Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Huawei: thử nhìn ngược lại Luật An ninh mạng Việt Nam

Huawei: thử nhìn ngược lại Luật An ninh mạng Việt Nam

An Viên
Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật An ninh mạng.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh59D3NPLNrWG68OkO9x4OOYlJilPFBVbZfpNvluqLoGqBB6HiK81oGg_CJy7ZPt-PH0xwT3uX12NZ33-YpjbR3A10cGtqcZwj1BR9jWthoQu_2_u3oaZj-ru8f0IjB3o-5Bd8uCOYVf-o/s640/Unknown.jpeg
Huawei tiếp tục hứng chịu những tác dụng phụ của lệnh cấm từ Mỹ, khi mới đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục bị gạch tên ra khỏi Android Enterprise (danh sách thiết bị bảo mật cho doanh nghiệp).
Huawei - một tập đoàn tư nhân, nhưng là sân sau của đế chế công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sự kết hợp giữa “quân sự - dân sự” được coi là chiến lược cấp quốc gia của Tập Cận Bình nhằm hiện đại hóa quân đội theo hướng tinh gọn, tiến tới hoàn thành “cơ bản việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035” như tuyên bố của Tập Cận Bình tại ĐH XIX của ĐCSTQ.
Huawei bị “đánh” toàn diện trên các mặt trận, gián tiếp tác động đến chiến lược của nhà lãnh đạo họ Tập.
Trong cuộc chiến lần này, theo một báo cáo mới nhất từ Reuters, 3/4 trong tổng số 250 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc dự định sẽ rời nước này để chuyển hướng hoạt động sang Mexico và các nước Đông Nam Á, trong số đó có không ít doanh nghiệp công nghệ.
Mặc dù, trong một tweeter trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc đang chết dần vì bị đánh thuế và các doanh nghiệp sẽ rời sản xuất sang Việt Nam và các quốc gia Châu Á khác. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số nhiều lựa chọn được đặt ra, không phải là duy nhất.
Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến, tuy nhiên, nếu cơ chế của Việt Nam đủ để hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ.
Một trong những đối tác lắp ráp sản phẩm lớn của Apple, Pegatron sẽ dời dây chuyền sản xuất sang Indonesia, thay vì Việt Nam. Câu chuyện nhân công, hạ tầng cơ sở được cho là trở ngại lớn trong việc lựa chọn Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất - công nghệ. Tuy nhiên, nếu thuần về công nghệ, thì trở ngại lớn nhất lại đến từ… Luật An ninh mạng.
Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp công nghệ lớn bao gồm Google, Facebook và Twitter đã bày tỏ mối quan ngại lớn sau khi chính phủ Việt Nam thông qua một đạo luật hứa hẹn sẽ đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với quyền tự do ngôn luận.
Các quy định về nội địa hóa dữ liệu, kiểm soát nội dung ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và các yêu cầu đặt văn phòng nội địa đã được cho là cản trở tham vọng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của quốc gia nhằm đạt được tăng trưởng GDP và công việc. Nói đúng hơn, những điều khoản mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra trong thời điểm còn là dự Luật An ninh mạng được cho là sẽ đưa đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam.
Giới “tinh hoa Việt Nam” đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, kể cả cảnh báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khi bày tỏ luật này sẽ gây tổn hại kinh tế vì không phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam và kìm hãm quyền con người.
Giới “tinh hoa Việt Nam” cũng bỏ qua cả lời cảnh báo của Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam (VCDA) khi tổ chức này nhấn mạnh, Luật An ninh mạng sẽ làm giảm 1,7% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam và xóa sạch 3,1% đầu tư nước ngoài nếu nó có hiệu lực.
Giới “tinh hoa Việt Nam” nhấn mạnh: bảo vệ chế độ, và chính giới tinh hoa Việt Nam dường như sai lầm khi nghĩ rằng, Mỹ sẽ giống như thời kỳ Obama, thời kỳ mà Trung Quốc đã loại bỏ Cisco, Apple,IBM ra khỏi doanh sách mua sắm chính phủ, cấm các phần mềm của Mỹ như Symantec, Windows XP, McAfee, Micron,…
“Trà Trung Quốc ngon hơn Trà Việt Nam”, và Việt Nam đã tìm cách học hỏi cách pha trà của Trung Quốc, bằng cách bắt chước ra Luật An ninh mạng trong đó tìm cách ngăn chặn tiếng nói bất đồng chính kiến trên internet và “quản lý chặt” doanh nghiệp công nghệ.
Việt Nam đang phải trả giá vì điều này. Khi những doanh nghiệp công nghệ Mỹ đã không tìm đến Việt Nam trong cuộc di tản khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại.
Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp công nghệ Mỹ (Facebook, Paypal, Microsoft, Google) cũng đang tìm cách rời bỏ quốc gia này khi mà một dự luật tương tự như Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ ảo tưởng rằng, một thị trường nội địa đủ lớn sẽ đủ hấp dẫn các công ty công nghệ, buộc họ phải tuân thủ thay vì bỏ đi. Nhưng câu chuyện Huawei và sự thiết lập trật tự Mỹ trong thương mại của Tổng thống Donald Trump đã chứng minh ngược lại, bất kỳ một quốc gia gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ đều phải trả giá.
Huawei đang cho thấy điều đó, và bản thân Trung Quốc cũng cho thấy, đang trở thành nạn nhân của chính những gì mà quốc gia này (dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình) ảo tưởng có thể khống chế, đe dọa, và chèn ép doanh nghiệp Mỹ.
Chiếc bánh Trung Quốc từng bị xâu xé bởi các cường quốc vào thế kỷ XIX, nay lại tái lặp vào thế kỷ XXI qua cuộc chiến tranh thương mại. Và Việt Nam sẽ sớm cũng phải trả giá trong tương lai, nếu tiếp tục nương theo hoặc theo đuổi cách ứng xử giống như Trung Quốc đã làm trong thời gian qua, trong đó có cả thi hành Luật An ninh mạng.
A.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.