Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Bắc Kinh và chiến lược quyền lực mềm

Bắc Kinh và chiến lược quyền lực mềm

Mạnh Kim
HIỂU THÊM VỀ TRUNG QUỐC

“Điệp vụ Biển Đỏ” được sản xuất với ban cố vấn quân sự Trung Quốc (cfensi)
Cùng với mũ chuồn, áo thụng của những Khổng Tử cầm sách Mao, những tên lính đặc nhiệm Trung Quốc trên màn bạc cũng đang thực hiện các chiến dịch quảng bá quyền lực mềm của Bắc Kinh ra khắp thế giới. Bộ phim “Điệp vụ Biển đỏ” được duyệt chiếu tại Việt Nam vào tháng 3-2018 là ví dụ mới nhất cho thấy sự tăng tốc của Trung Quốc trong việc sử dụng quyền lực mềm. Và không chỉ bằng công cụ văn hóa.
Kim tiền đi trước…
Trong bài xã luận (không đề tên tác giả) cách đây không lâu, Tân Hoa Xã bày tỏ: “Ủy viên Bộ chính trị đặc trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc đã dẫn giải chi tiết về chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Trong bài viết dài mang tựa “Sự cam kết phát triển hòa bình”, họ Đới nói rằng Trung Quốc cần hợp tác với các nước trên tinh thần tất cả cùng có lợi, thay vì đi theo con đường chủ nghĩa bá quyền nhằm phục vụ lợi ích riêng quốc gia. Theo ngôn ngữ diễn đạt của Đới, cam kết Trung Quốc đối với sự phát triển hòa bình “sẽ không thay đổi trong 100 năm hoặc thậm chí 1.000 năm”!
Vượt qua Úc, Trung Quốc đã trở thành nhà viện trợ nhiều nhất cho Fiji. Viện nghiên cứu Lowy (Úc) cho biết, Trung Quốc chi gần 1,5 tỷ USD cho khu vực Thái Bình Dương nói chung kể từ năm 2006, hơn Pháp hoặc EU, và gần bằng mức viện trợ của những đối tác Thái Bình Dương truyền thống như Nhật và New Zealand. Tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2013 ở Quảng Châu, Trung Quốc còn hứa giảm thuế nhập khẩu cho các đảo quốc Nam Thái Bình Dương đồng thời cho vay 1 tỷ USD. Tháng 11-2014, Tập Cận Bình kinh lý Fiji và từ đó viện trợ cho đảo quốc này, tương tự khu vực Thái Bình Dương, tăng dần.
Chẳng tử tế gì. Như châu Phi, “viện trợ” để dễ tiếp cận khai thác tài nguyên là mục đích của Bắc Kinh: mỏ nikel Ramu 1,6 tỷ USD tại Papua New Guinea hiện trở thành hoạt động khai thác tài nguyên lớn nhất của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Zhongrun International là cổ đông chính tại mỏ vàng Vatukoula (Fiji); trong khi đó, Xinfa Aurum là nhà khai thác bauxite tại đảo Vanua Levu (Fiji)…
Không chỉ Thái Bình Dương, Trung Quốc tiếp tục đi sâu vào Nam Mỹ. Ecuador là một ví dụ. Sâu trong rừng rậm Amazon, dưới chân ngọn Andes, gần 1.000 công nhân Trung Quốc đang xây một con đập khổng lồ và một đường hầm dài hơn 30 km. Dự án 2,2 tỷ USD này sẽ lấy nước sông đổ vào 8 turbine được thiết kế có thể thắp sáng cho hơn 1/3 Ecuador. Khắp quốc gia này, nơi nào cũng thấy dấu chân Trung Quốc, từ làng mạc đến thành thị, từ cầu đường, bệnh viện đến thậm chí camera an ninh tại quần đảo Galápagos cách bờ biển Ecuador hơn 900 km. Hệ thống ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã cho Ecuador vay, tính đến giữa năm 2015, gần 11 tỷ USD…
Như chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc David Shambaugh viết trên Foreign Affairs, Bắc Kinh đã tung ra những “lạt mềm buộc chặt” bằng các định chế đề xuất chẳng hạn Ngân hàng Phát triển Mới (Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi); Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và Khu vực mậu dịch tự do Châu Á-Thái Bình Dương. Trong thực tế, Trung Quốc chi rất mạnh tay: 50 tỷ USD cho Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á; 41 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển Mới; 40 tỷ USD cho Vành đai kinh tế con đường tơ lụa; 25 tỷ USD cho Con đường tơ lụa hàng hải… Đó là chưa kể cam kết đầu tư 1,25 ngàn tỷ USD khắp thế giới từ nay đến năm 2025.
