Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Bản tin ngày 1-5-2019

Bản tin ngày 1-5-2019

Tin Biển Đông
RFI có bài: Chồng lấn EEZ, nguyên nhân vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và Indonesia. GS Hikmahanto Juwana, chuyên gia Luật quốc tế của Đại học Indonesia, cho rằng vụ va chạm ngày 27/4 là hậu quả của sự chồng lấn giữa hai vùng đặc quyền kinh tế ( EEZ) của Indonesia và Việt Nam. Lực lượng hải quân Indonesia nghĩ rằng, họ được phép bắt giữ các tàu cá của Việt Nam, nhưng lực lượng kiểm ngư Việt Nam cho rằng, Indonesia không được quyền bắt giữ như vậy.
Trả lời báo chí ngày 30/4/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đề nghị Indonesia thả ngay ngư dân, đền bù thỏa đáng cho tàu cá Việt Nam, VietNamNet đưa tin. Bà Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia điều tra vụ việc, thả ngay các ngư dân tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thỏa đáng cho họ.
Chưa thấy phía Indonesia có phản ứng gì trước công hàm của Việt Nam, thậm chí lãnh đạo Indonesia còn thông báo sẽ phá hủy tất cả các tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trên lãnh hải Indonesia bị họ bắt được, ngay tuần đầu tháng 5/2019. 
Nhà thờ Bùi Chu sẽ bị đập bỏ
Báo Trí Thức VN viết: Nhà thờ Bùi Chu 134 năm tuổi sẽ bị đập bỏ. Giáo phận Bùi Chu đã xác nhận: “Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính Toà sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019. Do đó, có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính Tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm”.
Hiện nay chỉ có 4 nhà thờ ở Việt Nam nằm trong danh sách được bảo vệ là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội. Nhà thờ Bùi Chu không nằm trong danh sách này, dù tuổi không hề thua kém các nhà thờ nói trên.
Facebooker Lê Phương chia sẻ, một tu sĩ Công giáo báo với ông rằng, vị này biết rõ hiện trạng của nhà thờ chính toà Bùi Chu, rằng nhà thờ có chút hư hỏng, nhưng hoàn toàn có thể sửa chữa, không phải đập bỏ. Ông viết: “Nhiều linh mục trong giáo phận cũng phản đối vụ này. Nhưng ông Giám Mục và một số linh mục cố vấn vẫn không nghe. Việc đập bỏ nhà thờ cũ đã được lên kế hoạch từ lâu. Nó trái ngược lại với thư ngỏ mang nội dung ‘đại tu nhà thờ’ của ông giám mục“.
Ảnh chụp tin nhắn của tu sĩ. Nguồn: Lê Phương
Cố ý làm trái
Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi về sai phạm ở Cà Mau: Cần làm rõ việc bầu cử Chủ tịch MTTQ xã có vi phạm luật Công chức? LS Hồ Nguyên Lễ cho biết, vụ ông Lê Sài Gòn, cựu Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, Cà Mau được chuẩn y chức danh Chủ tịch MTTQVN xã này, chỉ 1 tháng sau ngày ông ta bị kỷ luật cách chức, có dấu hiệu vi phạm luật Cán bộ, Công chức năm 2008.
Theo hồ sơ vụ việc, ông Lê Sài Gòn trong thời gian làm Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng có những sai phạm như: Chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn lập hồ sơ mua đất của một người dân với số tiền 500 triệu đồng, sau đó làm thủ tục trình cấp trên phê duyệt nâng lên hơn 625 triệu đồng, lấy khoản tiền chênh lệch.
VKSND huyện Lương Tài, Bắc Ninh vừa khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nguyên Chủ tịch xã Trung Chính, theo trang Nhà Báo và Công Luận. Ông Nguyễn Văn Quyết, cựu Chủ tịch xã Trung Chính bị khởi tố để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Công an huyện Lương Tài đã có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Quyết.
Trước đó, một người dân xã Trung Chính đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Quyết gây ra nhiều sai phạm trong lúc làm chủ tịch xã. Năm 2009, công trình trạm xá xã Trung Chính và công trình nhà văn hóa thôn Đào Xuyên dù không triển khai nhưng ông Quyết đã nhiều lần lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách.
