Bộ Công an nâng cấp việc truy nã Vũ Đình Duy
Hiếu Bá Linh, tổng hợp
2-6-2018
Giải mã Quyết định truy nã ngày 31/05/2015 của Bộ Công an. Số phận Vũ Đình Duy rồi sẽ ra sao? Có giống số phận Trịnh Xuân Thanh hay không?
Khoảng một ngày sau khi Bộ Công an phát lệnh truy nã Vũ Đình Duy lần thứ hai, ngày 02.06.2018, báo Dân Trí trong nước đã đăng một bài viết kêu gọi Vũ Đình Duy về đầu thú với lời lẽ ám chỉ một vụ bắt cóc có thể xảy ra: “Không trốn được đâu, Duy ạ. Hãy nhìn lại những ‘đấng bậc đàn anh‘ hơn Duy nhiều như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh thì ‘lưới giời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt‘. Họ đều về với vành móng ngựa cả”.
Thậm chí bài viết còn đe dọa thẳng thừng rằng Vũ Đình Duy có thể bị kết án tử hình: “Rồi đây, nếu tòa án xác định Duy nhận hối lộ thì với tội danh này, khung hình phạt rất cao, có thể là mất mạng. Cho nên con đường tốt nhất, có thể cứu mạng cho Duy, đó là về để đầu thú. Về thôi Duy ơi!”
Vấn đề đây không phải là những lời đe dọa suông với Vũ Đình Duy mà nó có vai trò như “tiếng súng hiệu lệnh tấn công”. Khoảng nửa năm trước, khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, tờ Dân Trí cũng đăng một bài viết tương tự và của cùng một tác giả. Bài viết lúc đó mang tựa đề “Về thôi, chú Trịnh Xuân Thanh ơi!” và có cùng một giọng điệu từ kêu gọi nhẹ nhàng như: “…‘lưới giời tuy thưa nhưng khó lọt‘, trốn làm sao được mà trốn. Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật”.
Cho đến răn đe “quyết tâm bắt cho bằng được”: “Hôm vừa rồi, trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội, ông Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự quyết tâm truy chú đến cùng. Ông Vương nói: ‘… Có những tội phạm mà lệnh truy nã không có thời gian kết thúc, phải truy đến cùng‘…”.
Cuối cùng, quả thật Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt Nam dùng vũ lực bắt cóc đem về nước.
Nâng cấp việc truy nã Vũ Đình Duy
Từ khi bị bắt cho đến nay Trịnh Xuân Thanh bị giam giữ trong Trại giam A14 tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Trại giam A14 là trực thuộc Cục An ninh điều tra (A92) của Tổng cục An ninh – Bộ Công an. Đó cũng chính là cơ quan mới vừa được giao cho nhiệm vụ truy nã Vũ Đình Duy vào ngày 31.05.2018 vừa qua.
Như thế, việc truy nã Vũ Đình Duy đã được nâng cấp, không còn thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, mà đã được bàn giao sang Cơ quan An ninh Điều tra (A92) của Tổng cục An ninh – Bộ Công an. Cơ quan này điều tra các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm nghiêm trọng khác. Thành tích gần đây nhất, bị can Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) đã bị bắt, sau 14 ngày Cơ quan An ninh (A92) của Tổng cục An ninh – Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Cách đây gần một năm, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và truy nã Vũ Đình Duy về tội trạng “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nay Bộ Công an vừa bổ sung khởi tố thêm tội “Nhận hối lộ” và giao nhiệm vụ truy nã Vũ Đình Duy cho Cơ quan An ninh Điều tra (A92) của Tổng cục An ninh – Bộ Công an.
Đặc biệt, Tổng cục An ninh – Bộ Công an là nơi Trung tướng Đường Minh Hưng giữ chức Phó Tổng cục trưởng và tướng Hưng đã đích thân bay sang Đức chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Từ việc truy nã Vũ Đình Duy được nâng cấp, bài viết “Số phận Vũ Đình Duy rồi sẽ ra sao?” trên tờ Dân Trí đã đi đến kết luận: “Số phận” của Vũ Đình Duy “đã điểm rồi”, tức là giống số phận Trịnh Xuân Thanh:
“Đành rằng sự xuất hiện của Duy lúc này sẽ làm những ai o bế, che chắn… và hơn thế nữa… sẽ ‘tim đập, chân run‘. Chắc chắn họ không, một ngàn lần không muốn Duy trở về nhưng ‘hãy tự cứu mình‘ bởi tiếng chuông số phận đã điểm rồi Duy ạ!”
Chương trình bảo vệ nhân chứng (Zeugenschutzprogramm)
Mặc dù Phiên tòa khai mạc hôm 25.04.2017 được bảo vệ an ninh rất ư là nghiêm ngặt, nhưng trong những lần tiếp theo an ninh ngày càng thắt chặt nhiều hơn nữa. Người tham dự bị khám xét 2 lần, tại cổng tòa án và tại cửa vào phòng xử. Ngoài việc đi qua những máy soi như ở phi trường, còn bị khám xét bằng tay, giầy cũng phải cởi ra để khám xét, giấy tờ tùy thân của người tham dự bị chụp lưu lại. Không được đem bất cứ vật dụng gì, kể cả máy điện thoại, máy chụp hình, máy quay phim v.v… vào phòng xử. So với phiên tòa hôm khai mạc, những lần sau này thậm chí không cho mang đồng hồ vào phòng xử. Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi riêng biệt trong một phòng có kính chống đạn.
Các nhân chứng đi bằng một đường hầm riêng biệt dẫn thẳng tới phòng xử dưới sự bảo vệ cẩn mật của 4 nhân viên an ninh mặc thường phục đeo súng đi kèm, đó là chưa kể đến các nhân viên an ninh tư pháp mặc sắc phục luôn luôn túc trực tại phòng xử. Nghiêm ngặt đến nỗi, một nhân viên an ninh còn ngồi chung bàn với nhân chứng trong lúc tòa án hỏi cung.
Các nhà báo Đức và luật sư Đức nhiều năm trong nghề đã từng tham dự nhiều phiên tòa, kể cả những phiên tòa xét xử khủng bố, họ nói chưa từng thấy vụ xét xử nào được bảo vệ an ninh cực kỳ nghiêm ngặt như vụ xét xử này, thậm chí các nhà báo không được mang bút bi, bút mực vào phòng xử mà chỉ được phép mang bút chì mà thôi.
Chắc chắc sau khi khai mạc phiên tòa phía Đức đã nhận được những thông tin tình báo, những chỉ dấu nào đó nên các biện pháp an ninh ngày càng nghiêm ngặt. Người Đức không bao giờ vô cớ mà đề phòng đến mức cực kỳ như thế.
Các nhân chứng trong vụ trọng án này như vợ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và hôn thê Nguyễn Vân Anh được bảo vệ theo Chương trình Bảo vệ nhân chứng (Zeugenschutzprogramm) vì bị nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể trong vụ trọng án này là nguy cơ “giết người diệt khẩu“. Công việc này là nhiệm vụ của cảnh sát hình sự (Kriminalpolizei) và không phải họ chỉ bảo vệ nhân chứng lúc xuất hiện ở tòa mà thôi, mà nhân chứng được bảo vệ 24/24 giờ.
Ít nhất cho đến cuối tháng 8 năm nay (dự trù kết thúc phiên tòa) tình hình cực kỳ căng thẳng với nhiều biến động có thể xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.