Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Bốn cách & hai giai đoạn Trung Quốc có thể kiểm soát Vân Đồn

Bốn cách & hai giai đoạn Trung Quốc có thể kiểm soát Vân Đồn

Võ Trí Hảo
Bốn cách để Trung Quốc có thể (không nhất thiết phải xảy ra) kiểm soát Vân Đồn, sau khi Luật Đơn Vị Hành Chính - Kinh Tế đặc biệt được thông qua:
GIAI ĐOẠN I
Cách thứ nhất, M&A.
Luật Việt Nam hoàn toàn không cấm một Doanh nghiệp “Dân Túy” nào đó của Việt Nam đứng ra phất cao ngọn cờ “tinh thần dân tộc” để được lĩnh dự án qua chỉ định thầu. Khi giành được dự án, tập đoàn này sẽ thành lập ra một công ty con để sở hữu, quản lý, vận hành dự án. Sau khi “thành món thành tấm”, nhằm lúc thiên hạ ít để ý, lặng lẽ chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp con này cho Doanh nghiệp có nguồn gốc Trung Quốc (không nhất thiết là Doanh nghiệp mang quốc tịch Trung Quốc, mà là thông qua một hệ thống chằng chịt các doanh nghiệp cháu chắt, chiu… mà công ty Trung Quốc, hoặc Chính phủ Trung Quốc có thể chi phối).
Cách thứ hai, BCC (Business Cooperation Contract).
Cách thứ nhất nêu trên, có thể bị hạn chế phần nào, bởi quy định về ROOM tối đa mà một doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam, một dự án..., khiến cho Doanh nghiệp Trung Quốc muốn áp dụng cách thứ nhất sẽ phải tốn mưu, tốn sức (thành lập một hệ thống công ty ông bà, công ty bố mẹ, công ty cháu chắt…) để lách quy định về ROOM (bản thân giải pháp khống chế bằng ROOM, khi áp dụng cũng phải phù hợp với WTO, CPTPP, MFN...), về điều kiện kinh doanh đặc biệt đối với FDI, thì cách thứ hai, có chút rủi ro hơn về tiền bạc. Đó là nhắm vào một doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm giữ đất mà họ muốn kiểm soát; không cần M&A, mà chỉ cần ký một Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh (BCC); trong BCC này chỉ cần hai nội dung cốt lõi (tạm gọi là hai điều khoản) là tình báo Trung Quốc có thể hạ gục, biến doanh nghiệp Việt Nam thành con rối (puppet/ botnet):
– Điều 1: Bên A (Doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư số tiền X, được thanh toán cho các cổ đông của Doanh nghiệp A một lần; hoặc thanh toán định kỳ hàng năm một khoản lợi nhuận cố định bằng Y VND).
– Điều 2: Bên B (doanh nghiệp có nguồn gốc Trung Quốc hay bị Chính phủ Trung Quốc kiểm soát, chi phối) có quyền: chỉ định/ hoặc phủ quyết Người Đại diện theo pháp luật (nôm na là Giám đốc/ Chủ tịch)/ Kế toán trưởng…) và có các quyền sau đây:… -> Toàn quyền định đoạt Bên A.
So với cách thứ nhất, cách thứ hai có một chút rủi ro tài chính. Vì BCC phải do một luật sư rất cao tay soạn ra thì Bên B mới đạt được mục tiêu & nó bị tác động nhiều khi Bên A nổi lòng yêu nước; không chấp nhận bị khống chế nữa; tìm cách bất tuân BCC. Nhưng tiền bạc là cái mà Chính quyền Trung Quốc có thể bơm cho Doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện để đạt được mục tiêu chính trị, an ninh, gián điệp của Chính phủ Trung Quốc & nổi loạn chống lại BCC không hề dễ chút nào.

Cách thứ ba, Marriage (kết hôn). 

