“Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Tương Lai
28-1-2018
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 31
Thức giấc sớm, nằm thao thức mãi không ngủ lại được, mở cửa ra đứng ngoài ban công nhìn trời, nhìn đất, nghĩ miên man. Buổi sáng tĩnh lặng, thường thường đầu óc tỉnh táo có thể tự lý giải cho chính mình những nghịch lý về thế sự cứ đeo đẳng, trĩu nặng trong suy tư.
Sương mù vẫn đang lãng đãng trên mặt sông. Một đốm trăng trắng di chuyển phìa bờ sông đối diện. Chú mục dõi theo, có lẽ bóng một con cò đang tha thẩn tìm mồi đem về cho con. Trong đầu thoáng gợn lên bóng dáng của “con cò mà đi ăn đêm” và lời khẩn cầu “có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con” trong bài ca dao cổ từng lay động một nỗi buồn vô căn cớ chìm sâu mãi trong hoài niệm. Bỗng trong lòng trào dâng nỗi nhớ Mẹ, niềm kiêu hãnh của tôi. Đúng, “niềm kiêu hãnh” vì hình ảnh Mẹ gọi dậy trong tôi lời nhắc nhở về một cách thế sống mà tôi đã chọn. Tôi và những cố gắng không ngừng nghỉ của mình cũng chỉ là giọt nước rơi vào trong biển cả mênh mông của cuộc đời, phải cố là giọt nước trong, đừng là giọt nước đục. Ở tuổi 83 tôi vẫn rất bé bỏng trong nỗi nhớ mẹ. Vì vậy mà trong buổi rạng đông tĩnh lặng dõi theo hình bóng con cò lúc ẩn, lúc hiện kia, nỗi nhớ ấy lại buốt nhói trái tim tôi gợi lại những điều Người đã dạy tôi không chỉ bằng lời mà bằng cách sống với trái tim yêu thương mà tôi hiểu được.
Trong một “mênh mông thế sự” trước đây trao đổi với bạn trong bâng khuâng “viết đưa ai, ai biết mà đưa” tôi đã gợi lên hình ảnh con cò trong tuyệt bút thơ của Vương Bột “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc” [Ráng chiều với cánh cò lẻ cùng bay, Nước thu cùng trời dài một sắc]. Thế rồi mới tháng trước đây, hình ảnh con cò lại cựa quậy trong tập thơ mới in còn thơm mùi mực của anh bạn thân vừa tặng. Đêm mất ngủ, nằm nhấm nháp tập thơ, chọn được một tứ thơ mà riêng tôi [có thể rất chủ quan và tùy tiện] cho là hay nhất trong cả tập thơ của bạn.
Đẹp biết bao con cò bay một mình
Và…
Hạnh phúc biết bao người đi một mình
Một mình thực sống
Ý niệm về “thực sống” chắc là rất khác nhau tùy theo tính cách, bản lĩnh cũng như nhận thức và cá tính của từng người chẳng ai giống ai! Có khi chỉ để một mình mình biết, một mình minh hay. Khi chọn tứ thơ cho là hay này, tôi không là người chọn sự cô đơn, cô độc trong nỗi niềm mê đắm tự huyễn hoặc để cao ngạo với đời rằng tất cả say, chỉ mình ta tỉnh, tất cả đục, chỉ mình ta trong. Mà chọn vì người làm thơ đã gắn hình ảnh “người đi một mình ” với sự thảm hại của “tâm lý bày đàn” với hình ảnh
“Đàn cò bay vòng vo
Con đầu đàn đậu cả đàn cùng đậu
Con đầu đàn bổng cả đàn cùng bay…
…Con đầu đàn ngậm miệng
Cả bọn nhắm mắt lặng yên
Con đầu đàn quang quác
Cả bọn đồn loạt tác tác!…
Chính vì vậy mà đúng là “đẹp biết bao con cò bay một mình”! Không biết câu thơ của bạn tôi có bị ám ảnh hay vương vấn gì vời hình tượng thơ tuyệt đẹp của một trong từ kiệt thời Sơ Đường bên Tàu, song le gặp gỡ trong cảm xúc của thi nhân thì càng làm cho tứ thơ được nâng cao để rất mực khác nhau chứ có gì phải kiêng kỵ.
