Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Toà án CS và giai cấp

Toà án CS và giai cấp

- Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm về tội “lò củi”, tội “ta đốt ta”,... 
- Vụ án ông Vương Văn Thả, cùng con và hai người cháu, tội "phản động". 
So sánh hai vụ án, về can phạm và phiên xử có nhiều điều xẩy ra trái ngược hẳn nhau:

1. Về can phạm: 
Thăng, Thanh và đồng phạm, dù có vẻ lo âu, nhưng vẫn giữ dáng vẻ cao sang như những nhà quí tộc. Đương nhiên vì họ là đảng viên đảng Cộng sản VN, nắm giữ các chức vụ cao, nắm những nơi “hái ra tiền” trong guồng máy nhà nước. Họ có học vị cao, đã được bao nhiêu người kính nể là "ngài tiến sĩ". 
Ngược hẳn lại, ông Thả dù dáng cao, nhưng ốm. Với mái tóc đã bạc, dài được cột bó sau đầu, bộ áo quần bà ba đen, khăn vải quanh cổ, ông là hình ảnh tượng trưng một nông dân Nam bộ thuần thuý. Quả thực, năm tháng cày sâu cuốn bẵm, học lực của ông chỉ lớp1/12. Đồng phạm, con trai ông Thả, Vương Thanh Thuận, 28 tuổi, có khá hơn lớp 7/12. Hai người cháu cùng ra toà, thực ra là hai người trẻ đã chịu ơn sự giúp đỡ của ông Thả, hoàn toàn mù chữ. 
2. Về tài sản can phạm: 
Thăng, Thanh đều có tài sản nổi. Chắc chắn họ có tài sản chìm. Tất cả tài sản của họ phải hàng ngàn ngàn tỉ mới đáng công để ngài "Lãnh Đạo Tối cao Tinh thần cùng Thể xác của đảng CS" chịu khó "bắt cóc, đưa ra toà, làm củi đốt lò". Cỡ nhãi nhép như công an giao thông, sân bay,... thậm chí lên đến “quốc phòng làm kinh tế” ngài LĐTC còn chưa thèm ghé mắt nhìn. 
Ngược lại ông Thả hoàn toàn vô sản theo đúng nghĩa đen. Căn nhà của ông và gia đình, công an An Giang cho đập phá tan hoang vì cho là nhà xây dựng trái phép. Con gái ông và gia đình cùng bà mẹ phải nay tạm trú thân trong một nhà sửa xe. 

3. Về phiên toà: 
Nhóm Thăng, Thanh khi buổi đầu bị còng tay, nhưng vì các phản đối cho là không đúng với sự tôn trọng nhân quyền, các can phạm được tháo còng. Luật sự biện hộ cho các bị cáo là các luật sư rất giỏi, rất “hăng hái” đấu tranh với toà án vì quyền lợi thân chủ yêu quí: "Ngu gì không cãi cho các khách hàng quí tộc?". 
Khác hẳn, ông Thả bị còng tay ngồi bàn xử với bốn công an ngồi xung quanh. Ông không có luật sư biện hộ. Ông chỉ dùng lời lẽ của học vấn ít ỏi để nói lên điều đơn giản, y như sự đơn giản của một nông dân Nam bộ "Tôi không có tội. Tôi không hại ai". 
Dù được xem là nhanh kỷ lục, phiên toà "quí tộc" kéo dài cũng mười ngày. 
Phiên toà ông Thả thuộc loại "nông dân" nên chỉ cần một ngày là xong. 
Trong phiên toà "quí tộc", các nhà "quí tộc đỏ" đã khóc sướt mướt, năn nỉ LTTC tha cho mình, hứa sẽ tiếp tục "vừa hồng vừa chuyên" (vừa qua "chuyên" không đúng đường lắm, nên có trở ngại), đồng thời ca ngợi LTTC đưa lên đến tận thiên đường. 
