Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Đánh thức tiềm lực lương tri


Đánh thức tiềm lực lương tri

26-6-2018
Hôm kia, có 14 người đã phải bỏ mạng, mất tích và bị thương vì mưa lũ ở khu vực miền núi phía Bắc. Hôm qua là 25. Và, sáng nay lại là 33.
Trùng hợp là khi thiên nhiên đang nổi cơn thịnh nộ, khi dòng nước hung dữ gào thét, xé toạc những bản làng, những thôn xóm, khi những khối đất đá hung tợn ầm ào đổ xuống chôn vùi những phận người nhỏ bé, thì những người sẽ nắm trong tay vận mệnh của dân tộc này, những người sẽ xây đắp tương lai cho đất nước này, đang ngồi trong phòng thi, viết văn luận về chủ đề liên quan đến việc đánh thức tiềm lực thiên nhiên để làm giàu cho đất nước.
Biết bao nhiêu thế hệ người Việt đã lớn lên với bài học nằm lòng, đất nước Việt Nam giàu và đẹp, đất nước với rừng vàng biển bạc, với khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non, châu báu còn vô biên dưới thềm lục địa, rừng đại ngàn vàng, biển mênh mông bạc, phù sa như sữa mẹ và lòng đất còn giàu…
Và thế nên… Những thế hệ nối tiếp nhau mê mải đánh thức tiềm lực thiên nhiên, đánh thức bằng chặt phá, bằng đào bới, đánh thức bằng hút lên và bán thô hầu hết.
Nguyễn Duy hỏi “Mặt đất hôm nay các em nghĩ thế nào?”.
Các bạn trẻ ấy, tuổi đời nay đã sang mười tám. Tôi cũng muốn hỏi, những bạn trẻ lớn lên trên những quả đồi trái núi nơi đang quằn quại trong mưa lũ ấy, khi ngồi trong phòng thi, cầm cây bút viết, các em nghĩ gì về khát vọng đánh thức tiềm lực thiên nhiên và thực tế tan hoang vì mưa lũ ngoài kia?
Các em nghĩ thế nào, tôi không biết. Nhưng tôi biết, thiên nhiên đang phản hồi và đòi trả giá. Những cơn lũ dữ cuốn phăng cả sinh mệnh con người kia đến từ đâu? Chúng đến từ đâu nếu không phải từ bàn tay con người đã đánh thức vô tội vạ, đánh thức đến tàn tạ, đánh thức đến kiệt quệ cả thiên nhiên?
Lũ dữ đến từ đâu nếu không phải vì rừng vàng đại ngàn bị cạo thành những quả đồi trọc lốc? Chúng đến từ đâu nếu không phải vì một thực tế đắng ngắt rằng, quản lý lỏng lẻo, con người tha hoá, có những kiểm lâm lại chính là lâm tặc và chúng đã xẻ thịt tan nát rừng đầu nguồn?
Những cơn lũ quét dữ dội và táo tợn nhường ấy đến từ đâu nếu như không phải vì đồi núi bị đào, bị khoét, mặt đất bị bóc ra, để moi móc mọi thứ khoáng sản có thể bán thành tiền?
Tôi không phủ nhận những đóng góp của việc khai thác khoáng sản vào tăng trưởng kinh tế quốc gia trong những năm qua. Nhưng, nó có tương xứng hay không lại là vấn đề rất khác. Tình trạng sử dụng tài nguyên một cách vung vãi và phung phí, không đầu tư khoa học kĩ thuật, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo để làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đã dần dần làm cạn kiệt nguồn lực quốc gia.
Nhưng, điều đáng lo nhất là đất nước này vẫn chưa kịp lớn mà đã đến hồi phải trả giá cho thiên nhiên.
Phát triển kinh tế, mục đích cuối cùng và quan trọng hơn hết là để phục vụ cho cuộc sống của người dân. Nếu bao biện rằng phải khai thác khoáng sản, phải dời núi lấp bể mới phát triển, thì tại sao những địa phương khai thác nhiều khoáng sản, người dân lại vẫn cứ nghèo?
Bắc Cạn là một ví dụ. Mặc dù giàu tài nguyên, với 24 loại khoáng sản ở 273 điểm mỏ, từ 2011-2017 đã cấp 72 giấy phép khai thác, nhưng mỗi năm ngân sách chỉ thu được 60-70 tỉ đồng. Trong khi thu nhập của người dân thì vỏn vẹn 26 triệu đồng/năm, bằng một nửa mức bình quân của cả nước.
Vì sao ư? Vì sao, nếu không phải là vì những cái bắt tay dưới gầm bàn của các nhóm lợi ích khiến tài nguyên quốc gia bị chảy máu?
Những nhà gỗ nguy nga là của ai? Những đồ gỗ, nào bàn, nào ghế, nào tủ, nào kệ, xa hoa và lộng lẫy, làm từ những thân gỗ quý đang hiện diện trong tư phủ của những loại người nào? Ai là kẻ tham tàn, ai người phá hoại? Ai cưỡng bức thiên nhiên để đua đòi những thú chơi rởm đời, kệch cỡm? Có thể là ai đây, nếu không phải là một lũ quan viên, một bầy sai nha biến chất và một đám trọc phú hợm hĩnh, học đòi?
Bi kịch là kẻ vơ vét tài nguyên, kẻ tàn phá thiên nhiên thì ăn trên ngồi trốc, sống trong giàu sang, thừa mứa, trong khi hậu quả mà chúng để lại vì phá vỡ cân bằng tự nhiên là những nhà cửa bị sập, hoa màu bị tàn phá, là những con đường nhầy nhụa bùn đen đất đỏ, người dân phải nhận lãnh, người dân phải chịu đựng.
Thậm chí, khi phải trả giá bằng mạng người, thì vẫn cứ là dân – những phận người bé mọn đến mức dù đang là cha, là mẹ, là ai đó trong đời có tên có tuổi, bỗng chốc chỉ còn là một con số đếm, 14, 25, 33 trong các báo cáo thống kê thiệt hại cuối ngày sau lũ.
Cuộc đời con người khép lại trong trang hồ sơ, tư liệu về sự cuồng nộ của thiên nhiên. Mỗi người thành một con số. Những con số lạnh lùng, như bao năm vẫn thế, người ta sẽ lại lãng quên. Để lại hiện thực này những đứa trẻ không nhà, những đứa trẻ mất cha, những em thơ không còn mẹ, những đứa trẻ thiếu manh áo lành, thiếu mái trường ê a con chữ. Để lại hiện thực này những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, những đứa trẻ quay quắt đói nghèo…
Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Nguyễn Duy hỏi vì sao ư? Bởi vì bao nhiêu năm qua, tiềm lực thiên nhiên đã bị đánh thức bằng tư duy của một kẻ ngủ mê. Bây giờ, đừng nói về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đống hoang tàn này nữa. Bây giờ chỉ còn một thứ để khai thác là tiềm lực con người.
Bây giờ, đừng nói về đánh thức tiềm lực thiên nhiên nữa, mà hãy nói về việc thức tỉnh lương tri con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.