Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Phân tích những biến động chính trị gần nhất tại Việt Nam

Phân tích những biến động chính trị gần nhất tại Việt Nam

LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - ...Một hiện tượng quan trọng nữa cuối năm 2017 là TBT Nguyễn Phú Trọng tham gia và chỉ đạo họp nội các chính phủ. Lý do là vì một TBT bảo thủ và chuyên ngành xây dựng đảng như ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ hài lòng với tình trạng phân chia quyền lực trong nội bộ hiện thời của đảng giữa các phe nhóm và định chế như: Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và TBT đảng. Ông muốn TBT đảng thâu gồm tất cả mọi quyền lực trong tay như thời Lê Nin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và bây giờ là Tập Cận Bình vậy...
*
Tổng quát: 
Giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 chứng kiến 3 hiện tượng quan trọng sau đây:
1. Cuộc cách mạng tin học bắt đầu từ thập niên 80, bùng nổ vào thập niên 90 và gia tốc không ngừng nghỉ.
2. Sự suy thoái bất khả vãn hồi của mọi hình thức độc tài, từ cá nhân trị đến quân phiệt, giáo phiệt, đảng phiệt và nhất là mô hình nhà nước Mác Lê.
3. Bước tiến cũng bất khả vãn hồi tương tự của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên toàn thế giới.
Trong khi lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam vận chuyển không ngừng nghỉ thì đảng CSVN, năm 2011 bầu ông Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ TBT của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng.
TBT Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật có khuynh hướng bảo thủ và đậu tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Với một bối cảnh cá nhân như thế, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi TBT Nguyễn Phú Trọng không chấp nhận sự vận hành khách quan của lịch sử và dùng mọi phương pháp hầu tái phục hồi bản chất của đảng CSVN như một lực lượng cách mạng chuyên chính vô sản Bolshevik nguyên thủy của thời đại Lê Nin và Stalin. Một mô hình nguyên thủy như thế hầu như đã bị diệt chủng. May ra chỉ có đảng Lao Động Bắc Triều Tiên là còn giữ một số đặc điểm của mô hình này.
Chúng ta có thể duyệt lại một số biến chuyển chính trị sau đây, hầu nhận diện tư duy sâu thẳm của người đứng đầu đảng CSVN và là nhân vật cầm vận mệnh của dân tộc Việt suốt 7 năm qua.
1. Chiến dịch bài trừ tham nhũng qua hành động bắt giữ và truy tố 2 cán bộ cao cấp đảng là Trịnh Xuân Thanh và Đinh La hăng.
Trong một nền dân chủ pháp trị chân chính như Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc thì cảnh sát và công tố viện sẽ điều tra, các nghi phạm được thông báo và có quyền nhờ luật sư bảo vệ và cố vấn ngay từ đầu. Sau khi bị truy tố có quyền xin tại ngoại hầu chuẩn bị nghiêm túc để bảo vệ (defence) mình. Viện Kiểm Sát Nhân Dân (tức Công tố viện) cần phải tống đạt và thông báo mọi chứng cớ cho phe bị cáo. Kể cả những chứng cớ bất lợi cho công tố viện và yếu tố sập bẫy hoặc tạo bất ngờ cho phe bị cáo sẽ bị luật pháp chế tài gắt gao.
Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, mọi nguyên tắc pháp trị đều vứt vào sọt rác. Ông Trọng chỉ cần biết Pháp chế xã hội chủ nghĩa, tức là đảng trị và đảng muốn làm gì cũng được, đứng trên luật pháp và hiến pháp CHXHCNVN, mà trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh thì ông còn đứng trên luật pháp của Cộng Hòa Liên Bang Đức và công pháp quốc tế nữa.
Trong trường hợp 2 bị cáo này thì ông Trọng hành xử kỳ bí và mưu lược như đang cầm quân đánh trận thời Đông Châu Liệt Quốc hay Tam Quốc Chí vậy.
