Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

“Bauxite Việt Nam”, một hiện tượng lịch sử

“Bauxite Việt Nam”, một hiện tượng lịch sử

Hoàng Hưng
31-5-2019
1. Thư ngỏ Phản đối Khai thác Bauxite năm 2009: Cuộc “biểu tình trên mạng” quan trọng đầu tiên.
Tôi gọi phong trào phản đối trên mạng đối với vụ Khai thác Bauxite Tây Nguyên Việt Nam cuối thập niên 2000 là “hiện tượng lịch sử” (nằm trong “sự kiện lịch sử” là toàn bộ vụ khai thác này còn kéo dài đến tận bây giờ và chưa chấm dứt, với mọi hậu quả chưa lường hết đối với tài nguyên, môi trường, văn hoá dân tộc và an ninh quốc gia).
“Hiện tượng” này chỉ xuất hiện với việc phổ biến Internet ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 đem lại những lợi ích chưa từng có cho đất nước và nhân dân Việt Nam, trong đó có những bất ngờ-bất lợi cho chế độ toàn trị mang tên “Cộng sản” – Đó là sự bất lực của họ trong việc kiểm soát thông tin liên lạc trước hệ thống thư điện tử (email) và các trang mạng (website, blog) của người Việt xuyên biên giới quốc gia (và sau đó là mạng xã hội Facebook, Youtube).
Chỉ cần so sánh việc bức Thư ngỏ viết tay năm 1989 của nhóm Văn nghệ Đà Lạt phản đối cách chức Tổng biên tập báo Văn nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc dễ dàng bị an ninh chặn đứng, với việc lá Thư ngỏ phản đối tịch thu tập Thơ Trần Dần năm 2008 của nhóm văn nghệ Hà Nội chỉ sau 3 ngày đã có 134 chữ ký của các trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong-ngoài nước và lan truyền khắp thế giới mạng khiến an ninh không kịp trở tay và Cục Xuất bản phải thu hồi lệnh thu hồi, thay bằng “phạt vạ” NXB Đà Nẵng!
Thư ngỏ phản đối Cục Xuất bản thu hồi tập Thơ Trần Dần là cuộc “biểu tình trên mạng” đầu tiên của người Việt Nam. Đó cũng là cuộc “tập dượt” để có Kiến nghị dừng khai thác Bauxite một năm sau đó (tháng 4/2009), một kiến nghị online có tầm quan trọng lớn đầu tiên của người Việt.
Một số người chủ chốt trong vụ “Thơ Trần Dần” tiếp tục vai trò trong vụ Bauxite: nhà giáo dục-nhà văn Phạm Toàn, người khởi thảo đầu tiên Thư ngỏ về Thơ Trần Dần cũng là người khởi thảo Kiến nghị Bauxite. GS Nguyễn Huệ Chi là người được anh em cử ra đứng đầu danh sách ký tên Thư ngỏ Thơ Trần Dần, cũng là người được tín nhiệm cử làm nhân vật cầm cờ trong ba người đứng tên khởi xướng Kiến nghị Bauxite (Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng).
Bản thân tôi, trước đó đã vinh dự đóng góp vào việc hoàn chỉnh Thư ngỏ Thơ Trần Dần và chịu trách nhiệm lan truyền để xin chữ ký (qua khoảng 1000 email cá nhân và 2 mạng talawas.org của Phạm Thị Hoài ở Berlin mà bấy giờ tôi đang tham gia Ban biên tập, và diendan.org của nhóm trí thức bạn bè ở Paris – các anh Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tường,…), đến lúc này cũng tự động lãnh việc lan truyền Kiến nghị Bauxite theo cách giống như thế (talawas lúc đó vừa đổi qua hình thức blog). Kiến nghị đã thu được hàng trăm chữ ký ngay vài ngày đầu và kết thúc với vài ba ngàn chữ ký!
