Tỉnh nghèo dẫn đầu chống tham nhũng
Bá Tân
27-6-2018
Tham nhũng đang trở thành quốc nạn, được coi là giặc nội xâm. Không thế lực nào phá nát chế độ bằng loại giặc này. Là giặc nhưng lại nằm trong guồng máy cai trị dân, thậm chí do dân “phải” bầu ra chúng nó.
Các ngành, các cấp, các địa phương nhan nhãn tham nhũng, có nơi ra khỏi ngõ là gặp “đồng chí” tham nhũng. Thế mà, cách đây chưa lâu, cái thời đứng đầu Hà Nội là ngài Phạm Quang Nghị (bố vợ của siêu cờ bạc Nguyễn Văn Dương) cả gan đưa ra văn bản khẳng định: Hà Nội không tìm ra cán bộ tham nhũng.
Xếp hạng tham nhũng và chống tham nhũng là việc cần thiết nhưng cực khó. Quan chức muốn và luôn tạo ra cơ hội để tham nhũng. Dân chúng căm thù bọn tham nhũng. Dựa vào tiêu chí nào để xếp hạng. Dân chúng đánh giá thế nào về sự xếp hạng ấy.
Theo cách chấm điểm của thanh tra chính phủ, điểm chống tham nhũng bình quân 2017 của cả nước đạt 58,11/100 điểm. Dư luận cho rằng điểm số bình quân ấy (do thanh tra chính phủ chấm) là còn quá “nới tay” so với thực tế.
Với cách chấm và xếp hạng của thanh tra chính phủ, trong năm 2017, có 10 địa phương thuộc top đứng đầu có điểm số cao chống tham nhũng. Theo thứ tự trên xuống của top 10 địa phương đứng đầu chống tham nhũng, đó là: Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Lai Châu, Gia Lai, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bình Phước, Quảng Trị. Được vinh danh đứng đầu chống tham nhũng, các địa phương này có chung “đặc tính” là tỉnh nghèo.
Nghèo nhưng đứng đầu chống tham nhũng, phải chăng đội ngũ cán bộ ở đó thanh liêm trong sáng? Nếu vậy, trung ương, trước hết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nên cân nhắc luân chuyển với chức cao hơn số cán bộ ở các địa phương ấy cho các cơ quan trung ương và các tỉnh.
Nghèo nhưng đứng đầu chống tham nhũng, phải chăng vì ở đó quá nghèo nên ít có điều kiện để tham nhũng? Mặc dù bọn tham nhũng ăn không trừ một thứ gì, tuy nhiên nơi nghèo không thể “ăn” to và “ngon” như nơi giàu. Thực ra, nơi giàu cũng như nơi nghèo, người dân trở thành nạn nhân của bọn tham nhũng.
Vì nghèo nên ít tham nhũng. Nếu đúng như vậy, nên nhân rộng bài học này. Các địa phương và cả nước nói chung hãy “phấn đấu” trở thành nghèo để ít bị tham nhũng hoành hành. Và phải chăng, vì cái “nguyên lý” lạ đời ấy, cho nên đến tận bây giờ Việt Nam vẫn là nước nghèo, vẫn không chịu phát triển?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.