Vì sao bắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Người Buôn Gió
Thực sự thì tôi cũng không biết chắc chắn vì sao, đành phải đặt câu hỏi này làm tiêu đề để bình luận cùng các bạn.
Câu trả lời có thể rất dễ dàng, vì đảng CSVN là chế độ độc tài, cho nên những cây bút phản biện vạch ra những điều xấu xa của đảng CSVN tất nhiên sẽ bị bắt.
Câu trả lời có thể rất khó, chẳng hạn như hỏi vì sao lại bắt ở thời điểm này thì chẳng biết trả lời sao cho đúng.
Dư luận đưa ra nhiều câu trả lời, ví dụ như
1/ bắt để đánh lạc hướng câu chuyện ở Hương Cảng.
2/ bắt vì chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, muốn lấy lòng Trung Cộng, gây sức ép với Mỹ.
3/ bắt vì sắp tới Việt Nam phải cho thành lập công đoàn độc lập.
4/ Ông Dũng thuộc phe nào đó, bị thanh trừng.
5/ bắt để ngăn chặn bình luận gây ảnh hưởng đến đại hội 13.
2/ bắt vì chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, muốn lấy lòng Trung Cộng, gây sức ép với Mỹ.
3/ bắt vì sắp tới Việt Nam phải cho thành lập công đoàn độc lập.
4/ Ông Dũng thuộc phe nào đó, bị thanh trừng.
5/ bắt để ngăn chặn bình luận gây ảnh hưởng đến đại hội 13.
Theo tôi thì điều 1 là đánh lạc hướng chuyện ở Hương Cảng là không đúng lắm, vì việc bắt này chỉ dấy lên một vài ngày, nhiều người quan tâm đến Hương Cảng họ không nằm trong số quan tâm tới việc ông Dũng bị bắt.
Điều thứ 4 cũng không phải, vài năm gần đây cách bình luận của ông Phạm Chí Dũng có vẻ trung dung, không nghiêng theo phe nào cả.
Điều thứ 3 cũng không chắc chắn cho lắm, vì việc công đoàn độc lập ra đời còn lâu, đảng CSVN cũng đã kiểm soát được các tổ chức công đoàn độc lập khi cho người của mình đứng ra thành lập. Nhưng ít nhiều nó có khả năng hơn 2 điều trên.
Điều thứ 2 và thứ 5, theo tôi có lý hơn.
Ngay trong khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Việt Nam, đảng CSVN cho bắt nhà báo Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập và sáng lập và kiêm chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam. Việc bắt bớ này vừa thể hiện với Mỹ rằng nếu có giúp Việt Nam về quân sự, đừng đòi hỏi Việt Nam ở vấn đề nhân quyền. Cũng là câu trả lời với Trung Cộng rằng Việt Nam có quan hệ với Mỹ, nhưng bản chất cộng sản theo mô hình Trung Cộng sẽ không thay đổi. Những điểm này phù hợp với câu trả lời thứ 2 đã đặt ra.
Năm 2014 có 3 người Việt Nam được vinh danh '' Anh hùng thông tin '' của tổ chức phóng viên không biên giới, những người đó là Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và linh mục Anton Lê Ngọc Thanh.
Trong 3 người trên thì có 2 người có khả năng bình luận, phân tích thông tin và tìm kiếm thông tin đúng nghĩa chuyên nghiệp là Trương Duy Nhất và Phạm Chí Dũng.
Linh mục Lê Ngọc Thanh có lẽ được vinh danh vì những hoạt động đóng góp xây dựng trang web Dòng Chúa Cứu Thế với đội ngũ cộng tác viên đa dạng.
Anh Nhất và anh Dũng đều từng làm việc trong bộ máy nhà nước Việt Nam, họ là những cây bút bình luận nội chính trong tốp hàng đầu những người viết bình luận chính trị Việt Nam về mật độ bài viết, hầu như tất cả những gì họ viết đều liên quan đến nội tình chính trị Việt Nam, đến các quan chức lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN.
