Tại sao vấn nạn của Huawei với Google khiến châu Phi lo lắng
Giới phân tích nói với BBC rằng quyết định ngừng cung cấp phiên bản Android mới của Google cho Huawei được xem là khởi đầu cho một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ có thể buộc các nước châu Phi - trong tương lai - phải lựa chọn giữa công nghệ Mỹ và Trung Quốc.
Hầu hết người châu Phi kết nối với internet ngày nay sử dụng điện thoại thông minh Trung Quốc, hoạt động trên hạ tầng mạng do Trung Quốc sản xuất và một nửa là do Huawei chế tạo.
Theo Eric Olander, thuộc tổ chức Dự án tại Châu Phi của Trung Quốc, thì "Huawei xây dựng một phần lớn cơ sở hạ tầng CNTT hiện tại của châu Phi và nếu Mỹ thành công trong việc làm tê liệt công ty này, thì châu Phi có thể phải hứng chịu những dư chấn hết sức nặng nề vì đang phụ thuộc vào một công ty nằm trong tầm ngắm của Washington."
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn đầu một chiến dịch công khai kêu gọi các đồng minh của Mỹ cắt đứt quan hệ với Huawei, nói rằng công nghệ của công ty này là một mối đe dọa an ninh vì nó cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi các quốc gia khác.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận các các buộc này.
Chiến dịch tẩy chay của Hoa Kỳ có thể châm ngòi cho những gì Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google từng dự đoán, đó là sự chia rẽ không thể tránh khỏi của internet, giữa một "internet do Trung Quốc lãnh đạo và một mạng do Mỹ dẫn đầu".
Nếu điều này xảy ra, châu Phi không nên nghiêng về bên nào cả, Harriet Kariuki, một chuyên gia quan hệ Trung-Phi, nói với BBC.
"Đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi, thay vào đó chúng tôi nên tập trung vào những điều có ích cho mình", Harriet Kariuki nói.
Các nước châu Phi nên cùng nhau giáo dục mọi người về những mối đe dọa tiềm ẩn, và cố gắng thông qua luật bảo vệ dữ liệu kiểu EU để bảo vệ người tiêu dùng châu Phi, bà Kariuki bình luận.
"Đây có lẽ là lúc châu Phi cân nhắc phát triển nền công nghệ của riêng mình phù hợp với thị trường thay vì chỉ là người tiêu dùng thụ động. Tôi muốn thấy các nước châu Phi kết hợp lại và đẩy lùi sự xâm chiếm kỹ thuật số này", bà nói với BBC.
'Vụ xâm nhập Liên minh châu Phi'
Trong khi quan tâm về Huawei bắt đầu hiện đang là tiêu điểm của các mạng truyền thông ở phương Tây, thì trước đó đã có những cáo buộc về xâm phạm an ninh liên quan tới công ty này ở châu Phi.
Giới chỉ trích hoạt động của Huawei chỉ ra rằng một bản tường trình công bố tháng Giêng 2018 trên tờ Le Monde của Pháp đã khám phá ra là hệ thống máy tính được cài đặt bởi Huawei tại trụ sở của Liên minh châu Phi, ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, đã bị xâm phạm.
Phát hiện này cho thấy trong suốt 5 năm, từ nửa đêm đến hai giờ sáng, dữ liệu từ các máy chủ của AU đã được chuyển đến các máy chủ ở Thượng Hải cách đó hơn 8.000km.
Những cáo buộc này đã bị Liên minh châu Phi và các quan chức Trung Quốc bác bỏ.
Các chính phủ châu Phi, ngay cả những nước có mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ, hầu hết đã đứng ngoài cuộc tranh luận về Huawei - và lý do rất dễ hiểu.
Huawei có các hoạt động lớn ở khắp châu Phi bao gồm cả việc bán điện thoại thông minh.
Huawei cũng đã xây dựng hầu hết mạng internet 4G của châu Phi, Cobus van Staden, một nhà nghiên cứu cao cấp Trung Quốc-Châu Phi tại Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi, nói với BBC.
Giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông khổng lồ Safaricom Bob Collymore của Kenya cho biết Huawei đã là "đối tác tuyệt vời trong nhiều năm".
"Chúng tôi muốn gắn bó tối đa với các đối tác của mình, tuy nhiên thực tế có thể có một số khó khăn nếu lệnh cấm các công ty Mỹ làm việc với Huawei vì đây là một doanh nghiệp đa kết nối", ông nói trong một bài phát biểu gần đây.
Huawei ở Châu Phi:
- Bắt đầu hoạt động ở Châu Phi vào năm 1998 tại Kenya
- Hoạt động tại 40 quốc gia
- Xây dựng ít nhất 50% mạng 4G của Châu Phi
- Cung cấp công nghệ cho các dự án thành phố thông minh
- Điều hành một số nghiên cứu chung
- Hãng điện thoại thông minh lớn thứ tư tại đây
Nguồn: Viện Chính sách Chiến lược Úc, Huawei, IDC
Công ty Huawei, mở văn phòng đầu tiên tại châu Phi vào năm 1998, hiện đang ở vị trí dẫn đầu trong cuộc đua giành hợp đồng triển khai mạng 5G trên lục địa.
