Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Hàng chục người chết: thiên tai hay nhân tai?

Hàng chục người chết: thiên tai hay nhân tai?

RFA
2018-06-28
Email
Ý kiến của Bạn
Share
Nạn phá rừng tràn lan ở Việt Nam.
Nạn phá rừng tràn lan ở Việt Nam.
AFP
Thiên tai là điều không tránh khỏi và có thể xảy ra ở mọi nơi, không ngoại trừ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Việt Nam cũng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; tuy vậy yếu tố con người hay còn gọi là nhân tai còn là nhân tố khiến nguy cơ thêm phần nặng nề.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc vừa qua được các chuyên gia đánh giá là vì rừng đầu nguồn bị phá và thủy điện xả lũ với vận tốc lớn.

Phá rừng, không từ rừng phòng hộ!

Trận mưa lũ và sạt lở đất xảy ra chỉ trong 2 ngày nhưng khiến 23 người chết và 10 người mất tích, tính đến sáng ngày 28 tháng 6.
Ngoài ra thiệt hại về tài sản lên đến gần 459 tỷ đồng.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến đợt lũ này là do rừng bị phá nghiêm trọng:
Nguyên nhân sâu xa là vấn đề không bảo vệ được rừng cho tốt. Rừng nguyên sinh có nhiều tầng lớp giúp giữ nước trên đỉnh cao của các khu rừng, đỡ xói lỡ và sụt lún. Nguyên nhân này không phải một lúc một chiều có thể giải quyết được. Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
- GS. Phạm Ngọc Đăng
Nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội. Đây không chỉ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, mà rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn cũng đang bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ và khai thác khoáng sản... Năm 2015, chỉ tính riêng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, gần 2.000 vụ phá rừng bị phát hiện, diện tích rừng bị mất hàng nghìn ha.
Vài năm trở lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc đã trồng rừng bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, việc trồng rừng được nói là diễn ra ì ạch, quá thấp so với kế hoạch đề ra.
Trong một hội nghị về phòng chống thiên tai do Thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô ngày càng lớn.
Năm ngoái, lũ quét và sạt lở đất đã làm 71 người chết và mất tích, hơn 4.000 ngôi nhà bị sập. Và cho đến hiện nay vẫn còn hơn 13.000 hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đủ an toàn, có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng để giảm bớt hậu quả thiên tai ở vùng núi phía Bắc, thì trước hết phải khắc phục những yếu tố nhân tai do con người gây ra:
Cần di dân khỏi những nơi có khả năng xảy ra lũ ống, luc quét. Chủ trương Nhà nước đã làm nhiều, vì thế đã giảm được hậu quả.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phục hồi rừng, giữ rừng cho tốt. Đây là hai biện pháp quan trọng nhất, chứ một khi lũ đã xảy ra rồi thì không ai chống đỡ nổi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng. Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và đồi núi đã bị “cạo trọc”.

Thủy điện xả lũ

Nguyên nhân chính thứ 2 gây ra trận lụt lịch sử vừa qua được các chuyên gia nhận định là do thủy điện xả lũ. Do lượng nước mưa lớn nên các hồ chứa thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang đều phải đồng loạt xả lũ để tránh vỡ đập. Công suất xả lũ luôn ở mức cao nhất cho phép. Thậm chí các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s, tức là cao hơn nhiều mức cho phép. Do đó, mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, gây tình trạng ngập lụt.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch Bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng việc xả lũ thủy điện đã góp phần gây ra trận lũ lịch sử này:
Thủy điện người ta bị vỡ đập nên rất nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ ở mức độ cao nhất. Mức cao nhất Nhà nước mình cho phép là 8.000 m3/giây nhưng họ có thể xả cao hơn thế bởi nếu không sẽ bị vỡ đập.
Tình trạng thủy điện xả lũ khiến người dân không kịp trở tay thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước, gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng và của cải của dân.
Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm. - Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Trước đây thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh đã từng bất ngờ xả lũ với công suất gấp nhiều lần mức tối đa cho phép. Lượng nước xả ra trong một giờ lên đến 7,2 triệu khối nước khiến hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, dân phải bỏ của chạy lấy người. Các đàn gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi và hàng ngàn hecta hoa màu của dân chỉ còn là đất trơ trụi. 40 người dân đã thiệt mạng trong trận lũ này.
Một người dân khu vực hay xảy ra thủy điện xả lũ nói với RFA:
Bởi vì thủy điện của mình nó quá nhiều, chứ nước lũ thì nó không đến nỗi như hiện tại. Nếu như trước đây các ổng tính đến chuyện thiệt hại thì chắc là không xây. Vì các ổng nghĩ là có lợi nên mới xây, mà tính sai nước nên đâm ra lợi không bằng hại. Nếu như ở các nước khác thì thủy điện phải đền bù thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở đây (Việt Nam) thì không có chuyện đó đâu, cải cách gì cũng thua mấy ổng thôi. Nếu như các thiết kế thủy điện hợp lý thì bây giờ đâu đến nỗi thiệt hại như đang thấy.
Một gia đình người Hmông đang đi bộ giữa những ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái, hôm 4 tháng 8 năm 2017.
Một gia đình người Hmông đang đi bộ giữa những ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái, hôm 4 tháng 8 năm 2017. AFP
Dưới sự quan sát của một nhà hoạt động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng sự điều hành của cơ quan chức năng còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng thủy điện xả lũ bừa bãi:
Nói tóm lại mình chưa có một vị tổng tư lệnh. Nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ mang tính hình thức, không đủ tâm, đủ tầm để điều tiết việc này. Bởi vì vấn đề thủy điện liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Chẳng hạn làm thủy điện ở vườn quốc gia Cát Tiên thì liên quan đến 6 bộ ngành. Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng phải điều tiết, nhưng họ quá nhiều việc. Cho nên cần có một tổng tư lệnh điều phối được 6 bộ ngành này nhưng VN chưa có. Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm.
Rất nhiều tổ chức độc lập và người dân đã từng lên tiếng phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở VN vì các hậu quả về nhân mạng và tài sản có thể gây ra. Tuy nhiên đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gợi ý rằng nếu cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.
Số liệu năm 2012 cho biết VN có khoảng 7.500 nhà máy thủy điện và đập chứa nước trên các sông.
Khoảng chục năm trở lại đây VN tăng cường xây dựng nhà máy thủy điện vì cho rằng mang lại nhiều nguồn lợi về năng lượng. Nhưng lợi chưa nhìn thấy đâu mà chỉ thấy hàng trăm người dân chết do thủy điện gây ra. Trong khi đó, phía nhà máy thủy điện nói rằng họ luôn xả lũ “đúng quy trình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.