Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

“Vạn lý Trường chinh mới” của Tập Cận Bình

“Vạn lý Trường chinh mới” của Tập Cận Bình

Nhân Trần
30-5-2019
“Vạn lý Trường chinh” là chiến thuật rút lui của Mao Trạch Đông từ tháng 10/1934 đến tháng 10/1935 (370 ngày) nhằm bảo toàn lực lượng trước những đợt truy kích của quân đội Quốc Dân Đảng – Tưởng Giới Thạch và tránh đối đầu trực diện với quân đội Nhật.
Cộng sản Việt – Tàu luôn ca ngợi cuộc “Vạn lý Trường chinh” nhằm cổ vũ tinh thần gian khổ để đạt mục đích cuối cùng và thường so sánh tinh thần đó với chuyện Việt Vương Câu Tiễn “nằm gai nếm mật”, ẩn náu chờ thời. Nhưng nhìn sâu hơn thì đây rõ ràng là một cuộc tháo chạy hèn nhát nhằm bảo toàn mạng sống của Mao chứ không có ý nghĩa gì cho việc bảo toàn lực lượng của Hồng quân Trung cộng.
Mặc dù chỉ là tháo chạy nhưng tổn thất của Hồng quân Trung cộng cũng đáng để kinh ngạc. Khi bắt đầu cuộc tháo chạy, quân đội Tàu cộng có hơn 86 ngàn nhưng kết thúc cuộc rút lui quân số chỉ còn chưa đến 7 ngàn. Rõ ràng, Vạn lý Trường chinh là một cuộc đào tẩu nướng quân vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Thế mà đến nay giới cộng sản nói chung, vẫn ca ngợi như một kỳ tích. Kỳ thực chỉ để bảo toàn một mạng sống của Mao mà làm chết cả chục ngàn người thì đó là một sự ô nhục dơ bẩn đến tột cùng.
Ngày 22/5/2019, Tập Cận Bình đến đặt vòng hoa tại Giang Tây, nơi khởi đầu Vạn lý trường Chinh của Mao và nói rằng “Giờ đây, chúng ta đang bước vào một cuộc Vạn lý Trường chinh mới, và chúng ta sẽ phải bắt đầu lại tất cả”, trong lúc cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ bắt đầu leo thang bằng các đợt đánh thuế hàng trăm tỷ đô của chính phủ Mỹ. Sự việc Google cùng một số hãng công nghệ lớn của Mỹ ngừng hợp tác với hãng công nghệ lớn nhất của Trung cộng là Huawei đã làm thức tỉnh cả nhân loại. Điều đó khiến Trung Quốc hết đường ngụy biện cho các hành vi gian dối của mình.
Chúng ta có thể hiểu “Vạn lý Trường chinh mới” của Tập Cận Bình là gì?
Tập Cận Bình vẫn không chịu nhượng bộ và tuyên bố sẽ không nhượng bộ Mỹ. Đó là lời phát biểu hôm 22/5/2019 của Tập. Cũng giống như Mao Trạch Đông không chịu nhượng bộ Tưởng Giới Thạch năm 1934. Mao sẵn sàng chịu “nằm gai nếm mật”, chịu tổn thất quân số và chịu để quân đội bị truy kích, bệnh tật, chết chóc trong đói khát trên đường Vạn lý Trường chinh, chứ quyết không chịu nhượng bộ với Tưởng. Ngày nay Tập cũng với cá tính đó. Tập sẵn sàng để nhân dân Trung Quốc “thắt lưng buộc bụng”, chịu đói, chịu khổ chứ nhất quyết không giảm bớt cái tự mãn, kiêu ngạo và tham vọng bành trướng của mình.
Ở một khía cạnh khác, Tập dường như đã chắc chắn trở thành vị “Hoàng đế đến hết đời” giống như Mao. Cuộc sửa đổi hiến pháp năm 2018 đã “gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức vụ lãnh đạo”,  củng cố vị trí độc tài của ông ta. Từ đây, Tập có thể tha sức tung hoành mặc cho các đối thủ của ông ta có mạnh mẽ cỡ nào. Điều đó có nghĩa là cho dù Donand Trump có tái cử Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ thứ hai đi chăng nữa nhưng ông ấy không thể nào vượt quá được hai nhiệm kỳ. Tức là Trump không thể đối đầu với Tập trong thời gian sau khi rời khỏi nhà Trắng. Một đảng Dân chủ ôn hòa của Mỹ lên thay liệu có tiếp tục con đường mà Trump đang chọn? Hoặc một vị Tổng thống mới của Mỹ từ năm 2023 có mạnh mẽ được như Trump? Còn Tập vẫn sống trơ trơ ra đó trên cương vị lãnh đạo tối cao của Cộng sản Trung Quốc.
