Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Người bạn văn trẻ tuổi của cha tôi

Người bạn văn trẻ tuổi của cha tôi

Dương Tự Lập
28-5-2019
Tưởng nhớ cha kính yêu và bạn bè quý trọng của đời ông
Nào, uống đi thằng em, cả ba anh em cùng nâng cốc. Chiêu hớp rượu đầy khoan khoái, rồi anh giới thiệu:
– Đây là anh Bính, bạn anh thời lính chiến. Còn đây chính là thằng em mấy lần tao nói chuyện với mày, con anh nhà thơ trào phúng Dương Quân, vừa mới mất cách đây mấy tháng. Anh hất mặt về phía tôi.
Anh Bính nối lời:
– Anh Hòa Vang có hứa thế nào cũng đưa anh đến hầu chuyện bố em, không ngờ ông cụ mất đột ngột quá, tiếc thật.
Căn phòng nhỏ của nhà anh nằm trong ngõ ở phố Quang Trung, nơi chỉ có ba anh em ngồi với nhau chiều nay. Biết tôi đang chờ, anh lại đưa cốc rượu lên ngang mặt khum tay mời, mời giống kiểu cách anh em Lưu – Quan -Trương gặp nhau kết nghĩa vườn đào trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa của Tàu đang trình chiếu trên màn hình nhỏ TV- Hà Nội dịp này.
Hớp một ngụm nữa rồi anh nheo nheo mắt hóm hỉnh nhìn ra cửa chậm rãi kể:
– Thế nào mà chiều hôm ấy lại có mặt đông đủ các lão tướng trào phúng ở trước cửa báo Văn Nghệ – Trần Quốc Toản đến thế. Người thì đến tìm bạn, người thì đến nộp bài, người lại đến giao dịch, người đến lĩnh nhuận bút… Anh gặp Dương Quân tiên sinh (anh gọi cha tôi như vậy) đang mở khóa chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ, rõ ràng mắt ông nhìn mình mà lại thấy chào Tú Sót.
Anh Tú Sót đứng phía sau cười chào lại. Mình đến gần hơn chào ông. À, à… chào Hòa Vang. Từ trong tòa báo đi ra thấy có cả ông họa sĩ thiếu tá quân đội Nguyễn Nghiêm, anh Hoàng Tiến rồi Võ Thanh An, Ngô Linh Ngọc, Thôi Sơn, Lã Vọng, đông lắm… Sau đó còn có thêm mấy người nữa, đến cả chục người có dư. Thực ra mình là hậu sinh, không biết họ chỉ qua anh Dương Quân giới thiệu. Một cụ nhiều tuổi nhất hôm đó cũng có mặt cụ Đồ Phồn, anh vẫn nhớ. Mọi người nhìn sang hai quán nước nằm sát nhau bên đường đã thấy đông và nhiều khách lạ.
Anh Tú Sót chủ động rủ cả hội hơn chục người về chỗ anh ở góc 64 phố Bà Triệu – Nhà xuất bản Thanh Niên, cũng gần đấy có ông chủ quán nước người quen. Cái quán nước thụt vào bên trong hàng rào nên trông kín đáo lắm. Ông chủ quán nước lại là người thích văn nghệ nên khi nhìn thấy Tú Sót dẫn bạn tới thì ông hiểu ngay.
May lúc đó chỉ có hai người khách lạ cũng vừa xong, đứng dậy trả tiền thuốc, nước, nên cả hội ngồi vào vừa đủ, muốn nữa cũng không có ghế ngồi. Chính vì thế nên đám văn nghệ nói năng thoải mái, không phải giữ ý tứ vì khi đó nói gì cũng sợ lắm, nhỡ có thằng công an chìm nào ở bên cạnh thì phiền hà to. Ông chủ quán nhìn Tú Sót hiểu ý, lấy dưới gầm bàn chai rượu nút vỏ chuối, rót vào chén cho đủ mọi thành viên. Tất cả đều nâng chạm cốc hớp một ngụm đầu khai vị cay cay. Bỗng có người nổi hứng đọc:
– Muốn vui thì đọc Đồ Phồn
Về nhà lại giở cái l^n ra mân.
Cụ Đồ Phồn trợn mắt, tất cả cười ầm nhưng có người bảo phải sửa lại vì ở đây chứ không phải ở nhà, nghe nó sái lắm và thế là người kia bảo thì sửa lại thế này:
– Khao – thì để bác Đồ Phồn
Xem ai cao thấp giở l^n ra thi.