Đối với Trịnh Xuân Thanh đang lưu vong tại Đức, thì thay vì tuân thủ luật quốc tế và luật của Đức Quốc, trưng ra các bằng cớ tham nhũng của Thanh, xin tòa án của Đức cho dẫn độ về Việt Nam, thì ông tung ra chiến thuật táo bạo của Hàn Tín là “Minh tu Sạn Đạo, ám độ Trần Thương”. Dịch nôm na là bề mặt thì làm ra vẻ sửa đường sạn đạo, nhưng ngấm ngầm bí mật vượt lối Trần Thương. Ông còn thêu dệt thật kỳ bí bằng cách bề ngoài thì chỉ thị các viên chức cầm quyền Việt Nam tại Đức tập chú ráo riết vào vấn đề thương thuyết và vận động cho Quốc Hội Liên Bang Đức phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam-EU, đồng thời ra vẻ danh chính ngôn thuận xin dẫn độ Trịnh Xuân Thanh, nhưng bên trong thì âm thầm bí mật tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Đối với Đinh La Thăng thì thay vì Viện Kiểm Sát tiến hành điều tra công khai, trong lúc ông Thăng có quyền có luật sư cố vấn và bảo vệ, sau khi có chứng cớ đầy đủ thì trước hết trình quốc hội đế quốc hội hủy bỏ tư cách đại biểu của ông. Dĩ nhiên ông Thăng phải có cơ hội phản bác những cáo buộc của công an điều tra trước quốc hội. Sau đó nếu quốc hội đồng ý hủy bỏ tư cách dân biểu của ông Thăng rồi mới chính thức truy tố ông. Sau khi bị truy tố ông vẫn có quyền xin tại ngoại để chuẩn bị sự bảo vệ (defence) của mình.
Tuy nhiên TBT Nguyễn Phú Trọng lại sử dụng một chiến thuật kỳ bí khác. Đó là noi gương chiến thuật của Tôn Tử là “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý”. Dịch nôm na là tấn công chỗ kẻ địch không phòng bị, tiến đánh khi kẻ địch không ngờ đến. Ông Trọng một mặt giả bị bệnh nặng phải đi Singapore chữa trị, ra lệnh Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội họp gấp và bí mật tước danh nghĩa dân biểu của Đinh La Thăng, rồi tiến hành bắt giam nhanh chóng trước khi đối thủ và phe nhóm kịp trở tay.
Kết quả là ngày 22/1/18 vừa qua, theo lệnh của ông Trọng, Tòa án kết án ông Đinh La Thăng 13 năm tù và cấm đảm nhiệm các trách nhiệm quản lý tài chánh 5 năm sau khi mãn án, bồi thường 30 tỷ.
Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù tội cố ý làm sai và chung thân về tội tham ô. Đồng thời cũng phải bồi thường 30 tỷ.
Ngoài ra còn 20 bị cáo liên hệ lãnh các án khác nhau.
2. TBT Nguyễn Phú Trọng tham gia họp nội các
Một hiện tượng quan trọng nữa cuối năm 2017 là TBT Nguyễn Phú Trọng tham gia và chỉ đạo họp nội các chính phủ.
Lý do là vì một TBT bảo thủ và chuyên ngành xây dựng đảng như ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ hài lòng với tình trạng phân chia quyền lực trong nội bộ hiện thời của đảng giữa các phe nhóm và định chế như: Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và TBT đảng. Ông muốn TBT đảng thâu gồm tất cả mọi quyền lực trong tay như thời Lê Nin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và bây giờ là Tập Cận Bình vậy.
Ông muốn tái tạo đảng CSVN để trở về tính nguyên thủy của nó.
Ngày 28 tháng 12 vừa qua, tờ Người Lao Động, một trong nhiều cơ quan ngôn luận của CSVN loan tin như sau:
“Sáng nay 28-12, Chính phủ khai mạc Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung vào thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Dĩ nhiên khi họp và chỉ đạo nội các chính phủ như thế, ông trắng trợn vi phạm các điều sau đây của hiến pháp 2013 cũng do chính ông soạn thảo:
Ông vi phạm điều 95 phần (1) và phần (2) về cấu trúc, trách nhiệm và hoạt động của chính phủ.
Ông không thể viện dẫn điều 4HP vì điều 4 chưa hề quy định TBT có quyền tham gia và điều hành trực tiếp nội các của chính phủ.
Tuy nhiên chính phủ và Viện Kiểm sát không làm gì được ông trên nguyên tắc vì khi đọc kỹ văn bản hiến pháp lạ lùng này, chúng ta nhận thấy tuy điều 119 phần (1) ghi rằng “Mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý” và điều 119 phần (2) cũng ghi thêm “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”, nhưng các dân biểu quốc hội của CSVN đều là những bù nhìn của đảng. Đến nay đã 4 năm từ ngày HP hình thành mà Quốc Hội vẫn chưa ra luật quy định cơ chế bảo vệ hiến pháp, thì lấy đâu ra những biện pháp xử lý các hành vi vi phạm hiến pháp?
3. Quy định mang số 105/QĐ/TW có tên là “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.”
Hôm 19/12/2017, TBT của đảng Nguyễn Phú Trọng lại ký ban hành một bản quy định mang số 105/QĐ/TW có tên là “Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.”
Tuy đây là một quy định nội bộ của đảng CSVN, nhưng trong phần Phụ Lục 1 các chức danh do Bộ Chính Trị và do Ban Bí Thư của đảng CSVN quyết định từ quân hàm cấp tướng của quân đội và công an đến các chức vị cấp cao của chính phủ từ trung ương đến địa phương.