Mạng siêu nhanh được quảng cáo là sự tái thiết lập internet và cung cấp kết nối cho các công nghệ "Vạn vật Internet", thành phố thông minh, xe tự hành, v.v.
Ông Van Staden nói: "Việc liên tục mở rộng hiện diện của Huawei trên lục địa là nhờ họ là công ty đầu tiên khai thác tiềm năng của nền kinh tế CNTT ở châu Phi và có cơ sở để hỗ trợ các dự án của họ".
"Các điều kiện hỗ trợ ràng buộc của Trung Quốc đòi hỏi các chính phủ châu Phi phải hợp tác với các công ty Trung Quốc, cũng đã giúp đỡ các công ty này", ông nói thêm.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ IDC, Huawei hiện là hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ tư ở châu Phi, sau một công ty khác của Trung Quốc là Transsion với hai thương hiệu Tecno và Infinix và tiếp đó là Samsung.
Tất cả bốn thương hiệu hiện đang sử dụng hệ điều hành Android của Google.
Sự thống trị của Huawei và mối quan hệ của nó với các chính phủ ở châu Phi có thể trở nên hữu ích nếu cái gọi là chiến tranh lạnh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đe dọa các hoạt động ở châu Phi của họ.
"Châu Phi là thị trường công nghệ cuối cùng trên thế giới và sự thống trị thị trường này sẽ là chìa khóa", ông Van Staden nói.
"Một số người, như ở Nam Phi, nơi Huawei nắm phần lớn thị phần, lo lắng về việc bị khóa khỏi hệ sinh thái Google nhưng Huawei có thể sử dụng tình huống hiện tại để thay đổi sân chơi".
"Rất ít công ty Mỹ biết cách làm việc tại thị trường châu Phi, để tạo ra các sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng ở đây. Huawei, có thể sử dụng tình hình hiện tại để thay đổi tính toán và phát triển phần mềm bằng các ngôn ngữ thực sự phục vụ thị trường châu Phi", ông van Staden nói.
Hầu hết người dân châu Phi lên trực tuyến hàng ngày nhờ điện thoại Trung Quốc giá rẻ và khách hàng ở đây quan tâm hơn về giá của các thiết bị và các tính năng khác - như điện thoại hai thẻ SIM và thời lượng pin dài - hơn là một hệ điều hành, ông nói thêm.
Internet Mỹ và internet Trung Quốc
Iginio Gagliardone, tác giả của Trung Quốc Châu Phi và Tương lai của Internet, đồng ý rằng cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể là điều thúc đẩy Huawei tăng cường sử dụng phần mềm của riêng mình để hỗ trợ thị trường điện thoại thông minh đang phát triển.
Nhưng ông nói với BBC rằng nó sẽ không rẻ hay dễ dàng để xây dựng.
Cũng sẽ khó xuất khẩu mô hình internet kín từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là yêu cầu khách hàng sử dụng Yahoo thay vì Google và Sina Weibo thay vì Twitter.
Tuy nhiên, WeChat, một ứng dụng đa năng kết hợp các nền tảng truyền thông xã hội, nhắn tin và thanh toán di động, có thể cất cánh ở châu Phi.
Vậy thì châu Phi có sẽ bắt buộc phải lựa chọn?
"Các nước châu Phi không nên chọn một bên, thực tế sẽ rất thú vị nếu trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ này, nó có thể hình thành một phong trào không liên kết phục vụ lợi ích của chính họ", ông Gagliardone nói.
Nghiên cứu của ông không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang thúc giục các nước ở châu Phi chấp nhận phiên bản kiểm duyệt của internet.
"Những gì bạn thấy là Trung Quốc đang cung cấp các sản phẩm đã được chính phủ châu Phi yêu cầu", ông Gagliardone nói.
Tuy nhiên, ông Gagliardone cho rằng Trung Quốc, trong nỗ lực bảo vệ các doanh nghiệp của mình, có thể thúc đẩy mối quan hệ với các chính phủ châu Phi để phát triển các giao thức tạo lợi thế cho các công ty của họ so với các đối thủ phương Tây.
"Tuy nhiên, tôi không thấy thị trường tiêu dùng bị ảnh hưởng, tôi vẫn thấy người tiêu dùng tiếp tục có quyền truy cập vào các sản phẩm khác nhau để lựa chọn", ông nói thêm.
Chiến tranh lạnh công nghệ sắp xày ra là một cơ hội và châu Phi không nên bị buộc phải chọn một bên, theo bà Kariuki.
Tuy nhiên, theo Fazlin Fransman, thuộc Viện nghiên cứu Moja của Nam Phi thì "sự bùng nổ công nghệ và internet hiện nay [ở châu Phi] phần lớn là do sự đầu tư của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Châu Phi, theo cái nhìn ủa bà, thật ra đã chọn một bên, và đó là Trung Quốc.
Tin liên quan
- Việt Nam nếu không dùng Huawei thì 'không phải để chiều lòng Mỹ'
- Mỹ: Huawei được tình báo và an ninh nhà nước TQ hậu thuẫn
- Huawei: Những nước nào chặn công nghệ 5G của công ty Trung Quốc?
- Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ vì lệnh trừng phạt Huawei
- Mỹ: Trump tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp' quốc gia vì Huawei?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.