Trong vụ này, do sự cẩn trọng tính toán hiệu quả của Kiến nghị – và cũng là do ngây thơ buổi đầu –, tên một số nhân vật “nhạy cảm” ở hải ngoại do tôi trực tiếp xin chữ ký (như nhà văn Vũ Thư Hiên ở Pháp) đã bị… loại! (Tôi đã phải gửi email xin lỗi họ, tuy danh sách do tôi gửi đăng trên hai mạng hải ngoại và vài trang mạng cá nhân của nhà văn trong nước thì vẫn đầy đủ).
Đến tháng 10/2010, nhân vụ hồ bùn đỏ bauxite ở Hungary bị vỡ, gây ô nhiễm trầm trọng trên một diện tích lớn, làm cho dư luận thế giới kinh hoàng, một kiến nghị thứ hai về Bauxite lại được những nhân vật chủ chốt lần trước, các anh Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng tiếp tục khởi xướng và phát động lấy chữ ký trên trang BVN, được hưởng ứng sôi nổi lập tức, không kém gì lần trước. Nhưng lần này có chuyện hơi oái oăm, nằm ngoài ý muốn của Nhóm soạn thảo, là bản Kiến nghị về sau bị/được “đoạt thai hoán cốt” để trình lên cấp có thẩm quyền, ngay sau đó học giả Hà Sĩ Phu gửi bài viết đến BVN tỏ ý không đồng tình, một trí thức khác có tham gia ký tên vào bản Kiến nghị cũng đưa chuyện lạ này ra chất vấn trước công luận, trong một bài đăng ở talawas blog.
Xin trích: “Bản khởi thảo đợt ký Kiến nghị 2010 được đăng ngày 10-10-2010 trên trang BVN, Ban Khởi thảo gồm 13 người (đứng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy), trong đó có đủ 3 thành viên của trang BVN. Ngay cuối lời giới thiệu còn ghi rõ: “Thay mặt Nhóm khởi thảo: Nguyễn Huệ Chi”; địa chỉ liên lạc cũng ghi rõ: “Bauxite Vietnam: bauxitevn@gmail.com”. Mọi người ký tên ai cũng nghĩ là mình ký vào văn bản ấy. Nay đột nhiên đem ngần ấy chữ ký đánh tráo vào một văn bản do “BAN ĐẠI DIỆN” với 16 chữ ký tay do bà Nguyễn Thị Bình đứng đầu (điều này rất tốt), song không hiểu vì sao hoàn toàn không có các đại diện của trang BVN” (nguồn: http://www.talawas.org/?p=26434) (1).
Mặc dù trong bài trả lời, GS Nguyễn Huệ Chi có thiện chí làm “nhẹ chuyện” việc không có tên ba người chủ chốt BVN và cả TS Nguyễn Quang A trong văn bản được coi là “chính thức” gửi lên “các cấp tối cao” để khỏi phát sinh những hiểu lầm không đáng có giữa anh em cùng chí hướng (nguồn: http://www.talawas.org/?p=26484), nhưng tôi thực sự không thể tán thành những cách thức tuỳ tiện sửa đổi (thậm chí bịa đặt) các chi tiết lịch sử “cho được việc” vốn lâu nay đã thành thói quen xấu của nước ta! (2).
Hai bản Kiến nghị Bauxite cùng với 3 Thư ngỏ tung ra trong năm 2009 và 2019, có tiếng vang lớn, có công lớn chặn được việc mở rộng “thí điểm” khai thác Bauxite mà ngày càng được thực tế chứng minh là không hiệu quả, ngược lại đã tàn phá môi sinh và đưa hiểm hoạ Tàu Cộng xâm nhập sâu vùng chiến lược quốc gia (Tây Nguyên) thành nguy cơ nhãn tiền!
Vèo một cái, đã qua 10 năm, các cuộc “biểu tình trên mạng” ngày càng phổ biến, lan rộng, thành “chuyện thường ngày ở huyện”, tưởng cũng có thể sơ kết lịch sử của hiện tượng này với Kiến nghị Bauxite là tiêu biểu cùng với những kiến nghị, tuyên bố quan trọng kế tiếp sau này như Góp ý Hiến pháp 2013, Phản đối Formosa, Phản đối Dự luật Đặc khu và Yêu cầu sửa Dự luật An ninh mạng.
