Việt Nam vẫn chưa có cải thiện trong công tác chống nạn buôn người
RFA 28-6-2018
Hoa Kỳ vào chiều ngày 28 tháng 6 theo giờ miền đông nước Mỹ cho công bố Phúc trình năm 2018 về nạn buôn người.Theo phúc trình được công bố thì năm nay Việt Nam tiếp tục bị xếp Bậc 2. Đây là mức mà Hà Nội bị xếp kể từ năm 2012 cho đến nay.
Phúc trình về nạn buôn người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nêu rõ Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc xóa bỏ nạn buôn người. Tuy nhiên, Hà Nội có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực này.
Cụ thể đó là việc sửa đổi luật hình sự về tội phạm buôn người; thành lập lực lượng chấp pháp tại những khu vực biên giới; và khởi sự đánh giá việc thực thi chương trình hành động quốc gia phòng chống buôn người.
Hoa Kỳ đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống nạn buôn người. Đó là nên phát triển và đào tạo các giới chức về thực thi các điều khoản 150, 151 trong Bộ Luật Hình Sự sửa đổi thông qua biện pháp tập trung vào xác định, điều tra các vụ cưỡng bức lao động và buôn người trong nước. Tăng cường nổ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động và thể chế hóa qui định ngăn cấm việc áp đặt phí tuyển dụng. Điều chỉnh và thực thi chính sách nhằm xác định và trợ giúp nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương như các công nhân nhập cư, lao động trẻ em, cá nhân hành nghề mại dâm. Sửa đổi Luật Hình sự qui định tội phạm hóa tất cả những hình thức buôn bán trẻ vào đường dây mại dâm tương thích với luật quốc tế.
Theo nhận định trong Phúc trình 2018 về nạn buôn người được công bố thì tình trạng thiếu phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh, hạn chế ngân sách, kém hiểu biết luật pháp của các giới chức địa phương, cũng như chồng chéo về vai trò và trách nhiệm trong Chương trình Hành động Quốc Gia chống buôn người khiến nỗ lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này bị hạn chế.
Một số viên chức, chủ yếu ở cấp thôn- xã, nhận hối lộ từ bọn buôn người đã bỏ qua mọi chỉ dấu về tội phạm này; thậm chí còn trục lợi trong công tác cho nạn nhân tái hợp với gia đình.
Số liệu đưa ra cho thấy trong năm 2017, cơ quan chức năng Việt Nam báo cáo phát hiện 670 nạn nhân. Vào năm trước đó là 1128 nạn nhân. Tuy nhiên, không có phân loại độ tuổi, giới tính, địa phương gốc và nơi đến…
Trong năm năm qua, Việt Nam là nguồn xuất bán những đối tượng nam giới, phụ nữ và trẻ em vào đường mại dâm hay cưỡng bức lao động. Số này đến Việt Nam ở mức độ ít hơn.
Đối với lực lượng đi xuất khẩu lao động, những công ty môi giới thường không phản hồi yêu cầu trợ giúp của những công nhân rơi vào hoàn cảnh bị bóc lột, bị nợ nần do mức phí quá cao…
Trong phát biểu công bố Phúc trình năm 2018 về nạn buôn người, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho rằng phúc trình năm nay tập trung vào những cách thức hữu hiệu mà cộng đồng địa phương có thể giải quyết nạn buôn người một cách chủ động, cũng như cách thức mà nhà nước có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cộng đồng đó. Ông Pompeo nói rằng trong thế giới ngày nay không có chỗ cho nạn nô lệ mới, và thông qua các can dự ngoại giao cũng như hành động thêm nữa, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ được tiếp tục duy trì bền vững trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.