Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Cãi với ông Thủ tướng người xứ cãi

Cãi với ông Thủ tướng người xứ cãi

Nguyễn Văn Chiến
30-5-2019
Ngày 17.5.2019 là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam” và nhân dịp này ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết bài “Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam” đăng tải trên nhiều tờ báo nhà nước. [1]
Ông Nguyễn Xuân Phúc (NXP) là người Quảng Nam “hay cãi” nhưng tôi cũng liều mình một phen để… cãi với người đất cãi. Để tiện bề đối đáp tôi xin chia bài ông ra từng phần nhỏ và mạn phép in nghiêng những điểm cần lưu ý. Tôi cũng xin bỏ qua những phần dài lê thê và đều đều giọng văn nghị quyết, chỉ nói để mà nói, không đáng để cãi.
Tôi xin đi thẳng vào bài
a. NXP: “Sự phát triển của các học thuyết kinh tế và thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua cho thấy các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng kinh tế.”
Xin cãi:
1. Chỉ cái phần “mở bài” này thôi đã thấy bao nhiêu vấn đề. Ngôn từ ở đây sử dụng rất oách, rất xôm tụ, rất hàn lâm nhưng kỳ thực rỗng tuếch, hoàn toàn trớt quớt, không ăn nhập gì với nhau về mặt logic.
– “Mở bài” là phần giới thiệu, tóm tắt những gì sẽ trình bày trong phần “thân bài”. Nhan đề bài viết là “Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam”, vậy xin hỏi cái “mô hình tăng trưởng tân cổ điển” nêu trên có quan hệ gì với mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà thủ tướng nhấn mạnh trong phần thân bài?
2. Nói nôm na thì “kinh tế” là chuyện “làm ăn”, mà để làm ăn thì phải có vốn và có người. Nói trịnh trọng thì kinh tế là thuật quản trị và khai thác các nguồn tài nguyên để chúng sinh lợi: tài nguyên là gì nếu không là vốn (tiền bạc, đất đai, nhà may, hầm mỏ) và tài nguyên nhân lực?
– Theo cùng logic với ông thủ tướng thì ông chủ hãng xe Vinfast giàu nhất nước ta của ta có thể phát biểu: “Sự phát triển của kỹ thuật chế tạo xe hơi và thực tiễn phát triển của xe Vinfast cho thấy muốn chạy xe thì ta phải ráp đủ bốn bánh và đổ xăng vào bình”!
– Xe muốn chạy thì phải có bánh xe và có xăng, điều này cũng hiển nhiên như việc muốn phát triển kinh tế thì phải có vốn và nhân lực.
3. Cứ gì là “mô hình tăng trưởng tân cổ điển”, có “mô hình kinh tế” nào mà không chú ý đến vốn và tài nguyên? Vấn đề là mỗi học thuyết kinh tế có chủ trương những cách ứng xử khác nhau với thị trường, tức là dòng luân lưu và trao đổi của vốn và nhân công.
– Nếu học thuyết John Maynard Keynes chủ trương điều hòa nền kinh tế thông qua cán cân cung cầu thì chủ thuyết tân cổ điển (“neo-classical”, hay “laissez-faire”, “supply – side”) chủ trương nới lỏng sự can thiệp đó, tạo ra một thị trường nhân công linh hoạt để khuyến khích nhà đầu tư.
– Thoạt tiên nền kinh tế tư bản phát triển theo mô hình cổ điển của Adam Smith là hoàn toàn không can thiệp vào thị trường. Nhưng cuộc đại khủng khoảng 1930 – 1931 khiến các nước thiên về mô hình của John Maynard Keynes, vừa điều hòa cán cân cung cầu vừa tiết chế các thế lực độc quyền. Nhưng rồi suy thoái kinh tế thập niên 1970 khiến họ quay về với khái niệm ban đầu của Smith để hình thành nên mô hình“tân cổ điển”.
