30 tháng 4 năm nay: Cụm từ “giải phóng” ít xuất hiện
BTV Tiếng Dân
1-5-2019
RFA đặt câu hỏi: Có phải chính quyền Việt Nam tránh nói từ “giải phóng” trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay? Việc tổ chức kỷ niệm ngày 30/4/1975 của chính quyền CSVN trong năm nay khá bất thường, khi mức độ tuyên truyền giảm hẳn.
Theo ông Phạm Chí Dũng, khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam” không còn xuất hiện nhiều, chủ yếu chỉ còn “Thống nhất đất nước”. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không có duyệt binh.
Một số người xác nhận, các hoạt động kỷ niệm trong ngày 30/4/2019 ở Sài Gòn diễn ra khá tẻ nhạt. Khoảng một thập niên trước, vẫn còn khá nhiều người tin vào khẩu hiệu “giải phóng”, nhưng hiện nay, khi cuộc sống dân chúng bất an, đạo đức suy đồi, quá nhiều tệ nạn xã hội, nhiều người dân vẫn còn tìm bỏ nước ra đi… nên đa số người dân nhận ra rằng, cuộc tiến quân của CS vào miền Nam chưa bao giờ mang ý nghĩa “giải phóng”.
Chúng tôi quan sát thấy, hiện vẫn còn một số báo lạ vẫn còn dùng cụm từ “Giải phóng”, như báo QĐND có bài: Chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn; Báo ảnh Dân tộc và Miền núi có bài: Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Đại thắng mùa Xuân 1975- Nghệ thuật kết thúc chiến tranh độc đáo, sáng tạo; trang Kiểm Sát có bài: Cảm xúc vỡ òa ngày Sài Gòn giải phóng, thống nhất non sông năm xưa; Đài PTTH Nghệ An có bài: Dinh Độc Lập – Nơi ghi dấu ấn Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…
BBC có bài của tác giả Lê Hoa Mai, một người lớn lên ở miền Bắc VN sau năm 1975, hiện đang tu nghiệp ở Mỹ, bàn về ngày 30/4: Một góc nhìn về ngày chấm dứt Cuộc chiến VN.
Bài viết so sánh, trong khi chuyện “thống nhất” ở VN đã phải đánh đổi xương máu của hàng triệu người Việt, rồi thêm hàng triệu người phải tha hương và hàng triệu người khác bị cướp trắng tài sản, bị tra tấn, làm nhục, đày đọa ở các vùng “kinh tế mới”, trong khi nước Đức “không tốn máu xương, không có chiếc xe tăng nào húc đổ bức tường Berlin”đã chấm dứt được cảnh chia cắt Đông Tây.
Ngày 30/4, mọi người cũng thường nhắc tới cụm từ “hòa giải, hòa hợp”. Nhà báo Tâm Chánh, cựu TBT báo Sài gòn Tiếp thị, có bài: Hòa giải, chuyện bà Sáu Nhung. Ông Tâm Chánh cho rằng, chuyện hoà giải, hoà hợp dân tộc là lợi ích chính trị, trước hết của chính thể này. Còn người Việt Nam, trong mỗi gia đình, họ tự có cách hoà giải, hoà hợp của mình.
Đây là cách hòa giải của một người mẹ có con ở hai chiến tuyến: “Bà Sáu Nhung, một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở quê tôi, thời chiến tranh không ngại cả mấy người con an ninh, cảnh sát giận mình, vẫn một mực đội gạo, giấu tiền lên cứ, nuôi mấy đứa con Việt cộng gian khổ thiếu thốn. Hoà bình, bà lại làm như vậy để vào trại nuôi mấy đứa con học cải tạo. Mà thời nào bà cũng chửi chế độ xơi xới nếu ngăn trở bà thương yêu những đứa con thiếu thốn, thiệt thòi“.
VOA có bài: Những đóng góp của người tị nạn Việt Nam cho Canada sau 44 năm định cư. Ông Michael J. Molloy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Di dân Canada nhận định về cộng đồng người Việt trên đất nước này: “Bây giờ họ có mặt trong quân đội, trong Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada, trong tất cả các bộ sở cơ quan chính phủ, doanh thương, trong hệ thống giáo dục… Tôi đã được nghe số thống kê mới đây thôi, nói rằng khoảng 20% các nhân viên y tế tại tỉnh bang Quebec có tên Việt Nam”.
Báo Người Việt đưa tin: Tưởng niệm 30 Tháng Tư, các dân cử gốc Việt nói về ‘đoàn kết trong cộng đồng’. Thị trưởng TP Westminster Tạ Đức Trí cho biết: “Điển hình là chưa có khi nào mà 11 dân cử gốc Việt cùng ngồi lại tổ chức Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư như năm nay. Các dân cử các cấp từ tiểu bang đến quận hạt, địa phương cùng phối hợp làm việc để mà thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh của thế hệ đi trước, đó có thể nói là một sự đoàn kết tương đối”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.