Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Nhà tôi nhà văn trung tướng

Nhà tôi nhà văn trung tướng

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Trước đây, trên diễn đàn talawas, tôi được ông Lâm Hoàng Mạnh ngỏ lời ngợi khen nức nở: “Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc xong bài của T.N.T tôi cứ ‘nở từng khúc ruột vì khoái’ cách viết thông minh… của tác giả”. Ôi, tưởng gì chớ “thông minh” thì tôi nổi tiếng ngay từ thưở nhỏ - trước cả khi cắp sách đến trường - và đã khiến cho rất nhiều người phải xuýt xoa, hay tấm tắc!
Tuy tôi thông minh, học giỏi, bằng cấp đầy mình nhưng đi làm thì không ma nào mướn. Lý do: tôi được cái thông minh nhưng lại bị cái gương mặt rất khó coi (ngó tối tăm thấy ớn) và cách ăn nói thì cũng rất khó nghe, cứ như cắn vào mông người ta vậy. Chỉ thoáng nhìn thấy cái bản mặt của tôi là thiên hạ đã xuống tinh thần. Và hễ tôi mở miệng ra, dù chưa kịp nói dứt câu, là đã có đứa sấn (sổ) vào muốn... tát!
Để tránh bị bạo hành, tôi đành phải ở nhà hành nghề viết báo. Thời buổi này ra đường hay bị kẹt xe. Làm việc ở nhà cũng khỏe thôi, nếu kiếm ra tiền, và nếu sống độc thân.
Tiếc thay, tôi không có cái được hai thứ may mắn đó. Nhà tôi lại hơi... nhậy cảm. Đi ra, đi vô cứ nhìn thấy mặt (khó coi) của chồng là nàng nổi cáu. Đã thế - như đã thưa - tôi lại hay phát biểu linh tinh khiến cho vợ con, và mọi người chung quanh, nếu không nổi điên thì cũng (đùng đùng) nổi giận.
Cuộc đời tôi rõ ràng đã đi vào ngõ hẹp, và (ngỡ) sắp bế mạc tới nơi thì may sao ông Nguyễn Minh Triết nhảy ra chấp chính. Ở địa vị cao nhất nước, ổng thường nói chuyện trước đám đông, và ăn nói cũng rất khó nghe. Ổng giễu rất dở nhưng giễu dai, và giễu hoài, khiến cho cả nước phải cau mày hay đỏ mặt.
Từ đó, dù tôi có phát ngôn ngu ngốc hoặc bừa bãi tới cỡ nào (chăng nữa) cũng chả bị ai phiền trách. Đến Chủ tịch nước mà còn nói năng vô duyên, lạng quạng - cứ như một tên hề rẻ tiền - như vậy thì chấp gì một thằng thường dân (nát rượu) cỡ như thằng Tiến - đúng không?
Điều may mắn kế tiếp trong cuộc đời tôi là có lần xảy ra sự lên tiếng rất bất ngờ của vị đại biểu quốc hội, tỉnh Hà Nam ("Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc") cùng với ảnh chụp của đương sự, và lời bình của blogger Kami:
“Đọc lời phát biểu… kèm theo tấm hình của ông Trần Tiến Cảnh trong cuộc họp, nếu ai đó có chút hiểu biết về tướng mặt thì cũng được an ủi, vì câu phát biểu ấy nó cũng ngu không kém những gì hiện trên bộ mặt của ông ta.”
