Cần GIÀU để làm gì!
17-5-2019
Có bài viết khoảng ba năm trước, chưa in ở đâu. Bỗng dưng đọc lại thấy vẫn cứ thời sự. Bèn đưa lên FB cho các bạn xem cho vui vậy. Vì có nói gì thì loại TƯ BẢN THÂN HỮU này vẫn cứ tồn tại như một hình thái phái sinh của chế độ.
Đến bây giờ, ba năm sau, Dự án này chắc đã an bài. Người làm dự án chắc đã thu tiền, còn dân cư có lẽ đã thất tán nhiều nơi! Nói cũng chẳng làm gì được, đành chọn “mua vui cũng được một vài trống canh“.
—–
Chưa hết tháng giêng, sự kiện Thanh Hoá với hơn trăm người dân ngồi dài ngày ở Uỷ ban nhân dân Tỉnh để phản đối dự án xây dựng khu du lịch FLC Samson Beach & Resort, do Tập đoàn FLC thực hiện. Đây là một Dự án có vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, chiếm hơn 2 triệu mét vuông đất bao gồm một phức hợp: sân Golf 18 lỗ; Câu lạc bộ; Nhà hàng các dịch vụ cao cấp; khu biệt thự, nhà ở cao cấp…
Nói chung FLC sẽ làm một Khu cao cấp và đương nhiên dành cho những người cao cấp. Dự án trải dài trên 3,5 Km bờ biển, khoá ngang đường xuống biển của cư dân xã Quảng Cư, ba phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn! Nhưng điều quan trọng hơn là dân vùng này chuyên nghề đánh bắt thủy, hải sản gần bờ (đã nhiều đời); việc xây dựng Dự án FLC như hiện tại, đồng nghĩa với việc chấm dứt một nghề nghiệp đã lâu đời của cư dân nơi đây. Cho dù (có thể) họ được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng để chuyển đổi nghề, thay đổi đời sống; và Sầm Sơn sẽ có một đại dự án hoành tráng, cao cấp để phát triển du lịch, để những người cao cấp có nơi vui chơi thì vẫn còn đó nhiều câu hỏi!
Trước hết, sự phát triển du lịch của cả nước ta hầu hết đều nhắm vào thị trường cao cấp. Càng lúc càng nhiều khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng… cao cỡ 5 sao và hơn 5 sao. Khắp nơi đều phát triển như vậy liệu đã đúng chưa khi khách du lịch thế giới đang ngày càng thiên về xu hướng bảo tồn thiên nhiên, phát triển theo tự nhiên để được hưởng thú sống chậm, hoà cùng thiên nhiên với thú vui thanh tao, lâu bền. Phát triển đa dạng loại hình du lịch thật sự cần thiết đối với một đất nước mà thiên nhiên có ưu đãi đẹp đẽ nhưng lại khá giống nhau. Việc đầu tư lại ít ý tưởng độc đáo mà thường theo phong trào, rất giống nhau mà không cần tìm hiểu nhu cầu thị trường!
Nghề đánh bắt gần bờ có nguồn gốc nhiều đời, thông thường từ đặc tính của vùng biển bãi ngang (như Sầm Sơn), thủy hải sản ven bờ hết sức phong phú, lại nhiều. Mặt khác cư dân nghèo sống ven bờ, không có khả năng, công cụ đánh bắt xa bờ; hơn nữa nghề nghiệp này giúp cho ngư dân chăm sóc nhà cửa, con cái vì phụ nữ cũng lao động bình đẳng như đàn ông. Nên khi thay đổi một truyền thống nghề, cần phải được xem xét trên nhiều phương diện chứ không thể cứ nhồi đồng tiền đền bù vào cho dân là có thể yên tâm về tương lai và đời sống của ngư dân vốn đã quen sinh sống bằng nghề đánh bắt ven bờ. Vậy bài toán là có thể kết hợp nghề nghiệp ấy với sự phát triển du lịch được không? Lời giải ấy nếu thực sự có lòng, cùng suy nghĩ với Dân, thì sẽ thấy rằng nó đã xuất hiện mà lại ở ngay chính nơi đang gặp vấn nạn là Sầm Sơn, Thanh Hoá!