Đây là những khoản chi chưa có tiền lệ. Thậm chí thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô cũng chưa xài mạnh đến mức này. Những cam kết gần đây của Trung Quốc cho thấy họ có thể chi tổng cộng 1,41 ngàn tỷ USD – một số tiền khổng lồ so với tổng chi phí Kế hoạch Marshall chỉ 103 tỷ USD theo thời giá hiện nay. Ngoài ra, Bắc Kinh còn xả láng cho những chương trình đánh bóng quốc gia, về truyền thông, giáo dục, nghệ thuật, thể thao… Không ai biết chính xác Trung Quốc chi bao nhiêu cho những chương trình tuyên truyền ngoài luồng nhưng giới phân tích cho rằng ngân sách này ngốn đến 10 tỷ USD/năm (trong khi đó, Bộ ngoại giao Mỹ chỉ chi 666 triệu USD cho ngân sách “ngoại giao công chúng” trong năm tài khóa 2014).
Văn hóa theo sau
Chính sách tung đòn “nhuyễn lực” của Trung Quốc thể hiện ở việc đầu tư hàng tỷ đôla để phát triển hệ thống truyền thông ra toàn cầu (lập kênh CCTV-International năm 2004; kênh tiếng Arab phát 24/24 tại Trung Đông và châu Phi năm 2009; mua bảng điện quảng cáo dài hạn, với chi phí khoảng 400.000 USD/tháng, tại quảng trường Times-New York cho Tân Hoa Xã năm 2010…).
Một loại vũ khí nữa là giáo dục. Hiện có khoảng 300.000 sinh viên nước ngoài học tại Trung Quốc (chủ yếu là ngôn ngữ). Mỗi năm, Hội đồng học bổng Trung Quốc đưa ra khoảng 20.000 học bổng cho sinh viên nước ngoài. Các cơ quan cấp bộ Trung Quốc cũng tổ chức khóa học cho giới chức ngoại giao và sĩ quan quân đội cho các nước đang phát triển… Trên một mặt trận khác, Bắc Kinh quảng bá mạnh văn hóa thông qua thể thao, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, văn chương và kiến trúc. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật phong kiến tại phương Tây. Năm 2012, sự kiện Mạc Ngôn được trao Nobel Văn chương và Vương Chu giành giải kiến trúc danh giá Pritzker đã được báo chí Trung Quốc tô đậm.
Trung Quốc cũng bắt đầu làm mạnh cái gọi là “ngoại giao chủ nhà”, bằng cách tổ chức các chương trình hội thảo chính phủ lẫn phi chính phủ. Chưa kể những hội thảo qui mô quốc tế chẳng hạn Diễn đàn Bác Ngao; Diễn đàn phát triển Trung Quốc; Diễn đàn Bắc Kinh; Diễn đàn hòa bình thế giới của Đại học Thanh Hoa; Diễn đàn thế giới về nghiên cứu Trung Quốc; Hội nghị thượng đỉnh các tổ chức nghiên cứu toàn cầu… Cơ quan quốc tế vụ của Đảng cộng sản Trung Quốc còn tổ chức hội thảo thường niên “Đảng và đối thoại thế giới” trong đó giới chính trị gia nước ngoài được mời dự với tiền vé và ăn ở được đài thọ hoàn toàn. Học viện ngoại giao nhân dân Trung Quốc, thuộc Bộ ngoại giao nước này, cũng tổ chức các chương trình tương tự, để tạo quan hệ với những gương mặt ngoại giao thế giới đang lên. Còn nữa, Viện chiến lược quốc tế và Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế, liên quan đến quân đội và tình báo, cũng thường xuyên mời các chuyên gia an ninh nước ngoài, để thu thập ý kiến và cùng lúc “giải thích” chiến lược của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông – nhân vật đang được xem là chủ chốt trong các chuyến công du xây dựng quyền lực mềm của Bắc Kinh (xinhua)
Vai trò các tổ chức nghiên cứu độc lập (think tank) cũng được phát huy. Phải kể đến là Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Viện nghiên cứu quốc tế, Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Viện khoa học xã hội và Viện khoa học xã hội Thượng Hải. Năm 2009, một số nhà tài trợ tư đã thành lập Viện Charhar, đặc trách việc cải thiện và nâng cao hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài. Tổng quát, Bắc Kinh đang chi hàng tỷ đôla cho những nỗ lực toàn diện nhằm cho thế giới thấy một Trung Quốc “phát triển bình thường”.