Dĩ nhiên Việt Nam là một chế độ độc đảng và đảng CSVN một cách gián tiếp, qua quốc hội bù nhìn, điều hành quốc gia.
Tuy nhiên trên nguyên tắc, chức vụ Chủ Tịch Nước là một định chế quan trọng và đáng tôn kính như nguyên thủ quốc gia. Điều 88(5) trân trọng ghi rõ, trách nhiệm của Chủ Tịch nước như sau:
“Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân…”
Quy định này của Nguyễn Phú Trọng trực tiếp thách đố vị trí hiến định của CTN Trần Đại Quang.
4. Bộ Chính trị phân công ông GS TS Nguyễn Xuân Thắng phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương
Cũng trong thời gian vừa qua, báo chí CSVN loan tin về một định chế đặc thù và rất lỗi thời của CSVN là Hội đồng Lý luận Trung ương dưới quyền điều khiển của Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh Thế Huynh, hiện giờ đang chữa bệnh.
“Chiều 14/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí Thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng; định hướng, hoạch định, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc.”
Khi nghiên cứu kỹ, chúng ta nhận ngay ra rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng, trong thời đại thặng dư tin học và sự hiểu biết không biên giới của nhân loại, vẫn quan niệm rằng, toàn dân và toàn đảng vẫn chưa biết suy tư và lý luận. Phải nhờ sự chỉ đạo của Hội Đồng Lý Luận Trung Ương này để biết suy nghĩ và lý luận như thế nào để cho đúng và tránh cái sai.
Có lẽ, đối với ông TBT này, ngay cả những tiền nhân tôn kính của dân tộc như 18 đời Hùng Vương, Đức Hưng Đạo Dại Vương, Đức Quang Trung Hoàng Đế, nếu gặp phải ông thì cũng phải ghi danh học lý luận với Hội Đồng Lý Luận Trung Ương trước khi khai quốc, đập tan giặc Nguyên Mông và đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị về Trung Quốc.
Được biết hội đồng này gồm gần 40 thành viên, người nào cũng hàm GS hoặc Phó Giáo Sư và có học vị tiến sĩ.
TBT Nguyễn Phú Trọng nguyên là chủ tịch hội đồng này.
5. Lực Lượng 47:
Theo báo chí lề đảng thì: “Lực lượng 47 là một lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc Tổng cục Chính trị, chuyên trách nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam, hay những đối tượng cơ hội chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”
Lực lượng này gồm 10,000 người dưới quyền điều khiển của thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thành lập từ năm 2016 nhưng công khai hóa ngày ngày 25 tháng 12 năm 2017.
Đó là trên lý thuyết. Trong thực tế thì hoàn toàn khác. Thay vì là những con người lý luận tư duy thì những ngôn từ các thành viên của LL47 này sử dụng trên mạng phần lớn, nếu không có tính cách lập đi lập lại những tuyên truyền rỗng tếch, thì cũng dùng những ngôn từ thô bỉ hạ cấp, hoàn toàn phản tuyên truyền cho chế độ.
Quyết định thành lập Lực Lượng 47 này rõ ràng vi phạm điều 25 của Hiến Pháp 2013. Điều 25 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do luật pháp quy định.”
6. Câu hỏi thay lời kết: 
TBT Nguyễn Phú Trọng có thành công trong cố gắng đưa đảng CSVN trở về tình trạng chuyên chính và quyền uy tuyệt đối nguyên thủy hay không?
Câu trả lời là một chữ không to lớn.
Lý do đơn giản là vì những biến động chính trị luôn phát xuất từ sự vận hành của những trào lưu tư tưởng.
Chính vì thế bản chất của đấu tranh chính trị là đấu tranh tư tưởng.
Khi chúng ta duyệt xét lịch sử, chúng ta sẽ nhận ngay rằng, cuộc cách mạng Pháp 1789 lừng danh, mặc dầu rõ ràng đã thất bại và bị Napoleon Bonaparte thanh toán hầu thành lập đế chế (1804) sau đó.
Như thế tại sao cuộc cách mạng này vẫn lừng danh kim cổ với lý tưởng Tự Do, Tình huynh đệ và Công Bằng (Liberty, Brotherhood and Equality)?
Hầu như cuộc cách mạng này lừng danh không kém, nếu không nói là trội hơn cả cuộc cách mạng Hoa Kỳ (1775-1783) nữa.
