Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Đó là con đường…

Đó là con đường…

“Những người lãnh đạo Việt Nam hiện giờ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những lựa chọn này. Bằng cách dùng chính người Việt, dưới trang phục dân sự, để đàn áp người Việt, họ đã lựa chọn đi ngược lại tiến hóa của lịch sử. Tại sao họ lại chọn cách đàn áp của một thể chế độc tài thay vì lắng nghe và đối thoại như những con người trong một xã hội dân chủ?”
27-6-2018
Ấn tượng nhất về Washington DC đối với tôi không phải là Nhà Trắng, điện Capitol hay đền tưởng niệm Abraham Lincoln mà là những khu dân cư thật ra nằm không quá xa những địa điểm kể trên. Khi đi ngược các con đường số 16 hay 17 về phía Bắc thành phố, sau khi ra khỏi những khu dinh thự đồ sộ của các bộ ngành, cơ quan quốc tế như World Bank hay viện nghiên cứu như Brookings, CSIS, bạn dễ dàng lọt vào những khu nhà dễ thương và duyên dáng đến bất ngờ.
Tôi vẫn thường tâm niệm Paris là thành phố đẹp và không có đối thủ. Cho đến hôm nay. Các ngôi nhà nhỏ ở Washington DC đa dạng, từng nhà là đại diện tiêu biểu và duyên dáng nhất của các kiến trúc từ khắp nơi. Ở đây bạn có thể thấy những ngôi nhà mặt tiền đá vôi với các phù điêu lãng mạn kiểu Pháp, hay những khung cửa sổ bay window đưa ra ngoài đặc trưng của Anh trên những nền tường bằng gạch đỏ hay đen lạnh lùng và dè dặt, hay những cửa sổ cao để lấy ánh sáng thường thấy trên các nhà dọc các dòng kênh ở Amsterdam. Tất cả hòa trộn với nhau một cách nhẹ nhàng trong một không gian cây xanh và hoa lá điệu đàng và thuần thục, vừa có vẻ chăm chút vừa chen lẫn ồ ạt một cách bất cần để tạo nên những góc khuất bất ngờ làm tăng tính bí hiểm của những con đường vốn thẳng tắp ở DC.
Vâng, không như Châu Âu với những con đường ngoằn ngoèo không thấy chân trời, những con đường ở DC, dưới quy hoạch của một người Pháp Pierre L’Enfant, thẳng và vuông góc với nhau. Cỏ cây và hoa lá dường như cũng đồng điệu cùng kiến trúc, cũng đẹp một cách tự nhiên như là những chọn lọc của tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới về thủ đô của nước Mỹ. Đi trên đường phố, bạn dễ gặp những gương mặt tuấn tú, những ánh mắt sáng quắc hay những cơ thể gợi cảm vì đơn giản đó có thể là những kiều nữ từ Châu Á, hay một tay kinh doanh thượng hạng Trung Đông, một người đang nghiên cứu những cái quá nhỏ, hay một kẻ đơn thuần đang mang trong mình những giấc mơ quá lớn.
Tôi may mắn được ở một khách sạn ngay tại trung tâm DC, không xa Nhà Trắng. Người tạo điều kiện cho tôi ở đây nói muốn tôi chìm đắm trong lịch sử nước Mỹ mỗi khi ra đường. (Sự thật là không chỉ như vậy vì bản thân khách sạn cũng mang nhiều dấu ấn lịch sử). DC có cái hay là có nhiều cung đường kết hợp thành những hành trình di sản lịch sử (heritage trail). Một cách ngẫu nhiên tôi đi vào trail mang tên Roads to Diversity ghi lại những dấu ấn trên từng con đường về hành trình giải phóng người da đen, đó có thể là địa chỉ của John Brooks Henderson, thượng nghị sĩ bang Missouri, người đưa ra Tu chính án số 13 bãi bỏ chế độ nô lệ. Hay đầu đường là công viên mang tên Malcom X, một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho bình đẳng của người da đen.
Khi đi giữa DC, và ngay bây giờ viết lại những dòng này, và nói thật là khi đi bất cứ đâu, tôi không bao giờ không có cái cảm giác tự vấn của một người, ít nhất về mặt thể chất đang thấy mình ung dung khi những người thân, đồng bào của mình đang trãi qua những thảm cảnh cùng cực nhất tại quê hương. Một cảm giác nói theo kiểu những năm tiền chiến là bâng khuâng tiểu tư sản, không làm được gì và không đi về đâu, nhưng cảm giác đó là sự thật, sự thật của một người xa quê hương, đi thấy cái gì hay gì đẹp cũng nghĩ về Việt Nam.
Đặc biệt khi đi trên con đường này của nước Mỹ, con đường ghi dấu hành trình của con người tranh đấu để bình đẳng, để được sống, lên tiếng và mưu cầu hạnh phúc thì trong những ngày này tin tức Việt Nam sang là về những con người tự tách họ ra khỏi đồng loại bằng cách đeo khẩu trang, đội nón bảo hiểm để đàn áp đồng bào bằng nắm đấm, dùi cui, quăng lên xe, đánh trong đồn, khủng bố và đàn áp hàng trăm hàng ngàn người chỉ vì họ muốn thực thi quyền được lên tiếng một cách ôn hòa.
Những gì diễn ra trong các cuối tuần 10, 17, 24/6 tại Việt Nam là tội ác!
Những người lãnh đạo Việt Nam hiện giờ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những lựa chọn này. Bằng cách dùng chính người Việt, dưới trang phục dân sự, để đàn áp người Việt, họ đã lựa chọn đi ngược lại tiến hóa của lịch sử. Tại sao họ lại chọn cách đàn áp của một thể chế độc tài thay vì lắng nghe và đối thoại như những con người trong một xã hội dân chủ? Tại sao lại phải biện bác bằng mọi cách cho một triều đình thiên tử trị với đại diện là một nhóm tự gọi là tinh hoa để cai trị? Mà không hòa mình vào với cách thức của những thể chế nhân văn, tin tưởng vào con người và dùng niềm tin đó để nâng từng con người lên, và đặc biệt những người đó là đồng bào, cũng máu đỏ da vàng với mình, chỉ khác duy nhất là không mang khẩu trang và thừa lòng yêu nước? Từ bao giờ những người đi lên từ đám đông lại tự cho mình cái quyền quyết định thay cho đại đa số dân chúng, và áp đặt quyết định của họ bằng bạo lực, bằng cách dùng người chống lại người, đi ngược lại con đường đến với văn minh của nhân loại?
Vài ngày trước khi còn ở New York, tôi đọc được câu này của một công dân Mỹ, John D. Rockefeller, tại Center mang tên ông: I believe in the supreme worth of the individual and in his right to life, liberty and the pursuit of happiness.
Tin vào từng người Việt và quyền của họ trong việc theo đuổi tự do, công bằng và hạnh phúc, là cách để giải phóng người Việt, khai phóng năng lượng và sự nhân văn vô tận của từng người Việt và của cả nước Việt Nam. Đó là con đường.
Một số hình ảnh tác giả Lê Trung Tĩnh chụp ở Washington DC:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.