Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Bí thư Lê Viết Chữ – Một lãnh chúa tàn bạo ở Quảng Ngãi

Bí thư Lê Viết Chữ – Một lãnh chúa tàn bạo ở Quảng Ngãi

Tam Ân
30-5-2019
Báo chí trong và ngoài nước đưa tin hàng loạt sai phạm về lợi dụng “chỉnh trang đô thịcủa chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, trong đó người chịu trách nhiệm hàng đầu là chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng. Mới đây, kiểm toán nhà nước đề nghị kỷ luật ông Căng với hình thức “kiểm điểm” về những sai phạm mà ông gây ra.
Dư luận lại phẫn nộ, bởi với những sai phạm như vậy, tại sao ông ta chỉ bị “kiểm điểm”, mà không bị chuyển cho cơ quan điều tra cấp Trung ương vào cuộc, đồng thời truy tố Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi?! Phải chăng, đằng sau ông Căng còn có một thế lực ngầm bao che, và chuyện kỷ luật, kiểm điểm ông Căng nhằm mục đích xoa dịu dư luận?!
Quả thật vậy, làm “vua” ở Quảng Ngãi thật sự không phải ông chủ tịch Căng, mà là người “lãnh đạo toàn diện và triệt để” Lê Viết Chữ, Bí thư Quảng Ngãi, Ủy viên Trung ương Đảng. Lê Viết Chữ mới là “lãnh chúa”, chỉ đạo cấp dưới thực hiện những phi vụ cướp đất cho doanh nghiệp sân sau, phân lô bán nền.
Để độc giả hình dung quyền năng của lãnh chúa Chữ như thế nào, mời quý vị xem lại giai đoạn đầu năm 2018, khi tập đoàn có vốn từ Trung Cộng, tập đoàn FLC xâm lăng Quảng Ngãi. FLC tiến chiếm Quảng Ngãi bằng một dự án đình đám “Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn” (còn gọi là “dự án FLC Quảng Ngãi”) quy mô đến 4018 ha. Bí thư Chữ quyết tâm làm cho bằng được dự án này, vì sẽ mang về cho ông ta khoản lại quả kếch xù.
Vì vậy, một mặt Bí thư Chữ thường xuyên phát văn bản hỏa tốc, chỉ đạo các sở, ngành họp khẩn với thường trực tỉnh ủy để Bí thư trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, truyền hình địa phương kênh PTQ được phát liên tục, hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp gặp dân, vừa tuyên truyền, vừa răn đe sẽ cưỡng chế mạnh người dân vùng dự án. Văn bản “hỏa tốc”, cả hệ thống chính trị thực hiện “khẩn trương”, “táo bạo” như thời chiến, Bí thư Chữ giống vị bạo tướng toàn quyền ở chiến trường, tiền trảm hậu… có người chống lưng. Hẳn nhiên, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, các Sở, Ngành chuyên môn chỉ là công cụ làm theo mệnh lệnh, và được chia phần lợi ích.
Điều đáng quan tâm là dự án FLC di dời cả đồn biên phòng, chồng lấn lên Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn. Chính quyền bất chấp các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, môi trường, v.v… Và để thành chuyện đã rồi, Bí thư tỉnh lại chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tạm ứng vốn giải phóng mặt bằng để bảo đảm cho FLC khởi công xây dựng dự án vào ngày 19/05/2018. Với thời gian chuẩn bị đầu tư chưa đầy 3 tháng, cho một dự án quy mô như vậy, thì đây là lần đầu tiên xảy ra ở VN, trước đó chưa có tiền lệ bao giờ.
Nhờ báo chí, dư luận xã hội phản đối quá mạnh mà cú bắt tay của hai “ông trùm”, một về kinh tế là đại gia FLC Trịnh Văn Quyết và “lãnh chúa” Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phải dừng lại.
Với đại dự án quy mô hơn 4000 ha mà Lê Viết Chữ còn chẳng xem hệ thống luật lệ, các bộ ngành trung ương ra gì, huống hồ các dự án cỡ năm, ba hecta đất, thì Chữ chỉ cần phất tay là đàn em cướp ngay trong vòng nửa nốt nhạc.