Nhà tôi, có lẽ, là người được “an ủi” nhiều hơn cả. Nàng chăm chăm nhìn vào mặt ông đại biểu, rồi (bất giác) thoáng nở một nụ cười: té ra, mặt mũi của chồng mình cũng chưa đến nỗi nào.
Từ hôm đó, kể như, gương vỡ lại lành!
Tôi biết ơn ông Nguyễn Minh Triết và ông Trần Tiến Cảnh không biết chừng nào mà nói. Hai ổng đã gỡ cho (cả đời) tôi một bàn thua thấy rõ.
Có kẻ khen như vậy là hậu vận tốt. Tôi cũng gật gù cho vui lòng người đối thoại chớ tự biết rằng (nó) cũng không tốt gì cho lắm.
Tôi vẫn sống rất chật vật bằng nghề viết báo. Tiền nhuận bút kiếm được để uống cà phê thì dư, hút thêm vài điếu thuốc lá là vừa đủ nhưng nếu (tiện thể) kêu luôn đĩa bò kho bánh mì thì chắc thiếu, thiếu chắc.
Tôi sống nhờ vợ, tất nhiên. Hoàn cảnh sống này tuy không thể gọi là lý tưởng nhưng cũng khả kham, cho đến khi có sự cố là bức thư ngỏ của nhà văn Trần Mạnh Hảo (“Kính gửi Trung tướng Công an Nhà văn - họa sĩ - nhạc sĩ - thi sĩ - kịch sĩ - nhiếp ảnh gia - điện ảnh gia Hữu Ước”) được phổ biến khắp nơi.
Nhà tôi, nói tình ngay, không biết, và cũng không cần biết, Trần Mạnh Hảo là ai. Nàng cũng chả để ý gì đến nội dung của bức thư, và những chuyện lùm xùm trong đó, chỉ cần thấy cả đống chức tước, danh hiệu... của ông Hữu Ước là đã đâm ra tức tối, nước mắt đầm đìa, rồi buông lời cay đắng:
“Coi, chồng người ta kìa: Trung tướng Công an Nhà văn - họa sĩ - nhạc sĩ - thi sĩ - kịch sĩ... tùm lum tùm la không thiếu thứ gì...”
May là nhà tôi chưa biết rằng ông Hữu Ước còn là Tổng Biên tập vài tờ báo nữa. Mà không phải là thứ báo để chùi hay để gói đâu nhá. Báo của ổng có độc giả hẳn hoi, kể cả độc giả ở nước ngoài - theo như tường thuật của ông Nghiêm Tiến Quang (Giám đốc Công ty in báo Hà Nội) trên tờ An Ninh Thế Giới.
“Tại chợ người Việt ở thủ đô Berlin (Đức), tôi gặp một ông mua một lúc 5 tờ ANTG. Tôi bắt tay ông hỏi: ‘Sao bác mua nhiều thế?’. Ông cười: ‘Tôi mua hộ mấy ông bạn cùng làm ở chỗ tôi. Tôi hỏi tiếp: ‘Ở Đức có nhiều người đọc ANTG không? Ông gật đầu: Nhiều đấy. Đọc xong lại cho mượn, rồi chẳng thấy ai trả lại. Bởi báo có nhiều bài cần đọc.” 
Trước đây, trên báo Nhân Dân (số ra ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong mục “bạn đọc góp ý và phê bình”) tôi cũng thấy có độc giả ở Hoa Kỳ bầy tỏ sự thích thú tương tự về tờ “công báo” này:
“Ðối với kiều bào ở California là nơi có đông người Việt Nam, thì báo Nhân Dân điện tử là món ăn tinh thần lớn nhất, quí nhất. Riêng đối với tôi việc làm đầu tiên trong ngày là mở trang báo Nhân Dân điện tử... Nhiều người chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân Dân...”
