Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Ai phải trả giá? Thủy điện – thủy tai?


Ai phải trả giá? Thủy điện – thủy tai?

26-6-2018

Ảnh: Na Sơn

Tấm ảnh này của mình chụp (từ 2011) khi đi làm một dự án ảnh về môi trường được chia sẻ nhiều trên mạng mấy hôm nay khi vùng núi Đông, Tây Bắc vừa bị mưa lũ quét qua gây thiệt hại nặng nề về cả người lẫn của.
Rừng đầu nguồn vẫn cứ bị phá dần mòn, mưa lũ vẫn cứ tăng độ tàn phá. Đấy là điều các nhà khoa học, môi trường, báo chí… nói ra rả trong những năm qua. Nhưng kịch bản vẫn diễn ra y như vậy. Những năm trước là miền Trung, Tây Bắc, Đông Bắc thì những năm sau lại vẫn miền Trung, Tây Bắc, Đông Bắc oằn mình trước mưa lũ. Chỉ có điều là phạm vi ngày càng lan rộng, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mấy năm trước cũng tầm thời gian này, mình đang đi cao nguyên đá Hà Giang. Lúc đó đang có cuộc quyên góp nho nhỏ để giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Những người dân tộc thiểu số, cán bộ xã, giáo viên… ở đấy không thể ngờ rằng chỉ mấy năm sau thôi, họ lại bị ở vai trò đối tượng được cứu giúp khi những cơn lũ tìm đến họ ở tận trên núi cao.
Lý giải điều ấy không khó. Hãy nhìn vào số lượng 43 dự án thủy điện chủ yếu là vừa và nhỏ được triển khai tại Hà Giang. Khi Lò T. Th, cô bạn mình trích 1 phần thu nhập từ lương cán bộ xã đóng góp từ thiện cho miền Trung vì “sao họ khổ thế?! Bọn em ở trên này tuy khó khăn nhưng còn may mắn hơn vì không chịu cảnh lũ lụt” thì trên dòng sông Nho Quế mới có thủy điện Nho Quế 1. Bây giờ đã có đến thủy điện Nho Quế 4 và thêm 3 cái nữa ở hạ nguồn sông này. 7 cái tổng cộng. Thủy điện Sông Miện cũng được đánh số tới Sông Miện 6. Xã thâm sơn cùng cốc Bát Đại Sơn (Quản bạ) cũng “được” các nhà đầu tư mang đến cho 1 nhà máy, ngay dưới nó một quãng là thủy điện Thái An, thủy điện Thuận Hòa.
Mỗi nhà máy mọc lên là rừng lại tan hoang thêm một khoảng lớn. Mỗi hồ đập mới được xây là xả lũ vô tội vạ. Ngay đầu năm 2018, Hà Giang công bố một loạt các sai phạm của hàng loạt nhà máy thủy điện ở đây. Và đến bây giờ, cái giá của chúng đã hiển hiện ngay trước mắt bằng mạng người chết, bằng nhà cửa đổ nát, hoa màu mất…
Làm giàu có giá
Nhiều gia đình của chúng ta chọn cách kiếm tiền bằng mọi giá. Họ bất chấp sức khỏe, đạo đức và các hệ lụy khác miễn là có thật nhiều tiền trong thời gian ngắn. Nhiều gia đình khác thì chọn cách sống nhẹ nhàng hơn, có thể ít tiền hơn nhưng gia đình gần gũi, khỏe mạnh.
Chọn thế nào là do quyết sách của người chủ gia đình và các thành viên. Và hậu quả xấu, nếu có thì họ phải tự gánh chịu. Điều này cũng không khó thấy ở tầng lớp người nghèo Việt Nam. Nông dân giờ bị ung thư nhiều hơn người thành thị. Công nhân sống chật chội, tạm bợ ở khu công nghiệp mắc nhiều bệnh tật hơn thanh niên khác.
Nhưng ở tầm vĩ mô. Những quyết sách không ảnh hưởng trực tiếp đến thành viên của lãnh đạo, của chủ doanh nghiệp. Chủ đầu tư của những nhà máy thủy điện trên sông Nho Quế lại ở tận TPHCM, ngồi trên tòa nhà cao nhất thành phố, có sân đỗ trực thăng. Những vị lãnh đạo tỉnh huyện và con cái họ cũng chả làm sao khi lũ quét vào xã Lùng Tám, hạ nguồn của mấy cái thủy điện bậc thang họ ký duyệt. Người chết có tên, có tuổi. Toàn những người thiểu số cả đời loanh quanh ở bản, có khi còn chưa ra thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ cách đó 14km bao giờ…
Làm giàu ngoài tiền nong thu được còn có cái giá đắt phải trả. Người ta chẳng gọi là tiền bạc, tiền tệ nhỉ?!
Có những nơi họ chọn phát triển chậm hơn nhưng bền vững. Đấy là vì họ nghĩ đến những số đông dân chúng cũng như nghĩ về thành viên gia đình mình. Có những nơi lại chọn tiền bạc. Số đông kia dù sao cũng rất mơ hồ, xa xôi.
Bi kịch…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.