Thế rồi căng mắt dõi theo thấp thoáng bóng con cò bên bờ sông đối diện vào lúc tranh tối tranh sáng mà đắm mình trong miên man những suy tư và hoài niệm. Đã là hoài niệm, thì với tôi, trong sâu thẳm tâm tư, chẳng hiểu tại sao cứ luôn ngân lên những giai điệu buồn.
“Có xáo thì xáo nước trong. Đừng xáo nước đục” có cái gì lớn lao hơn nhiều đã được ủ kín trong lời ca dao mộc mạc, thậm chí là thô thiển với ngôn từ có phần hơi gượng ép sao cho khớp với vần điệu về chuyện “con cò mà đi ăn đêm” với “ông ơi ông vớt tôi nao” để “có lòng nào ông hãy xáo măng” mà dẫn đến “nước trong” và “nước đục”! Thật ra thì chính cái thô thiển cố tình này càng làm tăng thêm sức lay động của hình tượng con cò đơn chiếc kia. Vì rằng cái được ủ kín trong nỗi niềm cò mẹ “mà đi ăn đêm đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” là nỗi khẩn cầu đừng làm “đau lòng cò con”?
Đây là niềm kiêu hãnh của một khát vọng cao thượng thấm đẫm chất nhân văn, nâng khát vọng ấy lên cao vời vợi trong triết lý sống gửi vào trong cái chết. Một đòi hỏi về một cách thế sống. Cao hơn nữa là một giá trị sống. Đòi hỏi không chỉ cho cò mẹ, tức là cho “cái tôi” của chủ thể, mà quan trọng hơn, khẩn thiết hơn là cho “con tôi”, cho “cò con”! Toàn bộ sức nặng trong ý tứ của bài ca dao dồn hết vào nỗi niềm sâu thẳm “đau lòng cò con” này đây!
Vả chăng chuyện “trong và đục” không có gì mới. Châm ngôn “sống đục không bằng thác trong” từng là lời nhắc nhở cho một cách thế ứng xử, một bản lĩnh sống”. Chỉ riêng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bao lần gửi gắm tâm sự trong chuyện “Đục trong thân cũng là thân” ấy mà đưa ra những nguyên lý ứng xử của người biết trân trọng đạo lý làm người. Những câu này từng được thuộc nằm lòng trong nhiều thế hệ Việt Nam. Chỉ có điều, tất cả đều là tự răn mình, là lời tự thán “lỡ làng nước đục bụi trong, trăm năm để một tấm lòng từ đây” hoặc có khi không vận dụng vào cái chết mà còn để nói đến sự sống “bụi nào cho đục được mình ấy vay” và “thân tàn gạn đục khơi trong, là nhờ quân tử khác lòng người ta…” mà hiếm thấy, đúng hơn là chưa có một cái gì giống với nỗi lòng của cò mẹ quằn quại vì viễn ảnh “đau lòng cò con”. Chính vì lo cho phẩm giá, danh dự của con mà cò mẹ chẳng mảy may nghĩ đến tai họa đang ập đến cho mạng sống của mình, chỉ dồn sức vào lời khẩn cầu da diết xin đừng làm “đau lòng cò con”
“Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Ý tại ngôn ngoại. Liệu có thể vận dụng điều đó vào hình tượng con cò đi kiếm mồi cho con vào bao đêm trong bài ca dao mộc mạc này không? Cũng có thể. Song có lẽ điều quan trọng hơn là cố nhìn cho thấu cái chiều sâu thẳm ở tầm triết lý của sự giằng xé đau đớn trong lòng người mẹ nói riêng và người có lương tri và biết tôn trọng phẩm giá làm người nói chung về thế hệ con mình cần phải sống sao cho xứng là cuộc sống con người.