2. Từ Kiến nghị Bauxite đến trang mạng Bauxite Việt Nam (BVN), tờ báo mạng phản biện chính trị xã hội lớn thứ hai ở trong nước vào năm 2009.
Trước đó, có 2 trang mạng nổi tiếng của trí thức người Việt bàn luận về mọi mặt tình hình Việt Nam có trụ sở nằm ở nước ngoài (diendan.org ở Paris và talawas.org ở Berlin). Trong nước thì có 2 tập san, “Tự do ngôn luận” của Linh mục Chân Tín và “Tổ quốc” của TS Nguyễn Thanh Giang ra đời năm 2006; tờ “báo mạng” hằng ngày đầu tiên là blog Ba Sàm (TTX Vỉa hè) lừng lẫy của cựu sĩ quan an ninh Nguyễn Hữu Vinh, năm 2007.
Sau khi talawas đăng Kiến nghị Bauxite, nhà văn Phạm Thị Hoài, Chủ biên talawas gửi email cho tôi, góp ý: Nếu ta dừng ở Kiến nghị, thì sự việc sẽ sớm chấm dứt không còn tiếng vang; các anh nên nhân đây ra một tờ báo mạng để tiếp tục nuôi dưỡng việc phản đối.
Tôi chuyển ngay thư cho các anh Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi. Sau này tôi được biết ý kiến của nhà văn Phạm Thị Hoài trùng hợp với ý kiến của PGS TS Hoàng Dũng trao đổi với GS Nguyễn Huệ Chi.
Vậy là Bauxite Việt Nam và các phiên bản blog của nó (boxitvn.net / boxitvn.info / boxitvn.com) ra đời ở Hà Nội.
Nó nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi vụ khai thác bauxite để trở thành tờ báo mạng thứ hai có “đại bản doanh” trong nước phản biện về chính trị xã hội, với sự đóng góp của nhiều cây bút cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nó vẫn giữ nguyên “thương hiệu” Bauxite!
Điều đáng ghi nhận là sau khi bị “khủng bố” nhiều lần: GS Chủ biên Nguyễn Huệ Chi bị an ninh khám nhà, tịch thu ổ cứng máy tính, bắt “làm việc” liên tục 22 ngày; một số bạn trẻ cộng tác bị “truy sát” buộc phải bỏ cuộc hoặc không hiểu vì sao “biến mất”; báo bị đánh sập ba, bốn phen; GS Nguyễn Huệ Chi bị ngăn xuất cảnh; PGS TS Hoàng Dũng thường xuyên được “thăm hỏi” và gần đây thường xuyên bị “cấm xuất gia” trong những ngày “nhạy cảm”… thì đến nay, sau 10 năm kiên trì bám trụ, tờ báo mạng này vẫn sống và không ngừng cất tiếng về những vấn đề sinh tử của đất nước!
Tôi rất vinh dự là một trong những cây bút đầu tiên tham gia bài vở, và có một thời gian làm Biên tập viên cho báo (khoảng 2013-2014), trước khi xin rút vào tháng 4/2014 để tập trung vào tờ báo mạng mới ra đời của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (vanviet.info) và làm Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm.
Mười năm ấy biết bao nhiêu tình! Nhưng có hai kỷ niệm không thể quên với Bauxite Việt Nam.
Một là việc tổ chức những cuộc “biểu tình trên mạng” đầu tiên, trước khi ra đời các nhóm lớn khác như Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (Hình như có “duyên” viết loại “văn” này, tôi không ít lần chủ động, hoặc được các nhóm xã hội dân sự uỷ thác khởi thảo).
Trong đó, vụ Tuyên bố Văn Giang là khá gay cấn.
