Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì nguy cơ quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì nguy cơ quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ

BTV Tiếng Dân
31-5-2019
Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời Bộ trưởng Lao Động: ‘Không thể không tăng tuổi hưu’. Trả lời báo chí bên hành lang QH về đề xuất tăng tuổi hưu của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã xác lập rõ mục tiêu, mục đích về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Giải thích cho chuyện bắt buộc phải tăng tuổi hưu, ông Dung lấy lý do: “Tốc độ già hóa dân số Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với nhiều nước. Bộ Luật Lao động phải tính, tăng có lộ trình tuổi hưu để đón đầu già hóa dân số… tuổi nghỉ hưu hiện hành đã có hơn 60 năm, lúc tuổi thọ trung bình của Việt Nam chỉ hơn 45 tuổi. Tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi”.
Bộ trưởng quay cóp Đào Ngọc Dung. Nguồn: TNCK
Bộ trưởng Dung hoặc là cố tình bịa, hoặc ông nói mà không biết mình nói gì, bởi không ai quy định tuổi nghỉ hưu 60 cho nam trong khi tuổi thọ trung bình hơn 60 năm trước chỉ hơn 45 tuổi. Tuổi nghỉ hưu hiện hành (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) đã được điều chỉnh sau những lần sửa đổi Bộ luật Lao động, gần đây nhất là Bộ luật Lao động 2012, chứ không phải quy định tuổi nghỉ hưu đã có hơn 60 năm như ông nói.
Có lẽ cái ghế Bộ trưởng Bộ Lao động là quá tầm đối với ông Dung, bởi ông không được học hành tử tế để ngồi vào ghế đó. Mọi người vẫn chưa quên, năm 2006, ông từng bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học, vi phạm quy chế thi tại Học viện Hành chính Quốc gia, bị phạt cảnh cáo trừ 50% số điểm. Thế nhưng sau đó ông được vào Trung ương Đảng, rồi chễm chệ ngồi vào cái ghế Bộ trưởng.
Zing đặt câu hỏi: Tăng tuổi nghỉ hưu, có ‘nới’ tuổi quy hoạch lãnh đạo? Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thừa nhận, chuyện tăng tuổi hưu sẽ giúp các lãnh đạo thêm tuổi quy hoạch, nhưng “tác động này rất chậm”. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tuổi hưu với thời gian lãnh đạo cũng chỉ là một trong các lý do chính để lãnh đạo CSVN hối thúc chuyện tăng giới hạn nghỉ hưu.
Nguyên nhân chính đã được nhiều người đề cập từ lâu: Đó là tình hình bất ổn của Quỹ bảo hiểm xã hội, có khả năng bị vỡ. Cuối tháng 4/2018, báo Dân Trí đặt câu hỏi về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Để tránh “vỡ quỹ” bảo hiểm xã hội? Lúc đó, một số người cảnh báo, quỹ này đã mất cân bằng nghiêm trọng và chịu áp lực rất lớn. Tăng tuổi hưu là một trong các biện pháp giảm áp lực đầu ra cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội VN.
Báo Thanh Tra dẫn lời Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ Hoàng Văn Trà: “Trong cơ quan Nhà nước có người chỉ đi đi, về về, không làm được việc gì”. Ông Trà cho biết: “Họ không làm được gì, nhưng lại chiếm một vị trí trong cơ quan, trong khi đó muốn bổ nhiệm một người mới vào vị trí đó thì lại không được. Ví như một Phó Giám đốc Sở muốn về lắm mà không về được, làm một Trưởng phòng cũng không lên được”. Vậy mà các lãnh đạo CSVN còn muốn tăng tuổi hưu, để những kẻ “hồng hơn chuyên” này tiếp tục là gánh nặng bào mòn ngân sách, phá hoại của dân.
Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp có bài: Doanh nghiệp lo chuyện hưu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thừa nhận, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước như da giày, thủy sản, điện tử, dệt may… “lo ngại lao động ở một số vị trí không đảm bảo năng suất, do đó, cần linh hoạt trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động trong các lĩnh vực này”.
Báo Người Lao Động bàn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chẳng công nhân nào muốn!ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, qua tham khảo ý kiến, những lao động nữ trực tiếp sản xuất phản ứng gay gắt về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Bà Hạnh đề nghị, “phải có một cơ chế cho lao động nữ được quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 và lao động nam được quyền nghỉ hưu ở tuổi 60. Ngoài ra, khi NLĐ cảm thấy không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì cần cho họ quyền được nghỉ hưu”.
Báo Lao Động có bài: Trăn trở tăng tuổi nghỉ hưu khi có hàng triệu lao động đang thất nghiệp. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cảnh báo: “Cần lưu ý là nước ta tăng tuổi hưu lúc này đúng vào thời kỳ đang quyết liệt tinh giản biên chế. Hơn nữa, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng còn khó khăn, mỗi năm cả nước vẫn có tới hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có vài trăm nghìn cử nhân. Thế nên, đây là yếu tố cần tính toán, bởi người trẻ mà thiếu việc thì làm hậu quả xã hội rất lớn”.
Báo Người Đưa Tin viết: ĐBQH băn khoăn tăng giờ làm thêm có đi ngược lại với xu thế? Theo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn có đề xuất tăng giờ làm thêm, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi: “Về mở khung giờ làm thêm cho người lao động, bản chất luật trước đây cũng đã từng quy định thời gian làm thêm tối đa đến 400 giờ, sau đó quá trình đấu tranh giai cấp công nhân tăng lương giảm giờ làm. Nên chúng ta đưa từ 400 xuống còn 300 giờ. Vậy, tại sao lần này chúng ta phải nâng trở lại lên 100 giờ?”
______

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.