Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Quyền sở hữu tài sản có thể báo hiệu sự suy sụp của Đảng Cộng sản Việt Nam


Quyền sở hữu tài sản có thể báo hiệu sự suy sụp của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tác giả: David Hutt
Dịch giả: Trúc Lam
26-6-2018
Trong cuốn sách “Văn minh: Phương Tây và các nước còn lại trên thế giới“, sử gia Niall Ferguson đã đặt ra một câu hỏi thú vị. Tại sao vào thế kỷ 17, các thuộc địa Anh của Bắc Mỹ trở nên thành công về mặt kinh tế và ổn định về mặt chính trị hơn các thuộc địa Tây Ban Nha ở Nam Mỹ, được hình thành gần một thế kỷ trước?
Câu trả lời nằm trong quan điểm của Ferguson về lý do vì sao châu Âu thống trị các vấn đề toàn cầu trong vài thế kỷ qua – và vì sao các nước châu Á đang có ưu thế ngày nay. Đây là lý thuyết của ông về cái gọi là “ứng dụng sát thủ”. Chúng bao gồm cuộc cách mạng khoa học; đạo đức trong làm việc; sự thống trị của chủ nghĩa tư bản đã đẩy mạnh sự cạnh tranh, gồm cả các vùng đất xa xôi; và sự phát triển của một xã hội tiêu dùng bảo đảm việc mở rộng tài chính.
Đối với Ferguson, tất cả các “ứng dụng sát thủ” trên đã được nhân rộng ở các nơi khác trên thế giới, điều này giải thích sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như các nước như Việt Nam và Indonesia. Nhưng điều mà nhiều nước châu Á, đặc biệt là những nước giả vờ theo xã hội chủ nghĩa còn sót lại, vẫn chưa bắt chước được là quyền sở hữu tài sản.
Trở lại đoạn trên đầu, đây là lý do mà Ferguson đưa ra, vì sao Bắc Mỹ của Anh lại chiếm ưu thế hơn Tây Ban Nha của Nam Mỹ. Đất đai ở phía nam gần như được kiểm soát độc quyền bởi chế độ quân chủ hoặc thành phần ưu tú, điều đó có nghĩa là nó nằm dưới sự kiểm soát độc tài. Trong khi đó, ở phía Bắc, quyền sử dụng đất được chia sẻ tự do giữa hầu hết mọi nơi trong xã hội, điều này đã tạo ra và yêu cầu một chính phủ dựa trên sự cai trị của pháp luật. Những gì sau đó là quan điểm của Lockean về sự tiến bộ: Với quyền sở hữu tài sản mở rộng đến sự cần thiết của pháp quyền. Và để thực thi pháp quyền, phải đến từ nền dân chủ đại diện và tư pháp độc lập.
Nếu chúng ta nhìn vào Việt Nam ngày nay, nó đã dễ dàng áp dụng tất cả các “ứng dụng sát thủ” khác, chứ không phải quyền sở hữu tài sản, điều này có thể làm cho Đảng Cộng sản cầm quyền suy sụp. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 10 tháng 6, mà một nhà báo độc lập ở Việt Nam mô tả là “một trong những ngày lịch sử nhất trong lịch sử hậu chiến Việt Nam”, xuất hiện vì quyền sở hữu tài sản.
Đảng Cộng sản muốn giới thiệu ba đặc khu kinh tế mới (SEZ), trong đó các doanh nghiệp nước ngoài có thể thuê đất lên tới 99 năm. Một trong những đặc khu kinh tế này nằm sát biên giới Trung Quốc, và tình cảm chống Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy Đảng Cộng sản đang bán đất Việt Nam cho nhà thầu Trung Quốc.
Những người bình thường cũng đã [biểu tình] phản đối, cho rằng đó là quyền của họ, không phải quyền của đảng, để quyết định chuyện gì xảy đối với đất đai của đất nước. Họ đã thắng; chính phủ đã trì hoãn việc tranh luận dự luật này cho đến cuối năm nay.
Dù ít được nhìn thấy, nhưng có lẽ quan trọng hơn là có rất nhiều cuộc biểu tình đòi quyền sử dụng đất được chứng kiến ​​trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình này vẫn tiếp tục. Một trong những cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2017, khi một cuộc tranh chấp kéo dài cả năm của người dân Đồng Tâm, một ngôi làng gần Hà Nội, chống lại việc quân đội tịch thu đất đai của họ, đã trở nên xấu xí.
