Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Quán cóc ông thầy cãi: Bây thưa tao đi…


Quán cóc ông thầy cãi: Bây thưa tao đi…

30-1-2018
Nói về quán cà phê cóc thì ai ai cũng “rành sáu câu vọng cổ”, không cần giải thích chi cho mắc công nữa.
Các quán cóc thường không có tên. Nên hay kêu theo tên chủ quán, quán Ông Hai, Chú Ba, Cô Tư, Anh Năm, Chị Sáu, Cô Út… hoặc nhiều người tới uống quen thì tự đặt tên để dễ bề hú hí rủ nhau. Đặt tên theo một điều gì đó đặc biệt ở quán hoặc quang cảnh xung quanh, như: quán có nhiều gỗ thì gọi quán Gỗ, quán Cây; ở quán lâu lâu nghe tiếng còi hú dài, sau đó có tiếng rầm rập, A-B(bê)-C(xê)-K(ca)…A-B-C-K… A-B-C-K… nối tiếp thì sẽ có tên quán Cổng xe lửa, quán Đường rày; quán gần bồn nước thì dĩ nhiên có tên quán Bồn nước…
Tôi có biết một quán như vậy, đó là quán Ông Thầy Cãi. Thầy cãi là luật sư chứ không phải cãi lộn đâu. Bây giờ không còn ai gọi vậy nữa. Chỉ còn gọi cho vui thôi. Vả lại, ông Thầy Cãi cũng khá lớn tuổi, nên bà con cô bác vẫn kêu theo kiểu của người xưa.
Ông Thầy có học hành đàng hoàng. Ông học Luật Khoa ở chế độ cũ, chế độ mới ông tiếp tục học thêm và hành nghề luật sư ở cả hai thời. Nghe đâu ông cũng đi học ở Tây ở u nữa. Nhưng thây kệ, bà con cô bác chẳng quan tâm mấy chuyện này, chỉ truyền miệng nhau một câu là đủ: “Ổng giỏi lắm đó!”.
Điều đặc biệt hơn nữa, quán không phải của ông Thầy. Ông chỉ là khách “thường trực” xưa nay. Với bản tánh bình dân, ông ngồi đây từ hồi nẫm rồi, sau này về hưu hầu như ông ghé mỗi ngày, trừ dịp cấp bách chẳng đặng đừng.
Quán tụ tập đông vui, từ ông bác sĩ, ông kỹ sư, các ông văn nghệ sĩ cho tới chàng sinh viên. Không chỉ điều này lôi cuốn ông Thầy Cãi tới quán, quán còn có cả những người ít học, những người nghèo, những người làm bất kể là nghề gì, và cũng không chỉ những người này cần giải đáp những khúc mắc mà họ không hiểu, nhiều khi những ông chữ nghĩa đầy mình cũng phải cần tới ông. Ông mở rộng lòng ra hết, trải lòng hết với tất thảy, chẳng giấu diếm chi. Có nhiều lúc ông còn ra tay nghĩa hiệp, giúp tranh tụng miễn phí cho những người nghèo, những người thấp cổ bé họng… Bởi vậy ai ai cũng nể phục!
Tôi khoái la cà ở quán Ông Thầy Cãi, đặng hóng hớt y như cái tên cúng cơm của mình. Trong cái đầu bé nhỏ, hèn mọn của Hóng tôi, đôi khi cũng lưu lại được chút ít, mạo muội biên chép ra đây, hy vọng hầu được bà con, cô bác anh chị đôi điều.
___