Cuối cùng, câu hỏi phải là cái Dự án ấy phục vụ cho ai, ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất? Câu trả lời không khó là không phục vụ cho đại đa số người dân Việt khi thu nhập bình quân chưa đến 2000 USD đầu người. (Đó là chia đều cả khoảng cách giàu nghèo nhưng thực tế đa số không thể đạt được con số ấy) . Vậy thì họ đã hành xử không thua kém bọn thực dân xưa kia khi thâu tóm cái đẹp chung của mọi người, tiện nghi chung của nhân dân và buộc người lao động phải thay đổi nghề nghiệp của họ, để nhằm thu lợi nhiều nhất cho kẻ giàu ! Hãy nhìn dự án với những khu nhà biệt thự, căn hộ cao tầng, cao cấp sẽ án ngữ mặt biển mà người dân thì không còn cơ hội để đến với biển mưu sinh, sống đời cha ông đã sống.
Cho dù thế nào, tôi vẫn tin rằng cái câu thiệu: “Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa “xuất phát từ những người cộng sản tử tế với niềm tin trong sáng là nền kinh tế ấy cho dù mang đặc tính tư bản nhưng có định hướng chan hoà, chia sẻ cho người nghèo, bảo đảm không để cho bất công xã hội có cơ hội khi nhà nước XHCN đứng ra điều tiết. Nhưng thực tế đã diễn ra không theo niềm tin thơ ngây ấy mà lại đi theo quy luật khắc nghiệt của của thị trường. Mà tệ hại hơn là cái thị trường chúng ta tiến hành ấy lại chỉ là bước khởi đầu, thô sơ, hoang dã trong khi cái chủ nghĩa tư bản ấy đã nhiều lần được điều chỉnh để phát triển cao, xây dựng thành công một xã hội công bằng, văn minh. Và hệ quả của nó là khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu; quyền lợi nhóm càng nhiều thì mâu thuẫn xã hội càng lắm!
Cũng đến lúc phải như những người giàu ở các đất nước văn minh đặt cho mình câu hỏi: Giàu để làm gì? Cái gương vợ chồng Bill Gates – Melinda hay Mark Zuckerberg, Warren Buffett, Steve Jobs… ngày càng nhiều người đã đem cái giàu của mình hầu mong làm giảm đi sự nghèo đói của người khác, hay hạn chế bất công xã hội. Sống, làm việc để cho mình không còn nỗi lo sợ, ám ảnh nghèo khó và để thỏa mãn điều mình đã làm ra cho nhân quần xã hội, chứ cố vơ vét làm giàu; ra sức thu vén ngày càng nhiều tất oan trái sẽ không ít! Ý nghĩa làm giàu, làm người là giải đáp cho mình câu hỏi Sống để làm gì và Giàu để làm gì? Trong đó có cả giải đáp của hàng trăm gia đình ngư dân đang cầu mong được tiếp tục làm nghề mưu sinh cũng không khác gì FLC tính toán chuyện làm giàu ./.
***
Vĩ thanh: Du lịch làng chài
Vừa qua rằm tháng giêng, bạn rũ về Sầm Sơn (Thanh Hoá) du lịch vài hôm. Dầu lòng có ái ngại bởi lan tràn tin chém chặt ở vùng biển này, nhưng sức hấp dẫn biển vẫn hấp dẫn du khách. Vậy là lên đường!
Chuyến bay của Vietnam Airline chỉ hơn một giờ bay đã đưa khách Sài gòn về Thanh Hoá và chỉ một giờ xe nữa, chúng tôi đã có mặt ở Sầm Sơn. Thật tiện và cũng thật tuyệt khi về đến đây đang mùa lạnh. Sầm Sơn cũng như Cửa Lò (Nghệ An), những vùng biển này do khí hậu mùa lạnh dài nên một năm chỉ có thể kinh doanh tốt mùa hè. Hơn nữa chỉ bằng đường bộ, du khách Hà Nội về đây cũng mất một ngày; Sài gòn thì phải đến hơn hai ngày. Nay có đường bay, việc đi lại đã thuận lợi nhưng mùa lạnh dài cũng cần phải có loại hình hoạt động phù hợp cho du khách thích đi chơi, du lịch biển mùa lạnh. Nếu nghĩ đến phát triển du lịch đó vẫn là bài toán buộc lãnh đạo hai nơi này phải suy nghĩ để tìm ra sự độc đáo của mỗi vùng biển. Bất ngờ, điều khác biệt có thể tạo ra sức hấp dẫn cho hoạt động du lịch từng vùng tưởng đã thấy ra ở Sầm Sơn mùa tháng giêng này.