Bóng cò mẹ lầm lũi giữa buổi sáng mờ sương bên bờ sông kia khiến tôi thoáng nhớ đến một kiến giải của Alexandre Dumas về hai loại tư tưởng, một loại được hình thành từ cái đầu và một loại xuất phát từ trái tim. Kiến giải này cũng có cái lý của nó. Nhưng tôi được thuyết phục hơn bởi sự hòa quyện khó tách rời giữa nhận thức và niềm xúc cảm, giữa bộ óc và trái tim. “Có một nghịch lý là: khi bạn yêu thương đến mức chấp nhận mọi thương đau, thì bạn sẽ không còn cảm thấy đau đớn nữa, bạn sẽ chỉ thấy mình yêu thương nhiều hơn“. [Mẹ Theresa, Nobel Hòa bình năm 1979]. Giản dị và thấm thía hơn là lời của Albert Camus: “Cái tôi mong muốn là sống và chết cho điều tôi yêu” [Giải Nobel văn chương năm 1957]. Chính ý tưởng này đã giúp tôi tự lý giải cho mình vì sao mà hình bóng “con cò mà đi ăn đếm” kia đã trào dâng trong tôi nỗi buồn nhớ mẹ khôn nguôi.
Đây chính là điểm tựa để thấu hiểu cái chiều sâu thẳm ở tầm triết lý trong khát vọng của “cò mẹ” trước cái chết trong bài ca dao mộc mạc kia. “Cò mẹ” sống cũng vì cuộc sống của “cò con”. Một mình tha thẩn tìm mồi nơi bến sông mù sương khi chưa có tia sáng mặt trời chắc là vì “cò con” đang đói. Rồi khi đối diện với cái chết thì “cò mẹ” dồn hết sinh lực còn lại cho một viễn ảnh cần phải có của con mình, một khát vọng cao cả làm sao để khỏi “đau lòng cò con”?
Từ cái chiều sâu thẳm trong triết lý của bài ca dao cổ mà dẫn ra ý tưởng của một huyền hoại của thế kỷ XXI Steve Job qua đời cách nay 7 năm. cha đẻ của “Apple” với những iPot [2001], iPhone [2007], iPad [2010] quá quen thuộc với mọi người. Để làm gì? Để hiểu rằng, tự cổ chí kim, mối suy tư về phẩm giá nung nấu trong khát vọng sống là ánh phản chiếu phần thầm kín và cao cả nhất của con người: “Nhớ rằng tôi sẽ chết, đó là công cụ quan trọng nhất tôi từng có để giúp mình thực hiện những lựa chọn lớn trong cuộc đời… Nhớ rằng bạn sẽ chết, đó là cách tốt nhất tôi biết để tránh cái bẫy suy nghĩ rằng bạn vẫn còn thứ để mất. Bạn thực chất chẳng có gì. Không có lí do để không đi theo trái tim”. Trái tim của thế hệ đi trước dành chỗ cho nỗi lo âu về cuộc sống sao cho xứng đáng của thế hệ tiếp bước mình. Sự mách bảo của trái tim là ngọn nguồn của lòng nhân ái và tình yêu cuộc sống. Phải chăng điều này là sự thiếu hụt đáng sợ nhất trong cái xã hội mà ta đang sống? Cái môi trường nhiễu loạn của sự uế tạp và nhày nhụa đang bao vây chúng ta đây, bầu không khí ô nhiễm của dối trá, bịp bợm và lừa mị đang đầu độc đời sống tinh thần, hủy hoại tư tưởng và tình cảm, làm băng hoại tính nhân bản, nhân văn của cả xã hội rồi sẽ tạo ra một lớp trẻ ra sao đây?