Ở một nơi mà đêm nào cũng bị cúp điện khổ như thế đấy. Nhiều người chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân Dân. (Tôi chết được chớ chả bỡn đâu, Giời ạ!)
Cái gì làm cho tờ Nhân Dân trở nên “hấp dẫn” (tới) cỡ đó thì không nghe ai nói, còn lý do khiến cho báo của ông Hữu Ước bán chạy - theo nhận xét của ông Trần Khuê - chỉ là “những trò câu khách rẻ tiền”:
“Giở bất cứ tờ báo công an nào cũng chỉ thấy toàn là tội ác tội phạm: con giết cha, chồng đầu độc vợ, trò đánh thầy, công an thì buôn ma túy, hải qua thì ăn hối lộ, tòa án và viện kiểm sát thì chơi xỏ nhau hoặc đồng tình xử oan người nghèo vô tội. Các sở thương binh xã hội cấp thẻ thương binh giả, đắp mộ liệt sĩ giả, người chết đã hàng chục năm vẫn còn tên trong danh sách và vẫn được các cán bộ ‘lĩnh hộ’ tiền. Cán bộ viên chức thì bằng cấp giả mạo, công ty quốc doanh, tư doanh thì chụp giật, móc ngoặc (‘lừa đảo’ ngân hàng, bộ trưởng thì thông đồng với cấp dưới ăn cả vào tiền xóa đói giảm nghèo, không kể miền xuôi miền ngược, ăn cả vào tiền cứu lũ cứu lụt,... Chưa kể đến các tin ghen tuông, tạt axít, say rượu đâm chết người, quan chức đi chơi gái điếm đánh bạc bị trấn lột nghe cũng đã đủ thấy ghê người, thế mà ngày nào cũng đăng tải bằng chữ cỡ lớn, bằng một giọng văn mùi mẫn. Thật là những trò câu khách rẻ tiền.” 
Và “khách” của ông Hữu Ước cũng từng được ông Phạm Đình Trọng điểm danh, trên Đàn Chim Việt
“Hãy lưu ý những người thường xuyên đọc báo Công an tpHCM sẽ thấy đó là những ông chạy xe ôm ngồi chờ khách đọc tin vụ án, những bà ngồi bán hàng ngoài chợ khi chợ vắng đọc chuyện quan hệ tình cảm của ông nọ bà kia, những cô công nhân ở khu nhà trọ đọc chuyện lừa tình, lừa tiền... Tờ báo với đối tượng người đọc như vậy, với nội dung thông tin như vậy dù số lượng phát hành có lên tới cả triệu bản vẫn không phải là tờ báo lớn!” 
Giáo sư Trần Khuê và nhà văn Phạm Đình Trọng đều nói không “oan” nhưng (e) không đủ về báo của ông Hữu Ước. Ông Robert Templer, đặc phái viên của A.F.P tại Việt Nam, có nhận xét thấu đáo hơn: 
“Tờ báo được nhiều người ưa thích nhất tại Việt Nam là tờ ‘Công An Thành Phố Hồ Chí Minh’, do công an địa phương xuất bản. Tờ báo này được in ra với số lượng hàng tuần là 500.000 số và những người bán báo cho biết là họ bán hết ngay, chứ không như tờ Nhân Dân của Đảng mà đa số đều không muốn bán vì nó mang lại quá ít tiền. 