Mùa lạnh Sầm Sơn vắng khách nhưng thực phẩm biển thật phong phú. Hải sản nơi đây khá ngon và đủ loại nhưng cũng không khác gì những vùng biển khác chỉ cách chế biến không đa dạng bằng! Cái giống nhau từ khách sạn, thức ăn rõ ràng không thể tạo ưu thế cho vùng biển này. Đi lang thang dọc biển và tận mắt thấy một vùng biển đang tan hoang như công trường. Dọc dài hơn 3 km bờ biển với những dải rừng phi lao phòng hộ nay không còn một cây mà thay vào đó là đường bê tông nhựa sát tận biển. Nhiều công trình lổm ngổm mọc lên chắn ngang đường ra biển của người dân xã Quảng Cư, các phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn… Họ đang quyết liệt làm dự án của Tập đoàn FLC với diện tích chiếm đất hơn 2 triệu mét vuông và sẽ xoá bỏ các làng nghề đánh bắt ven bờ có từ lâu đời của cư dân nơi đây!
Lần dò vào thăm đền Độc Cước nằm trong xã Quảng Cư bất ngờ chúng tôi được hưởng một ngày vui đến lạ. Chỉ cách Thị xã có hơn 3 cây số, chưa đến đền Đồng cổ, ngang qua các khu dân cư phường Trung Sơn, Bắc Sơn, người dân nơi đây vừa thu lưới ven bờ về. Mỗi nhà một bếp lửa, mỗi nhà dựng tạm một nhà sàn kê cao khỏi biển và sản vật đem về được nướng ngay tại chỗ cho khách du lịch. Giá rẻ, hợp lý đến bất ngờ! Tôm tít (con bề bề), mực cơm, cá đủ loại tươi roi rói thơm phức, hấp dẫn lạ lùng. Chủ nhà, một phụ nữ trạc 30 tuổi, vừa giúp chồng kéo lưới xong đã quay ra nướng cá, nấu nướng cho khách du lịch với sự vui thích lộ rõ trên gương mặt. Trưa hôm ấy và suốt buổi chiều, nhiều đoàn khách đến cũng thú vị quây quanh bếp lửa nướng cá quên đi cái lạnh mùa tháng giêng ở biển.
Trên đường về, ngang qua khối khối bê tông nặng nề của dự án đang hình thành ven biển, cái cảm giác tiếc nuối sự an bình, vui thích rồi đây sẽ không còn nữa. Chợt buồn cho số phận những làng chài ấy rồi sẽ không còn. Rõ ràng với sự hình thành kết hợp đánh bắt ven bờ truyền thống của ngư dân với cách phục vụ khách du lịch đã tạo nên một loại hình dịch vụ khá đặc sắc. Nếu phát triển, có thể cho du khách cùng tham gia kéo lưới ven bờ, rồi cùng nướng ngay trên biển chắc chắn sự độc đáo ấy sẽ đem lại một sinh khí mới cho du lịch Sầm Sơn.
Vậy mà tuần sau đó, chuyện đã xãy ra thật đáng buồn. Chính quyền Thanh Hoá phải đối đầu với sự phản ứng của người dân khi dự án FLC đã không biết lắng nghe để cho họ con đường sống. Dù không mong muốn, nhưng tôi biết, cô ngư dân làng chài hôm nọ chắc phải có mặt trong đoàn người ngồi cả tuần lễ trước Uỷ ban. Tôi cũng hiểu số tiền 50 hay 70 triệu đồng là không hề nhỏ với gia đình ngư dân ấy. Nhưng để có nó, cô gái ấy sẽ phải từ bỏ nhiều thứ mà có lẽ điều quan trọng hơn cả là phải thay đổi cuộc sống yên vui, tự do tự tại để chuyển thành cô bồi phòng khép nép trong chuỗi khách sạn của FLC. Và tôi đã thấy lại nỗi buồn ngày nào khi nhớ cô gái cắt hoa năm nào đã cắt những luống hoa cuối cùng khi ven Hồ Tây (Hà Nội) bắt đầu đổ con đường bê tông đầu tiên xoá đi các làng hoa ven hồ ./ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.