Khi nhận được thư đề nghị của GS Nguyễn Huệ Chi TBT Bauxite Việt Nam, tôi rất băn khoăn vì không rành về lĩnh vực kinh tế, đất đai, lại không có thông tin chuẩn xác về vụ này (tôi chỉ viết khi mình nắm vững vấn đề, để một khi cất tiếng thì đối tượng bị đặt vấn đề không cãi vào đâu được!). Nhưng đồng cảm với ý nguyện của Bauxite Việt Nam và tình cảnh của bà con nông dân ở cái tỉnh nơi tôi ra đời và mang tên, tôi để gần một tuần lễ tìm hiểu, gọi điện thoại cho những nơi, những người nắm thông tin… Nhưng vẫn không đủ tự tin để viết.
Đến sáng ngày 1/5/2012, mở mạng, đập vào mắt tôi là hình ảnh hài cốt trong những ngôi mộ của dân Văn Giang bị bọn tay sai của Ecopark xới tung, những mảnh xương trắng vương vãi tứ tung! Một nỗi căm giận bốc lên bừng bừng, trong đầu tôi cứ vang lên câu “Trời không dung, đất không tha” lặp đi lặp lại. Hình như những mảnh xương kia ra lệnh khẩn cho tôi! Tôi lập tức bắt tay viết, với câu trên là cảm hứng chủ đạo. Và sự căm giận khiến cho lần đầu tiên, tôi dùng hình thức Tuyên bố thay cho những hình thức “khiêm tốn” như Thỉnh nguyện (như trong vụ “Tu viện Bát Nhã”) hay Kiến nghị (như trong vụ Cù Huy Hà Vũ). Chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ, bản Tuyên bố Văn Giang hoàn thành, được chuyển ngay cho GS Nguyễn Huệ Chi.
Bauxite Việt Nam tung bản tuyên bố ấy lên, tôi tiếp tay lan truyền qua những kênh chuyển quen thuộc, chỉ sau 1 ngày đã có mấy trăm chữ ký. Hôm sau nữa, tôi nhận được từ GS Nguyễn Huệ Chi khoảng chục tấm ảnh chụp vài trăm chữ ký “tươi” của bà con nông dân Văn Giang. Mừng quá! Lần đầu tiên cuộc “biểu tình trên mạng” không chỉ hạn chế với giới “cổ xanh” quen dùng internet, mà đến tận tay bà con nông dân áo nâu! Tôi và vợ tôi mất cả một ngày chuyển các tấm ảnh chụp thành danh sách ký tên điện tử, mệt mà lòng rất vui!  Chỉ sau 3-4 ngày, Tuyên bố Văn Giang thu được gần 3.000 chữ ký. Tôi còn được tin, vài hôm nữa sẽ có người đem Tuyên bố về cho bà con nông dân Nam Định cũng có đất đai đang bị “giải toả” (ăn cướp có môn bài).
Nhưng… một tin xấu lan đi nhanh chóng: Bà Lê Hiền Đức và TS Nguyễn Xuân Diện bị khủng bố tại Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội và Viện Hán Nôm! Chúng nhốt bà Đức một mình trong toà nhà của Sở, chúng cho “thương binh” vào tận phòng làm việc của TS Diện ở cơ quan! Thì ra, một trong những lý do: chính họ đã giúp chuyển Tuyên bố Văn Giang đến từng nhà bà con nông dân Văn Giang, và đang chuẩn bị đem tiếp về Nam Định!
Hai là chuyện từ Bauxite Việt Nam mà dẫn đến các quan hệ sau này của tôi, trong đó có một nhân vật khá đặc biệt: Luật gia Lê Hiếu Đằng.
Thật tình, bình sinh tôi không “khoái” giao du với những vị “đương” hoặc “cựu” quan chức (trong đó có cả những bạn học cũ làm to và rất to, không hiểu tại sao, hihi). Nhưng tháng 11/2010, PGS Hoàng Dũng trong BBT Bauxite Việt Nam nhờ tôi đến phỏng vấn ông Lê Hiếu Đằng về Kiến nghị Bauxite. Cuộc phỏng vấn biến thành chuyện trò, từ bauxite lan man sang đủ chuyện. Về nhà mở máy ghi âm nghe lại, tự nhiên tôi nảy ra ý: ông này nhiều ý hay, vậy ta viết giùm thành bài văn (có thêm dấm ớt cho “dậy mùi”) rồi gửi ông xem lại, ông OK thì đăng coi như bài ông viết. Thế là trên Bauxite Việt Nam xuất hiện hai bài viết liền của vị Luật gia cấp tiến (đó là những bài đầu tiên của ông trên báo “lề trái”), gây ấn tượng khá mạnh.