Trong những tài liệu của đảng CSVN chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 13, có mục nêu rõ cần ngăn chặn những thông tin bất lợi cho đại hội đảng, những thông tin về nội bộ, thông tin về các quan chức lãnh đạo đảng CSVN.
Thời gian vài năm đổ lại đây, Phạm Chí Dũng là người trong nước viết bình luận chính trị Việt Nam siêng năng nhất và khách quan nhất ( khách quan ở đây là anh không thuộc phe phái nào, anh viết theo nhận định của anh, nhận định ấy có đúng hay sai là là vấn đề khác ).
Bài viết gần đây nhất , anh Dũng đánh giá khả năng Nguyễn Phú Trọng phải rời ngôi vị, để cho thế lực khác vươn lên. Có lẽ đây là bài viết khiến anh bị bắt. Bởi động đến sự ra đi của Nguyễn Phú Trọng là điều cấm kỵ khi mà quyền lực của Nguyễn Phú Trọng đang nắm cả trong tay. Lấy ví dụ như Osin Huy Đức từng đòi làm rõ sức khoẻ của Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang và đi xa hơn Osin Huy Đức còn lớn tiếng dựa theo định chế này nọ để đòi Trần Đại Quang phải từ chức. Nhưng đến khi Nguyễn Phú Trọng biệt tăm cả tháng vì đột quỵ, Osin Huy Đức không hề dám nhắc đến một lời, thậm chí khi dư luận sôi nổi bàn về sức khoẻ Nguyễn Phú Trọng, Osin Huy Đức ỡm ờ buông câu trên Facebool là '' chuyện đâu có gì ầm ĩ ''.
Trước khi chạy trốn sang Thái Lan, Trương Duy Nhất đã nhận thấy có những dấu hiệu nguy hiểm cho mình, đó là sau khi anh viết bài về Con Khỉ đầu đàn có trong tay chất độc giết người, bài viết được Nguyễn Xuân Phúc nêu ra là ám chỉ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo bắt Nhất.
Đảng CSVN do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo không muốn người dân bàn đến tình hình nội bộ nhân sự của đảng, như đã nói trên ông Trọng còn ra văn bản quy định bộ công an phải ngăn chặn những thông tin xấu về đại hội đảng 13.
Nhà báo Phạm Chí Dũng không những đề cập đến nội tình nhân sự đảng nhiệm kỳ 13, mà anh còn đề cập đến chính vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng với một nhận định không sáng sủa về tương lai tới của ông ta.
Theo tôi nhận định thì lý do bắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nằm ở điều 2 và điều 5, ở điều 2 là thích hợp với điều kiện trước mắt là thể hiện quan điểm với chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ở điều 5 là những gì chuẩn bị cho đại hội 12 ở năm sau.
Những nhà bình luận chính trị ở Việt Nam khác họ khôn ngoan hơn, họ có thể bình luận về nhân sự, về nội bộ đảng nhưng theo chiều hướng nghiêng về bênh vực phe mạnh trong đảng, phe có khả năng chiến thắng trong đại hội sau. Về khoản này không ai qua được Osin Huy Đức, chúng ta nhớ lại Huy Đức đã từng khen Nguyễn Xuân Phúc là một nhà kỹ trị, kiến tạo hoặc Nguyễn Phú Trọng là người liêm chính, công tâm trước khi đại hội 12 diễn ra ít ngày, cứ như Huy Đức thần tượng họ từ lâu lắm rồi, nhưng thực ra những năm trước đó thì anh ta không hề mấy khi nhắc đến họ, thậm chí trước đó vài năm anh ta còn phán nếu không nhờ Nông Đức Mạnh thì Nguyễn Phú Trọng chỉ là một lão già ( ý nói vô hại, vô tích sự ).
Sẽ chẳng lạ gì, khi có thể năm sau, Osin Huy Đức lại ca ngợi Vương Đình Huệ, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Bình như những nhà cải cách, kỹ trị, kiến tạo, liêm chính, gần dân như anh ta đã từng ca ngợi những kẻ thắng cuộc trước kia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.