Trong phiên toà "nông dân", ông Thả đã phản kháng dữ dội vì không thấy con mình và các luật sư. Ông chỉ thắc mắc rất đơn giản: "Tại sao 'tòa án nhân dân' mà không cho nhân dân vô?". Không! Đây thực sự là Toà án "nông dân" toà rất không thích các thắc mắc “đơn giản “mà ngay cả LTTC đảng còn chịu thua, không trả lời được. Ông đã bị nhân viên tòa án khống chế bằng bạo lực rồi đưa vào phòng riêng. Bên ngoài toà án "nông dân" cười "hà hà" tiếp tục phiên xử và kết án ông 12 năm tù. 
****
Phải hai phiên toà có nhiều điểm khác nhau khiến người bình thường phải suy nghĩ tìm lý do vì sao? Một điểm quan trọng cốt lõi theo tôi: giai cấp. 
Phân chia giai cấp đã tồn tại trong xã hội hàng ngàn năm. Thường luôn có hai giai cấp đối nghịch nhau: giai cấp giàu và giai cấp nghèo; giai cấp có quyền và giai cấp không có quyền; giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. 
Trong chế độ tư bản luôn có giới người giàu và giới người nghèo, nhưng luật pháp dân chủ và trong sáng, tạo điều kiện cho người nghèo được vươn lên, vẫn có các quyền cơ bản làm người: "Mày đừng ỷ giàu mà bức hiếp tao nhá! Có bằng chứng đây tao kiện mày ra toà". Nhân quyền được chính quyền, người dân tôn trọng nên khoảng cách giàu nghèo dù rất lớn nhưng không toả rộng ra mọi nơi, mọi chỗ trở thành sự phân chia giai cấp trong xã hội. 
Trong chế độ cộng sản, sự phân chia con người với con người tỏa ra mọi nơi: chức quyền, tài chính, toà án, bệnh viện, xã hội... Thời kỳ đầu của cái gọi là "cách mạng chuyên chính vô sản" của chế độ cộng sản, nông dân không có ruộng đất được xem là thành phần chính của cách mạng. Hồ Chí Minh đã dùng tư tưởng này kích thích nông dân, lực lượng trung thành nhất với đảng. Nông dân ưu tiên gia nhập đảng để có quyền đấu tố, để cắt cổ địa chủ, thực thi cải cách ruộng đất ở miền Bắc CS. Sau giai đoạn xử dụng giai cấp nông dân, đảng xoay qua giai cấp công nhân vô sản, vì đảng đánh giá giai cấp nông dân ít học, có tính tư hữu cao, khó tổ chức. Thực tế đã chính minh sự sai lầm: chính sách tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp, biến người nông dân thành công nhân nông nghiệp, hoàn toàn thất bại, kinh tế phá sản. 
Thực tế cũng chứng minh trong chế độ cộng sản, dù rêu rao giai cấp nông dân, hay giai cấp công nhân làm chủ đất nước nhưng trong xã hội đã hình thành thành hai giai cấp rõ rệt: giai cấp trong đảng (giai cấp thống trị) và giai cấp ngoài đảng (giai cấp bị trị). Tóm tắt, đảng nắm tất cả quốc hội, nhà nước, toà án,... giai cấp đảng viên có nhiều quyền và bổng lộc nên ai muốn nhiều tiền, nhiều quyền thì phải biết nghe lời hay giả vờ để vào đảng. Người dân không vào đảng chịu nhiều thiệt thòi về mọi phương diện. Cuối cùng một giai cấp "quí tộc đỏ" và giai cấp "dân đen" mà ta thấy trong hai phiên toà vừa qua. 