– Tại sao lại là “tân cổ điển”? Vì mô hình “cổ điển” của Smith cũng có những hạn chế của nó. Theo Smith thì “bàn tay vô hình” của thị trường sẽ đem người bán cùng người mua đến với nhau và lúc đó tài nguyên sẽ được phân bố một cách hữu hiệu nhất. Trên thực tế thì chuyện này khó đạt được một cách hòan hảo. Nếu có thể thì người bán sẽ tìm các đầu cơ, ém nhẹm thông tin, đánh lạc hướng người mua để bán hàng với giá cao nhất. Nếu có thể thì người mua cũng sẽ tìm đủ mọi cách bắt bí người bán để mua với giá rẻ nhất.
– Phái tân cổ điển chủ trương can thiệp thị trường bằng chính sách tiền tệ (và tiết chế cả sự độc quyền). Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và thời gian dài trì trệ vùa qua lại làm mô hình này bị nghi ngờ và hậu quả là hiện tại chủ nghĩa dân túy lên ngôi.
4. Phần “mở bài” của ông thủ tướng hoàn toàn sai về logic!
– Nói như ông thủ tướng thì bọn tân Hồng vệ binh ở Hội Văn nghệ TPHCM cũng có thể nói thế này: “Sự phát triển của các học thuyết chính trị và thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua đã cho thấy rằng chủ nghĩa Mác Lê Nin luôn nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp”!
– Nếu quả thực “mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng kinh tế” thì chỉ cần lập lại câu này là xong, cũng như đám tân Hồng vệ binh có thể nói gọn “Chủ nghĩa Mác Lê Nin luôn nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp”.
– Nếu có nói lên điều gì đó thì “Sự phát triển của các học thuyết kinh tế và thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua” phải nói lên những điều hoàn toàn khác.
– Thí dụ nó có thể  nói lên một sự thật là “không học thuyết kinh tế nào tuyệt đối đúng 100%.”. Vì không học thuyết nào là “chân lý tối thượng” nên ngành kinh tế vẫn còn đất để các học thuyết phát triển.
– Một yếu tố quan trọng của kinh tế học là hành vi của con người (cách mua, bán, niềm tin vào thị trường v.v.) mà cho tới nay chưa có khoa học nào tính toán và dự báo một cách chính xác yếu tố này cả.
b. NXP: “Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm.”
 Xin cãi:
 – Ông thủ tướng cần xem lại về mặt chữ nghĩa. Tiếng Việt ta chỉ nói “tài nguyên cạn kiệt”, riêng ông thủ tướng thì chơi “tăng trưởng cạn kiệt”.
– Mà rắc rối thay cho tư duy ông thủ tướng về khái niệm “tăng trưởng”. Ai cũng biết tăng trưởng nhanh thì tốt, tăng trưởng chậm thì tệ nhưng dẫu sao cũng khá hơn là không tăng trưởng. Do đó có dọa, ta chỉ dọa “tăng trưởng sẽ suy giảm và thậm chí đi đến trạng thái dừng.” Riêng ông thủ tướng thì chơi ngược: “tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm.”
– Nói kiểu này thì một nhà độc tài có thể dọa một nhà hoạt động đối lập: “Mày biểu tình thì tao xử bắn, thậm chí tao bỏ tù mày”.
c. NXP:  “Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sáng tạo, sử dụng và kiểm soát công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.”
Xin cãi:
– Ông thủ tướng viện dẫn giải Nobel Kinh tế, sử dụng những thuật ngữ đao to búa lớn như “tăng trưởng nội sinh” để chứng minh cho một thực tế rành rành, hiển nhiên.
– Nói nôm na thì muốn khá lên anh không thể mãi mãi làm ăn theo lối “lấy công làm lời”, không thể cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Anh phải phát triển kỹ thuật. Nguyên liệu khai thác được, nông sản thu hoạch được anh phải chế biến thành những sản phẩm cao cấp hơn để đạt cái gọi là “giá trị gia tăng”. Nói tóm lại là anh không thể mãi mãi kiếm ăn bằng mồ hôi và bắp thịt mà phải bằng tài nghệ, bằng trí tuệ và tầm nhìn của anh.
