Làm thế nào để một bộ trưởng “từ chức”?
31-5-2019
Ông Nhạ đang bị kêu gọi từ chức sau khi nhận trách nhiệm về các sai sót trong kì thi THPT vừa qua. Nhưng có một vấn đề về pháp lý cần xem xét: đó là Hiến pháp Việt Nam và các đạo luật tổ chức bộ máy nhà nước chỉ cho phép người được Quốc hội bầu/ bổ nhiệm/ phê chuẩn bổ nhiệm (trong đó có bộ trưởng) ĐƯỢC PHÉP từ chức vì lý do “sức khoẻ” hoặc vì lý do “khác” khiến cho người này không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ, hoặc bị quá bán số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp trong kì bỏ phiếu tín nhiệm.
Lý do khác là gì thì luật không nói rõ, và như thế nào là “không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ” cũng chẳng ai hiểu là gì. Và ngay cả khi quyết định từ chức, người này cũng phải đề nghị người hoặc cơ quan giới thiệu, đề cử mình trình Quốc hội để Quốc hội miễn nhiệm.
Nói cách khác, một bộ trưởng (hoặc thủ tướng?) không thể vì lý do chính trị như uy tín thấp, trách nhiệm cá nhân trong một vụ việc nào đó… mà chủ động từ chức và rời khỏi nhiệm sở được. Từ chức do đó là một cơ chế xin-cho. Đây là nguyên tắc cơ bản của luật hiến pháp tất cả các nước.
Tất nhiên, ai thực sự muốn từ chức thì sẽ có thể làm được điều đó. Ông Phan Văn Sáu là người gần đây xin thôi giữ chức Tổng Thanh Tra Chính Phủ vì lý do “sức khoẻ, gia đình khó khăn”. Nhưng chỉ một năm sau, ông lại đủ sức khoẻ và gia đình cứng cáp trở lại để lãnh chức vụ bí thư tỉnh Sóc Trăng.
Lý do nghe có thể buồn cười nhưng quy định như vậy có vẻ nhằm đảm bảo tính tối cao của Quốc hội Việt Nam (?!). Quyết định ai làm, ai đi… phải là do Quốc hội và vị trí bộ trưởng, hoặc ngay cả thủ tướng không chỉ là một vị trí chính trị, mà còn là một vị trí công việc, nhiệm vụ mà người được giao nhiệm vụ phải tận tuỵ làm cho đến khi được miễn cho trách nhiệm.
Vậy thì làm sao để bắt một Bộ trưởng rời khỏi ghế của mình? Câu trả lời đó là: Quốc hội thì có một quyền lực rất lớn là chủ động miễn nhiệm, bãi nhiệm người do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm này thì không cần có lý do và cũng không cần phải có ai đề nghị.
Nhưng Quốc hội chưa bao giờ thực sự dùng quyền này của mình. Từ năm 2004 đến nay, gần như tất cả những lần bộ trưởng rời khỏi chức vụ đều là do Quốc hội phê chuẩn đề nghị từ Thủ tướng, kể cả trường hợp gần đây của ông Trương Minh Tuấn. Chỉ có số ít trường hợp Quốc hội (hoặc cơ quan thuộc Quốc hội) chủ động xoá bỏ tư cách của một người do mình bầu. Đó là khi Quốc hội xoá bỏ tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Bắc Son (do Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm).
Lần thứ hai là khi Quốc hội chủ động miễn nhiệm… các đời chủ tịch nước để dọn đường cho chủ tịch nước mới lên. Ông Sang được miễn nhiệm khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm để ông Quang lên thay. Bãi nhiệm thì chưa bao giờ.
Hiểu như vậy thì mới thấy ngày xưa khi ĐBQH Dương Trung Quốc “gợi ý” ông Dũng đi đầu trong “văn hoá từ chức” sau vụ Vinashin là rất… tào lao, để rồi ông Dũng phản hồi lại một cách khôn khéo khiến ông Quốc không thể nào nói gì thêm (ông Dũng ngụ ý rằng nếu muốn ông ra đi, Quốc hội cứ bãi nhiệm, ông sẽ chấp hành). Đáng lý ra, ông Quốc không cần phải gợi ý ông Dũng, mà phải gợi ý với chính Quốc hội. Văn hoá từ chức không bao giờ quan trọng bằng văn hoá cách chức.
Do đó, mình nghĩ ai muốn ông Nhạ ra đi thì bên cạnh việc gây sức ép lên cho ông, còn phải đặt câu hỏi lên chính các ĐBQH mà 98.77% cử tri cả nước (dù háo hức hay vô tư) đã đi bầu ra (thuộc hàng cao nhất thế giới). Nếu Quốc hội này không bãi nhiệm một bộ trưởng đã mất uy tín với xã hội, thì tới lượt người dân phải có trách nhiệm bầu (hoặc không đi bầu nữa) một Quốc hội khác vào kì sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.