Tôi có đọc qua một bài báo, "Góc Nhìn", VNExpress, một tác giả kể chuyện một bà là “osin” cho nhà ông ta xin nghỉ việc. Lý do vì bà là đảng viên đảng CSVN. Theo tác giả bà "osin" này có quyết định đúng vì đảng viên CS là thuộc giai cấp lãnh đạo không thể nào làm "người đầy tớ" cho người ngoài đảng. Tôi không phê bình ông ta vì ông ta đã chịu ảnh hưởng một nền giáo dục nhồi sọ, coi nghề osin là thấp kém không thể để người thuộc giai cấp "lãnh đạo" đụng đến. Vì nền giáo dục này, tôi không ngạc nhiên khi thấy nhiều người bày tỏ thương cảm cho Thăng và Thanh. Thăng, Thanh khóc lóc trước toà, nhiều người sụt sùi theo. Có người đề nghị Đảng phải cho ông Thăng ra tù về chịu tang cha. Và đương nhiên cũng không ngạc nhiên khi các "quí tộc đỏ" này khóc lóc van xin LTTC như một kẻ hèn mọn, trong khi ông nông dân ngèo nàn, chân chất miền Nam kia dám can đảm bộc lộ ý nghĩ thực sự của mình trước toà thì nhiều người không thèm biết đến vì ông ta là "giai cấp thấp". 
Đấy chỉ là khi ra toà. Các "quí tộc đỏ" vô cùng sợ hãi những ngày tù tội, thà làm "ma tự do" còn hơn ma tù như trong "Ngục Trung nhật ký" của Bác bằng tiếng Tàu. Ai cũng hiểu trong tù các "quí tộc đỏ" này được hưởng tiêu chuẩn rất cao. Cán bộ trại giam ngu dại gì không chiều theo đòi hỏi: "Chìu các anh có mất mát gì, lại được quà cáp. Ngộ nhỡ các anh ấy tai qua nạn khỏi, phục hồi chức vụ, mình bây giờ không khéo thì bị trảm như chơi". 
Còn với ông Thả, tù tội đi đôi với hành hạ, tra tấn: "Đồ phản động... Mày làm tao không còn thời gian đi kiếm ăn thêm". Ông phải chịu đựng các đòn thù của công an. Con gái ông Thả, tay bồng con nhỏ đã kêu cứu "Bà con ơi... cứu Tía con...". Lời kêu cứu rất mộc mạc của người con gái không có cơ hội đi học nhiều. Không bóng bẩy, biết lựa lời để lấy lòng LTTC như Thăng, như Thanh, lời kêu cứu đơn giản của người con gái Nam bộ với cha mình, đối với nhiều người tạo nên sự xúc động cao độ. Tôi đã đi từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây nhiều lần, hiểu được ngôn ngữ trơn tuồn tuột của người miền Nam. Mặc dù sau 30/4/1975, một anh bạn Nam Bộ ngậm ngùi nói: "Thật thà chất phác của người dân Nam Bộ à? Trời ơi nhiều đứa nó nhờ "giải phóng" thành ma thành quỉ hết rồi! Coi thằng công an nhãi ranh kìa. Nó như ông vua nhỏ, hống hách, quát nạt". 
Tôi và nhiều người có thể không giúp gì được cho lời kêu cứu của cô gái. Tôi chỉ viết, viết để diễn tả sự đồng cảm mặc dù cô có thể sẽ không biết, không đọc được. Lời kêu cứu của cô ít ra cũng có người nghe hiểu trong cơn sốt bóng đá U23. Ngài "Lãnh Tụ Tối Cao" kiêm "Lò Tổ" chắc chắn chỉ biết đến phiên toà "Cái Lò", không biết đến ông Thả là ai. Ngài là người đắc chí, hạnh phúc nhất về thành quả của đội U23 VN, dù đội đã không đạt được cúp và ngài không ưa thích gì bóng đá. Ngài hẳn phải xoa tay mở nụ cười sung sướng: "Vui đi... cứ vui nhiều vào. Chưa bao giờ Đảng cho vui như thế đấy nhá!”. Tôi nhớ đến truyện "thằng bé người gỗ Pinocchio". Và vẳng vẳng đâu đây tiếng hát "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...”
28/1/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.