– Đó là thực tế hiển nhiên của những nước như Nhật, Singapore, Nam Hàn v.v… Bằng chứng thực tế thì đầy ra đó mà không chịu dùng, thích dùng những từ rỗn rảng “tăng trưởng nội sinh” rồi đính thêm cái giải Nobel Kinh tế. Nói thế thì có khác gì dùng lý thuyết vật lý thiên văn để chứng minh rằng hết ngày thì tới đêm?
d. NXP: “Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. […]. Điều này khẳng định tăng trưởng cao và tăng trưởng bao trùm vừa qua có đóng góp rất quan trọng của nhân tố khoa học công nghệ và cố gắng lớn lao của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Xin cãi:
– Phần này khá dài, ông thủ tướng đưa ra những con số thống kê tốt đẹp mà tôi không có điều kiện kiểm chứng. Nhưng thôi, cứ tạm chấp nhận vì vấn đề chính là logic của bài viết!
– Câu đầu viết sai ngữ pháp. Nên viết “Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần “sự’ [hay “mức độ”] phụ thuộc vào “việc” khai thác tài nguyên…
e. NXP: “Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn và khó khăn, vướng mắc để thấy rằng phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước hết là, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện. Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho ứng dụng phát triển khoa học công nghệ. Khoa học – công nghệ chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội. […]
Xin cãi:
– “Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương… còn chưa đầy đủ, toàn diện”, thế thì nhận thức của các “tư lệnh ngành” thì sao? Cao hơn các “tư lệnh ngành” là chính phủ và Bộ Chính trị thì sao?
– Xin bỏ qua một đoạn đầy những con số thống kê theo lối “đánh giá tình hình chung” loại “biết rồi, khổ quá, đọc diễn văn như thế mãi”!
– Những tài phiệt hàng đầu của quốc gia đều là những kẻ “tham nhũng chính sách”, dựa vào chính sách để làm giàu bằng cách đầu cơ đất đai và thoán đoạt tài nguyên quốc gia. Khi “quan hệ thân hữu” và sức mạnh kim tiền lấn át tất cả thì khoa học bị lấn át là điều hiển nhiên!
f. NXP: “Việt Nam kiên định xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Phấn đấu đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành một quốc gia phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần có một chiến lược phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. “
Xin cãi:
1. “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất là “mô hình” gì, có quan hệ gì với “mô hình tăng trưởng tân cổ điển” đã nêu ở phần mở bài hay không, thưa ông thủ tướng?
– Mô hình của ta hiện tại có người gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, có người gọi là “chủ nghĩa tư bản thời kỳ hoang dã”, thôi thì tạm xem nó kết hợp cả hai. Xem cách làm giàu bằng cách cướp đất nông dân hay bắt chẹt dân nghèo của giới tài phiệt đỏ hay các nhóm lợi ích dựa vào độc quyền do hệ thống chính trị bảo vệ, ta phải nghĩ ngay đến câu của Marx về thời kỳ “tích lũy vốn” của chủ nghĩa tư bản hoang dã: “Quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa thấm đầy máu và bùn dơ”.
2. Hình như thủ tướng có cách hiểu hơi khác người từ “đột phá”.
– “Đột phá” là: (1) “chọc thủng, phá vỡ một số đoạn trong hệ thống phòng ngự của đối phương để mở đường tiến quân”’ (2) “tạo nên những bước chuyển biến mới, mạnh mẽ”.
– Như vậy đột phá phải là những hành động hay giải pháp chóng vánh trong một thời khắc nào đó nhưng có tác dụng giải tỏa thế bế tắc. Nói ví dụ ở xứ ta thì những “khâu đột phá” xóa bỏ thời bao cấp là các quyết định xóa bỏ các trạm thuế ngăn sông cấm chợ, giải tán hợp tác xã nông nghiệp, giải tán các cửa hàng bách hóa của Bộ Nội thương.