Cụ Đồ Phồn lại trợn cười khần khật, réo:
– Tớ đếch đủ tiền khao các cậu đâu đấy, nếu ai muốn “khảo” thì được, tớ sẽ trả lời. Mọi người ồn ào sôi nổi vì câu thơ được chỉnh rất đúng. Chả là cụ Đồ Phồn viết cuốn sách có nhan đề: Khao. Mọi người lại tranh luận ầm ĩ. Một lúc sau có giọng đọc nghe buồn buồn:
– Chân quê với chả chân thôn
Bính ơi Bính chết chẳng l^n nào đưa.
Lại cười rì rầm lại nâng cốc:
– Được đấy, được đấy… Nguyễn Bính chết vào đêm ba mươi tết cũng thảm, ở nhà một người bạn yêu thơ, thôn quê Hà Nam heo hút của thời chiến tranh loạn lạc nào có ai biết ngoài chủ nhà. Nguyễn Bính cũng có tập thơ: Chân Quê. Tất cả mọi người bàn luận sôi nổi, người uống, người rít thuốc lào, người hút thuốc lá khói bay mù mịt. Bỗng anh Bính ngửa cổ cười hớ hớ hớ, tôi và anh Hòa Vang tưởng anh Bính ngấm rượu. Thế là có điềm gở đến với Bính này rồi đấy? Hớ hớ hớ…
Anh Hòa Vang tiếp tục: Lại có tiếng đọc ra:
– Dám từng vượt cả Côn Lôn. 
Cớ sao đời Quán như l^n giang mai.
Tất cả cười rôm rả, hay lắm, hay lắm là vì anh Phùng Quán có cuốn: Vượt Côn Đảo mà Côn Đảo thời Pháp thuộc còn gọi là Côn Lôn. Thời Nhân văn – Giai phẩm năm 1958, anh ấy khốn khổ khốn nạn. Bao nhiêu năm phải câu cá trộm ở hồ Tây để kiếm sống.
Lại ồn ào, lại uống, lại nói, lại cười… rồi một người chậm rãi:
– Trần Dần tưởng đã bị chôn
Mưa sa cờ đỏ có l^n gì đâu.
Mọi người lại cười vang, nhớ Trần Dần đã từng bị đập vì bài thơ “Ta Nhất Định Thắng” có câu:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên mầu cờ đỏ
Trần Dần đã từng cứa cổ tự tử mà không chết, thật tội nghiệp đấy cũng là cái số anh ấy, giời chưa bắt đi.
Họa sĩ Nguyễn Nghiêm ngồi nghiêm nghị nhất trong góc khuất nhưng đôi mắt anh nhìn tinh lanh lắm. Bỗng có ai đó phát hiện anh đã gỡ bỏ quân hàm thiếu tá cất đi lúc nào, chắc nghĩ bất tiện ở cái nơi tuềnh toàng như thế này. Người đó đọc luôn:
– Tên Nghiêm nên chẳng thích ồn.
Vẽ bọn lãnh đạo mặt l^n giống nhau.
Lại cười, lại ầm ầm, lại nâng cốc, uống uống. Có lẽ chính những bức biếm họa của Nguyễn Nghiêm đăng trên các báo làm ngứa mắt bọn nó nên nhiều năm vẫn chỉ đeo hàm thiếu tá. Ông chủ quán cười vui lây với cả hội nhưng không quên châm rượu cho các thành viên. Ai cũng có vẻ suy nghĩ, im ắng một lúc, bỗng một người nữa xuất thơ tiếp:
– Bên kia sông Đuống hoàng hôn.
Hai lần Cầm bị bọn l^n cùm chân.
Cười vui như hội, rượu vào lời ra, càng lúc càng rôm rả. Ai cũng biết bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” nổi tiếng của Hoàng Cầm nhưng ít ai biết ông đã có tới hai lần bị bắt giam vì nghiệp thơ của mình. Bỗng có người nhìn thấy họa sĩ Tạ Lựu dắt xe đạp từ góc phố Hàm Long băng qua đường Bà Triệu nên vẫy tay gọi vào. Tạ Lựu giọng bực tức:
– Mẹ kiếp số c*t, dắt bộ mãi từ Ngô Quyền về đây (nhà Tạ Lựu ở 59 phía Trần Hưng Đạo – góc Bà Triệu sát đó). Thường thì nhiều hàng bơm vá xe lắm mà nay nhìn chả thấy một ai.
