“Phí” lại phi mã
Lò Văn Củi
30-6-2018
Anh Năm Ba gác mệt mỏi thả người cái phịch xuống ghế, kêu:
– Cho ly trà đá đi chị Tư.
Chị Tư Sồn bưng ly nước ra, hỏi:
– Trời đất quỷ thần! Mần gì mà cái mặt chù ụ, người ỉu xìu như cọng bún vậy, tối qua nhậu thả giàn, lên bờ xuống ruộng, bây giờ nạp nước vô ha?
Anh Sáu Nhặt nghi ngờ:
– Hay là đã thức đêm còn thua độ đá banh?
Ông Hai lắc đầu:
– Ừ, dòm người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm nghen Năm, ngáp cũng hổng nổi, thiếu ô xy hả bây?
Anh Năm uể oải trả lời:
– Dạ, đúng một nửa, sai một nửa. Hông có ô xy để thở thì đúng. Còn hổng có là do hông có tiền mua, thì lấy đâu ra mà nhậu mà nhẹt, mà cá độ cá đồ. Đã vậy còn bị vợ cằn nhằn cử nhử. Tiền tiền tiền, lại thiếu hụt, khổ đời, muốn nhảy cầu như mấy cha thua độ đá banh cho rồi.
Chú Tám Thinh hừm hừm:
– Bớt giỡn nghen Năm. Bị vụ gì mà lại thiếu tiền nữa?
Anh Năm vẫn giọng rề rề:
– Dạ, thì đó, “phí” nó lại phi như mã, tiền công tiền lương thì vẫn dẫm chưn tại chỗ, vợ thiếu hụt cứ ca thán hoài, nhức cái óc.
Anh Sáu nhíu mày:
– Ủa, đâu nghe phí, thuế gì tăng nữa đâu? Chưa nghe rục rịch gì mà?
Anh Bảy cười hà hà:
– Anh Năm tuy mệt thiệt, nhưng còn giỡn được thì hổng lo ảnh nhảy cầu, yên tâm rồi. Còn “phí” cả phi mã á, là giá cả lại nhảy như ngựa, lại có điệp khúc tăng tăng tăng… á.
Anh Sáu và bà con cô bác à ra. Chị Tư bưng ra ly cà phê:
– Uống cà phê đi chứ làm gì dữ, tui biên vô sổ chứ lo gì, từ từ tính. Còn vụ giá cả, đúng thiệt, đang tăng chóng mặt, mặt hàng tiêu dùng gì cũng tăng hết ráo. Các ông phải thông cảm cho các bà, cầm mớ tiền ra chợ cứ xớ rớ, chẳng biết mua gì cho ba bữa coi cho được, nhức cái đầu cũng đâu thua gì, sanh ra càm ràm, nên tìm cách an ủi và tìm cách tự cứu mình.
Bà con cô bác đồng tình với chị Tư. Anh Ba Thợ xây nói:
– Tui biết tánh anh Năm, thương vợ con lắm lắm, nói vậy thôi chứ sẽ vỗ về bà xã, cũng tự cứu đó, có dám uống cà phê đâu. Còn mấy bữa nay, ở nhà, bà xã dọn cơm cũng thấy vơi đi miếng thịt, con cá, miếng rau, chưa kịp hỏi, cứ tưởng hổm có đám giỗ bị thụt két, bây giờ mới hiểu. Tội cho đám nhóc, suy dinh dưỡng dài dài.
Cô Tám Ve chai xác nhận:
– Tui đi chợ búa hàng ngày, thiệt là tăng tăng tăng miết. Nhu yếu phẩm, gạo, đường, sữa, bột ngọt, bột mêm, rau củ, dầu ăn, cá mắm, thịt thà… gì cũng tăng hết. Gạo tăng 2.000 đồng một ký lô nghen, dầu ăn lên 1.000 đồng một chai chưa tới một lít đó, hổm mua lốc sữa tươi 55.000 thì nay thêm 3000 đồng nữa mới mua được, trứng tăng mỗi trứng 500 đồng, thịt heo tăng 15.000 đồng một ký, cá thì loại thường tăng từ 5.000 tới 15.000 đồng, loại ngon có loại tăng 40.000, 50.000 đồng một ký, giá gas thì tăng 18.000 đồng mỗi bình…. Ngay cả chương trình bình ổn cũng tăng luôn, trứng gà tăng 2.000 đồng mỗi chục, trứng vịt thì 1.000 đồng, thịt theo tăng từ 1.000 đến 5.000 đồng một ký.
Bà con cô bác người chặc lưỡi, người thở dài, người vuốt tóc xoa râu… rầu thúi ruột.
Anh Sáu thắc mắc:
– Vì đâu xảy ra tình trạng này ta? Phải có nguyên do chứ hén?
Anh Năm Ba gác đáp:
– Chung qui lại là do sự lãnh đạo “tài tình” của đảng, của nhà nước đó mà.
Anh Sáu chưa tin:
– Phải vậy hông á? Hay cái gì cũng đổ lỗi hết á.
Ông Thầy giáo từ tốn nói:
– Phải vậy chứ trật đâu cho được. Nhứt là hai cánh tay mặt của họ là Bộ Tài chánh và Bộ Công thương.
Giá cả nhảy vọt là do giá xăng tăng, có nghĩa giá xăng tăng kéo theo tất cả. Ai cũng thấy rõ ràng khỏi cần dẫn lời chuyên gia, khỏi cần nói là rêu rao, vu khống. Mà quyết định đẩy giá xăng là do hai bộ này. Họ chỉ chăm bẳm tận thu cho ngân sách, rồi viện cớ được đồng thuận, thực ra thì chỉ những cơ quan nhà nước đồng thuận theo chủ trương là chính, chứ dân chúng làm gì có đồng thuận. Giả sử như vụ muốn tăng giá xăng lên kịch trần, tăng 4.000 đồng mỗi lít, Bộ Tài chánh tính ra sẽ thu về được 55.000 tỷ đồng. Họ chỉ nhằm vào thiếu hụt ngân sách thì tăng để thu, mặc xác vật giá tăng theo, ảnh hưởng đến dân chúng.
Bên cạnh xăng cộ, họ còn buộc áp dụng những chánh sách vô tội vạ nữa. Họ coi mình là kẻ ăn trên ngồi tróc, làm cha thiên hạ, đưa ra các quy định chẳng giống ai, đẻ ra giấy phép con, can thiệp vô hoạt động kinh doanh… Như quy định về siêu thị: diện tích kinh doanh phải từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2, phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại, phải mở cửa bán suốt tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, từ 10 – 22 giờ, mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá… Những người kinh doanh đang la làng những quy định lạ đời này.
Anh Sáu bây giờ hiểu ra:
– Phải rồi hén. Các cơ quan này lý ra chỉ hoạch định chánh sách vĩ mô và quản lý, chuyện làm ăn là để người kinh doanh. Còn tận thu ngân sách thì chắc có lợi lộc, có lại quả. Ngân sách thì chi cũng vô tội vạ. Như ở Thanh Hóa, tỉnh có dân đói mà chơi sang, đòi chi trên trăm tỷ để gọi cái tên danh xưng của tỉnh thôi.
Anh Bảy gút lại bữa nói chuyện, bà con chịu lắm lắm:
– Mọi chuyện đổ lên đầu dân đen hết, dân gánh hết nên những kẻ “tài tình” có lo chi, cứ phè phỡn thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.