Giao lưu giữa tôi với ông bắt đầu từ đấy, cũng từ đấy, với những “đồng chí” thân thiết của ông như Kha Lương Ngãi (nguyên Phó TBT báo Sài Gòn Giải phóng), và những vị sau này lập nên “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng” mà tôi cộng tác thân thiết. Tôi quý họ vì họ vẫn rất nhiệt huyết và vẫn giữ cái chân chất có phần “ngây thơ” của những thanh niên sinh viên đô thị miền Nam một thời dễ tin theo “Việt Cộng” cũng như nay thẳng thắn nhận sai và dấn thân vào con đường sửa sai.
Năm 2013, giữa lúc Lê Hiếu Đằng bạo bệnh, tôi lại thay mặt Bauxite Việt Nam đến phỏng vấn ông hai lần, lần đầu ở nhà riêng, lần cuối trong bệnh viện 115, chỉ ít ngày trước khi ông từ giã cõi trần. Giữa hai lần, khi vào thăm ông ở bệnh viện, tôi linh cảm số ngày của ông không còn nhiều. Vậy mà sau khi đã tuyên bố cần thành lập một đảng mới đối trọng với ĐCS, ông vẫn không ra khỏi ĐCS!
Chơi với nhiều đảng viên… nhưng mà tốt, tôi rất hiểu tâm trạng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của họ, nhưng thế này thì thật không ổn! Hôm sau, nhân mời cơm anh Kha Lương Ngãi và nhà báo Lê Phú Khải, tôi nhờ anh Ngãi khẩn thiết nhắn với ông: Giờ là lúc ông nên tuyên bố ra khỏi ĐCS, nếu không kịp, sẽ nhắm mắt mà vẫn mang tư cách thành viên của một tổ chức mà ông đã hết lời phê phán! Lần phỏng vấn thứ hai và cũng là sau cùng, chủ đề của nó chính là việc ông vừa tuyên bố ra khỏi ĐCSVN ngay trước đó mấy tiếng đồng hồ!
Tác giả và ông Lê Hiếu Đằng
***
Bauxite Việt Nam là một thời đẹp đẽ của tôi. Tôi yêu mến và tự hào được đứng bên những trí thức như GS Nguyễn Huệ Chi, PGS TS Hoàng Dũng và các bạn khác – những nhân vật chủ chốt của tờ báo mạng (nhà giáo dục Phạm Toàn ít lâu sau trên thực tế đã rút khỏi các công việc của báo để tập trung cho chương trình giáo dục Cánh Buồm)! Kiên trì làm việc hằng ngày và không công suốt hơn ba ngàn sáu trăm ngày, chủ yếu là thức đêm ngoài giờ làm công việc chuyên môn và lo đủ chuyện vặt vãnh của cuộc sống, nhất là trong tình trạng sức khoẻ và tuổi tác, lại luôn căng thẳng vì sự khủng bố thường trực, các anh các chị là những người anh hùng! Những nhà báo đích thực của nhân dân, những trí thức Độc lập làm nên “nguyên khí” của quốc gia này!
5/2019
H.H.
  • Xin xem thêm thư thứ hai của cùng tác giả trả lời GS Nguyễn Huệ Chi:  http://www.talawas.org/?p=26484.
  • Xin xem một số ý kiến của những người khác xung quanh việc bớt và thêm tên vào bản Kiến nghị khi chuyển lên Quốc hội:  http://www.talawas.org/?p=26484
Bài viết cho Đặc san Bauxite nhân kỷ niệm 10 năm “Bauxite Việt Nam”, đã đăng tại: (https://boxitvn.blogspot.com/2019/05/ac-san-so-3-bauxite-viet-nam-mot-hien.html / http://www.boxitvn.net/bai/62678)
Tác giả Hoàng Hưng gửi cho Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.