Cách này tuy không áp dụng đại trà được & có một chút rủi ro vì sự ‘đỏng đảnh” hay “bất tuân” của người vợ Việt Nam. Nhưng lại là cách khi đã “triển” thì rất khó đối phó. Bởi cô vợ Việt Nam là công dân Việt Nam, không thể áp dụng các hạn chế đối với doanh nghiệp do cô vợ đứng ra làm bình phong. 

Cách thứ tư, hợp đồng công chứng ủy quyền định đoạt hoặc hợp đồng thuê nhà, thuê BĐS 99 năm. 

Hiện nay pháp luật không cấm (và cũng không nên cấm) việc Bên A ủy quyền cho Bên B định đoạt một số quyền của Bên A; pháp luật cũng không cấm thời hạn của Hợp đồng thuê nhà, Hợp đồng thuê tài sản, Hợp đồng Khai thác tài sản bị giới hạn bao lâu. Nên sau khi triển khai xong dự án bất động sản, Bên A (Doanh Nghiệp Việt Nam) hoàn toàn có quyền ký Hợp Đồng Ủy Quyền Định Đoạt (bất động sản) cho Bên B (doanh nghiệp Trung Quốc) hoặc cho người Trung Quốc thuê nhà với thời hạn 99 năm & có quyền cho người khác thuê lại. 
Pháp luật Việt Nam gần như chưa điều chỉnh về Trust. Sử dụng “trust” thì họ còn có vô vàn cách để kiểm soát doanh nghiệp bình phong.
Bốn cách nêu trên có thể áp dụng đối với bất cứ địa phương nào, không riêng gì Vân Đồn. Nhưng tại sao tôi lại quan ngại Vân Đồn. Bởi (1) giá trị quân sự của Vân Đồn đối với Trung Quốc & (2) đặc điểm Isolated của island của Vân Đồn; (3) “Vừa miếng”; (4) Gần về không gian địa lý, khiến cho Trung Quốc dễ chuyển sang Giai đoạn 2. Còn đường Tự Do ở Sài Gòn vẫn bị bao quanh bốn bề là người Việt; chứ không phải bốn bề là biển như một hòn đảo; nên khi bị kiểm soát nó chưa gây ra bất ổn nào đáng kể.
Còn một hòn đảo trong Vịnh Bắc Bộ, cận kề Trung Quốc, có lịch sử sinh sống của người Trung Quốc trước năm 1979 (thời kỳ Môi Hở Răng Lạnh, Núi Liền Núi, Sông Liền Sông, Chung Một Biển Đông) thì Trung Quốc có nhiều động lực (incentive), quyết tâm & điều kiện để chuyển sang Giai đoạn II. Sau chừng 10 năm áp dụng bốn cách ở nêu trên, Chính Quyền Trung Quốc có thể chuyển sang Giai đoạn II, theo kịch bản Crưm.

GIAI ĐOẠN II: KỊCH BẢN CRƯM

  1. Di dân (bằng tất cả mọi cách). Cái này ông Dương Trung Quốc có cảnh báo rồi; không phân tích chi tiết thêm.
  2. Tạo bất ổn chính trị; kiếm cớ biểu quyết ly khai;
  3. Ly khai;
  4. Xin gia nhập Trung Quốc.
Vì vậy tôi khẩn thiết đề nghị, nếu vẫn quyết tâm làm Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt thì nên chọn 1 cái đầu tiên an toàn nhất về an ninh quốc phòng làm trước; sau 5 năm triển khai cái thứ hai; sau 10 năm đúc rút thì mới triển khai cái thứ ba. Và mỗi đặc khu phải có một luật riêng; bởi nguy cơ an ninh quốc phòng, cũng như các đặc điểm khác của Phú Quốc khác xa Vân Đồn, Vân Phong.
Và về mặt kinh tế học, nó sẽ tránh đầu tư dàn trải.
Trong Dự thảo hiện hành của Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt đã có đối sách với Bốn cách, Hai giai đoạn nêu trên hay chưa?
V.T.H.
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/võ-tr%C3%AD-hảo/bốn-cách-hai-giai-đoạn-trung-quốc-có-thể-kiểm-soát-vân-đồn/2152736361471057/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.