Cái bức tường đang giam cầm chúng ta do chính chúng ta xây nên dưới sức ép của bạo lực và sự lừa dối của chuyên chế độc tài và toàn trị phản dân chủ. Chúng ta phải gánh chịu hệ quả của sự thuần phục và thần phục do sự yếu đuối và đớn hèn của chúng ta. Đúng vậy! Nhưng đâu chỉ có thế! Nguy hiểm hơn, tệ hại hơn là con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu cái hệ lụy thảm thương ấy. Liệu những ai trong chúng ta có được nỗi lòng và sức mạnh của “con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” kia không? Thì hãy lấy ngay những ví dụ nóng hổi của những ngày vừa qua để thấy được cả một lớp trẻ được nuôi dưỡng trong cái môi trường xã hội nhiễu nhương này đang giãy giụa ra sao.
Những phần tử ưu tú còn nặng lòng vì đất nước, giàu khát vọng về tự do thì bị tống vào tù, bị đàn áp bằng dùi cui nắm đấm, bị lăng mạ bởi một mạng lưới đầu độc của thông tin và truyền thông kiểu Goebels cùng đám dư luận viên và đội cờ đỏ, hậu duệ của lớp hồng vệ binh kiểu Mao. Cái ghế quyền lực càng lung lay, rệu rã thì sức trấn áp của bạo lực và lừa mị càng gia tăng nhằm răn đe bằng sự sợ hãi trong tuổi trẻ và cha mẹ ông bà họ để kéo dài chút nào hay chút ấy chuỗi ngày tàn vào buổi hoàng hôn của một triều đại. Phải răn đe vì dù lú lẩn đến đâu cũng phải thấy ra được rằng, càng theo sự chỉ dạy của các thầy Tàu thì càng khơi dậy tâm thức chống kẻ thù truyền kiếp vốn đã chìm sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội Việt. Mà thông thường, vượt qua được sự sợ hãi luôn đòi hỏi những dữ kiện cần thiết.
Nhưng ngay khi chưa vượt qua được thì trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam, tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc vẫn âm ỉ chỉ chờ có dịp sẽ bùng lên. Cứ nhìn sự hân hoan cuồng nhiệt của lớp trẻ trước chiến thắng của tuyển bóng đá U 23 Việt Nam trong trận bán kế t để chuẩn bị bước vào trận chung kết thì thấy rõ sự hẫng hụt đã kéo dài quá lâu của tinh thần dân tộc và ý chí quật cường. Rõ ràng là hẫng hụt chứ không là mất đi nên khi có dịp thì tinh thần ấy, ý chí ấy bật dậy, đó là điều đáng mừng. Việc hòa mình vào cái biển người mà tuyệt đại bộ phận là tuổi trẻ của ông Vũ Đức Đam để cùng hồn nhiên bộc lộ sự phấn khích cùng họ trong niềm vui bóng đá cũng là điều đáng mừng và đáng khích lệ. Mừng, vì khi cùng với họ chia sẻ niềm vui, và khích lệ để ông phó thủ tướng còn nhiết huyết và lòng tự trong rồi cũng biết chia sẻ nỗi buồn và lòng phẫn nộ của họ khi lòng yêu nước và ý chí quật khởi phải đương đầu với dùi cui, nắm đấm. Và cũng để hiểu được rằng, bị dồn nén quá chặt thì khi bung ra có thể gây nên đổ vỡ. Vấn đề là biết phát huy sức mạnh ấy như thế nào, hướng nó vào đâu?
Liệu có phải thay vì nhìn thấy ở đó một nguồn lực đẩy tới sự thay đổi diện mạo đất nước theo hướng văn minh tiến bộ thì ai đó lại sợ sức mạnh ấy khi được bung ra sẽ là mối nguy cho thể chế toàn trị phản dân chủ, nên cố lái sức mạnh ấy vào ngõ cụt của sự lừa mị và ngu dân! Đáng lý phải từ sức mạnh ấy mà tin vào tuổi trẻ, tạo điều kiện cho họ bộc lộ khát vọng chính đáng về quyền tự do và dân chủ, quyền được sống xứng đáng với truyền thống quật cường của cha ông mình, thì với một cách nhìn thiển cận và thực dụng, lại đánh trống khua chiêng cố để cho những người nhẹ dạ cả tin quên đi cái thực trạng tồi tệ và bế tắc đang trùm lấp lên xã hội. Lố bịch hơn nữa, nghe đâu có tờ báo nọ lại phát rồ giật môt dòng chữ đậm khi U 23 Việt Nam thắng trận bán kết là biểu hiện của “thế nước mạnh, vận nước lên”.