Tờ Công An đăng tải nhiều chuyện giật gân về tình dục và bạo hành, về các băng đảng và mãi dâm. Tờ báo này đưa ra hình ảnh về Việt Nam khác hẳn với ý niệm về nước Việt Nam an bình không hề có tội phạm theo đường lối trước kia của chính quyền. Nhưng tờ báo lại phối hợp hình thức đăng tin giật gân với sự nhấn mạnh về nhu cầu xiết chặt kỷ cương nhằm ổn định xã hội.

Nó thường là diễn đàn để công kích bất cứ ai chỉ trích Đảng – nó hay đả kích việc làm của những nhà văn, những nghệ sĩ và những người hoạt động tích cực trong lãnh vực xã hội, và thường có thái độ thù địch với người ngoại quốc.

Tờ báo hay có những bài về người Việt ở hải ngoại mà báo đó mô tả như những phần tử nguy hiểm và những tội phạm. Các bài báo thường có tính cách phỉ báng, và hay vi phạm quyền sống riêng tư của người dân. Nó tiêu biểu cho sự xấu xa nhất của hai thế giới: đó là cái xấu của lối làm báo chuyên đăng tin giật gân được thấy ở Tây phương và lối kiểm soát xã hội và chính trị tồi tệ nhất được phô bầy tại các nước cộng sản. Tờ báo này tuyên truyền hữu hiệu hơn tờ Nhân Dân và có nhiều người đọc hơn bất cứ tờ báo nào khác tại Việt Nam.

Tự do báo chí không thể bao gồm quyền được viết lên những lời lăng mạ và những bài báo bất lương như thường thấy trong tờ báo này.” (*)
Nạn nhân của “những bài báo bất lương thường thấy trong tờ báo này” là thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Trên blog riêng của mình, ông đã công bố đơn tố cáo gửi đến báo Công an Nhân dân và An ninh Thế giới về việc báo này đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật...
Tâm nguyện của Trung tướng nhà văn, nhà báo Hữu Ước là “không phấn đấu một cái gì khác ngoài việc làm tờ báo Công An Nhân Dân - An Ninh Thế Giới và Văn Nghệ Công An cho tốt.” Để làm “tốt” chuyện này, đương sự đã lắm phen “ngậm máu phun người” - theo như cách nói (nguyên văn) của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Những người không, hay chưa, có học vị tiến sĩ thì họ nói cách khác - bỗ bã hơn chút đỉnh: ngậm cứt phun người!
Tôi cố “giảng” cho nhà tôi hiểu rằng mình thà chịu đói chớ không thể hành sử như cái đám vô lại ở báo công an, hay công an làm báo:
“Nếu coi Hữu Ước là người thành đạt thì đây là trường hợp điển hình của kẻ thành đạt vào thời nhiễu nhương thôi em ạ...”
“Hứ, ngay cả vào lúc nhiễu nhương, đục nước béo cò, thiên hạ kiếm lợi kiếm danh dễ như lấy đồ trong túi... mà anh (vẫn) kiếm không đủ tiền để ăn sáng... là nghĩa làm sao?”
Thực đúng là cái thứ “dí l... vào thơ.” Nó nói thế thì thông minh cỡ tôi, chớ có thông minh gấp đôi, cũng đành phải botay.com thôi.
*

Ghi chú:
(*) Đoạn văn thượng dẫn do ông Lý Công chuyển ngữ, và được trích từ bài nói chuyện của Robert Templer - tại cuộc hộ thảo “Vietnam: Développement et Démocratie – Perspective et Realités” - vào ngày 29 tháng 4 năm 1998, tại thượng viện Pháp. Chúng tôi in được bản dịch của bài nói chuyện này từ http://daiviet.org vào ngày 24 tháng 8 năm 2004. Hiện nay bài nói chuyện của Robert Templer không còn có thể tìm lại trên internet. Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với qúi vị phụ trách trang web Đại Việt Cách Mạng Đảng, qua địa chỉ tapchicachmang@yahoo.com, và được hồi âm vào ngày 16 tháng 8 năm 2010 như sau:
“Bài này chúng tôi có để trên trang nhà của Đại Việt, nhưng khoảng hơn năm nay, trang nhà của chúng tôi bị đánh phá không ngừng... Chúng tôi đã sửa nhiều lần, nhưng vừa sửa xong lần nào cũng bị đánh phá ngay lập tức. Hiện tại chúng tôi đang thiết kế lại toàn bộ nên không sửa lại trang nhà cũ nữa. Thành thử tìm ‘link’ của bài này trên trang nhà cũ, không biết nó nằm chỗ nào. Nếu ông chỉ cần Reference để kịp thời gian tính cho bài viết của ông, chúng tôi thiết nghĩ ông chỉ cần ‘refer’ là trích từ Tạp Chí Cách Mạng số 12 của Đại Việt Cách Mạng Đảng, trang 56, phát hành vào tháng 12 năm 1998, từ Germantown, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.