– Cụm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dân ta nghe đến nhàm tai từ mấy chục năm nay rồi, vậy mà ông thủ tướng còn bảo đó là “khâu đột phá” là nghĩa làm sao?
– Cũng xin mách nước: thay vì “khâu đột phá” ông thủ tướng nên dùng cụm từ “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. Người uyên thâm lý luận Mác – Lê Nin phải quen với cụm từ này, ông thủ tướng có bằng “cao cấp lý luận chính trị”, vô lẽ ông không biết?
– Càng lạ lẫm hơn, hôm nay (năm 2019) thủ tướng tung phép màu “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như là khâu đột phá quan trọng, thế mà đến năm 2030 ta chỉ mới đạt tới một “xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình”, sau đó những 15 năm nữa ta mới trở lại với… khâu đột phá ban đầu: trở thành một “quốc gia phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa
g. [Phần còn lại rất dài được ông thủ tướng viết với phong cách nghị quyết, kiểu “nhiệm vụ trước mặt”, đều đều chẳng có gì mới lạ, trong đó lập đi lập lại ý “phát triển nhanh và bền vững”. Xin dẫn ra một đoạn: “Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là trong một số ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước….
Đây không phải là lần đầu tiên các vị lãnh đạo đảng nhà nước ham hố như vậy. Chín năm trước ngày 16.7.2010 trang web Chinhphu.vn của Văn phòng chính phủ đăng bài “Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta” của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. [2]
Chương trình phát triển nhanh và bền vững của “đồng chí X” này phá sản như thế nào thì đã rõ. Nay bàn tiếp tham vọng ấy củaThủ tướng Phúc về mặt logic. Đó là ta có thể vừa phát triển nhanh, vừa phát triển bền vững hay không?
Thuật ngữ “phát triển bền vững” (sustainable development) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong phúc trình Chiến lược bảo tồn Thế giới của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế – IUCN) với nội dung rất đơn giản: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.
Khái niệm này được mở rộng trong phúc trình Brundtland năm 1987 của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Theo phúc trình này thì “phát triển bền vững” là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai… Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, không đào sâu ngăn cách giàu nghèo, bảo vệ môi trường và gìn giữ tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Như vậy nếu muốn phát triển nhanh thì phải trả giá, hy sinh một phần bền vững, còn muốn phát triển bền vững thì phải cân nhắc, từ từ. Khó mà chọn cả hai cái.
Các ông phá tan hoang đất nước Việt Nam rồi bắt con cháu gánh cho cả núi nợ thế mà cũng dám nói chuyện lên cung trăng. Nước Nhật có một nền khoa học và kỹ thuật tân tiến, người Nhật có tinh thần tự tôn dân tộc và kỷ luật ta khó mà sánh bằng, thế mà cũng chưa dám mơ “tăng trưởng nhanh – bền vững. Bao nhiêu năm qua Nhật chỉ tăng trưởng ì ạch, còn bị hậu quả môi sinh thảm hại vì nhà máy điện nguyên tử bị sóng thần.
Mở miệng là học thuyết  này, mô hình nọ, giải Nobel kia để rồi nêu ra quyết tâm “phát triển nhanh và bền vững”, thôi thì cầu mong ông thủ tướng nước ta sẽ là một Tề Thiên trên lĩnh vực kinh tế để dân ta được nhờ!
Thay lời kết
Có thể ông Thủ tướng Phúc tự tay viết bài báo “chỉ đạo” trên, nếu thế tôi thực tâm cãi tay đôi với ông và mong ông hạ mình phản biện. Còn nếu đó là do tay trợ lý nào viết, tôi đề nghị ông nên xem lại trình độ của y. Sau vụ “cờ lờ vờ” ông thủ tướng càng nên cẩn trọng hơn với mấy tay “trợ lý diễn văn” này. Làm tướng thì có tài cầm quân, làm vua thì có tài cầm tướng. Ông điều hành nền kinh tế đất nước mà không “quản” nổi tên trợ lý viết diễn văn về đường lối kinh tế, ông không sợ thiên hạ cười ông à, ông thủ tướng?
Tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.