Cho nên không có gì khó hiểu khi sự cuồng nhiệt dẫn đến sự cuồng loạn khiến phải huy động một lực lượng rất lớn để đề phòng những bất ngờ có thể xảy ra. Có chuyện thần hồn nát thần tính ở đây, nhưng cũng ở đây bộc lộ sự khiếp sợ sức mạnh của những người đẩy thuyền và lật thuyền có thể lật nhào thế lực bạo quyền độc tài toàn trị phản dân hại nước! Thì đó, sự cuồng loạn đến mức điên rồ như cô gái nọ tự lột bỏ mọi thứ kể cả quần lót để trần truồng trước đám đông mà cổ vũ bóng đá. Một khi mất phương hướng, lớp thanh niên bị kìm kẹp có thể làm chuyện rồ dại khó lường. Sự đáng trách cô gái buông tuồng kia một, thì mười lần, trăm lần phải trách cứ cái hậu quả của sự băng hoại về đạo lý và sự sa đọa của hệ thống giáo dục, con đẻ của thể chế chính trị thối nát đang làm băng hoại niềm tin vào một lý tưởng cao cả làm hướng đi cho cuộc sống. Đừng quên rằng cô gái trần truồng kia lại khoác ra ngoài sự buông tuồng ấy lá cờ tổ quốc!
Với những điều đang nói thỉ e rằng mối bận tâm về nỗi khắc khoải của “cò mẹ” vừa dẫn ra chẳng để làm gì, sự chọn lựa “trong”, “đục” của mối lo “đau lòng cò con” sẽ trở nên lạc lõng và thừa thãi khi những toan tính của thế lực cầm quyền không chút đoái hoài đến chuyện phẩm giá làm người của chính họ thì sao có thể nói đến sự tanh bành đảo lộn hệ thống giá trị xã hội trong guồng máy xã hội làm băng hoại phẩm giá làm người của lớp trẻ.
Chẳng những thế, sa đà theo cuộc chiến nội bộ nhằm thanh toán đối thủ chính trị, người ta không chút ngần ngại lột truồng những nhơ nhớp bẩn thỉu của chính những người mà trước đây từng được tung hô là đạo cao đức trọng khi đang ngất nghểu trên cái ghế quyền lực do họ ban cho nhau, hay bằng những thủ đoạn nham hiểm mà giành được. Khi chiếc lá nho đã bị lột bỏ thì những gì là “tinh hoa” của thể chế toàn trị phản dân chủ tự trình làng những cái lâu nay dấu kín. Rồi cả mạng lưới báo chí và hệ thống truyền thông ăn theo nói leo ào ạt tung lên mặt báo, màn hình, những cuộc phổ biến thời sự, học tập nghị quyết lại góp phần đắc lực nhân lên cấp số nhân những xấu xa, thối nát của các tội đồ!
Chao ôi, quả đúng như lời thơ của bạn tôi:
Thánh nhân ngậm tiếng, cả bọn nhắm mắt làm thinh
Thánh nhân tác tác, đám đông đồng loạt quác quác
Một cơn co giật điên loạn của thế sự xảy ra ở bên Tàu được lập lại thật trung thành và sinh động làm rối tung cái hệ thống giá trị vốn đã bị xáo trộn bởi những thủ đoạn chính trị bẩn hỉu ở “bên ta”. Sự băng hoại khủng khiếp nhất, có sức tàn phá nặng nề nhất của phẩm tính làm người là phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật sự quỳ gối trước kẻ thù cướp nước, điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam. Càng cao đàm khoát luận, càng nói trời nói đất chỉ càng làm đổ vỡ niềm tin, càng dày thêm sự khinh bỉ và nguyền rủa cái mô hình cũ nát đã bị thế giới loại bỏ từ lâu nhưng vẫn ngự trị ở một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá lại đang tiếp tục bị ô nhiễm bởi sự thối rữa của một thây ma chưa chịu chôn đi.
