Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Người Trung Quốc sử dụng áo dài, nón lá Việt Nam: Hán hóa hay Việt hóa?

Người Trung Quốc sử dụng áo dài, nón lá Việt Nam: Hán hóa hay Việt hóa?

24-11-2019
Rào trước để không bị “lòng yêu nước” của đám đông chụp mũ, ném đá. Rằng tôi phản đối người Trung Quốc nói Áo dài và Nón lá là sáng tạo của văn hóa Hán. Nó là sản phẩm của Việt Nam, có bằng chứng lịch sử hẳn hoi. Nón lá thì lâu đời chứ chiếc áo dài tân thời thì mới đây, chứng cứ còn nguyên.
Nón lá là của miền Trung chứ miền Bắc cổ xưa cũng không có. Chỉ có nón quai thao.
Áo dài mà các nhà thời trang Trung Quốc đang quảng bá là áo dài tân thời, do các nhà Âu hóa của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 sáng chế ra cho phụ nữ tân thời, chủ yếu là giới trẻ. Khác với áo dài cổ truyền các cụ già xưa thường mặc đi chùa, bằng gấm, dày, rộng thùng thình, không chít eo. Tôi nghi áo dài đi chùa này chế biến từ áo cà sa.
Hiển nhiên, áo dài tân thời có gốc từ áo dài cổ xưa, nhưng nó đã trẻ hóa, Âu hóa cho thế hệ trẻ bằng chất liệu lụa mỏng, chít eo để khoe những đường cong của cơ thể, kể cả khoe nội y của Tây. Có nghĩa là áo dài tân thời là một cuộc hòa điệu giữa Ta và Tây trong cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây.
Cùng bối cảnh lịch sử Âu hóa đầu thế kỷ 20, tại Thượng Hải, bộ sường xám tân thời ra đời. Sường xám hay Xường xám là phiên âm theo tiếng Quảng Đông, chữ Hán là Trường sam 長衫, cũng mang nghĩa là Áo dài. Gốc loại trang phục này của người Mãn được các nhà thời trang Âu hóa Trung Hoa cải biến, cũng thay đổi chất liệu và khoe đường cong cơ thể và nội y Tây giống như áo dài Việt Nam, nhưng có một số nét khác biệt (cộc tay, xẻ một phía, không quần).
Lịch sử sáng tạo khác biệt ấy là có thật. Người Trung Quốc ăn cắp bản quyền cũng có thật. Ăn cắp nhiều thứ chứ đâu chỉ cái áo dài hay nón lá? Lãnh thổ, công nghệ họ còn ăn cắp được, huống hồ là thời trang?
Tuy nhiên, việc hô hoán lên do ta không tôn vinh Áo dài, Nón lá thành “quốc phục” nên mới bị ăn cắp thì tôi phải bật cưới mà nói rằng, lòng yêu nước của các bạn đang ngang tầm với “lòng yêu nước gắn liền với yêu bóng đá” của những nhà yêu nước mê sảng. Chẳng phải đã có một đám đông từng tôn Park Hang Seo thành “Cha già kính yêu của dân tộc”, viết luôn khẩu hiệu “90 triệu dân Việt Nam nợ Đặng Văn Lâm một lời cám ơn”, tức phải “Đời đời nhớ ơn Park Hang Seo hay Đặng Văn Lâm vĩ đại”? So sánh này không nên, nhưng sự tôn vinh quá lố một thứ thời trang hay một cuộc thể thao thành đại diện cho quốc gia, dân tộc thì có khác gì Xuân Tóc Đỏ trong một trận quần vợt được tôn vinh thành “anh hùng cứu quốc”?
Có người đòi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về tội ăn cắp áo dài Việt Nam thành tài sản của Trung Quốc. Tôi đặt câu hỏi, nếu giữa tòa, có người Tây nào đó bảo áo dài chỉ là vỏ của Việt Nam, còn ruột của Tây thì sao nhỉ? Để đảm bảo sáng chế độc quyền 100% made in Vietnam, từ nay các chị em mặc áo dài không được mặc corset, silip? Hay là buộc phải quay lại áo dài đi chùa của các bà già cổ xưa cho đúng bản sắc?