Các nhà chức trách đã bắt giữ hàng chục người phản đối trước khi những người này phản công lại, bắt giữ các viên cảnh sát làm con tin trong gần một tuần. Nhưng có được sự mạnh mẽ như vậy là nhờ cơn thịnh nộ đã được cởi mở trên mạng xã hội (và ngay cả trên truyền thông nhà nước) rằng chính phủ cuối cùng đã đầu hàng, cam kết sẽ tái điều tra khiếu nại của dân và phóng thích tất cả những người phản đối, ngay cả những người đã chống lại cảnh sát.
Năm ngoái, báo The Economist đã xác định đúng những trận chiến bất tận của Việt Nam về đất đai là “nguyên nhân chính gây ra những khiếu nại trong nước và là một trong những cơn đau đầu lớn nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền”. Trong nhiều cuộc chiến về quyền sử dụng đất là vấn đề mua lại. Đảng Cộng sản nói rằng, theo mặc định, tất cả đất đai thuộc nhà nước, mặc dù nó cho phép một số người có quyền “sở hữu” đất của họ thông qua các hợp đồng cho thuê.
Nhưng khi đảng muốn lấy lại đất này cho họ hoặc bán cho các nhà phát triển, họ thường bồi hoàn với giá thấp hơn giá thị trường, người dân không thể độc lập tranh đấu qua các tòa án do đảng kiểm soát. Thông thường, đảng áp đặt những vụ mua lại như vậy bằng vũ lực, dẫn đến nhiều người phải dời đi nơi khác.
Nó không giúp gì khi nhiều nhà phát triển trả tiền cho các quan chức địa phương để được hỗ trợ, cũng như những sự phức tạp về kỹ thuật trong quản lý đất đai. Điều quan trọng không kém là, trong nhiều trường hợp, những người bị ảnh hưởng bởi việc mua lại đất đai là cơ sở nông thôn của Đảng Cộng sản, khiến những người ủng hộ lâu năm xa lánh hơn.
Điều quan trọng nữa là sự trỗi dậy của hoạt động môi trường, đặc biệt kể từ các cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. Trái ngược với tình hình hiện nay, ngày càng có nhiều nhà hoạt động lập luận rằng, tất cả đất đai ở Việt Nam đều thuộc về người Việt, chứ không phải của Đảng Cộng sản, và người dân phải có một tiếng nói lớn hơn về những gì xảy ra đối với nó, để ngăn chặn các thảm họa môi trường trong tương lai. Cuối cùng thì việc xây dựng đập thủy điện là bóp nghẹt đồng bằng sông Cửu Long, sương mù làm nghẹt thở Hà Nội phần nhiều trong năm, và một phần đất ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể bị chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này.
Một số thay đổi đã được ban hành. Luật đất đai năm 2013 không công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng đã gia hạn thời gian cho thuê nhiều lô đất thêm 50 năm nữa. Tuy nhiên, điều này dường như chẳng được lợi lộc gì, và nhiều nhà phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình đòi quyền sử dụng đất sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản trong những năm tới.
Nhưng nếu đảng muốn ngăn chặn tất cả những điều này, thì họ sẽ phải dỡ bỏ quyền lực độc tôn của mình. Đầu tiên, họ có thể phải chấp nhận rằng, đất đai thực sự có thể được các cá nhân sở hữu, không có sự can thiệp của nhà nước. Thứ hai, để giải quyết các tranh chấp giữa chủ đất và các nhà phát triển một cách thích đáng, gồm cả những người được chính phủ hậu thuẫn, đòi hỏi phải có một cơ quan tư pháp độc lập để quyết định những vụ kiện này. Nhưng điều đó có nghĩa là đảng phải nới lỏng sự thống trị của mình đối với ngành tư pháp, là điều chắc chắn sẽ làm giảm khả năng thực thi luật lệ của họ. Nếu điều này xảy ra, tại sao không phải là một nền dân chủ đại diện?
Giống như các thuộc địa Tây Ban Nha ở Nam Mỹ trong quá khứ, Việt Nam có thể sẽ phải chịu tổn thất kinh tế vì thiếu quyền sở hữu tài sản. Điều này không có nghĩa là, không nơi nào trong số các thuộc địa đó thịnh vượng; mà vẫn một số nơi phát triển. Nhưng về lâu về dài, chúng bị chi phối bởi các nền kinh tế phía bắc, nơi có quyền sở hữu tài sản, được hưởng lợi nhiều nhất trong xã hội.
Cũng vậy, điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ không có tăng trưởng kinh tế; mà nó tăng trưởng trung bình 6,5% trong những năm gần đây. Nhưng nó có thể phát triển nhanh hơn nếu có quyền sở hữu tài sản và không có nó, Đảng Cộng sản cầm quyền có thể phải đối mặt với những vấn đề không thể vượt qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.