Cũng dễ hiểu thôi, khi cuộc tranh bá đồ vương bằng mưu ma chước quỷ học được từ thầy Tàu hiện đại nhằm loại bỏ đối thủ chính trị đã chiếm hết toàn bộ thời gian, tiêu hao toàn bộ sức lực, thì còn đầu óc nào mà lo lắng đến sự băng hoại của đạo lý dân tộc, mà quan tâm đến sự giữ gìn phẩm giá con người, mà băn khoăn đến ngày mai tối tăm của lớp trẻ! Vả lại, đào đâu ra “nước trong” khi “suối đã đục dòng” * vì khởi nguồn từ Bắc Kinh.
Phải chăng chúng ta và đau đớn hơn, lớp trẻ của chúng ta, đang phải “sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, như tất cả mọi người trong những cơn co giật cuả thời đại…” tựa như những lời da diết trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương của Albert Camus! Vậy đành an bài với số phận, quy hàng trước sự điên loạn của bạo lực, chấp nhận những co giật của thực trạng rồ dại để rồi cam chịu thân phận chư hầu sao?
Không. Tuyệt đối không!
Thì chẳng phải chính Camus đã quyết liệt đòi hỏi “phải bắt đầu cuộc tìm kiếm cái gì là giá trị chính đáng…phải tự rèn luyện một nghệ thuật sống trong thời thảm họa, để được sinh ra một lần nữa và sau đó đối mặt chống lại cái bản năng hủy diệt đang hoành hành trong lịch sử của chúng ta. Khi chúng ta thừa hưởng một lịch sử đồi bại, thời kì pha trộn những cuộc cách mạng thất bại, những kĩ thuật đang trở thành những điều điên rồ, những thần linh đã chết và những hệ tư tưởng kiệt sức, thời kì của những quyền lực tầm thường đủ sức hủy diệt nhưng không có sức thuyết phục ai, thời kì trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết. Thế hệ này đã chấp nhận cuộc thách thức kép của chân lí và tự do. Và nếu có phải chết nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách thức ấy. Chính thế hệ này đáng được chào đón và khích lệ ở khắp nơi nó đang hiện diện, và nhất là ở nơi nào nó đang xả thân”.
Không ai khác, chính những người con ưu tú của đất nước “đang hiện diện, và nhất là ở nơi nó đang xả thân” phải gióng lên tiếng chuông thức tỉnh về nỗi lo cho phẩm giá con người Việt Nam hôm nay và ngày mai. Tiếng chuông thức tỉnh đó cũng là tiếng chuông giục giã quyết liệt đòi trả tự do cho những người trẻ “đang xả thân” cho tư do thay vì “đáng được chào đón và khích lệ” thì lại đang bị đày đọa trong lao tù.
Khi đã dám “chấp nhận cuộc thách thức kép của chân lí và tự do” thế hệ trẻ với “niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết” sẽ biết cách vượt qua sự sợ hãi để hành động theo phương châm “sống đục không bằng thác trong”. Và lớp “cò con” rồi sẽ không còn phải chịu nỗi đau, vì thế hệ “cò mẹ” biết giữ trọn phẩm giá của mình.
_____
*Xem “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”, Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 29
Ngày 27.1.2018
_____
Mời đọc lại: Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10: Thật đáng xấu hổ! — Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng — Số 12: Thế Sự Du Du — Số 13: Chân lý là cụ thể — Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi — Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi” — Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai — Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương — Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần — Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc — Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! — Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố — Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân — Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta — Số 25: Chuyện cũ viết lại — Số 26: Chuyện cũ viết tiếp — Số 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” — Số 28: Thế sự cong queo — Số 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” — Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.