– Ông có biết sắp đến ngày lễ lớn bọn công an nó đi dẹp vỉa hè không? À, thảo nào. Dựa xe đấy, thôi ngồi uống đi.
Ông chủ quán bối rối đứng dậy chạy vào sân lấy cái xô to ra úp ngược đặt tờ báo lên bảo:
– Anh ngồi tạm vậy chứ hết ghế mất rồi.
Tạ Lựu vui vẻ ngồi nhập hội. Có tay trạc tuổi như anh, đưa cốc rượu tới cho Tạ Lựu và chạm vào cốc của mình đọc luôn:
– Phòng ở bé giống tổ chồn.
Vẽ cảnh xã hội như l^n đảo điên.
Tạ Lựu cười sánh cả rượu ra ngoài. Giỏi, giỏi. Mọi người cùng nâng cốc với Tạ Lựu. Vừa im bặt thì lại có ngay một giọng đọc khác cất lên:
– Thơ tình chỉ hít với hôn
Thực tình Diệu có cái l^n nào theo
Ơ, ơ hơ, hi hi hi… Này, này các anh ơi, hình như cái “cục quí” của bác Xuân Diệu “đổi giới” thế nào ấy nhỉ, chắc bác Diệu nhà mình có vấn đề. Có, có, có một người phụ nữ đã theo rồi lại không theo nữa. Có sinh sôi nảy nở được đâu mà quí? Thích bọn cùng giới mới chịu. Ai đó trả lời rồi lại cười ầm ĩ.
Một người cứ nhấp rượu và rít thuốc lào từ đầu đến giờ, cười hùa mà không lên tiếng. Đó chính là Dương Quân tiên sinh. Ai đấy nói khích:
– Nghe tiếng Dương Quân* chửi kinh mạn lắm mà, chửi bọn chúng bao nhiêu năm trời mới nên nông nỗi này, thân tàn ma dại, nay ngồi đây được uống, được chửi mà không nghe lời nào của Dương Quân? Ai lại cứ đưa cái bọn mặt l^n lên báo mà phệt túi bụi bảo sao chúng nó chịu được, thế thì Dương Quân nghe đây:
– Quân chửi chẳng giữ miệng mồm.
Đxo thằng lãnh đạo mặt l^n nào ưa.
Lúc này tất cả cùng reo cười khoái trá vì ai cũng ngấm men rượu và ai cũng bốc như ai. Hơn nữa câu thơ chọc đúng vào nỗi đau của ông. Ông nhả hết khói thuốc lào rồi chắp tay về phía người đọc, chắc ít tuổi hơn:
– Tụi bay mới là bậc (maitre) thầy của tao.
Đưa một ngụm rượu nữa vào miệng rồi đặt chén xuống, thong thả Dương Quân kể:
– Bữa trước tôi sang nhà ông Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái) để bảo ông ấy, tụi báo Lao Động chê bức tranh “Bến Cá Đà Nẵng” của ông nên nó không đăng. Nói cho ông biết ông ấy khỏi mong, chắc lại hết tiền uống rượu rồi.
Thằng Phương bảo:
– Bố cháu vừa có khách rủ đi đâu không biết hay chiều xong việc cơ quan chú tới, từ báo Lao Động của chú sang Thuốc Bắc nhà cháu đây có một đoạn chưa đầy năm phút. Tôi quay về tới đầu phố Hàng Thiếc gặp mấy tay trẻ mời vào uống nước. Nghe các cậu ngồi phía trong đang tranh cãi chuyện gì đó hăng lắm, cứ tướng Giáp thế này tướng Giáp thế kia… bập bõm câu được câu chăng, mình cố lắng nghe rồi có một cậu đọc rất rành mạch nhưng…
Một người nói vẻ sốt ruột:
– Nhưng sao thì Dương Quân cứ đọc lên.
– Nhưng người trong thơ cậu trẻ này đọc lại không dính dáng tới nghề nghiệp tụi mình.
– Thì cứ đọc đi miễn là dính đến l^n.
