Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Đây là sự đụng độ của hệ thống (dân chủ vs độc tài) hay sự đụng độ của các nền văn minh?

Đây là sự đụng độ của hệ thống (dân chủ vs độc tài) hay sự đụng độ của các nền văn minh?

Tác giả: Ngụy Kinh Sinh
Dịch giả: Lê Minh Nguyên
29-5-2019
Biếm họa của Ferguson
Gần đây, đã có sự tranh luận về ý thức hệ ở Hoa Kỳ. Bởi vì các cuộc tranh luận này được kích động bởi một quan chức lo về chính sách đối ngoại, cho nên các nhóm chính trị và ý thức hệ đã tham gia vào. Vì vấn đề tranh cãi có liên quan đến nguời Trung Quốc chúng tôi, cho nên tôi phải đưa ra quan điểm của tôi cho các bạn, đồng thời để điều chỉnh các phát biểu của bạn bè tôi ở bên trong TQ.
Một quan chức phụ trách việc hoạch định và hình thành chính sách trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: Xung đột giữa HK và TQ không chỉ là xung đột về thương mại, mà còn là xung đột của các nền văn minh; đó là cuộc đụng độ giữa nền văn minh phi da trắng và văn minh phương Tây.
Bà này không chỉ là một quan chức cấp cao của chính quyền hiện tại, mà còn là cựu sinh viên của bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice, và bà trích dẫn lý thuyết của học giả nổi tiếng Samuel Huntington. Do đó, ngay lập tức, bà nhận được những phản bác của nhiều học giả và cùng lúc thu hút sự chú ý của người dân TQ.
Có mối quan hệ gì giữa tranh chấp Mỹ-Trung và nền văn minh? Việc đầu tiên người ta phải xem xét là nền văn minh được định nghĩa như thế nào. Định nghĩa của Huntington thừa nhận, nền văn minh phương Đông, nền văn minh phương Tây và nền văn minh Hồi giáo nhưng không bao gồm nội dung chủng tộc. Nhưng bà học trò của học trò này (bà là học trò của Rice và Rice là học trò của Huntington) rõ ràng đã xa rời khỏi khái niệm của Huntington và tiến gần đến khái niệm phân biệt chủng tộc.
Thứ hai, có nên coi chế độ Cộng sản ở TQ và nền văn minh truyền thống TQ là cùng một thứ hay không? Nhiều học giả về TQ ở phương Tây đã nghiên cứu văn hóa cộng sản sau Phong trào 4/5/1919 (The May Fourth Movement – phong trào chính trị và văn hoá của sinh viên chống thực dân đế quốc) và đã coi loại rác thải phương Tây này (văn hoá CS) là nền văn minh truyền thống của TQ. Đây là một sự hiểu lầm lớn về nền văn minh phương Đông mà TQ là cốt lõi của nó, do đó nó đã dẫn đến nhiều thập kỷ sai lầm trong chính sách của phương Tây để đối phó với TQ.
Nội dung cơ bản của nền văn minh phương Đông mà TQ đại diện là gì? Đó là văn hóa Nho giáo được hình thành từ hai ngàn năm trăm năm trước, với nội dung cốt lõi là lòng nhân từ, chính nghĩa, lịch sự, khôn ngoan và tin cậy. Dịch sang ngôn ngữ hiện đại đó là: nhân bản, từ thiện, trật tự, lý trí và uy tín. Vậy đây có phải là khác biệt cơ bản và thậm chí mâu thuẫn với cái gọi là giá trị phổ quát của chủng tộc da trắng hay không?
Nền văn minh của chủng tộc da trắng cũng có thời kỳ nô lệ và chế độ nông nô. Cái gọi là giá trị phổ quát của nền văn minh phương Tây hiện đại cũng là một khái niệm mới, được hình thành bởi phong trào dân chủ sau thời Phục hưng. Chúng được gọi là giá trị phổ quát bởi vì chúng là những nhận thức chung về con người mà tất cả mọi người đều khao khát. Điều này không liên quan gì với các khác biệt chủng tộc.
Nếu sự cai trị của Đảng Cộng sản TQ được cho là có sắc màu phương Đông, vậy thì sự cai trị của Lenin và Stalin không có sắc màu phương Đông hay sao? Lý thuyết độc tài của Karl Marx không có sắc màu phương Đông hay sao? Dĩ nhiên, đó là sắc màu của chế độ chuyên chế phong kiến ​​phương Tây (Western feudal autocracy). Chuyên chế là một giá trị chung được chia sẻ bởi phương Đông và phương Tây, với thực tế xã hội của nó là một hệ thống độc tài (dictatorships) với mọi dạng thức.
Sự đụng độ giữa một bên là hệ thống tự do dân chủ và những giá trị phổ quát của các chủng tộc da trắng hiện đại Mỹ và phuơng Tây, để chống lại một bên là hệ tư tưởng độc tài hiện đại xuất phát từ phương Tây (modern dictatorship ideology), thì nó lại được thể hiện ra trong thực tế xã hội như là sự đụng độ giữa các hệ thống (văn minh) khác nhau. Về vấn đề này, chế độ Cộng sản ở TQ họ có đầu óc rõ ràng dứt khoát hơn là các học giả và chính trị gia phương Tây. Khẩu hiệu nhất quán của họ là: chủ nghĩa đế quốc ở HK muốn tiêu diệt chúng ta.
Quy luật đầu tiên của khẩu hiệu này là nó đảm bảo rằng người Cộng sản không được nới lỏng cảnh giác, và nên luôn nhận ra mối quan hệ giữa hai hệ tư tưởng và hai hệ thống, thay vì (để ý thức) bị cầm tù bởi các học giả phương Tây đang mờ mịt. Thứ hai là nó hợp pháp hóa sự xâm nhập của chế độ Cộng sản và gây tan rã các thể chế dân chủ phương Tây. Do đó, khi HK muốn thương mại công bằng, thì chế độ Cộng sản ở TQ cho rằng các cuộc đàm phán không bình đẳng (mà là có âm mưu).
Não trạng của chế độ Cộng sản ở TQ là: Bởi vì bạn muốn tiêu diệt chúng tôi, thì không có bất công khi chúng tôi đánh cắp một thứ gì đó từ bạn, chứ tại sao không? Thật không công bằng nếu bạn không để cho chúng tôi ăn cắp. Không phải chỉ một mình Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị vô tình nói lên sự thật này, mà các nhà tư bản nhà nước ở TQ đều có cùng một não trạng như vậy.
Đối với những người dân ở bên trong TQ, họ tin rằng: việc đàn áp bạn và bóc lột bạn là những quyền được cho phép bởi luật pháp của chế độ độc tài chúng tôi. Bạn không thể sử dụng luật pháp như lá chắn để bảo vệ bạn.
Đối với thế giới bên ngoài, họ nghĩ rằng đó là một hiện tượng bình thường khi tôi đánh cắp của bạn và ăn cướp của bạn bởi vì mối quan hệ thù địch này. Nếu bạn không để cho tôi ăn cắp, thì tất nhiên, nó sẽ không công bằng, vì điều đó có nghĩa là bạn không tôn trọng đối thủ của mình.
Các học giả TQ thì sợ chính quyền của họ, và các học giả Hoa Kỳ thì sợ các nhà tài trợ của họ, vì vậy họ đã cố nặn ra nhiều khái niệm mơ hồ để bóp méo quan hệ Mỹ-Trung. Để biến một cuộc đụng độ đơn giản của các hệ thống (dân chủ vs độc tài) thành một vấn đề phức tạp, sẽ làm cho dân chúng dễ dàng bị chế độ Cộng sản ở TQ lừa gạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.