trump là người có lòng trung thành vào các người lính chiến đấu và ông Trump sẽ can thiệp vào vụ án.
Gary Solis, một người có thâm niên 26 năm trong binh chủng thủy quân lục chiến Mỹ, trong đó ông đã phục vụ 8 năm trong chiến trường Việt Nam, sau trở thành luật sư trong quân đội, hiện là giáo sư giảng dạy đại học Luật tại trường ĐH Georgetown đã bày tỏ sự lo lắng khi biết chuyện. Ông nói rằng, thật là đáng ngại nếu điều này xảy ra.
Eugene Fidell, một luật sư quân đội nổi tiếng và là giảng viên thỉnh giảng tại đại học Luật của Yale, nói rằng: “Vấn đề quan trọng với tôi là có phải ông Trump đang tạo nên một lỗ hổng lớn trong việc truy tố tội ác chiến tranh của đất nước này hay không? Tha thứ cho tội ác chiến tranh chẳng khác nào đồng lõa với nó. Trong tương lai đưa một tội phạm chiến tranh ra xử trước tòa sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Hành động của ông Trump can thiệp vào ngành tư pháp của quân đội hoàn toàn khác với cách hành xử của các đời tổng thống trước đây, không nhúng tay vào quyết định của các toà án quân sự.
Tội phạm chiến tranh trong quân đội Mỹ xảy ra ở các nước bị chiếm đóng từ trước đến nay, hầu hết bị xét xử ở Mỹ rất nghiêm ngặt, bị giáng cấp, đi tù, đuổi khỏi quân ngũ, tước hết quân tịch… Mỹ cũng là nước đầu tiên ủng hộ những đạo luật về chiến tranh, còn được gọi là Luật Nhân Đạo Quốc Tế (International Humantarian Law).
Việc can thiệp vào quyết định của tòa án binh của ông Trump có thể khuyến khích người lính Mỹ trong tương lai không còn e ngại tù tội khi phạm pháp như tra khảo, đánh đập, hành hạ tù binh chiến tranh, hoặc bắn giết thường dân vô tội chỉ để thỏa mãn thú tính.
Hành động xóa tội cho 3 quân nhân nói trên đang gây lo ngại cho các viên chức trong Bộ Quốc phòng. Điều làm cho họ quan tâm, lo lắng là, quyết định ân xá tội phạm chiến tranh của ông Donald Trump chắc chắn sẽ làm xấu đi hình ảnh thân thiện, vui vẻ, tử tế, tốt bụng của người lính Mỹ trong mắt người dân các quốc gia đồng minh, nơi có quân đội Mỹ trú đóng.
Người dân ở các nước như Nam Hàn, Nhật, Philippines, các nước trong liên minh NATO… sẽ trở nên nghi ngại, đề phòng người lính Mỹ mỗi khi có dịp giao tiếp với họ.
Đó là chưa kể đối với các quốc gia thù địch như Iran, Bắc Hàn, Trung Cộng, khủng bố ISIS… Họ sẽ lấy quyết định của ông Trump làm phương tiện tuyên truyền: “Đó! Nước Mỹ có tử tế, nhân bản gì đâu? Cứ việc bắn giết thường dân thoải mái, chụp hình bên xác chết địch quân, phô diễn chiến tích! Có chuyện gì phải ra tòa rồi cũng được tổng thống xóa tội”.
Vẫn không rõ mục đích của ông Trump khi ra quyết định ân xá cho 3 quân nhân trên, nhưng có một luồng suy diễn rằng, ông ta làm như vậy nhằm để kiếm phiếu của một số quân nhân trong lần tranh cử sắp tới, những người ngấm ngầm ủng hộ bạo lực, nhưng chưa có dịp sử dụng.
Nếu đúng như thế, điều này có lợi cho ông Trump, nhưng sẽ mang di hại lâu dài cho nước Mỹ, bởi vì nó làm suy yếu hệ thống tư pháp trong quân đội Hoa Kỳ và làm mất đi niềm tin của các nước đồng minh vào Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.