Lại cười ầm ầm… Dương Quân chậm rãi tưởng đọc rồi lại chưa đọc vội mà bật lửa châm thuốc lào. Ai đó càu nhàu:
– Gặp mấy ông đồ Nghệ trào phúng nói chuyện nghe tức anh ách, lâu thấy mồ.
Nhả xong khói thuốc, Dương Quân mới chầm chậm … Nó là thế này, tôi xin đọc lại lời của anh bạn trẻ:
– Giáp xưa đánh Pháp công đồn.
Nay về tiếp tục lấp l^n chị em.
Cả hội cười ầm ầm. Đúng, vì năm đó Tướng Giáp được đảng, chính phủ và nhà nước phân công làm Trưởng ban Sinh đẻ có Kế hoạch. Dẫu vậy nhưng vẫn có đâu đấy ánh mắt trong đám rượu nhìn Dương Quân ngờ vực. Dương Quân mặt tỉnh bơ đưa chén lên nhấp tiếp một ngụm lấy làm khoan khoái lắm.
Tất nhiên sau đó cuộc vui còn ầm ĩ mãi đến mờ tối mới kết thúc. Kết quả ai cũng giỏi như ai. Được ông chủ quán tỏ ra rất hiếu khách và thỏa mãn, ông không tính tiền từng cốc rượu như khách thường mà giơ lên ba vỏ chai không cho mọi người thấy. Ông chỉ tính tiền hai chai và chục đĩa lạc thôi, coi như là góp vui với hội. Ý còn cảm ơn vì với ông nó là dịp may hiếm có trong đời mà ông được gặp.
Tôi xin lỗi anh cắt ngang:
– Nhưng câu thơ đó là của người khác chứ bố em chỉ đọc lại thôi.
– Ừ, thì bọn anh nghe tiên sinh nói thế và cũng chỉ biết thế.
– Anh Bính lại cười hớ hớ hớ. Bính tớ hôm nay không góp gì mà được uống rượu, được nghe toàn bộ câu chuyện của các đại ca văn nghệ sĩ thi thơ về l^n thì lãi to. Hớ hớ hớ.
Chia tay Hòa Vang và người bạn lính của anh, tôi về. Khi dắt xe ra ngõ anh nói với theo:
– Đấy là chuyện trực tiếp anh được tham dự, chứ anh còn nghe nhiều chuyện nữa nói về Dương Quân tiên sinh lắm. Anh sẽ kể cho thằng em dịp khác, đi đâu tiện thì nhớ ghé vào anh nhé, chú mày đừng có câu nệ gì.
Anh nhà văn Hòa Vang kết bạn với cha tôi thật muộn màng, tính ra chỉ vào mấy năm cuối đời ông. Anh có kiểu nói chuyện rất…”quấy đảo” hài hước. Có lẽ vậy mà anh ngồi nói chuyện với cha tôi nghe chừng hợp gu, cùng cạ lắm. Đúng lý tôi phải gọi anh bằng chú vì anh gọi cha tôi bằng anh. Anh bằng tuổi chị cả tôi nên anh bảo:
– Thôi cứ gọi anh như thế cho trẻ trung thân mật. Nếu đến anh chơi, con anh lại gọi các em bằng anh như thế là hòa. Mỗi lần đến chơi thăm cha tôi, bao giờ anh cũng chắp hai tay trước bụng:
– Em chào chị, em chào tiên sinh.
Và khi về thì đi giật lùi ra cửa. Cái cung cách ấy làm mẹ tôi ngượng ngùng, bà bảo:
– Chú đến chơi với anh chị cứ bình thường thôi. Anh chị sống rất bình dân, làm như thế anh chị phải tội mà thấy khó coi, khó nói lắm.
Nói thì nói vậy nhưng khi anh Hòa Vang về, mẹ tôi bảo với các con:
– Đấy, các con phải học chú ấy, người đâu mà lễ độ, khiêm nhường đến thế.
Hơn ba mươi lăm năm đã qua, hình ảnh anh đến chơi với cha tôi vẫn in như ngày nào. Tôi không ngờ câu chuyện anh kể cho tôi và anh Bính nghe hôm đó lại là lần cuối cùng ngồi với anh. Sau đấy tôi ra nước ngoài, cuộc sống ngổn ngang bộn bề, vật lộn mưu sinh thường nhật, thành ra gần hai mươi năm sau, năm 2008, tôi mới trở về quê hương.
