Tự do hay là tiếp tục gian trá
26-6-2018
Điều tôi lo lắng sau đề thi, mặc dù bài thơ rất dở, là những thí sinh chỉ làm bài theo cái cách nghĩ và khung điểm (dàn bài định sẵn) của Bộ Gáo dục để đạt điểm cao, chứ không ai chịu đánh đổi để làm một việc điên rồ là dùng nó để cất lên tiếng nói từ lương tri và sự hiểu biết thực tế của chính mình. Vì các em có thể sẽ phải trả một cái giá rất lớn lao cho những tiếng nói thẳng thắn của mình, nếu nói ra sự thật mà đúng như nó thuộc về.
Thứ mà giáo dục luôn thiếu trầm trọng hiện nay là sự trung thực, đặc biệt là vấn đề nói lên (biểu đạt) quan điểm và chính kiến (tự do ngôn luận) của bản thân về tình hình chính trị, xã hội hiện tại.
Các thày cô còn phải theo định hướng và né tránh các vấn đề nhức nhối cũng như các quyền năng tự nhiên tối cao thuộc về con người, thì nói gì đến học sinh phải đặt mình trước ngưỡng cửa chỉ có hai lựa chọn: sự thật và đối mặt các hiểm hoạ hay là dối trá và đạt điểm cao để trúng kỳ xét tuyển đại học?
Đẩy học sinh vào tình thế buộc phải cân nhắc trước sự chọn lựa có tính huỷ hoại sau một chặng đường dài hơn mười năm ròng rã đèn sách, mà đa phần là học vẹt và học trả bài, thì đó là cách để tiếp tục khiến cho những con người trước khi bước vào đời sống với tư cách một công dân trưởng thành tiến gần đến sự xảo trá và man khai.
Ở những ngôi trường quốc tế tại các nước phương Tây, khi một người ngoại quốc gửi hồ sơ ứng tuyển, ban tuyển sinh trường, sau khi xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, sẽ luôn gửi thư và kèm theo một đề mở nghị luận về một vấn đề xã hội hay nhân quyền để xem quan điểm của bạn về vấn đề đó ra sao. Nó chính là chìa khoá quyết định đến việc bạn được nhận hay không được nhận bạn vào học ở đó. Trong đó chủ yếu trường học muốn biết bạn hiểu, cảm nhận, phản ứng và hành xử ra sao trước một tình huống hay vấn đề như vậy – nếu bạn thể hiện sự e dè, né tránh, thiếu tự tin hay biểu thị rằng bạn là một người không quan tâm đến những người khác (cộng đồng) hay hiện tình xã hội, hoặc thể hiện sự thiếu hiểu biết như bạn nói rằng bạn không được phép biểu tình, bạn không có quyền kiện thủ tướng, hoặc bạn yêu đảng là yêu nước hay bạn không có quyền tự do thành lập đảng, lập tức bạn sẽ bị loại (đánh trượt), vì ngôi trường ấy sẽ không nhận một con người với tư duy và nhận thức tệ hại như thế vào học.
Còn ở xã hội chúng ta, học sinh không được bàn về các vấn đề xã hội, quan điểm chính trị hoặc tự do ngôn luận, tự do học thuật, được chỉ dạy rằng mọi việc không đến phận sự của bản thân và cần an phận với việc học hành của mình, thì làm sao có thể dùng một đề thi văn chương ở ngưỡng cửa sinh tử trên con đường học vấn hòng biến các em trở thành những con chuột bạch nhằm làm thay chức phận mà đáng ra hệ thống giáo dục phải làm bằng cách thông qua những đứa trẻ để nói lên quan điểm và chính kiến của mình, vốn hầu hết họ đều né tránh trong cuộc sống đời thường và sống cuộc sống hèn nhát, vô tri, vô dạng và vô đạo?
Các em sẽ phải lựa chọn, hoặc là tiếp tục ươn hèn và né tránh những vấn đề cốt yếu thuộc về thực tại để thụ đắc được phần thưởng của hệ thống giáo dục này vốn luôn truyền dạy và áp đặt các em những mớ kiến thức hổ lốn, tạp nham, hoặc làm một con người tự do với đầy đủ phẩm giá và đức hạnh để bứt thoát ra khỏi sự nô dịch của tri thức cổ lậu và của những điều tha hoá, gian manh?
Cuối cùng là, dù thế nào, các em vẫn chưa thoát ra khỏi sự đặt cược nghiệt ngã của thời cuộc mà những thế hệ trước các em đặt ra hôm nay, mà bản thân họ đã không thể làm được vì chính họ bất lực, bế tắc hay là họ đã thực sự lựa chọn một cách sống cam chịu, đớn hèn như thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.