Có lẽ Tập đang học theo truyền thống cha ông của mình: “Kẻ chiến thắng cuối cùng là kẻ sống lâu hơn đối thủ”. Nhìn lại lịch sử Trung Quốc, chúng ta không thể quên được câu chuyện giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý. Nếu Gia Cát Lượng không chết trước Tư Mã Ý thì có lẽ Tư Mã Ý không thể thống nhất Trung Hoa dựng lên nước Tấn kéo dài 155 năm trong lịch sử. Và nếu Mao không sống sót qua cuộc Vạn lý Trường chinh, thì ngày nay Trung Quốc đã là Trung Hoa Dân Quốc chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Với ngôi vị Hoàng đế đến cuối đời của Tập là một lợi thế vững chắc cho Tập kiêu ngạo với cả thế giới rồi. Cho nên “Vạn lý Trường chinh mới” chính là việc kêu gọi nhân dân Trung Quốc chịu thiệt thòi một vài năm, đợi khi Trump thôi chức tổng thống Mỹ thì Trung Quốc lại trỗi dậy như truyền thống bá quyền của nó.
Con đường của Tập Cận Bình là gì?
Tập vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của Trung cộng với các nước nghèo bằng “con đường tơ lụa” và “một con đường, một vành đai”. Đây là cách duy nhất để vòi bạch tuộc của Trung Quốc vươn ra thế giới nhằm giải phóng nguồn nhân lực thừa thãi trong nước và vơ vét tài nguyên cho nền công nghiệp mới nổi của mình.
Sức mạnh toàn cầu của Mỹ không ai có thể phủ nhận trong thời đại ngày nay. Mỹ là cả thế giới. Còn Trung Quốc chỉ là một phần của Á Đông. Trung Quốc muốn làm bá chủ thế giới bằng con đường tơ lụa để đối đầu với Mỹ chăng? Con đường tơ lụa của Trung Quốc đang ngày càng bị bóc trần là con đường di dân, con đường trốn thuế, đùn đẩy rác thải công nghiệp và các sản phẩm công nghệ lạc hậu của Trung Quốc cho các nước bị ảnh hưởng. Con đường này kết nối các nước nghèo đói lại với nhau để Trung Quốc dễ dàng thao túng họ bằng đồng Nhân dân tệ. Ở mỗi nơi nó đi qua, không những xảy ra các tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, còn làm xáo trộn đời sống văn hóa xã hội của người dân bản xứ. Đặc biệt đi cùng với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho công nghiệp Tàu cộng, thì việc có mặt của người Tàu ngày càng đông. Chính quyền địa phương hết bề kiểm soát.
Người Trung quốc có thể tràn ngập khắp thế giới, nhưng sản phẩm Mỹ mới thực sự điều khiển cả thế giới. Cả thế giới đang sử dụng công nghệ Mỹ và coi đó là tiêu chuẩn chung của trí tuệ nhân loại. Nên chúng ta có thể tự tin rằng, điều tử tế bao giờ cũng chiến thắng. Trung Quốc có lớn mạnh thế nào thì cũng không thể vượt qua được Mỹ, không thể che giấu được thủ đoạn bành trướng của mình trước con mắt cả nhân loại.
Liệu “tinh thần dân tộc” Trung Quốc có thể vực dậy nền kinh tế thiếu đạo đức của chế độ cộng sản độc tài sau cuộc chiến thương mại không? Khi bộ mặt thật của đồng Nhân dân tệ được phơi bày, liệu Trung Quốc còn mạnh mẽ được nữa không?
Tôi dám chắc một điều rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ làm xáo trộn xã hội Trung Quốc, khiến người dân Trung Quốc hiểu rõ hơn về chế độ độc tài toàn trị này. Đồng thời, nhân dân các nước khác cũng hiểu được sự thật về “một con đường, một vành đai” chính là tham vọng bá quyền của Trung cộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.