Người đầu tiên tôi đến thăm chính là anh, nhà văn Hòa Vang. Tên thật của anh cha mẹ đặt là Nguyễn Mạnh Hùng. Lấy bút danh Hòa Vang để lưu kỷ niệm ân nghĩa ngày quân ngũ còn nằm ẩn náu trong Quảng Trị khốc liệt, năm 1970-1972, một bà mẹ quê ở Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, về làm dâu đất Quảng Trị, tận tình chăm sóc cưu mang nuôi giấu anh. Lạ một điều vì mẹ cũng có hai người con trai đăng lính nhưng họ lại ở bên kia chiến tuyến phía Việt Nam Cộng hòa. Một người mẹ miền Nam của “ngụy quân ngụy quyền” nhân hậu biết bao.
Xuất ngũ trở về, anh làm thầy giáo, cầm phấn viết bảng trước khi cầm bút viết văn. Năm (1991) đoạt giải nhì truyện “Nhân sứ” trong cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ. Sau đó anh ra được mấy cuốn tiểu thuyết: Tai quỷ (1993), Hiện tượng Hveya (1998), Năm tháng và mẹ (2006), Hai tập truyện ngắn: Sự tích ngày đẹp trời (1996), Hạt bụi người bay ngược (2005).
Thằng em kết nghĩa Lê Chí Nguyện mua một bó hoa huệ thật đẹp, bảo tôi cầm và chở tôi đến không phải thăm anh mà là thắp hương cho anh. Vẫn ngõ, nhà số 5 phố Quang Trung. Vợ anh, chị Lan đôi vai gầy guộc, người mảnh dẻ nhỏ nhắn, nói nhỏ nhẹ, yếu ớt, nhìn tội tội. Tiếp chúng tôi trong căn phòng đã từng cùng anh ngồi uống rượu nhiều năm về trước. Hai anh em xin phép chị cho được thắp hương khấn anh.
Hòa Vang mất năm 2006. Nhìn bức ảnh chân dung vẫn lộ nét hóm hỉnh thuở nào. Tôi tiếc anh không sống thêm để viết tiếp những truyện ngắn cho đời và kể cho tôi nghe chuyện anh được biết về người cha kính yêu của tôi như anh đã hứa.
Năm trước, cô em gái họ Hoàng Hoa đang giảng dạy ở một trường Nghệ An gọi điện nói chuyện với tôi. Cô bức xúc việc Tập đoàn Formosa đang ngày đêm xả khói, xả thải gây ô nhiễm khắp vùng trời, vùng biển Hà Tĩnh, mặc dù bị phản đối quyết liệt của người dân cả nước. Nhất là dân miền Trung nhưng họ đã bị hàng mấy nghìn công an kéo về, đứng án dầy đặc đường quốc lộ 1 Bắc – Nam, đàn áp nặng nề, đánh đập dã man, bắt giam, bỏ tù vô lối người dân lương thiện. Cả một tập đoàn lãnh đạo cộng sản quỳ gối trước lũ giặc Tàu khựa thâm hiểm độc ác. Tôi càu nhàu:
– Mới bốn giờ sáng ở Đức mà đã gọi điện sang nheo nhéo, nheo nhéo, đang còn ngủ…
– À, em xin lỗi, em cứ tưởng như bên Việt Nam mình chín giờ sáng rồi anh ạ.
Nghe giọng nói, tôi hiểu cô rất hờn căm, tức giận. Cô đổ hết lên đầu tôi một thôi, một hồi, cứ như tôi là thủ phạm gây ra thảm họa Formosa cho đất nước này.
– Dân Việt mình lạ lắm anh ạ, ai lại cứ nhè thằng Võ Kim Cự mà chửi, thực ra nó chỉ là con ruồi hôi trong một đàn ruồi bẩn thỉu. Trên nó còn có những con nhặng tởm lợm hơn trăm nghìn lần Võ Kim Cự. Những con nhặng chuyên hút cả phân lẫn c*t của dân (em xin lỗi). Nếu thằng bố nó không đồng ý thì thằng con Võ Kim Cự nào dám ký cho đám Formosa vào giết hại môi trường và cuộc sống an lành người dân Việt Nam. Chúng tung hỏa mù như con mụ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẻo mồm: Nào là đã thi hành khai trừ đảng, khai trừ quyền hạn chức vụ, khai trừ đại biểu Quốc hội… đối với Cự. Gã Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lẻo mép: Chính phủ xử lý nghiêm túc kỷ luật thích đáng đối với hành vi sai phạm của Cự, đã cho Võ Kim Cự về hưu. Nhưng khi dân chúng kéo nhau đi biểu tình, đòi đuổi Formosa khỏi đất nước này thì chúng lại đánh đập dân dã man, bỏ tù dân tàn bạo oan trái, vu cho dân phản động, thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, trở cờ úp quạt… Một cái đảng đểu cáng đến thế là cùng. Tiền hậu bất nhất, giấu đầu hở đít, bịt đít lộ lông.