Thủ tướng vừa phát ngôn: “cái đáng sợ là xâm lăng văn hóa”. Tôi hiểu xâm lăng văn hóa là bị nước lớn hay kẻ xâm lược áp đặt văn hóa của họ lên văn hóa của dân tộc khác với mục đích đồng hóa. Như người Mãn từng bắt người Hán phải ăn mặc và để tóc đuôi sam như người Mãn. Như các triều đại Trung Quốc cũng từng đòi Hán hóa ta mà Quang Trung đã đòi “đánh để được để dài tóc, đánh để được để răng đen” trong hịch đánh quân Thanh…
Sự thật, không có văn hóa nào thuần chủng để gọi là bản sắc. Giao thoa, tương tác giữa các nền văn hóa dẫn đến sự vận động, thay đổi là một tất yếu của lịch sử trong tính tự nhiên của nó. Trong sự giao thoa, tương tác ấy, cái hợp lý sẽ có sức mạnh đào thải những cái bất hợp lý, và tất yếu đi đến sự cộng hưởng sáng tạo giữa các dân tộc. Dân tộc nào cực đoan không chấp nhận sự tương tác tự nhiên đó sẽ bị cô lập, hoặc chậm phát triển, hoặc bị tiêu diệt. Người Hồi giáo bảo thủ, chậm tiến; một số các thổ dân, dân tộc thiểu số bị suy thoái và tiêu diệt dần chẳng hạn.
Trong thế giới hiện đại, ngay cả một dân tộc thiểu số nếu có một nét đẹp văn hóa nào đó thì cũng có thể ảnh hưởng đến dân tộc khác. Chẳng phải người Việt đã học tập và cải biến từ cái hoa văn, màu sắc và trang phục của các dân tộc thiểu số đó sao?
Việc các nhà thời trang Trung Quốc biến áo dài, nón lá Việt Nam thành của họ, chứng tỏ sức mạnh của văn hóa Việt Nam đang Việt hóa Trung Quốc. Bao lâu nay vì mặc cảm thuộc địa, ta sợ, tức đề phòng Hán hóa, Tây hóa, bỗng dưng nay lại sợ cả Việt hóa nữa sao?
Trong Luận án tiến sĩ và một bài báo đã công bố trước đây, tôi khẳng định, quá trình Hán hóa suốt mấy nghìn năm lịch sử luôn tồn tại song song với quá trình Việt hóa, tức tương tác hai chiều. Ta bị cưỡng chế, tức bị xâm lăng, nhưng ta cũng biết tiếp thu cái gì và sàng lọc cái gì. Ngay cả khi tiếp thu Hán, ta cũng đã Việt hóa toàn diện từ ngôn ngữ đến thể loại thi ca. Ngược lại, người Hán đến ta cũng học tập, kể cả “ăn cắp” của ta thành của họ, tức họ đã bị Việt hóa một cách tự nhiên và thành tài sản chung. Luận án của tôi chỉ nói về thơ ca, nhưng điều đó đúng cho mọi lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Không ngẫu nhiên mà Lão Tử, kể Khổng Tử, đã để lộ ra nhiều tư duy triết học của họ có nguồn từ “văn hóa phương Nam rực rỡ”. Chỉ khi giới chính trị Nho gia xem phương Nam là xứ “man di” và tìm cách che lấp sự thật đó, mới dẫn đến nhầm tưởng người Việt hoàn toàn bị nô dịch bởi văn hóa Hán.
Tôi đang mong, không chỉ áo dài, nón lá mà còn nhiều thứ khác nữa sẽ Việt hóa giống dân tự xưng mình là Trung tâm (Trung Hoa) hay Đại Hán. Khi ấy người Việt mới có thể tự hào chính đáng về “sức mạnh Việt Nam”!
Tất nhiên, khi đó phải bắt người Trung Quốc biết ơn người Việt chứ đừng để họ hàm hồ nói ngược là ta ảnh hưởng từ họ hay “xâm lăng văn hóa” họ. Như trường hợp Cảnh Sảng vừa nói sảng rằng ta đã xâm phạm lãnh thổ của người Trung Quốc vậy!
Một số hình ảnh trên mạng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.