Bây thưa tao đi

Nguyễn Hóng 
Những buổi sáng sớm, anh Sáu chuyên chở thịt và xương heo, bò đi bỏ mối. Xương lỉnh kỉnh nên thấy chính là xương, cùng với dáng người ốm nhom nên bà con cô bác gọi anh là Sáu Xí Quách. Bà con miền Nam hay gọi bằng thứ và dựa vào đặc điểm riêng của từng người mà đặt tên kèm theo.
Anh Sáu Xí quách hỏi chú Ba Quê Kiểng:
– Dạ, cách nay mấy bữa, con thấy chú Ba đi đâu sớm lắm, con kêu mà chú hổng có nghe.
Chú Ba chỉ chú Tư và trả lời:
– À, đúng rồi, bữa đó chú Tư nè, chú rủ chú dìa ăn đám giỗ dưới quê. Đi sớm tà tà cho mát, với lại ở dưới đãi đằng cũng sớm lắm, đi cho kịp.
Anh Sáu gục gật. Chú Tư Miệt Vườn hỏi:
– Bữa vui chớ anh Ba?
Chú Ba cười:
– Dạ, dĩ nhiên rồi. Vui quá xá là vui anh Tư. Đã vậy, lúc tui lạng ra quán cà phê, còn được “khuyến mãi” câu chuyện vui vui này nữa.
Chuyện là có hai cha con nọ ngồi “cãi tay đôi”, thiệt tình thì cũng nói qua lại khá nhẹ nhàng, có chút dí dỏm trong đó. Ông cha nói: “Tao thấy thằng đó được quá, bây chê gì nữa”. Cô con gái đáp: “Con chẳng thấy được chút nào. Cha cứ muốn bắt ép, bắt con ngồi đâu phải ngồi đó à”. Ông Cha trợn mắt: “Trời đất quỷ thần ôi! Bây giờ bây đặt chỗ cho cha mẹ thì có. Ờ, mà giả dụ có ép thì sao? Bây ngon, bây thưa tao đi”. Cô con gái “trả treo”: “Hay cha thấy được thì… cha cưới ảnh đi. Con thôi. À, mà giả dụ con hông nghe theo thì… cha đi thưa con đi”. Cô Con gái quay mặt chỗ khác cười hí hí.
Lâu lắm rồi mới nghe lại cụm từ “thưa đi”. Hồi xưa thì nghe nhiều. À, dạ thưa ông Thầy, phải chăng như vậy là hồi xưa tình cảm trong gia đình hổng bằng bây giờ, hở ra là “thưa kiện”, bây giờ đâu có nói vậy?
Ông Thầy Cãi nhấm nháp ngụm cà phê thơm lừng, chậm rãi ông nói:
– Dạ, hông chắc vậy đâu anh Ba. Bây giờ văn hóa đang xuống cấp trầm trọng. Người thân trong gia đình tranh chấp, chửi bới, cãi nhau, thậm chí đâm chém, gây thương tích, giết chóc lẫn nhau, rồi đưa nhau ra tòa hà rầm đó. Dĩ nhiên hồi xưa cũng có, thời nào cũng anh hùng cũng có khùng điên mà, nhưng hồi xưa hiếm lắm. Và đúng là bây giờ ở phố thị ít ghe “thưa kiện”, ở quê, nhứt là miền Tây thì còn nghe kha khá. Nhưng nói và làm khác nhau một trời một vực.
Ngày xưa không chỉ nghe nói “thưa kiện” trong gia đình, sự “thưa kiện” được nói cho hầu hết các mối quan hệ trong xã hội, “Tôi thưa ông thưa bà, thưa anh thưa chị… đó”, dù có quen dù không quen, dù ông có làm quan, người dân cũng dám nói “thưa kiện” khi ông quan làm sai, dù bà có là điền chủ giàu có… Kiện quan thì có thể ông quan làm sai, cũng có thể ông quan thi hành chánh sách của Nhà nước soạn ra sai bét, có nghĩa là kiện cả Nhà nước. Dĩ nhiên cũng có chuyện “con kiến đi kiện củ khoai”, nhưng cũng rất nhiều vụ án người dân đã thắng vang dội, lưu lại cho đời, như vụ án “Cánh đồng Nọc Nạng” nổi tiếng cách nay đã ngót nghét trên dưới trăm năm.
Xét về khía cạnh ngôn ngữ, nói “thưa kiện” ở khắp nơi, trong mọi thành phần, chứng tỏ pháp luật được phổ biến rất rộng rãi trong đời sống của dân chúng.
“Thưa kiện” có nhiều điều lợi. Đó là cách hành xử văn minh. Hành xử bằng văn bản giấy tờ đàng hoàng với quan tòa, với thẩm phán, luật sư các bên tranh tụng, biện hộ, với điều tra chứng cứ, với nhân chứng…
Chú Tư Miệt Vườn ngồi nghe chăm chú, chú góp lời:
– Kiện tụng hay chứ hen. Nếu có tranh chấp, có xích mích bức xúc thì phải biết kiềm chế, làm đơn làm từ, chứ nóng nảy nhiều khi hư chuyện, tranh cãi rồi đôi khi dẫn đến phải động tay động chưn.
Ông Thầy gật đầu:
– Đúng lắm. Và nhiều khi chỉ cần nói sẽ “thưa kiện”, đó lại là lời cảnh báo, làm cho người ta sợ, không dám làm quấy, làm càng. Ai lại không ngán khi nghe tới chốn quan trường. Có nghĩa là không phải bạ đâu kiện đó, đó là lời răn đe mà thôi. Ngược lại thì cũng có trường hợp lạm dụng, đụng chút là đòi kiện tụng, mà chính người đòi kiện là người làm sai, ta lại nghe được lời thách lại: “Cứ đi kiện đi, kiện cho rõ trắng đen”.
“Thưa kiện” đưa người ta vào tâm thế sống tuân thủ pháp luật nhưng cũng không phải đánh mất tình người.
Anh Sáu Xí Quách nói:
– Ngày nay đâu thấy dám kiện các ông quan, các ông cán bộ, hay Nhà nước đâu hen.
Ông Thầy gật đầu:
– Chánh sách áp đặt, chánh sách Nhà nước luôn luôn đúng được sử dụng khá lâu nên dân chúng sợ sệt. So với xưa coi như đi thụt lùi. Chỉ có kiện tụng dân sự lẫn nhau trong dân chúng. Dạo gần dây thì chánh sách có nới lỏng, theo nhiều thông lệ Quốc tế nên cũng có một số kiện cán bộ, nhưng hiếm, đếm chưa đủ năm ngón tay. Tôi mong sao bà con cô bác mình mạnh dạn thực thi quyền kiện tụng của mình, để các cán bộ, quan chức bớt làm sai trái, bớt lạm quyền…
Buổi nói chuyện ngắn nhưng cũng hiểu được kha khá vấn đề từ câu: “Bây thưa tao đi”. Bà con cô bác gật gù đồng tình lắm lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.