Rồi những chuyện tồi tệ đồi bại xảy ra trong ngành giáo dục sư phạm của cô, cái ngành trăm năm “trồng người” xã hội chủ nghĩa cho tổ quốc hóa rồng hóa rồ trong tương lai. Cho lớp người thành tài hóa tai trong hiện tại. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nói ngọng líu ngọng lô, đọc tiếng Anh thì ồ ồ như bò giống. Bảo từ chức thì còn lâu, bảo từ trần thì đợi đấy. Rồi câu chuyện có liên quan đến bộ môn giảng dạy của cô, nào là lịch sử chống giặc phương Bắc hàng nghìn năm nhưng đến bây giờ cứ xóa dần, bỏ dần, sai lệch dần, thật đê tiện hèn mạt. Thằng Tàu dã tâm thôn tính mình từ bao đời nay mà mình vẫn cứ phải giả ngây giả ngô cười như thằng ngố lên vũ trụ:
– Cơm thì độn sắn khoai mì
Mày lên vũ trụ làm gì Phạm Tuân.
Nào là lịch sử đuổi Nhật đánh Pháp chống Mỹ. Rồi vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp cầm quân, (sau về cầm quần chị em) làm nên một Điện Biên Phủ đưa cả dân tộc sang bước ngoặt mới. Nhân nói về tướng Giáp tôi cắt nghĩa cô và vui miệng kể lại sơ sơ câu chuyện trên, rồi đọc thơ nói về tướng Giáp của dân Hà Nội như thế… Nghe xong cô cười khúc khích. Hay quá nhỉ, cô gợi ý:
– Tại sao anh lại không viết ra cho mọi người biết? Em mà viết được thì em đã viết rồi. Cũng đáng để cho thiên hạ biết chuyện này lắm chứ anh, nó có can chi đâu nếu không muốn nói là thi vị.
Trước khi chào cô tắt máy bỏ cái Nokia vào túi, tôi vẫn nghe tiếng bên kia giọng cô cười khúc khích.
______
* Sinh thời cha tôi không thích chụp ảnh, ngược lại ông được bạn bè ký họa rất nhiều như bác Bùi Xuân Phái, bác Văn Cao, chú Tạ Lựu, chú Nguyễn Nghiêm, chú Mạnh Kiểm… mỗi khi ngồi uống rượu với nhau. Chỉ duy nhất có ảnh chân dung bán thân do báo Lao Động đưa lên giới thiệu một trang thơ cho ông vào dịp xuân Giáp Tý năm 1984, nhân bài thơ thứ năm trăm của ông viết.
Gần đây vào mấy trang báo xem thấy có ảnh Dương Quân thời trẻ, Dương Quân lúc già bụng phệ. Bài viết về cha tôi thì đúng, nhưng hai tấm hình đưa vào bài không phải cha tôi, thật buồn. Tôi đã tìm cách liên hệ với các báo đó mà không được. Vậy nếu đọc được tin này của tôi mong quý báo gỡ bỏ hai tấm hình “Dương Quân giả” trên. Xin chân thành cảm ơn.
_______
Một số hình ảnh tác giả Dương Tự Lập gửi tới Tiếng Dân:
Bìa sách “Khao” của Đồ Phồn. Minh họa Bùi Xuân Phái.
Hoàng Cầm, ký họa của họa sĩ Lưu Văn Sìn, năm 1954.
Trần Dần với vết sẹo trên cổ tự tử không thành của họa sĩ Nguyễn Sáng, năm 1956
Dương Quân, ký họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái, năm 1978
Phùng Quán, mầu dầu
Hòa Vang, ảnh chụp của Nguyễn Đình Toán, năm 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.