Thủ đoạn cướp đất của nhóm lợi ích Lê Viết Chữ, là cho đàn em khảo sát những vùng lõi trung tâm thành phố, chọn những khu đất vàng phân khu nhỏ ra dưới 10 ha, cho quy hoạch thành dự án “chỉnh trang đô thị” rồi giao cho công ty sân sau thực hiện. Lúc này cả hệ thống chính quyền từ tỉnh đến phường sẽ cùng vào cuộc cướp bóc, để phục vụ cho nhóm lợi ích.
Để đối phó với người dân, chính quyền cho rằng, dự án có chữ “chỉnh trang đô thị” nên thu hồi đất theo Điều 62.3.b Luật Đất đaiThu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” đối với “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, …” để đền bù theo giá của nhà nước theo Điều 69.
Đồng thời, để thu hồi đất theo Điều 62 thì dự án phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Chúng tôi sẽ viện dẫn điển hình một vụ cướp đất kiểu này, để quý vị hiểu rõ cái gọi là HĐND tỉnh chấp thuận, nhưng chấp thuận vì ai? Hay nói cách khác, HĐND tỉnh chỉ là bù nhìn, không hơn không kém. Dự án tiêu biểu là “Dự án Khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị, thành phố Quảng Ngãi”:
– Ngày 02/10/2017 Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Ngày 20/11/2017 Quyết định chủ trương đầu tư Dự án;
– Lẽ ra cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh từ ngày 05 – 08/12/2017 thông qua và chấp thuận bằng Nghị quyết. Nhưng lại để đến ngày 26/12/2017 Thường trực HĐND tỉnh mới thống nhất bằng văn bản.
Thường trực HĐND chỉ là một nhóm khoảng 5-7 người, phải chấp hành sự chỉ đạo của bí thư; và đương nhiên cũng hưởng lợi nhiều từ các dự án, nên cho thu hồi đất của dân, giao nhà đầu tư bán ra với giá cao hơn 50 lần.
Đơn khiếu nại của người dân về Dự án ở khu đất IV-B3 để tham khảo thủ đoạn cướp đất của chính quyền Quảng Ngãi
Với rất nhiều thủ thuật và thủ đoạn, Bí thư Chữ chỉ đạo chính quyền Quảng Ngãi cướp của dân, quan chức chấp nhận làm đàn em trung thành của Chữ cũng có phần, ít nhất là những suất đất được mua lại của chủ đầu tư theo giá nhà nước, sau đó bán lại kiếm chênh lệnh vài chục năm lương. (Điều này không riêng gì ở Quảng Ngãi, được cho là không vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhưng lại khó giải trình công bố công khai).
Dưới thời Lê Viết Chữ làm từ Chủ tịch đến Bí thư tỉnh, theo số liệu Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi: giai đoạn 2011-2017 có 32/48 dự án; năm 2018 có 27/27 dự án được chính quyền tỉnh này quyết định chủ trương đầu tư nằm ngoài Chương trình phát triển nhà ởđược HĐND tỉnh thông qua. Tuy nhiên, chẳng ai làm gì được Lê Viết Chữ.
Mỗi dự án là cảnh hàng chục gia đình bị cướp đất, mất đi những quyền cơ bản của con người: quyền sống, quyền có chỗ ở, quyền có việc làm. Dưới thời trị vì của “lãnh chúa” này: Quảng Ngãi ra đường gặp dân oan, tiếng kêu than, ai oán ngút trời, nhưng không tới Trung ương chăng?!
Thậm chí người dân phải chọn cái chết bằng cách tự thiêu, vì bị cướp đất trắng trợn, đó là án oan ở Đức Phổ, đứng sau UBND tỉnh, Bí thư Chữ đã chỉ đạo cướp 02 sào đất đến nỗi người dân uất ức quá đã tự thiêu.
Cũng tại Đức Phổ, Chữ đã làm ngơ xem khi cho em út là Chủ tịch Căng và đồng bọn “kiếm chút đỉnh”, bằng cách cấp phép cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh, nhưng không tuân thủ quy định. Người dân phản đối, thì Chủ tịch Căng tuyên bố bỏ tù dân. Mà bỏ tù dân thật!
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi lật ngược vấn đề, là tại sao Bí thư Chữ như là một lãnh chúa địa phương như vậy, nhưng không thấy báo chí nói gì, không thấy dân khiếu kiện, không thấy trung ương có ý kiến gì? Mọi việc đều có căn nguyên của nó, trở thành lãnh chúa một vùng, có chân trong BCH Trung ương Đảng, và Chữ ngang nhiên cướp bóc như vậy, thì con đường tiến thân của Chữ phải hết sức “đặc biệt”.