Đó là vì tuy tại thượng tầng cơ sở, Napoleon thành lập đế chế, nhưng Ông vẫn là truyền nhân của những lý tưởng căn bản của cuộc cách mạng Pháp và ông cũng chủ trì Bộ Luật Civil Code còn gọi là Bộ Luật Napoleon, trong đó những lý tưởng của cuộc cách mạng 1789 được triển khai và áp dụng như: sự phân định giữa giáo quyền và thế quyền, sự tái cấu trúc các đơn vị hành chánh trong quốc gia hầu giảm thiểu quyền lực giai cấp quý tộc, sự bình đẳng trong thăng tiến xã hội, tôn vinh vai trò của giai cấp thợ thuyền và thương gia tại các thành thị etc…
Napoleon tay phải vung gươm chinh phục toàn thể lục địa Âu Châu, nhưng tay trái cầm Bộ Luật Napoleon và đoàn quân viễn chinh của ông đến đâu thì toàn bộ xã hội của quốc gia đó được cải tổ sâu rộng.
Chính vì thế, cuộc cách mạng Pháp 1789, qua những chiến công lừng danh của ông, đã thay đổi gốc rễ xã hội Âu Châu, dọn đường cho cuộc cách mạng kỹ nghệ bộc phát, biến Âu Châu, từ Pháp Quốc, Đức Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan etc… trở thành những cường quốc kỹ nghệ của tương lai.
Sự vận hành của những tư tưởng cao đẹp của cuộc cách mạng Pháp 1789 lừng danh lịch sử là như thế.
Đây cũng chính là lý do tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng và những người CS bảo thủ khác thất bại.
Khi chúng ta nghiên cứu kỹ những bản giá trị cốt lõi của quan điểm dân chủ đương đại là quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên thì, tuy có nhiều điểm đặc thù của thế kỷ 21, nhưng vẫn lấy nguồn cảm hứng từ những tư tưởng gia đằng sau cả 2 cuộc cách mạng Hoa Kỳ và Pháp như Montesquieu (Tam Quyền Phân Lập), Jean Jacques Rousseau (Khế Ước Xã Hội), Voltaire (tự do tư tưởng), John Locke (quyền tự do cá thể).
Trong hoàn cảnh thiếu phương tiện truyền đạt tư tưởng thủa xưa, những tư tưởng cao đẹp này đưa đến 5 nền cộng hòa khác nhau tại Pháp từ Đệ Nhất Cộng Hòa 1792 đến Đệ Ngũ Cộng Hòa 1958 cho đến nay.
Tuy nhiên nhờ cuộc cách mạng tin học, quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đã thấm nhuần mọi tầng lớp xã hội, trong và ngoài Việt Nam, làm động lực chuyển hóa trong đảng CSVN lẫn ngoài xã hội.
Các đảng viên CSVN ngày hôm nay không còn là những cán bộ sắt máu ngày xưa. Bây giờ cấp cao là những businessmen của thời đại. Cấp dưới thì chơi bời, rượu chè cờ bạc. Cả 2 giai cấp đều tham nhũng thối nát.
Tập thể đảng CSVN như một định chế tinh luyện đã không còn hiện hữu.
Tình trạng trên bảo dưới không nghe mà TBT Nguyễn Phú Trọng than thở là một căn bệnh trầm kha không thuốc chữa của CSVN.
Những chuyển động mang tích cách mạng xảy ra, thực sự ít khi đột xuất mà thông thường vì một tiến trình tiệm tiến thấm nhuần mọi giai tầng xã hội có bản chất chuyển hóa tư tưởng.
Cuộc cách mạng Pháp 1789, tuy thất bại, và lý tưởng cách mạng nằm trong Bộ Luật Napoleon trong quá khứ, chỉ di chuyển chậm chạp bằng đôi chân của những binh đoàn chinh chiến trên khắp Âu Châu. Nhưng các chế độ phong kiến và quân chủ lúc bấy giờ không gian manh và khát máu bằng các chế độ cộng sản.
Chính vì thế, tuy quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên của thế kỷ 21 có thể được chuyển tải bằng vận tốc ánh sáng, qua hệ thống internet toàn cầu, nhưng đối thủ của chúng ta lại là hậu duệ Phong Trào Cộng Sản Bolshevik và một trong những định chế cai trị có khả năng tàn ác vô giới hạn.
Chính vì thế, cuộc chiến đấu cho dân chủ và nhân quyền ngày hôm nay vô cùng khó khăn. Tuy nhiên trong bản chất đó vẫn là một cuộc đấu tranh tư tưởng.
Trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam ngày hôm nay phải là:
Mỗi lời nói của chúng ta, mỗi email chúng ta gởi đi, mỗi video trên YouTube, mỗi chương trình phát thanh, mỗi chương trình truyền hình, mỗi website và blog, đều chuyển tải thông điệp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đến với người dân Việt.
Thông điệp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên này soi sáng đến đâu thì bóng ma của độc tài sẽ tan biến đến đó.
26.01.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.