Cơ quan đầu não cho chiến dịch đánh bóng Trung Quốc là Cục thông tin hội đồng nhà nước (“Quốc vụ viện tân văn biện công thất”; SCIO). Mỗi tháng 12, SCIO tổ chức hội nghị thường niên để hoạch định kế hoạch tuyên truyền cho năm tới. SCIO hướng dẫn và chỉ thị gần như mọi công tác liên quan truyền thông, từ báo chí đến điện ảnh, với mục tiêu nhắm vào Đài Loan, Hong Kong, cộng đồng người Hoa hải ngoại đến du khách và doanh nhân nước ngoài. Chi tiết “đánh đấm” cụ thể được các cơ quan thông tấn phụ trách, chẳng hạn Tân Hoa Xã, nơi sử dụng 3.000 nhà báo với 400 người trong số đó nằm tại 170 văn phòng nước ngoài.
Cùng tác chiến với Tân Hoa Xã là Đài truyền hình trung ương nhà nước (CCTV), nơi mà từ năm 2000 đã thành lập CCTV International phát bằng 6 thứ tiếng. Năm 2012, CCTV mở văn phòng sản xuất tin tức tại Nairobi (Kenya) và Washington DC. Ngoài ra, còn có Đài phát thanh China Radio International, với 27 văn phòng hải ngoại, phát 392 giờ tin tức mỗi ngày bằng 38 thứ tiếng. Những công cụ này là vũ khí để Trung Quốc đối trọng với các hãng tin phương Tây trong cuộc chiến tuyên truyền, không chỉ tô vẽ cho Trung Quốc mà còn lấp liếm những vấn đề liên quan chủ quyền biển đảo tại biển Đông.
Có thể nói Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào truyền thông. Tờ South China Morning Post (SCMP) 114 tuổi của Hong Kong đã được tập đoàn Alibaba mua vào năm 2016 và biến nó thành cái loa phát ngôn tuyên truyền cho Bắc Kinh. Cần mở ngoặc, trái với tinh thần báo chí độc lập, SCMP giờ đây bắt đầu quen với lối làm báo tự kiểm duyệt. Năm 2017, SCMP phải rút lại một bài báo kinh tế có nội dung nói về một nhà đầu tư tại Hong Kong có quan hệ với một cố vấn tay phải của Tập Cận Bình! Tác giả bài báo, cô Shirley Yam, thậm chí phải từ chức. Tháng 2-2018, một số phóng viên SCMP cho biết (dẫn lại từ New York Times), Bộ Công an Trung Quốc đã ép ban biên tập SCMP đưa phóng viên đến phỏng vấn ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), người từng viết rất nhiều sách chỉ trích chế độ Bắc Kinh (và sau nhiều năm trốn chạy đã bị an ninh Trung Quốc bắt). Trong cuộc phỏng vấn được sắp đặt sẵn, ông Quế đã “tự thú” rằng mình “sai lầm”, “thiếu hiểu biết”, “vi phạm luật pháp” và “không muốn nước ngoài can thiệp” vào trường hợp mình…
Giữa tháng 3-2018, theo Tân Hoa Xã, Cục du lịch (“Quốc gia lữ du cục”) sáp nhập vào Bộ văn hóa Trung Quốc. Trong cùng thời gian, Cục điện ảnh - vô tuyến - xuất bản - báo chí - truyền hình (tên Trung Quốc là “Quốc gia quảng bá điện ảnh điện thị tổng cục”) cũng chuẩn bị sáp nhập với Bộ Văn hóa. Đây chắc chắn là một bước để Bắc Kinh tập trung nguồn lực vào các chiến dịch triển khai quyền lực mềm mà từ năm 2007 Hồ Cẩm Đào đã cổ súy. Trong thực tế, Trung Quốc đã đạt ít nhiều thành quả. Trong bảng “Chỉ số Quyền lực Mềm 2017” (Soft Power 30 Index, được thực hiện bởi một công ty tư vấn chiến lược truyền thông tại London cùng Trung tâm đối ngoại công chúng thuộc Đại học Southern California), Trung Quốc được xếp hạng 25, so với 28 vào năm 2016.
M.K.
Nguồn: https://www.triviet.news/bac-kinh-va-chien-luoc-quyen-luc-mem/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.