Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Vũ Nhôm hay câu chuyện kiểm soát thời hội nhập

Vũ Nhôm hay câu chuyện kiểm soát thời hội nhập


Vũ Nhôm sẽ bị trục xuất hay được cấp phép tỵ nạn ở một nước châu Âu nào đó? Đây là câu hỏi lớn hiện nay.

Tuy nhiên, đi đằng sau câu hỏi nêu trên là một câu hỏi không kém phần quan trọng: tính kiểm soát vấn đề của Việt Nam đến đâu? Ở đây “Việt Nam” được hiểu là đội ngũ tìm kiếm những con “hổ, ruồi, cáo” do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Không còn là một “Trọng Lú”, ông Tổng Bí thư cho thấy một chuyên chính Đảng đang trở lại dưới sự chèo lái của ông, mặc dù những yếu tố giáo điều ông vẫn ngày đêm rao giảng, nhưng không thể phủ nhận – tính đảng tăng cường khiến cho lợi ích nhóm có phần thuyên giảm; liên tục trong những tháng gần đây, những củi dầu, củi khô và củi tươi liên tục được nhóm vào bếp lò; từ lĩnh vực đất đai cho đến vấn đề tài chính, khoáng sản.

“Bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh từ Đức trở về, truy nã Vũ “Nhôm”,… cho thấy phần nào tính xuyên biên giới của cuộc chiến “nhóm lò” này. Và từ đây, cũng đã dẫn dắt một câu chuyện là: tính kiểm soát của vấn đề đi đến đâu – như đã nêu ở trên.

Hiện Vũ “Nhôm” về hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: giữa Việt Nam và Singapore có hiệp ước dẫn độ hay không?; giữa Việt Nam và Singapore có cùng là một thành viên tham gia công ước chống tội phạm hay không?; và giữa Việt Nam và Singapore có đang theo đuổi nguyên tắc “có qua có lại” hay không?

Nếu giữa Việt – Singapore không có hiệp định khung về dẫn độ thì hai yếu tố còn lại sẽ là cuộc đấu tranh ngoại giao. Nhưng nếu ngoại giao không được thì liệu có dẫn đến trường hợp “bắt cóc” lần 2?

Vũ Nhôm bị bắt giữ ở Singapore, xin tị nạn tại Âu Châu

Trong một bài viết được đăng tài trên báo Asia Times vào ngày 3/1/2018), tác giả Shawn Crispin cũng đặt ra câu chấp vấn: Phải chăng sự thanh trừng ở Việt Nam đang vượt ngoài vòng kiểm soát?”

Và như một sự ngẫu nhiên, tác giả Phạm Hưng Quốc trên Viet-studies trong một bài viết mang tên: “Dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới” đã cho biết một ý chính quan trọng như sau.

“Ngay từ khi Trịnh Xuân Thanh được đưa về Việt Nam các cơ quan an ninh và chuyên gia trong và ngoài nước đã có những tư vấn kịp thời với lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm tránh đi những tổn hại đáng tiếc về ngoại giao và bang giao kinh tế nhưng dường như chẳng ai trong lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam quan tâm đến những lời tư vấn này và đã không làm những việc cực kỳ đơn giản để không làm trầm trọng hóa vấn đề này.”

Và dù, “ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông đã chọn một con đường khác hẳn với con đường mà người tiền nhiệm của ông là Nông Đức Mạnh đã lựa chọn” thì “cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ không phải chỉ là câu chuyện nội bộ của Việt Nam”.

Nhận định này là phù hợp với thực tế, bởi câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ít nhiều cho thấy, nó đã vượt ra khỏi lằn ranh dự liệu của đội ngũ “chống tham nhũng” mang tên ông Nguyễn Phú Trọng; trong thời điểm Hà Nội đang đề cao sự hội nhập về kinh tế, nhất là đối với khối Hoa Kỳ và EU. Những tác động của Trịnh Xuân Thanh được dù mục đích là “truy bắt bằng được người gây hụt ngân sách quốc gia” thì hình thức và cách thức của nó lại được coi như là một sự chà đạp lên luật pháp quốc tế, thiếu tính bang giao, thiếu sự tôn trọng nước Đức và trở thành một câu chuyện mà ông Bộ trưởng Ngoại giao Đức ví như là một phi vụ chỉ có trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Do đó, nếu ông Vũ Nhôm bị bắt theo cách thức Trịnh Xuân Thanh thì tác động của việc bắt giữ này sẽ lớn hơn rất nhiều, và khu vực ASEAN sẽ trở thành một khu vực của sự nghi ngờ, thậm chí các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ không còn được chào đón chữa bệnh tại quốc đảo này. Chưa kể, Singapore là quốc gia ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông.

Xử lý khôn khéo vấn đề Vũ Nhôm sẽ trả lời phần nào cho bài toán: Việt Nam kiểm soát đến đâu trong cuộc chiến đốt lò.

Cần nhấn mạnh rằng, đốt lò là một quá trình, và như ông Phạm Hưng Quốc đề cập, cuộc chiến chống tham nhũng không phải là công việc nội bộ Việt Nam.

Không giống như vụ Trịnh Xuân Thanh, sự kiện Vũ 'Nhôm' phải cho thấy tính chấp pháp quốc tế của Nhà nước Việt Nam

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể quay lại và tìm kiếm uy tín cho Đảng của mình bằng sự “bắt và nhốt” những con sâu mang tên “lợi ích, tham nhũng”, nhưng suy cho cùng, vấn đề kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng nhất đối với chính thể Việt Nam. Sự yếu kém về kinh tế sẽ cho thấy sự bất lực của đảng, và do đó, giữ gìn và phát triển thành quả kinh tế là tối quan trọng. Việc tiến hành một hoạt động chính trị nếu làm tổn hại lợi ích kinh tế của Việt Nam là một chiến thắng trước mắt nhưng lại là một thất bại về lâu dài, và Đảng chỉ có thể vươn ngòi trước khi chuyển sang giai đoạn giãi chết thực sự.

Do đó, giữ kiểm soát, đấu tranh bằng pháp lý nhằm dẫn độ về là một trong những phương pháp tối ưu và duy nhất mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng phải buộc lựa chọn, nếu không,… ông sẽ đánh mất tất cả.

Cần nhắc lại lần nữa, đây là thời kỳ toàn cầu hóa, Việt Nam cần sự hội nhập. Chiến tranh lạnh với đặc vụ ở nước ngoài đã qua từ rất lâu. Do đó, không giống như vụ Trịnh Xuân Thanh, sự kiện Vũ 'Nhôm' phải cho thấy tính chấp pháp quốc tế của Nhà nước Việt Nam

Kiểm soát tốt là điều tất yếu và nên làm.

VNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.