Tin giáo dục
Báo Người Đưa Tin bàn về dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại Lạng Sơn: Bộ GD&ĐT cần làm rõ!Vụ bê bối gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở các tỉnh miền Bắc vẫn chưa được giải quyết xong, lại xuất hiện nghi vấn gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 ở Lạng Sơn, một tỉnh miền núi lại có nhiều thí sinh điểm rất cao, có 6 thí sinh thuộc top 13 thí sinh có điểm Sử cao nhất nước. 
GV Trần Trung Hiếu, trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An, nhận xét: “Cả nước có 70 cụm thi, rất nhiều địa phương có truyền thống tốt mà lại có ít điểm cao. Trong khi đó, Lạng Sơn là một tỉnh vùng núi nhiều khó khăn, ít thí sinh thi mà lại nhiều em đạt điểm cao thì đó là một sự bất thường”.
Trong danh sách điểm thi cao khối C tại Lạng Sơn, có nhiều thí sinh tự do, tham dự kỳ thi khi đã lớn tuổi. Nguồn: NĐT
Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Kỷ luật cán bộ ngành giáo dục có con được nâng điểm khó thế sao? Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, “cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục” những cán bộ đã tác động để con em họ được nâng điểm. Tuy nhiên, “cho đến thời điểm này, những cán bộ, giáo viên trong ngành có con trong vụ gian lận điểm vẫn chưa bị ai động tới. Chúng tôi cứ thắc mắc, sao lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình không làm kiên quyết, cho ra khỏi ngành những cán bộ có con được nâng điểm?”
Tin môi trường
VOV đưa tin: Trại bò gây ô nhiễm, dân khốn khổ vì ruồi. Gần đây, hàng trăm người dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, phải chịu đựng cảnh ruồi nhặng bay đầy vào nhà, người dân nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nguyên nhân là do công trình xử lý rác thải của Công ty chăn nuôi bò Hòa Phát quá tải. 
Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân ở Tiểu khu Truyền thống cho biết, vào những ngày thời tiết nắng nóng, ruồi từ các cánh đồng cỏ bay vào nhà dân. Ở đâu cũng thấy ruồi, ruồi bu ken kín các cành cây, vật dụng sinh hoạt gia đình.
Thủ lĩnh đối lập Venezuela cùng dân chúng nổi dậy
VOA đưa tin: Lãnh đạo đối lập Venezuela kêu gọi quân đội nổi dậy. Ngày 30/4/2019, Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido kêu gọi công chúng Venezuela nổi dậy lật đổ Tổng thống độc tài Nicolas Maduro. Các phe vũ trang chống và ủng hộ ông Maduro đã đụng độ nhau tại một cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ không quân ở Venezuela và đẩy cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này bước sang một đỉnh điểm mới.
Biểu tình và đụng độ nhau bên ngoài căn cứ quân sự La Carlota ở Caracas, ngày 30/4/2019. Nguồn: VOA
Cần nhắc lại, chế độ Maduro là một trong số ít các “đồng chí” hiếm hoi còn sót lại của chế độ CSVN. Lúc người tiền nhiệm của ông Maduro là Hugo Chávez còn làm Tổng thống Venezuela, nhiều lãnh đạo cấp cao của thể chế CSVN đã sang thăm nước này. Còn “đồng chí X” đã bật đèn xanh cho PVN “đầu tư” ở Venezuela, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi về tình hình ở Venezuela: Quân đội về phe ai?Theo bài viết, nhiều lãnh đạo và sĩ quan cao cấp của quân đội Venezuela vẫn đứng về phía Tổng thống Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino cho biết, quân đội từ chối phong trào đảo chính bằng bạo lực. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido lôi kéo được một số lãnh đạo, sĩ quan quân đội đứng về phía mình.
Đảo chính ở Venezuela, Mỹ nói Nga ngăn Maduro rời đất nước đến Cuba, theo VnExpress. Bài viết thống kê, ít nhất 71 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa chính phủ và người biểu tình. Những người bị thương được đưa tới điều trị ở bệnh viện Caracas. 43 người bị thương vì đạn cao su, 2 người được điều trị vết thương do đạn bắn, 21 người được điều trị đa chấn thương.
Theo CNN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Tổng thống Maduro đã chuẩn bị rời đất nước đến Cuba, nhưng phía Nga đã ngăn cản: “Chúng tôi theo dõi suốt cả ngày, đã khá lâu không ai nhìn thấy Maduro… Ông ấy có một máy bay chờ sẵn ở đường băng, như chúng tôi hiểu, ông ấy sẵn sàng rời đi sáng nay nhưng người Nga tỏ ý ông ấy cần ở lại”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.