Con đường tiến thân của Chữ có dấu ấn của 2 nhân vật từ trung ương điều về làm Bí thư Quảng Ngãi, những nhiệm kỳ trước. Người dân Núi Ấn, Sông Trà có câu nói thế này: “Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng giúp quan chức trèo cao!” Nhìn lại, không riêng gì Chữ, mà có rất nhiều quan chức giờ về Trung ương, đều từ “bệ phóng xứ Quảng”.
Người thứ nhất là Nguyễn Hòa Bình, cùng quê Nghĩa Hành với Chữ. Chỉ mấy năm ngắn ngủi làm quan ở quê nghèo Quảng Ngãi, cũng giúp cho ông một tài sản kha khá để có tên trong danh sách “Chân dung quyền lực”. Tất nhiên, đệ tử tin cậy để tiến hành những phi vụ trong đêm, không ai khác là “thằng em” đồng hương Lê Viết Chữ.
Người thứ hai là Võ Văn Thưởng. Cán bộ Quảng Ngãi khen Thưởng biết cách làm tổ chức. Là người Trung ương điều động về địa phương, Thưởng dùng chiêu thức “luân chuyển” để quan chức trong tỉnh phải biết điều với mình, mà Lê Viết Chữ lại là người rất biết điều (Chữ xuất phát từ ngành giao thông, chuyên chạy dự án). Ở đây, Thưởng đã trực tiếp dìu dắt một tài năng cũng từ Đoàn Thanh niên và nâng đỡ trong sáng để cơ cấu vào Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương, hiện nay. Đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân. Một “tấm gương đi lên từ tạp vụ”, như cách nói của cán bộ hưu trí Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi trở thành sân nhà của Nguyễn Hòa Bình, Võ Văn Thưởng, làm nơi đi về. Tình đồng chí, nợ ân tình của những người cộng sản, nên giúp đỡ, bảo vệ nhau là điều đương nhiên. Do đó, tất cả các vụ kiện liên quan tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là Bí thư Chữ đều được Viện trưởng VKSND tối cao trước kia, nay là Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo địa phương giải quyết êm thắm.
Người dân thì bị cướp đất đai, tự thiêu, còn Lê Viết Chữ ung dung phía sau giao thầu cho doanh nghiệp sân sau, để xã hội đen lộng hành,… người dân biết, nhà báo biết, nhưng không báo lề đảng nào dám đăng. Đơn giản là vì “siêu tổng biên tập”, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương không duyệt. Đơn cử như vụ cướp đất ở phường Trần Phú của dự án IV-B3 nêu trên, thì chỉ duy nhất báo điện tử Một Thế Giới đăng tải, nhưng sau đó ngưng lại.
Công ty Đồng Khánh tiếp tục thi công trên phần đất cưỡng chế trái pháp luật ở dự án IV-B3. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Phi trường Quảng Ngãi cũ, nằm ở phường Quảng Phú, hiện được Chữ hợp thức hóa “chỉnh trang đô thị”, rồi “”xẻ thịt” bán cho tư nhân. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân
Thực trạng đất nước này, tỉnh nào cũng lãnh chúa cát cứ, dưới sự đỡ đầu của các vị trong triều đình. Quảng Ngãi là một tỉnh nhỏ, cũng có lãnh chúa, đã bảo kê băng đảng tổ chức cướp bóc ức hiếp dân lành công khai, trắng trợn.
Lê Viết Chữ và Quảng Ngãi cũng không phải là thế lực đối kháng để “người đốt lò” quan tâm tìm củi đốt. Cho nên, đơn thư dân oan khiếu nại, tố cáo gởi ra Trung ương cuối cùng cũng chuyển về tỉnh. Tỉnh lại chuyển cho huyện, thành phố: kết thúc chu trình “con kiến kiện củ khoai”.
Trong số những người gởi đơn kêu cứu khắp nơi có nhiều người là đảng viên, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Hoài Hải, cựu Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Hải,… cũng phẫn nộ trước sự bất nhân, vô pháp của băng nhóm mafia cát cứ này.
Người dân oan ức không biết kêu cứu vào đâu? Dân tự thiêu cũng đã có rồi, giờ đây biết làm gì nữa?!
© Copyright Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.